(Sứ điệp ”Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 55”)

 Nguyễn Trọng Lưu

 

 

 

Lịch sử ”ngày hòa bình thế giới”

Ngày 04.10.1965, trong diễn văn lịch sử đọc trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc – nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tổ chức này, Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 đã long trọng nhắc lại sứ vụ khó khăn – nhưng là sứ mệnh cao quý nhất của Liên Hiệp Quốc: đó là “Hành động để nối kết các quốc gia, để liên kết nước này với nước khác, là nhịp cầu, là mạng lưới tương giao giữa các dân tộc, là kiến tạo tình huynh đệ không phải chỉ cho một số, mà cho tất cả các dân tộc…” – và ngài tha thiết kêu gọi: “Đừng bao giờ có chiến tranh! Hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh các dân tộc và của toàn thể nhân loại”.

Để biểu lộ quyết tâm của Giáo Hội đối với vấn đề công lý và hòa bình, năm 1967 – Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 cũng đã thiết lập Hội Đồng Giáo Hoàng “Công lý và Hòa bình”. Và cũng từ năm 1968, ngài thiết lập thêm ”Ngày hoà bình thế giới”. Từ đó, hàng năm theo thông lệ, vào ngày 01 tháng giêng, các vị Giáo Hoàng sẽ công bố một sứ điệp hòa bình với một chủ đề rõ ràng.

Trong triều đại của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16, Ngài đã có những sứ điệp hòa bình như sau: ”Chỉ trong sự thật mới có hòa bình”; ”Nhân vị, trọng tâm của hòa bình”; ”Gia đình nhân loại: cộng đồng hòa bình”; ”Bài trừ nghèo đói, xây dựng hòa bình”; ”Nếu bạn muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo tồn thiên nhiên”; ”Tự do tôn giáo, con đường dẫn đến hòa bình”; ”Giáo dục người trẻ về công lý và hòa bình”; ”Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình”

Cho đến nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có các sứ điệp hòa bình sau: ”Tình huynh đệ, nền tảng và con đường dẫn đến hòa bình”; ”Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em với nhau”; ”Vượt thắng thờ ơ và giành lấy hòa bình”; ”Bất bạo động: một hình thái chính trị vì hòa bình”; ”Di dân và tị nạn: những người nam nữ tìm kiếm hòa bình”; ”Chính trị tốt phục vụ hòa bình”.

”Ngày hòa bình thế giới của Liên Hiệp Quốc”

Sau đó, các quốc gia trên thế giới cũng đã chọn ngày 21.09 hàng năm để làm ”ngày hòa bình thế giới – International Day of Peace” – được tổ chức lần đầu vào năm 1981. Ngày này được dành để tôn vinh nền hòa bình thế giới, và kêu gọi chấm dứt chiến tranh, bạo lực và là dịp để tổ chức các lệnh ngừng bắn tạm thời trong vùng chiến sự để các lực lượng cứu trợ nhân đạo thi hành sứ mệnh của mình.

Để khai mạc ngày này, “chuông hòa bình” ở Trụ sở Liên Hiệp Quốc – tại New York, Hoa Kỳ – bắt đầu ngân vang báo hiệu. Chuông này được đúc từ các đồng tiền kim loại quyên góp của các trẻ em từ khắp các châu lục. Trên chuông đó có khắc hàng chữ: “Vạn tuế hòa bình tuyệt đối trên thế giới!”

Toàn bản văn chủ đề ”Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 55”(Bản dịch từ Vietcatholic)

Ngày 21.12.2021, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố ”Sứ điệp ngày hòa bình thế giới lần thứ 55” của Đức Thánh Cha Phanxicô, được cử hành vào ngày đầu năm mới – ngày 01 tháng giêng năm 2022. Chủ đề của Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 55 là “Đối thoại giữa các thế hệ, giáo dục và công ăn việc làm là các khí cụ để xây dựng hòa bình lâu dài”.

 

1.“Đẹp thay trên đồi núi bước chân người công bố bình an” (Is. 52, 7)

Những lời của tiên tri Isaia đề cập đến niềm an ủi; những lời ấy nói lên tiếng thở phào nhẹ nhõm của một dân tộc lưu vong, mệt mỏi vì bạo lực và áp bức, phải chịu đựng sự căm phẫn và chết chóc. Tiên tri Barúc đã thắc mắc: “Israel hỡi, vì đâu ngươi phải nương thân trên đất thù, phải hao mòn nơi xứ lạ quê người? Vì đâu ngươi bị nhiễm uế giữa đám thây ma, phải nằm chung với những người ở trong âm phủ?” (3, 10-11). Đối với người dân Israel, sự xuất hiện của sứ giả hòa bình mang ý nghĩa hứa hẹn về sự tái sinh từ đống đổ nát của lịch sử, khởi đầu cho một tương lai tươi sáng.

Ngày nay, con đường hòa bình, mà Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô 6 gọi bằng danh xưng mới là phát triển toàn diện, vẫn còn xa xôi một cách đáng buồn với cuộc sống thực của nhiều người nam nữ, nghĩa là với gia đình nhân loại của chúng ta, hiện đã hoàn toàn gắn kết với nhau. Bất chấp cơ man các nỗ lực hướng đến tiến trình đối thoại mang tính xây dựng giữa các quốc gia, tiếng ồn chói tai của chiến tranh và xung đột đang ngày càng gia tăng. Trong khi các căn bệnh theo tỷ lệ đại dịch đang lan rộng, tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng, thảm cảnh đói khát ngày càng gia tăng, và mô hình kinh tế dựa trên chủ nghĩa cá nhân thay vì liên đới chia sẻ tiếp tục thịnh hành. Như trong thời của các vị tiên tri xa xưa thế nào, thì trong thời đại của chúng ta cũng vậy, tiếng kêu của người nghèo và tiếng kêu của trái đất không ngừng vang lên, cầu xin công lý và hòa bình.

Trong mọi thời đại, hòa bình vừa là ân sủng từ trên cao vừa là hoa trái của dấn thân chia sẻ. Thật vậy, chúng ta có thể nói về một “kiến trúc” của hòa bình, trong đó các thể chế khác nhau của xã hội đóng góp vào, và về một “nghệ thuật” của hòa bình liên quan trực tiếp đến mỗi người chúng ta. Tất cả có thể cùng nhau hợp tác để xây dựng một thế giới hòa bình hơn, bắt đầu từ trái tim của các cá nhân và các mối quan hệ trong gia đình, sau đó là trong xã hội và với môi trường, và tiến tới mối quan hệ giữa các dân tộc và quốc gia.

Ở đây, tôi muốn đề xuất ba con đường để xây dựng một nền hòa bình lâu dài. Thứ nhất, đối thoại giữa các thế hệ làm cơ sở cho việc hiện thực hóa các dự án chia sẻ. Thứ hai, giáo dục như một yếu tố của tự do, trách nhiệm và phát triển. Cuối cùng, công ăn việc làm như một phương tiện để hiện thức hóa đầy đủ phẩm giá của con người. Đây là ba yếu tố không thể thiếu để “có thể tạo ra một giao ước xã hội”, nếu không có giao ước ấy thì mọi dự án hòa bình đều trở nên vô ích.



2. Đối thoại giữa các thế hệ để xây dựng hòa bình

Trong một thế giới vẫn còn bị bao trùm bởi một trận đại dịch đã tạo ra những vấn đề chưa kể xiết,

“một số người cố gắng trốn chạy khỏi thực tế, trú ẩn trong thế giới nhỏ bé của riêng họ; những người khác phản ứng lại bằng bạo lực hủy diệt. Tuy nhiên, giữa sự thờ ơ ích kỷ và sự phản kháng bạo lực luôn có một lựa chọn khả thi khác: đó là đối thoại. Đối thoại giữa các thế hệ”.

Tất cả các cuộc đối thoại trung thực, ngoài sự trao đổi quan điểm đúng đắn và tích cực, còn đòi hỏi sự tin tưởng cơ bản giữa những người tham gia. Chúng ta cần học cách lấy lại sự tin tưởng lẫn nhau này. Cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay đã làm gia tăng cảm giác bị cô lập và xu hướng tự hấp thụ của chúng ta. Đối ứng với sự cô đơn nơi người già, là cảm giác bơ vơ và thiếu tầm nhìn chung về tương lai nơi người trẻ. Cuộc khủng hoảng thực sự rất đau đớn, nhưng nó cũng giúp mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con người. Thật vậy, trong trận đại dịch này, chúng ta đã bắt gặp những tấm gương nhân ái, chia sẻ và đoàn kết một cách quảng đại ở mọi nơi trên thế giới.

Đối thoại đòi hỏi sự lắng nghe lẫn nhau, chia sẻ quan điểm khác nhau, đi đến thống nhất và cùng nhau bước đi. Thúc đẩy cuộc đối thoại như vậy giữa các thế hệ bao gồm việc phá bỏ mảnh đất khô cứng và cằn cỗi của xung đột và sự thờ ơ ngõ hầu có thể gieo hạt giống của một nền hòa bình lâu dài và chia sẻ.

Mặc dù sự phát triển công nghệ và kinh tế có xu hướng tạo ra sự chia rẽ giữa các thế hệ, nhưng các cuộc khủng hoảng hiện nay của chúng ta cho thấy nhu cầu cấp thiết về mối quan hệ đối tác giữa các thế hệ. Người trẻ cần trí tuệ và kinh nghiệm của người già, còn những người cao tuổi lại cần sự hỗ trợ, tình cảm, sự sáng tạo và năng động của lớp trẻ.

Những thách thức xã hội lớn và các tiến trình hòa bình nhất thiết đòi hỏi sự đối thoại giữa những người lưu giữ ký ức – là những người già – và những người đưa lịch sử tiến lên – là những người trẻ. Mỗi người phải sẵn sàng nhường chỗ cho người khác và không khăng khăng muốn độc chiếm toàn bộ khung cảnh bằng cách theo đuổi tư lợi trước mắt của riêng mình, như thể không hề có quá khứ và cũng chẳng hề có tương lai. Cuộc khủng hoảng toàn cầu mà chúng ta đang trải qua cho thấy rõ ràng rằng cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa các thế hệ phải là động lực thúc đẩy một nền chính trị lành mạnh, điều đó không phải là hài lòng trong việc quản lý hiện tại “bằng các giải pháp từng phần hoặc các sửa chữa tạm bợ”, mà xem bản thân chính trị như một hình thức nổi bật của tình yêu đối với người khác, trong việc tìm kiếm các dự án được chia sẻ và bền vững cho tương lai.

Nếu giữa những khó khăn, chúng ta có thể thực hành kiểu đối thoại giữa các thế hệ này, “chúng ta có thể bám rễ vững chắc vào hiện tại, và từ đây, nhìn lại quá khứ và nhìn về tương lai. Nhìn lại quá khứ để rút kinh nghiệm và chữa lành những vết thương cũ mà đôi khi chúng ta vẫn còn trăn trở. Nhìn về tương lai để nuôi dưỡng lòng nhiệt thành của chúng ta, khiến ước mơ xuất hiện, đánh thức những lời tiên tri và giúp hy vọng nở rộ. Cùng nhau, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau”. Vì không có rễ, làm sao cây cối sinh trưởng và kết trái?

Chỉ cần nghĩ đến việc chăm sóc cho ngôi nhà chung, chúng ta cũng đã có thể nhận ra vấn đề. Trên thực tế, môi trường “cho từng thế hệ vay mượn, rồi thế hệ này phải chuyển giao nó cho thế hệ sau”. Chúng ta nên đánh giá cao và khuyến khích tất cả những người trẻ tuổi làm việc cho một thế giới công bằng hơn, một thế giới cẩn thận trong việc bảo vệ thiên nhiên được giao phó cho sự quản lý của chúng ta. Họ làm việc này với sự bồn chồn, nhiệt tình và hơn hết là tinh thần trách nhiệm trước sự thay đổi phương hướng khẩn cấp trước những thách thức nảy sinh từ cuộc khủng hoảng đạo đức và môi trường xã hội hiện nay.

Mặt khác, cơ hội để cùng nhau xây dựng những nẻo đường hòa bình không thể bỏ qua giáo dục và lao động, vốn là những điều kiện và bối cảnh đặc quyền cho đối thoại giữa các thế hệ. Giáo dục cung cấp ngữ pháp để đối thoại giữa các thế hệ, và trong kinh nghiệm lao động, những người nam nữ thuộc các thế hệ khác nhau thấy mình có thể hợp tác và chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng vì lợi ích chung.

 

3. Giảng dạy và giáo dục như những động lực của hòa bình

Trong những năm gần đây, nguồn tài trợ cho giáo dục và đào tạo đã giảm đáng kể trên toàn thế giới; người ta xem chúng là những chi tiêu hơn là các khoản đầu tư. Tuy nhiên, chúng là phương tiện chính để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người; chúng làm cho các cá nhân trở nên tự do và có trách nhiệm hơn, và chúng rất cần thiết cho việc bảo vệ và thúc đẩy hòa bình. Nói một cách dễ hiểu, giảng dạy và giáo dục là nền tảng của một xã hội dân sự gắn kết có khả năng tạo ra hy vọng, thịnh vượng và tiến bộ.

Trong khi đó, chi tiêu quân sự đã tăng vượt quá mức vào cuối chiến tranh lạnh và chúng dường như chắc chắn sẽ tăng lên một cách quá đáng.

Do đó, đã đến lúc các chính phủ phải đề ra các chính sách kinh tế nhằm đảo ngược tỷ lệ ngân quỹ công dành cho giáo dục và vũ khí. Việc theo đuổi một quá trình giải trừ quân bị quốc tế thực sự sẽ chứng tỏ có lợi cho sự phát triển của các dân tộc và quốc gia, giải phóng các nguồn tài chính, để có thể được sử dụng tốt hơn cho chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cơ sở hạ tầng, chăm sóc đất đai, v.v.

Tôi hy vọng rằng đầu tư vào giáo dục cũng sẽ đi kèm với những nỗ lực lớn hơn để thúc đẩy văn hóa chăm sóc, mà trước những chia rẽ xã hội và các thể chế thờ ơ, có thể trở thành một ngôn ngữ chung để phá bỏ các rào cản và xây dựng cầu nối. “Một quốc gia phát triển mạnh mẽ khi đối thoại mang tính xây dựng diễn ra giữa nhiều thành phần văn hóa phong phú của nó: văn hóa đại chúng, văn hóa đại học, văn hóa thanh niên, văn hóa nghệ thuật, văn hóa công nghệ, văn hóa kinh tế, văn hóa gia đình và văn hóa truyền thông”. Do đó, điều cần thiết là phải xây dựng một mô hình văn hóa mới thông qua “một hiệp ước toàn cầu về giáo dục cho và với các thế hệ tương lai, một hiệp ước hướng đến các gia đình, cộng đồng, trường học, trường đại học, tổ chức, tôn giáo, chính phủ và toàn bộ gia đình nhân loại, và hướng đến sự đào tạo của những người nam nữ trưởng thành”. Chúng ta cần một chương trình tổng hợp có thể thúc đẩy giáo dục trong hệ sinh thái toàn diện, theo một mô hình văn hóa hòa bình, phát triển và bền vững tập trung vào tình huynh đệ và giao ước giữa con người và môi trường.

Bằng cách đầu tư vào việc giáo dục và đào tạo các thế hệ trẻ, chúng ta có thể giúp họ – thông qua một chương trình đào tạo tập trung – có vị trí xứng đáng trên thị trường lao động.

 

4. Tạo ra và bảo đảm công ăn việc làm kiến tạo hòa bình

Lao động là nhân tố không thể thiếu trong việc xây dựng và giữ gìn hòa bình. Đó là sự thể hiện bản thân và những tài năng của chúng ta, nhưng cũng là sự cam kết, tự đầu tư và hợp tác của chúng ta với những người khác, vì chúng ta luôn làm việc với hoặc vì ai đó. Nhìn ở góc độ xã hội rõ ràng này, nơi làm việc cho phép chúng ta học cách đóng góp của mình cho một thế giới tươi đẹp và đángsống hơn.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Hàng triệu hoạt động kinh tế và sản xuất đã thất bại; những người lao động ngắn hạn ngày càng dễ bị tổn thương; nhiều người trong số những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu lại thiếu các hồ sơ xã hội và chính trị, để có thể kiếm được công ăn việc làm; và trong nhiều trường hợp, việc dạy học từ xa đã dẫn đến tình trạng khiếm khuyết trong học tập và chậm hoàn thành chương trình học. Hơn nữa, những người trẻ tuổi tham gia thị trường việc làm và những người trưởng thành thất nghiệp gần đây hiện đang đối mặt với các triển vọng ảm đạm.

Đặc biệt, tác động của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế phi chính thức, vốn thường liên quan đến lao động nhập cư, đã rất nghiêm trọng. Nhiều người trong số họ thậm chí không được pháp luật quốc gia công nhận; như thể họ không tồn tại. Họ và gia đình phải sống trong những điều kiện vô cùng bấp bênh, là con mồi cho nhiều hình thức nô lệ khác nhau và không có hệ thống phúc lợi nào bảo vệ họ. Hiện chỉ có một phần ba dân số thế giới trong độ tuổi lao động được hưởng hệ thống bảo trợ xã hội, hoặc chỉ được hưởng lợi từ hệ thống này theo những cách thức hạn chế. Bạo lực và tội phạm có tổ chức đang gia tăng ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng đến tự do và phẩm giá của con người, đầu độc nền kinh tế và cản trở sự phát triển của công ích. Câu trả lời duy nhất cho điều này là sự mở rộng của các cơ hội việc làm phù hợp với phẩm giá.

Trên thực tế, lao động là nền tảng để xây dựng công bằng và tình đoàn kết trong mọi cộng đồng. Vì lý do này, mục tiêu của chúng ta không nên là “tiến bộ công nghệ ngày càng thay thế công việc của con người, vì điều này sẽ gây bất lợi cho nhân loại. Công việc là nhu cầu thiết yếu, là một phần ý nghĩa của cuộc sống trên trái đất này, là con đường để trưởng thành, phát triển con người và hoàn thiện bản thân”. Chúng ta cần kết hợp các ý tưởng và nỗ lực của mình để tạo ra các giải pháp và điều kiện có thể cung cấp cho mọi người trong độ tuổi lao động cơ hội, thông qua công việc của họ, đóng góp cho cuộc sống của gia đình họ và của toàn xã hội.

Điều cấp bách hơn bao giờ hết là thúc đẩy, trên khắp thế giới của chúng ta, các điều kiện làm việc đàng hoàng và xứng đáng với phẩm giá, hướng đến lợi ích chung và bảo vệ thiên nhiên. Quyền tự do của các sáng kiến kinh doanh cần được bảo đảm và hỗ trợ; đồng thời, phải nỗ lực khuyến khích ý thức trách nhiệm xã hội được đổi mới, để lợi nhuận không phải là tiêu chí chỉ đạo duy nhất.

Vì vậy, cần phải thúc đẩy, hoan nghênh và hỗ trợ các sáng kiến, ở tất cả các cấp, kêu gọi các công ty tôn trọng các nhân quyền cơ bản của người lao động, nâng cao nhận thức không chỉ của các tổ chức, mà còn của người tiêu dùng, xã hội dân sự và các thực thể doanh nhân. Khi các doanh nhân càng ý thức được vai trò của mình trong xã hội, họ sẽ càng trở thành những người tôn trọng phẩm giá con người. Bằng cách này, họ sẽ góp phần xây dựng hòa bình. Ở đây, chính trị được kêu gọi đóng một vai trò tích cực bằng cách thúc đẩy sự cân bằng thích đáng giữa tự do kinh tế và công bằng xã hội. Tất cả những ai làm việc trong lĩnh vực này, bắt đầu từ những công nhân và doanh nhân công giáo, đều có thể tìm thấy những hướng dẫn chắc chắn trong học thuyết xã hội của Giáo Hội.

Anh chị em thân mến, khi chúng ta tìm cách kết hợp những nỗ lực của mình để thoát khỏi đại dịch, tôi xin lặp lại lời cảm ơn tới tất cả những người tiếp tục làm việc với lòng hảo tâm và trách nhiệm trong các lĩnh vực giáo dục, an toàn và bảo vệ quyền lợi, trong việc cung cấp dịch vụ y tế, tạo điều kiện gặp gỡ giữa các thành viên trong gia đình và bệnh nhân, và hỗ trợ kinh tế cho những người khó khăn và những người bị mất việc làm. Tôi tiếp tục nhớ đến các nạn nhân và gia đình của họ trong những lời cầu nguyện của tôi.

Đối với các nhà lãnh đạo chính phủ và tất cả những người chịu trách nhiệm chính trị và xã hội, các linh mục và nhân viên mục vụ, cũng như đối với tất cả những người nam nữ có thiện chí, tôi đưa ra lời kêu gọi này: chúng ta hãy đồng hành cùng nhau với lòng can đảm và trí sáng tạo trên con đường đối thoại giữa các thế hệ, cung ứng giáo dục và công ăn việc làm. Cầu mong cho ngày càng nhiều những người nam nữ phấn đấu hàng ngày, với sự khiêm tốn thầm lặng và lòng dũng cảm, trở thành những nghệ nhân của hòa bình. Và cầu mong họ luôn được soi dẫn và được đồng hành với các phước lành của Thiên Chúa bình an!

Từ Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2021

+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô