Một góc nhìn khác về ”Phúc”, ”Lộc” và ”Thọ”

 

Nguyễn Trọng Lưu

 

 Nguyên ngữ của ba từ “phúc, lộc và thọ”

Từ “Phúc – gồm có bốn chữ tượng hình. Chữ thứ nhất bên trái là bộ kỳ () chỉ về thần ()

tức “Ông Trời” hay “Đức Chúa”. Bên phải có ba chữ nữa là: Nhất () là một; khẩu () là miệng và điền () là ruộng vườn. Kết hợp của bốn chữ tượng hình trên sẽ làm thành từ “phúc” hay “phước” – có nghĩa là: “một người có ruộng vườn và có Đức Chúa ở bên cạnh”. Như vậy, người xưa đã quan niệm rằng người được phúc là một người không chỉ có tài sản ruộng vườn, đất đai mà còn có mối quan hệ với Đức Chúa là Đấng tạo dựng nên mình: Ngài là nguồn mọi ân phúc và con người là “linh ư vạn vật”.

 Từ “Lộc – gồm 12 nét – là một chữ hình thanh. Bên trái là “bộ thị –” – bên phải là  chữ “lục – . Trong tiếng Hán, những chữ chứa “bộ thị” thường liên quan đến chúc phúc, lễ bái thờ cúng tế tự hoặc thần tiên. Người xưa quan niệm, “lộc” là do trời ban nên có bộ thị, còn chữ lục ở đây nghĩa là ghi chép, đóng vai trò biểu âm tạo âm cho chữ “Lộc”. “Chữ Lộc –  mang ý nghĩa phúc khí tốt lành, bổng lộc vua ban. Ngày nay, ý nghĩa này bao gồm cả quan lộc, của cải và địa vị nữa. Chữ “Lộc” trong đời sống con người còn là sự may mắn, hạnh phúc viên mãn, sinh sôi nảy nở. Bởi vậy, người dân có tục “hái lộc đầu năm mới” với hi vọng tài lộc đến với gia đình. “Lộc” cũng tượng trưng cho mùa xuân với sự phát triển mạnh mẽ với thành quả đủ đầy. Bởi vậy, chữ “Lộc” hàm ý nhắc nhở mỗi người cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được những thành công mới.

 Từ “Thọ” theo chữ Hán xếp vào bộ sĩ gồm có 5 chữ cấu thành:

– “Chữ sĩ xếp trên đầu chữ Thọ”. “Sĩ” nghĩa đen là học trò, học rộng là sự hiểu biết, là tư duy. Như vậy điều đầu tiên muốn sống lâu thì bộ óc luôn luôn phải suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo. Thường xuyên suy nghĩ sáng tạo sẽ giúp ta sống lâu. Người ta cũng thường nói những suy nghĩ sâu sắc nhất thường chỉ có ở tuổi già.

– “Chữ thứ 2 của chữ Thọ là chữ Nhị”, nghĩa đen là hai, còn nghĩa rộng ra là quan hệ giao lưu qua lại. Người già muốn sống lâu phải thường xuyên giao tiếp, tìm đối tác, trao đổi các lãnh vực của đời sống như văn hóa, chính trị, khoa học, kinh tế xã hội. Việc giao tiếp này cũng có nghĩa là nâng cao năng lực tư duy, giải tỏa những mắc mớ làm cho đầu óc thanh thản.

– “Chữ thứ 3 của chữ Thọ là chữ Công”, nghĩa là vận động. Người già muốn sống lâu cần vận động theo sức lực của mình; trong vận động đáng chú ý nhất là đi bộ. Tuy nhiên đối với người đau khớp gối, khớp háng lại nên chỉ đi bộ vừa phải.

– “Chữ thứ 4 là chữ Thọ là chữ Khẩu”, nghĩa là miệng – có nghĩa phát ra lời nói. Chữ Khẩu trong chữ Thọ có nghĩa trừu tượng hơn: luôn nói lời hay ý đẹp sẽ được mọi người yêu mến, sống vui vẻ và sống lâu.

– “Chữ thứ 5 là chữ cuối cùng của chữ Thọ là chữ Thốn” – nghĩa đen là “tấc”, nghĩa rộng là sự đo đếm, là mực thước. Chữ này ở trong chữ Thọ là quy định bốn hoạt động trên đây đều nên ở một mực thước nhất định; là định lượng các hoạt động ở một mức thích hợp cho từng người chứ không phải cho tất cả mọi người.

 “Ngũ phúc” trong Kinh Thư

Vào khoảng 500 năm trước công nguyên,  trong “Kinh Thư”Khổng Tử  đã có quan niệm về “ngũ phúc” – bao gồm: “trường thọ”, “phú quý”, “an khang”, “hảo đức”“thiện chung”:

“Trường thọ”: mệnh không chết sớm, mà có tuổi thọ lâu dài.

“Phú quý”: tiền tài dư dật hơn nữa còn có địa vị tôn quý.

“An khang”: thân thể khỏe mạnh và tâm linh an bình.

“Hảo đức”: tấm lòng lương thiện và nhân hậu trầm tĩnh

“Thiện chung”: có thể dự đoán được ngày chết của mình. Phút cuối cùng trong đời, không gặp phải tai họa bất ngờ, thân thể không ốm đau, trong nội tâm không lo lắng hay phiền não, an tường tự tại mà rời khỏi nhân gian.

Toàn bộ “ngũ phúc” hợp lại mới tạo thành một cuộc sống trọn vẹn hạnh phúc – mà một khi tách rời hay không đủ cả năm yếu tố này, thì “ngũ phúc” không trọn vẹn nữa. Ví dụ, có người trường thọ lại nghèo hèn qua ngày, có người phú quý nhưng thân thể lại không tốt, có người nghèo hèn mà thiện chung, có người phú quý lại gặp tai họa bất ngờ.

Trong “ngũ phúc”, quan trọng nhất là phúc thứ tư “hảo đức”. “Hảo đức” chính là có được tấm lòng lương thiện, nhân hậu trầm tĩnh, đây là tướng có phúc nhất. Bởi vì đức là căn nguyên của phúc, phúc là kết quả của đức tạo thành. Chỉ có “hảo đức” mới có thể nuôi dưỡng bốn phúc khác, khiến chúng không ngừng lớn mạnh, mà phần này chúng ta có thể hoàn toàn khống chế, cho nên những người già thường nói phải tích đức làm việc thiện.

Quan điểm của người Việt về “ngũ phúc

Khác với quan điểm của Khổng Tử về “ngũ phúc” – mà chúng tôi vừa trình bày ngắn gọn ở trên -người Việt có quan điểm rõ hơn và thực tế hơn về năm điều hạnh phúc trong cuộc sống. Đó là “phú – quý – thọ – khang – ninh”.

 

Phú: giàu về tiền bạc, vật chất.

Quý: đài các, sang trọng, phong lưu.

Thọ: sống lâu để hưởng phúc.

Khang: khỏe mạnh.

Ninh: sống yên ổn, an lành.

Quan nệm này của người Việt thật dễ hiểu, ngắn gọn nhưng bao hàm đầy đủ về ước mơ hạnh phúc của con người .

 

 Biểu tượng của ngũ phúc 

 

 

Người xưa hay dùng hình ảnh “con dơi” như biểu tượng của ngũ phúc. Từ “con dơi” đọc theo tiếng Hán đồng âm với chữ “phúc” – vì vậy người ta tin rằng “con dơi” sẽ đem lại trường thịnh và thành công. 

Dưới triều các hoàng đế Mãn Châu, “dơi” chỉ đứng hàng thứ hai sau “rồng”. Trong số những biểu tượng may mắn thêu trên long bào, dơi đỏ được thêu nhiều nhất, nó thường xuất hiện cùng với hình ảnh mây và nước trên long bào.

“Thọ”: nghĩa là sống lâu để hưởng phúc – vì vậy hình ảnh năm con dơi ngậm chữ “thọ” chính là biểu tượng cho “ngũ phúc”.

 

Ba ông “Phúc-Lộc-Thọ” hay “các ông Tam Đa”

Ngày nay khá nhiều người không biết đến ”ngũ phúc”– mà chỉ biết đến ba ông Phúc – Lộc – Thọ còn được gọi là “các ông Tam Đa” – mang ý nghĩa may mắn, tài lộc, sức khỏe mà thôi.

Câu chuyện về nguồn gốc các ông Tam Đa thường được kể lại rằng:

“Ngày xưa, có vua Nghiêu luôn yêu thương nhân dân như con như cháu. Vào một ngày đầu xuân, vị hoàng đế này quyết định đi thăm toàn dân. Người dân gặp hoàng đế đều vô cùng vui mừng, chào đón và chúc tụng người. Mọi người đều chúc vị vua đáng kính này ba điều:

– Chúc nhà vua trường thọ.

– Chúc nhà vua thật nhiều phú quý, lộc tài.

– Chúc nhà vua sinh nhiều con trai, phúc ấm cho cả hoàng tộc.

Nhưng Ngài không chấp nhận ba điều này, mà lại ban những lời chúc tụng của người dân thành ba điều: “đa phúc, đa lộc, đa thọ” – gọi là “tam đa” cho cả trăm dân bách tính.

Cũng chính từ sự thương yêu dân chúng như con của vua Nghiêu mà những lời chúc Tết đầu năm từ đó trở đi đều là chúc nhau “tam đa”. Tượng ba ông Tam Đa cũng từ đó mà xuất hiện.

Ba ông “tam đa” xuất phát từ đâu?

Hình ảnh của ba ông Phúc – Lộc – Thọ được xuất phát từ con người có thật ở ba triều đại phong kiến của Trung Quốc.

“Ông Phúc”, tên thực là Quách Tử Nghi – là thừa tướng đời nhà Đường. Ông xuất thân từ một gia đình quý tộc, giàu có nhưng luôn sống là một vị quan thanh liêm, được mọi người yêu quý.

Vì là một vị quan thanh liêm nên cuộc sống của ông lại không hề giàu sang như nhiều người tưởng. Đổi lại nhà ông ngũ đại đồng đường, con cháu đề huề. Lúc ông mất, con cháu năm đời đều có đủ. Ông và vợ thọ 83 tuổi, khi mất thì được con cháu hợp táng.

“Ông Lộc”, tên thật là Đậu Tử Quân, từng làm đến chức thừa tướng nhà Tấn. Nhưng ông Đậu Tử Quân lại là một quan tham lam. Ông đã lấy không biết bao nhiêu vàng bạc, châu báu, cùng đồ đút lót của những kẻ nịnh thần, mua quan, bán tước, chạy tội. Của cải để trong nhà ông không thể đếm xuể, nhưng ông lại không có cháu đích tôn. Cũng từ sự việc đó mà ông buồn chán, sinh bệnh mà qua đời. Khi mất, ông không nhắm nổi mắt và trước khi ra đi ông than rằng: “Lộc ta để cho ai đây? Ai sẽ thắp nhang cho tổ tiên và cho bản thân ta?”

Còn “Ông Thọ”, tên thật là Đông Phương Sóc, là thừa tướng đời Hán. Ông luôn tâm niệm làm quan thì phải lấy lộc. Ông coi “buôn chính trị” là cái buôn khó nhất, lãi to nhất. Dù nổi tiếng háo sắc nhưng ông vẫn được coi là vị quan liêm chính – vì ông không nhận đút lót của ai hết, mà chỉ nhận lộc của vua ban. Ông Đông Phương Sóc hưởng thọ 125 tuổi nên được mọi người gọi là ông “thọ”. Khi ông qua đời thì con cháu đã mất cả, chỉ còn lại đứa chút bốn đời lo tang ma.

Tam Đa là hình ảnh gắn liền của ba ông Phúc – Lộc -Thọ không thể tách rời, là biểu tượng của sự bù trừ, cộng hưởng đối với nhau. Thế nên, đây cũng chính là những mong ước và niềm khao khát của nhiều người: muốn có phúc như Quách Tử Nghi, có lộc như Đậu Tử Quân và mong sao có được tuổi thọ trường tồn của Đông Phương Sóc.

 

 Một góc nhìn khác về “phúc, lộc, thọ”

Từ những quan niệm khác nhau về “phúc, lộc, thọ” vừa mới lược qua, chúng tôi mạo muội đặt ra câu hỏi: liệu chúng ta có thể tạo ra một góc nhìn khác về “phúc, lộc, thọ” trong nhãn quan Kitô giáo được không?

Nhiều người nghĩ rằng bộ ba “phúc-lộc-thọ” gợi đến “Tam Vị Nhất Thể – Một Chúa Ba Ngôi”, mầu nhiệm chính của công giáo, không thể lý giải với trí tuệ của con người, mà chỉ có thể “hiểu” được bằng “đức tin”: một mà ba, ba mà một.

Trong Cựu Ước, ”Phúc” được nhắc tới nhiều lần: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.” (Tv 1, 1-2) “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người.” (Tv 128, 1)

Trong Tân Ước, Đức Yêsu thường nhắc đến “phúc”. Ngay trong bài giảng trên núi (Mt 5, 3-12) – còn gọi là “bát phúc” hay ”tám mối phúc thật” – Ngài đã nói ngay tới “phúc”. Có lần Ngài cũng nói với Phêrô: “Này anh Simon, con ông Yôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thày, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17)

Khi nói tới “phúc”, thì đã hàm ý có “lộc”. ”Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người: “Đức Chúa đã đổ muôn vàn phúc lộc xuống cho chủ tôi!” (Sáng thế, 24, 35)

Có sinh ắt có tử. Nhưng nào ai muốn chết yểu hoặc chết sớm đâu. Điều đó cò nghĩa là ai cũng mong được sống lâu, sống thọ, càng thọ càng tốt: “Cho dù con gặp bước ngặt nghèo, Chúa vẫn bảo toàn mạng sống con” (Tv. 138, 7): “Bảo toàn mạng sống” tức chưa bị chết. “Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những kỳ công Chúa làm” (Tv. 118, 17): không phải chết, tức còn được sống thêm, được tăng tuổi thọ.

Tuổi thọ còn liên quan tới mười điều răn: “Ai kính sợ Đức Chúa sẽ được trường thọ, còn tuổi đời người ác bị rút ngắn đi” (Châm ngôn 10, 27); “Lòng kính sợ Đức Chúa khiến tâm hồn sung sướng, cho con người được hoan hỷ mừng vui và được khang an, trường thọ!” (Huấn ca 1, 21). Tuổi thọ cũng liên quan đến chữ hiếu: “Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng!” (Huấn ca 3, 16) – và cũng liên quan đến cách sống trung thực: “Ai khinh chê lợi lộc bất chính sẽ được trường thọ” (Châm ngôn 28, 16). Tựu trung, có tuổi thọ là nhờ vào lòng mến Chúa yêu người: ”Gốc rễ của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa, cành lá của khôn ngoan là cuộc đời trường thọ!” (Huấn ca 1, 20)

Lời nguyện cầu “Phúc, Lộc, Thọ”

Một khi nhìn ra Đức Chúa chính là cội nguồn của “phúc, lộc, thọ”- chúng ta hãy thầm nguyện cho chính mình và cho hết mọi người thân thương:

 

“Lạy Chúa là suối nguồn hạnh phúc của cuộc đời con, ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc? Xin cho con đừng giây phút nào rời xa Chúa. Xin thanh tẩy tâm con khỏi mọi bợn nhơ, và cho con được liên lỉ kết hiệp làm một với Chúa trong mọi sự. Chỉ mong con chẳng còn gì, để nhờ thế con được có Chúa là tất cả của con. Chỉ mong ý muốn trong con chẳng còn gì, để nhờ thế con cảm thấy Chúa ở mọi nơi, mọi lúc; để con có thể đến với Chúa qua mọi thứ, mọi điều và dâng lên Chúa trọn vẹn tình con. Chỉ mong con chẳng còn gì, để nhờ thế chẳng bao giờ con lẩn tránh Ngài. Chỉ mong những ràng buộc trong con chẳng còn gì, để nhờ thế con trói buộc thân mình vào ý Chúa muốn, và nhờ thế, con thực hiện ý muốn của Chúa trong suốt đời con. Ý muốn đó chính là tình yêu của Chúa ràng buộc trái tim con!”

Cầu xin Đức Chúa ban hồng ân “Phúc, Lộc, Thọ” của Ngài đến hết mọi người trong năm Nhâm Dần 2022 này.