Nguyễn Trọng Lưu

 

Từ ”cầu vồng”…

Nhiều người trong chúng ta chắc đã đến viện bảo tàng nghệ thuật của thành phố Aarhus và đã đi vòng chung quanh ”cầu vồng nhân tạo”nằm trên sân thượng. Và khi đi xem như thế – nếu những ai chưa từng nhìn thấy ”cầu vồng thật” – thế nào cũng sẽ tự hỏi: cầu vồng là gì?

Cầu vồng là hiện tượng tán sắc của ánh sáng từ mặt trời khi phản xạ và khúc xạ qua các giọt nước mưa.”Phản xạ” là hiện tượng đổi phương truyền của các sóng ánh sáng trong cùng một môi trường, còn ”khúc xạ” là hiện tượng đổi phương truyền của các sóng ánh sáng khi chuyển từ môi trường trong suốt này tới môi trường trong suốt khác.

Tùy vào số lần phản xạ mà người ta phân loại thành cầu vồng bậc 1 và cầu vồng bậc 2. Cầu vồng bậc 1 sẽ được nhìn rõ nhất, vì chỉ có 1 lần phản xạ. Thường cầu vồng chúng ta nhìn thấy là cầu vồng bậc 1. Nhưng một đôi khi chúng ta còn thấy cầu vồng bậc 2 – mà trật tự màu sắc lại ngược lại với cầu vồng bậc 1 và cường độ sáng yếu hơn.

Do cầu vồng được nhìn bởi cùng một góc – 42 độ với cầu vồng bậc 1 và 53 độ với cầu vồng bậc 2 – là góc mà cường độ sáng của tất cả các tia mặt trời qua các giọt nước đạt đến điểm cực đại, nên cầu vồng có dạng một cung tròn.

Cầu vồng thường được nhìn thấy vào buổi sáng và buổi chiều tối. Đó là hiện tượng tán sắc ở ánh nắng mặt trời khi phản xạ và khúc xạ qua các giọt nước mưa ở nhiệt độ khoảng 42độ C. Nhiệt độ vào buổi trưa thường cao hơn, nên cầu vồng ít khi hình thành.

Cầu vồng có thể xuất hiện vào ban đêm, và được gọi là cầu vồng mặt trăng. Đó là do cầu vồng được tạo ra bởi ánh sáng phản chiếu trên bề mặt trăng chứ không phải trực tiếp từ ánh sáng mặt trời.

Tia sáng mặt trời khúc xạ với những hạt mưa nhất định tạo ra hình ảnh cầu vồng trong mắt một người, nhưng đồng thời những tia sáng này cũng khúc xạ với những hạt mưa khác theo góc khác trong tầm mắt của người khác. Chính bởi vậy màu sắc cầu vồng nhìn thấy của mỗi người khác nhau, dù đứng cùng một vị trí và ngắm cùng một cầu vồng.

Mà chúng ta cũng không thể đến sát cầu vồng được: cầu vồng di chuyển khi người nhìn di chuyển, là vì ánh sáng tạo nên cầu vồng hình thành ở một khoảng cách và góc nhất định với mắt người quan sát. Khoảng cách này luôn tồn tại giữa người xem với hiện tượng.

Cũng có thể xảy ra hiện tượng cầu vồng đôi khi ánh sáng khúc xạ xảy ra bên trong giọt nước, và chia các màu sắc thành nhiều phần – có khi 2 lần, có khi ba lần khi khúc xạ 3 lần, và có khi 4 lần nếu khúc xạ 4 lần.

Các màu sắc cầu vồng nằm theo thứ tự đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím – nhưng vì được tạo thành từ hơn một triệu màu tán sắc liên tiếp, nên có những màu phụ mà mắt thường con người không nhìn thấy. 7 màu chính của cầu vồng cũng mang 7 ý nghĩa:

  • Đỏ: màu của lửa và máu, đi liền với sức mạnh, quyền lực, sự quyết tâm, nhưng cũng là biểu tượng của đe dọa, hiểm nguy và chiến tranh. Màu đỏ cũng là màu của cảm xúc, nhiệt huyết và tình yêu, của sự dũng cảm và hy sinh.

  • Cam: màu cam là một trộn lẫn của mạnh mẽ từ màu đỏ và hạnh phúc của màu vàng, biểu trưng cho tươi vui, nhẹ nhàng và tươi mát và nói lên tính chất thu hút, quyết rũ, hạnh phúc, sáng tạo.

  • Vàng: màu vàng là màu của nắng mặt trời ấm áp,đi liền với cảm giác thụ hưởng hạnh phúc và biểu trưng sự thông thái và mạnh mẽ. Màu vàng còn mang ý nghĩa danh dự và trung thành nữa.

  • Lục: màu xanh lá cây, màu của thiên nhiên, tượng trưng cho sự phát triển, thuận hòa, tươi mát, màu mỡvà mang lại cảm xúc an toàn. Màu xanh lá cây còn mang ý nghĩa hy vọng và mang lại sự sống đích thực cho con người.

  • Lam: màu xanh dương, màu của trời và biển, diễn tả được cảm giác sâu thẳm, vững vàng và yên bình, màu của trung thành, tin tưởng, thông thái, tự tin, thông minh, nên thường được cho là màu của nam tính.

  • Chàm: màu của sự sâu thẳm, sâu xa, tinh tế, tĩnh lặng, biểu trưng cho lòng tin, trầm tư và an lạc nội tâm.

  • Tím: màu tím là sự kết hợp giữa mạnh mẽ của màu đỏ và sự vững chắc của màu xanh, biểu tượng của sức mạnh, quý phái, sang trọng và sự thèm muốn.

”Truyện xưa kể lại rằng, có một hôm các màu khoe khoang và cãi vã nhau, màu nào cũng tự cho mình mới là quan trọng thật sự. Cuộc tranh cãi càng lúc càng căng thẳng, bỗng nhiên một tia chớp

xẹt đến, tiếp theo ngay sau là một tiếng sét to. Mưa như thác đổ xuống các màu khiến chúng phải sát cánh lại để che chở cho nhau.

Mưa nói: ”Thật là ngốc nếu các bạn mãi chống đối nhau! Các bạn không biết rằng mỗi màu được tạo ra cho một mục đích rõ ràng sao? Mỗi màu đều có một tính cách độc nhất và đặc biệt trong thế giới này! Hãy bắt tay nhau và cùng đến với tôi!”.

Các màu nghe thấy có lý và làm theo đề nghị của mưa. Chúng đến bắt tay nhau. Mưa lại khuyên tiếp: ”Từ giờ trở đi, khi nào mưa, các bạn hãy cùng nhau nổi lên thành một cầu vồng trên bầu trời để chứng tỏ các bạn đã chung sống hòa bình! Cầu vồng sẽ mãi mãi là hình ảnh của hòa giải và hy vọng, của tình bạn rực rỡ như sắc màu của các bạn!”.

… đến ”cầu vồng tình yêu” trong Cựu Ước

”Cầu vồng tình yêu” trong bài này không liên quan gì tới bộ phim ”Cầu vồng tình yêu”của các đạo diễn Vũ Hồng Sơn, Trọng TrinhBùi Tiến Huy – được trình chiếu năm 2012 – dựa trên kịch bản“Ga Mun Young Kwang”của tác giả Jung Ji Woo, người Nam Hàn, sanh ngày 09.09.1987 – mà là ”cầu vồng tình yêu” của Chúa Yahvê dành cho con người.

Từ ”cầu vồng” được dùng lần đầu tiên trong Cựu Ước, Sách Sáng Thế 6,18 và sau đó được lặp lại trong đoạn 9, câu 9-11 và câu 16 – liên quan tới biến một cố lịch sử hy hữu là lụt đại hồng thủy mà gia đình Noê là nhân vật chính. Đó là ”cầu vồng giao ước tình yêu”: ”Nhưng với ngươi, Ta lập giao ước của Ta. Vòng cung của Ta, Ta đặt trên mây và nó sẽ là dấu của giao ước giữa ta và cõi đất. Vòng cung Ta có trên mây trời, Ta sẽ nhìn và nhớ đến giao ước”.

”Có một họa sĩ vừa vẽ xong một bức tranh tuyệt tác, thì bị nhiều người lấy những màu xấu xí bôi lên làm hỏng cả bức tranh. Khi thấy bức tranh đẹp của mình bị phá hỏng như vậy, người họa sĩ kia buồn và giận lắm nên ông ta quyết định phá bỏ bức tranh đó đi rồi vẽ lại một bức khác.

Ngày xưa, Chúa Yavê cũng gặp một trường hợp tương tự như vậy. Chúa là Đấng Tạo Hóa, đã sáng tạo nên một thế giới tốt đẹp, nhưng chẳng bao lâu, những người sống trong thế giới đã làm hỏng công việc của Ngài. Những con người tốt đẹp mà Chúa tạo dựng bắt đầu trở thành xấu xa. Người ta không còn ngay thẳng và yêu thương nhau nhưng trở nên gian dối, ích kỷ. Không những chỉ xấu xa trong việc làm và lời nói, mà cả ý tưởng của con người cũng rất là xấu xa. Thấy vậy Chúa buồn lắm, Ngài kêu gọi loài người ăn năn và bỏ những điều xấu xa đó đi. Nhưng loài người không ăn năn cải hối, nên Chúa không thể làm gì khác hơn là đành phải tiêu diệt loài người để có thể tiêu diệt tất cả những điều xấu xa đó. Vì thế Chúa Yahvê đã nhất quyết tạo ra một cơn lụt thật lớn để tiêu diệt tất cả mọi người trên trần gian.

Lúc đó trên cả thế giới chỉ có một người đạo đức. Đó là ông Noê. Ông Noê một lòng kính yêu Chúa Yahvê và luôn luôn vâng lời Ngài. Ông có ba người con trai. Các con của ông đều đã lớn và có gia đình. Ông Noê cũng không quên dạy các con kính yêu Chúa và vâng lời Chúa phán dạy. Ông hướng dẫn cả gia đình trong đời sống đạo đức. Chúa rất vui lòng khi nhìn xuống gia đình của Noê. Vì thế, một ngày kia Chúa gọi ông Noê, bảo ông đóng một chiếc tàu thật lớn để khi Chúa giáng cơn lụt tiêu diệt thế gian thì ông và gia đình sẽ vào tàu cho khỏi bị chết. Từ khi nghe lệnh đó, ông Noê vàba người con trai lo đi kiếm gỗ về đóng tàu. Mấy người hàng xóm thấy ông đóng tàu trên đất cạn thì nhạo cười. Họ nói: “Mưa còn chưa có nữa là lụt! Làm gì có lụt lớn đến nỗi phải cần đến chiếc tàu trong chỗ đất liền như vậy!” Dù người chung quanh chế nhạo, ông Noê và ba người con cứ yên lặng vâng lời Chúa đóng tàu.

Một số người trong làng đến giúp ông Noê nhưng chẳng ai tin là Chúa sẽ giáng cơn lụt lớn để tiêu diệt cả thế giới. Vì chiếc tàu quá lớn nên gia đình ông Noê phải đóng suốt 40 năm mới xong. Người chung quanh chờ lâu chẳng thấy có mưa gì cả thì lại càng chế nhạo nhiều hơn. Người thì cười vì gia đình ông chỉ có tám người mà đóng chiếc tàu quá lớn, người thì nói làm sao nước sông nước biển có thể lên đến chỗ chiếc tàu được. Rồi cuối cùng, họ nhạo cười khi thấy ông Noê dẫn các loài thú vật vào tàu. Những người này chưa bao giờ biết nước lụt là gì, mà bây giờ thấy một ông cụ già đóng một chiếc tàu thật to rồi đem các loài thú vật vào tàu để tránh lụt, vì thế họ không tin. Hơn nữa, vì lòng họ cứng cỏi, đầy dẫy tội lỗi. Họ không kính sợ Chúa, không thờ Ngài, nên cũng không để ý đến lời cảnh cáo của Ngài.

Ông Noê cứ vừa đóng tàu vừa khuyên người ta ăn năn tội trở lại với Chúa để khỏi bị chết nhưng chẳng ai nghe. Những người đó cứ vui sống trong tội lỗi. Họ nói dối nhau, ganh ghét nhau, làm hại nhau. Họ không tin Chúa là Đấng Thánh khiết và Công bình, sẽ trừng phạt người có tội, vì thế họ nhất định không ăn năn. Suốt bốn mươi năm Chúa dùng ông Noê, vừa đóng tàu, vừa cảnh cáo khuyên lơn, để Ngài có thể cứu thêm một số người, nhưng chẳng có một người nào ai để ý đến lời nói của Noê.

Trước khi giáng cơn mưa lớn, Chúa Yahvê bảo gia đình ông Noê vào tàu, rồi Ngài đóng cửa tàu lại. Khi trời mưa to và nước bắt đầu dâng lên, người chung quanh mới chợt tỉnh, họ biết rằng những gì ông Noê nói lâu nay là sự thật. Họ kéo nhau đến bên chiếc tàu, gõ cửa kêu cứu. Nhưng Noê không mở cửa tàu được, vì Chúa đã đóng lại. Đám người trôi giạt bên ngoài chiếc tàu gào khóc, than van. Họ sợ quá: sợ nước, sợ chết, nhưng đã quá muộn. Bao nhiêu năm nay ông Noê kêu gọi họ ăn năn, họ chỉ chế nhạo ông chứ không chịu ăn năn. Bây giờ họ tin lời ông thì đã quá muộn!”.

Nhưng điểm kỳ lạ và tuyệt diệu của ”cầu vồng giao ước tình yêu” – qua tường thuật về Noê – thì giao ước này không phải là một giao ước song phương, bằng vai bằng vế, nhưng chỉ vì yêu mà Thiên Chúa đã tự cam kết một chiều với những kẻ Ngài chọn lựa. Đó chính là ý nghĩa của hồng ân đức tin: đức tin là một ơn ban nhưng không của Đức Chúa mà chúng ta hoàn toàn không xứng đáng và không có quyền đòi hỏi.    

 

Cầu vồng tình yêu trong Tân Ước

 

Khác với ”cầu vồng tình yêu” trong Cựu Ước – gần gũi và hiện sinh với con người –”cầu vồng tình yêu” trong Tân Ước là một thị kiến chúc tụng vinh quang Đức Chúa trong thời cách chung, được Thánh Yoan viết lại trong Sách Khải Huyền, đoạn 4, câu 1-11, khi “Thiên Chúa trao vận mệnh thế giới cho Con Chiên”:

“Sau đó, tôi được một thị kiến. Kìa một cái cửa mở ra ở trên trời, và tiếng mà trước đây tôi nghe nói với tôi như thể tiếng kèn, bảo tôi rằng: “Lên đây, Ta sẽ chỉ cho ngươi thấy những điều phải xảy ra sau đó”. Lập tức tôi xuất thần. Kìa một cái ngai đặt ở trên trời và có một Ðấng ngự trên ngai. Ðấng ngự đó trông giống như ngọc thạch và xích não. Chung quanh ngai có cầu vồng trông giống như bích ngọc. Chung quang ngai có hai mươi bốn ngai khác, và trên những ngai đó có hai mươi bốn vị kỳ mục; các vị đang ngồi, mình mặc áo trắng, đầu đội triều thiên vàng. Từ ngai phát ra ánh chớp, tiếng sấm tiếng sét. Bảy ngọn đuốc, tức là bảy thần khí của Thiên Chúa cháy sáng trước ngai. Trước ngai có cái gì như biển trong vắt tựa pha lê. Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn con vật, đằng trước và đằng sau đầy những mắt. Con vật thứ nhất giống như sư tử, con vật thứ hai giống như bò tơ, con vật thứ ba có mặt như mặt người, con vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay. Bốn Con Vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh và bên trong đầy những mắt. Ngày đêm chúng không ngừng hô lên rằng: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Ðức Chúa, Thiên Chúa toàn năng! Ðấng đã có, hiện có và đang đến! Mỗi khi những con vật ấy kính dâng vinh quang, danh dự và lời tạ ơn lên đấng ngự trên ngai, Ðấng hằng sống đến muôn thuở muôn đời, thì hai mươi bốn vị kỳ mục phủ phục xuống trước mặt Ðấng ngự trên ngai mà thờ lạy Người, Ðấng hằng sống đến muôn thuở muôn đời, và đặt triều thiên của mình xuống trước ngai mà nói:”Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài xứng đáng lãnh nhận vinh quang, danh dự và uy quyền, vì Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên”.

Vậy khi nhìn thấy ”cầu vồng” – hãy tán dương Đức Chúa và hãy sống trọn niềm tin trong hành trình đi vào trời mới đất mới:

”Hãy ngắm cầu vồng mà chúc tụng Ðấng làm ra nó,

nó thật là sáng lạn huy hoàng,

uốn quanh bầu trời thành vòng cung rực rỡ;

chính tay Ðấng Tối Cao đã giăng lên”