Nguyễn Trọng Lưu

 

Ý tưởng về ”Ngày thế giới trẻ em”

Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết ”Ngày thế giới trẻ em” lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại Roma, trong hai ngày 25 và 26.5.2024. Trẻ em tuổi từ 6 đến 12 sẽ được mời gọi tham gia.

Tại buổi họp báo vào cuối tháng tư, Đức Hồng Y José Tolentino de Mendonça, tổng trưởng bộ văn hóa và giáo dục đã công bố chủ đề của ”Ngày thế giới trẻ em” lần thứ nhất: “Này Ta đổi mới mọi sự” – trích từ sách Khải Huyền. Ngài nói rằng hai ngày cuối tuần này là dịp để cử hành những giấc mơ hoà bình và tương lai của trẻ em, để các em sống bầu khí thiêng liêng và trải nghiệm cơ hội xây dựng giáo hội.

Đức Hồng Y giải thích chủ đề “Này Ta đổi mới mọi sự” nhằm nhắc nhở rằng trẻ em là tương lai nhân loại và cần phải đặt trẻ em trở lại trung tâm sự quan tâm của giáo hội và xã hội. Ngày thế giới trẻ em năm nay sẽ diễn ra trong năm cầu nguyện theo mong muốn của Đức Thánh Cha vì thông truyền đức tin không phải là lý thuyết nhưng cùng nhau cầu nguyện.

Cha Enzo Fortunato, điều phối viên ”Ngày thế giới trẻ em” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt trẻ em trở lại trung tâm của xã hội và được truyền cảm hứng từ những ước mơ về hoà bình và tương lai của các em. Ngài khẳng định: “Không có trẻ em, thế giới chúng ta không có tương lai”.

Trẻ em tuổi từ 6 đến 12 khắp nơi trên thế giới được mời đến Roma tham dự sự kiện. Ngày này cũng được tổ chức ở mỗi giáo hội địa phương.

Ông Marco Impagliazzo, chủ tịch cộng đoàn Thánh Egidio cho biết, các cộng đoàn ngoài Ý và Âu châu cũng sẽ đưa các trẻ em tị nạn đến tham dự. Đó sẽ là khoảnh khắc lan toả hoà bình trên thế giới qua trẻ em.

Chương trình bắt đầu từ chiều ngày 25.5 – với phần trình bày chứng từ, văn nghệ, và cuộc đối thoại với Đức Thánh Cha. Tiếp đến ngày 26.5 – Thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô do Đức Thánh Cha chủ sự.

Ý tưởng ”Ngày thế giới trẻ em” nảy sinh vào ngày 06.11.2023, khi Đức Thánh Cha gặp 8.000 thiếu nhi tại đại thính đường Phaolô 6. Sau đó vào ngày 08.12.2023 – Lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội – ngài đã công bố thiết lập ngày này, để làm cho cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng và các thiếu nhi trở thành một sự kiện thường xuyên. Ngày này sẽ là cơ hội để nhiều trẻ em trên thế giới trải nghiệm khoảnh khắc tuyệt vời khi tham dự các cử hành và cầu nguyện cùng với Đức Thánh Cha.

 

 

Hình ảnh tuổi thơ của em bé Việt Nam ngày xưa

Hình ảnh quen thuộc về tuổi thơ của em bé Việt Nam thường được ghi lại: lớn lên nhờ dòng sữa mát lành của mẹ với những câu hát ru ngọt ngào, ý nghĩa của bà nội, bà ngoại.  Những ngày tháng cắp sách đến trường, em nhận được sự dạy dỗ ân cần, tận tình của các thầy cô giáo chỉ bảo giúp em khôn lớn, trưởng thành.

Một phần trong ký ức tuổi thơ của các em là bạn bè đồng trang lứa trong khu xóm đã giúp các em gắn kết tình bạn thân đến khi trưởng thành. Quãng thời gian thơ ấu luôn là những kỷ niệm đẹp nhất các em mang theo trong hành trang cuộc đời. Hiện nay, trên thế giới, nhiều bạn nhỏ vẫn còn chịu những thiếu thốn, thiệt thòi như không được đến trường hay phải lao động vất vả từ nhỏ, thậm chí nhiều em nhỏ trở thành nạn nhân của các vụ buôn bán người. Điều đó khiến mỗi chúng ta phải băn khoăn, day dứt khi nghĩ về trẻ em – những thế hệ tương lai của nhân loại. Các em cần một mái ấm gia đình, một môi trường để học tập và phát triển bản thân. Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi gia đình, mỗi quốc gia và toàn thế giới cần quan tâm, chăm sóc nhiều hơn để tuổi thơ của mỗi em nhỏ luôn là những ký ức tuyệt vời trong tâm trí các em.

Hiện trạng của trẻ em ngày nay trên thế giới

Theo công bố của ”Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc” năm 2022, trẻ em hiện đang sống trong một thế giới càng ngày càng có nhiều thách thức, đặc biệt là xung đột vũ trang và biến đổi khí hậu. Hiện nay có khoảng 400 triệu trẻ em trên toàn cầu, và cứ 5 trẻ em thì có 1 em đang sống trong các khu xung đột hoặc và muốn trốn chạy khỏi các khu vực xung đột này. Nhiều em đang bị thương, bị giết hoặc bị xâm hại tình dục. Một số trẻ em đang bị các lực lượng hoặc nhóm vũ trang tuyển dụng. Cơ quan này cũng đã xác nhận hơn 315 ngàn vụ vi phạm nghiêm trọng về quyền trẻ em ở các khu vực có xung đột từ năm 2005 đến năm 2022.

Đã có hơn 4.500 trẻ em đã thiệt mạng tại Gaza kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7.10. 2022. Ước tính, trung bình mỗi 10 phút có 1 đứa trẻ ở Gaza tử vong.

Cũng theo công bố đó, quyền trẻ em còn bị đe dọa bởi tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng, các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Ước tính, trên thế giới hơn 1 tỷ trẻ em hiện đang sống ở những quốc gia có “nguy cơ cực kỳ cao” trước tác động của biến đổi khí hậu.

Theo một báo cáo mới của UNICEF, cứ 3 trẻ em thì có 1 trẻ – tương đương 739 triệu trẻ em trên toàn thế giới – đang sống ở những khu vực có tình trạng khan hiếm nước ở mức cao hoặc rất cao, trong đó có khoảng 436 triệu trẻ em đang sống ở những khu vực có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng do thiếu nước.

Bà Catherine Russell – Giám đốc điều hành UNICEF đã nói: “Trẻ em không gây ra chiến tranh, xung đột, các em hoàn toàn không có khả năng ngăn chặn chiến tranh, xung đột, nhưng các em lại là những người gánh chịu hậu quả nặng nề, cả trực tiếp và gián tiếp”.

 

Cần chung tay bảo vệ quyền trẻ em

Có rất nhiều yếu tố khiến hàng triệu trẻ em trên thế giới không được hưởng các quyền cơ bản, không được hỗ trợ và được bảo vệ như trong quy định của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Trong khi mọi trẻ em, ở bất kỳ đâu đều có quyền được sống trong một thế giới hòa bình. Trẻ em có quyền hưởng một hành tinh an toàn và đáng sống. Trẻ em phải được lắng nghe và tham gia vào mọi quyết định có ảnh hưởng đến các em. Đây cũng là thông điệp được lan tỏa, thúc giục các

chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng phải cùng nỗ lực hành động quyết liệt hơn nữa để chấm dứt tình trạng vi phạm quyền trẻ em.

Theo bà Verena Knaus, trưởng ”nhóm toàn cầu về di cư” của cơ quan UNICEF: “Với mức độ nóng trên toàn cầu hiện nay, ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu tin rằng, nguy cơ toàn cầu phải di dời do lũ lụt có thể tăng 50%. Chúng ta chưa chuẩn bị cho tương lai thay đổi khí hậu này và vấn đề di dời trẻ em hầu như không được quan tâm æ có lẽ sẽ chỉ được thảo luận bên lề tại COP28 ở Dubai”

Trẻ em trong trong kỷ nguyên toàn cầu hoá hay thời đại văn minh trí tuệ

Hiện nay, chúng ta đã bước vào thế kỷ 21, một thế kỷ được mệnh danh là ”kỷ nguyên của toàn cầu hóa” hay còn được gọi là ”thời đại văn minh trí tuệ”. Mặc dầu chưa có sự đồng thuận về ý nghĩa và giá trị của toàn cầu hóa nhưng không ai có thể phủ nhận sự hiện hữu và tầm quan trọng của nó. Toàn cầu hóa là một cơ hội cho giới trẻ không chỉ phát huy khả năng của mình mà còn đón nhận những luồng văn hóa mới từ mọi nơi thổi vào. Bên cạnh những thuận lợi đó, giới trẻ cũng đang phải đối đầu với biết bao nhiêu khó khăn, thách đố của thời đại toàn cầu hóa. Hơn nữa, toàn cầu hóa đã và đang làm lu mờ không chỉ đời sống đức tin mà ngay cả những giá trị đạo đức của con người.

Những thuận lợi và thành công …

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự tăng trưởng của nền kinh tế nên giới trẻ chúng ta lạc quan và tự tin hơn trong cách thể hiện chính mình. Hiện tượng này đã cho thấy nơi mỗi người chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để khám phá những điều mới mẻ, đồng thời chúng ta được tiếp cận với các phương tiện truyền thông hiện đại: có cơ hội học hiểu, nắm bắt những thông tin cách nhanh chóng và phong phú.

 Trẻ em ngày nay tương đối có trình độ học vấn cao hơn, có những mối tương quan, giao tiếp rộng rãi hơn. Khi lớn khôn, họ tự do tìm hiểu và kết hôn mà không bị cha mẹ ép buộc.

 Thêm vào đó, hiện tượng toàn cầu hóa và những biến đổi của khoa học kỹ thuật đã để lại những dấu ấn đặc biệt cho giới trẻ. Máy vi tính cho phép giới trẻ nối kết với mọi người, đối thoại trực tiếp, công khai bình đẳng với những người đồng lứa tuổi ở bất cứ góc bể chân trời nào. Sự “bình đẳng trên mạng” gây ấn tượng tự tin, tự khẳng định mình và tạo nhiều ước mơ nơi giới trẻ hôm nay. Cũng vậy, trong thế giới thông tin này, giới trẻ có thể độc lập nghiên cứu, học hỏi, làm việc, kết bạn cùng lúc. Nhờ đó, giới trẻ sống trọn vẹn tình nghĩa với bạn bè và qua bạn bè, sẽ khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời, giá trị của tình người và là động lực để cùng nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống.

 Hơn nữa, giới trẻ hôm nay tiếp nhận rất nhanh những biến đổi của thời đại. Chẳng hạn như về phương diện khoa học kỹ thuật, giới trẻ gần những bạn bè thuộc cùng lứa tuổi ở các nước khác trên thế giới hơn là thế hệ đàn anh đàn chị trong cùng một nước. Có thể nói toàn cầu hoá là những cơ hội và những thách thức đối với giới trẻ ngày nay, đồng thời cũng là một bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của nhân loại.

 … cũng như những khó khăn và thách đố

Bên cạnh những thuận lợi và thành công của toàn cầu hóa mang lại, khi nhìn vào bức tranh xã hội hôm nay, qua những phương tiện truyền thông, qua quan sát thực tế và qua kinh nghiệm tiếp cận cụ thể, chúng ta có cảm nhận rất rõ đa số giới trẻ hôm nay đang trong hai cơn lốc xem ra ngược chiều nhau: cơn lốc đầu tư kiến thức, cơn lốc hưởng thụ và thực dụng dưới nhiều hình thức; trong đó nhiều bạn trẻ không dễ tìm được một tình yêu đích thực.

Ở đây – chúng tôi chỉ muốn vắn tắt nói đến một vài thách đố về đức tin của các em.

Đức tin trước hết là một ơn ban của Thiên Chúa. Nhưng để đức tin được triển nở và vững mạnh cần có sự đáp trả của con người – nghĩa là về phía con người đi tìm chân lý, còn về phía Thiên Chúa đã, đang và luôn ban ánh sáng đặc biệt để dẫn dắt con người. Ánh sáng soi đường đó là Đức Yêsu Kitô chiếu soi nội tâm của con người, khiến chúng ta xác tín các thực tại con người đang đối diện hoặc khám phá được điểm không nằm ngoài thánh ý của Thiên Chúa. Bởi thế, trong thực tại của toàn cầu hóa hôm nay, hơn bao giờ hết, đức tin có một tầm quan trọng hết sức cơ bản đối với giới trẻ chúng ta; Nó như là ngọn đuốc soi dẫn chúng ta tiến bước trên con đường tìm về, gắn kết với Thiên Chúa và sống cho Ngài.

Ngày nay, các em được giúp sống đức tin rất vững vàng – qua các sinh hoạt hội đoàn, ca đoàn – dưới sự hướng dẫn của các cha xứ và sự đỡ nâng của các bạn bè. Nhưng các em vẫn có nhiều vấn đề làm cho chúng ta không khỏi lo lắng cho một thế hệ tương lai mà các nhà lãnh đạo tôn giáo rất lo lắng, trước sự ý thức đạo đức của giới trẻ sa sút. Nhất là do ảnh hưởng của chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa cá nhân đang “ ăn” sâu vào đời sống giới trẻ.

Trẻ nhỏ thường nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ và mọi người phải có trách nhiệm làm mọi thứ cho chúng. Nếu trẻ cứ có suy nghĩ này thì khi lớn lên trẻ sẽ trở thành người vô trách nhiệm. Vì vậy, bạn nên dạy cho trẻ hiểu được giá trị của việc sống có trách nhiệm bằng những biện pháp giáo dục tích cực.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai

Đó là vần thơ, cũng là câu hát

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai

Xin được nhắc ngàn lần hơn thế

Trái đất chưa im tiếng bom rơi

Xin điệp khúc triệu lần hơn thế

 

Bao trẻ em còn đói rách trên đời

Bạn có nghe trẻ em khóc, trẻ em cười
Bạn có nghe trẻ em khóc, trẻ em cười

(Nhạc: Lê Mây, Lời: Phùng Ngọc Hùng)