Nguyễn Trọng Lưu

 

Những sự sống lại trong Tin Mừng

Trong Tin Mừng, chúng ta thấy có hai người đã được Chúa Yêsu cho ”sống lại”. Đó là con trai của bà góa thành Naim (Lc.7, 11-17)Lazarô (Yn.11, 1-44). Cả hai đã ”sống lại” giống như đã sống trước đó, sống thêm một ít năm nữa, nhưng rồi sau đó cả hai đều đã lại chết.

Nhưng khi Chúa Yêsu sống lại, thì không phải Chúa trở lại cuộc đời thường và kéo dài thêm 33 năm như Chúa đã sống trước đây. Chúa Yêsu không sống đời sống đó nữa, nhưng một đời sống hoàn toàn khác, tuy rằng khi hiện ra với các môn đệ, Ngài vẫn mang thân xác và hình hài như trước. Tin Mừng cho chúng ta thấy một vài hình ảnh về sự sống khác biệt của Chúa Yêsu sau khi Ngài sống lại: Chúa không bị hạn giới vào không gian và thời gian nữa. Chúa vào giữa căn phòng đóng kín nơi các tông đồ tụ họp vì sợ người Do Thái. Chúa cũng có thể hiện diện mà các môn đệ dù rất thân tín cũng không nhận ra được, như ở Emmaus: Ngài chợt đến và đi một cách thình lình.

Sách Công Vụ Tông Đồ có tường thuật lại một cuộc đối thoại giữa Thánh Phêrô ông Cornêliô, một sĩ quan La Mã có niềm vào Chúa Yêsu. Thánh Phêrô nói: “Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”. (CvTđ 10, 39-41). Ðiều thánh Phêrô muốn nhấn mạnh ở đây là không phải ai cũng có thể nhìn thấy được Chúa Yêsu. Ngài không xuất hiện với mọi người, nhưng chỉ đến với những ai được lựa chọn, những ai có mối liên hệ bạn hữu với Ngài. Những người chống đối Ngài trong cuộc đời hư nát bởi sự chết sẽ không gặp được Ngài nơi sự sống phục sinh. 

Khi các bà MagdalenaMaria tìm đến mộ Chúa Yêsu, thì thiên thần cho các bà biết “Người không có ở đây, vì Người đã sống lại như Người đã nói.” (Mt 28, 5-6). Người đã chỗi dậy, không phải để trở lại cuộc sống rồi sẽ mục nát, nhưng là bước vào sự sống sung mãn của Thiên Chúa. Ðấng đã sống lại không thể chết vì Ngài ở trong Thiên Chúa là Ðấng Hằng Sống. Những lời thiên thần nơi mộ đá là những lời làm chấn động cả nhân loại: sự sống đã phát sinh từ một nấm mồ. Cuộc đời con người không còn phải là chu kỳ “sinh-ra-sống-chết-mục-nát”, nhưng là “sinh-ra-sống-chết-sống-lại”. Nấm mồ không phải là nơi chấm dứt đối với Chúa Yêsu và nhờ Ngài, nấm mồ cũng sẽ không phải là tận cùng của chúng ta. Ý nghĩa sự sống lại của Chúa Yêsu là Thiên Chúa làm cho điều gì hay chết nay được trở thành trường sinh.

Thần học gia người Úc, Peter Frederick Carnley (sinh năm 1937) lại nhận xét rằng sự sống lại của Đức Yêsu hoàn toàn khác với sự sống lại của Lazarô. Trong trường hợp của Lazarô, tảng đá đã được lăn ra để Lazarô có thể từ từ bước ra, còn Đức Yêsu không cần phải lăn tảng đá ra, vì thân xác Ngài đã biến đổi và đi xuyên qua không gian và thời gian. Giải thích này của P. F. Carnley lại vô tình rất trùng hợp với tấm khăn liệm thành Torino, bởi nếu Đức Yêsu sống lại và đi ra khỏi mồ như khi Ngài còn sống trong thân xác, thì tấm khăn liệm sẽ không còn được nguyên vẹn như chúng ta thấy ngày nay, mà nó sẽ bị rách nát. Đàng này tấm khăn liệm vẫn còn nguyên vẹn và vì thế Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô 6 mới nói: ”Tấm khăn liệm thành Torinô là một chứng từ tuyệt vời về cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa Yêsu, viết lại cho chúng ta bằng chính máu của Người”.

Chúng ta có thể làm cho cuộc sống đời thường trở thành lễ Phục Sinh như thế nào?

 Trong một buổi cầu nguyện tại công trường thánh Phêrô vào năm 2009, Đức Cố Giáo Hoàng từ nhiệm Biển Đức 16 đã nhắc nhớ cho chúng ta rằng, việc cử hành phụng vụ cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô không chỉ là một sự tưởng niệm đơn sơ biến cố này, nhưng phải là việc thực hiện trong cuộc sống của từng kitô hữu và của từng cộng đoàn giáo hội. Niềm tin nơi Chúa Kitô sẽ biến đổi cuộc sống chúng ta thành một sự phục sinh liên tục, như Thánh Phaolô viết cho các tín hữu tiên khởi của cộng đoàn Ephêsô: ”Xưa kia anh em đã là bóng tối, giờ đây anh em là ánh sáng trong Chúa. Vì thế anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep.5, 8-9).

Sự sống lại của Chúa Kitô là điểm tới của một cuộc sống không còn chịu sự hư nát của thời gian nữa, mà là một cuộc sống viên mãn trong sự vĩnh hằng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô không những chỉ gắn liền sự phục sinh của kitô hữu với sự sống lại của Chúa Yêsu (1 Cor. 15, 16-20), mà còn dạy cho chúng ta phải sống mầu nhiệm phục sinh trong cuộc sống thường ngày của chúng ta nữa. Ngài không mời gọi kitô hữu trốn tránh thế giới mà Thiên Chúa đã đặt để chúng ta trong đó, nhưng chúng ta còn là công dân của một ”kinh thành khác”, nơi là quê hương đích thật của chúng ta. Con đường hướng tới đích điểm đó chúng ta phải bước đi trong cuôc sống thường ngày trên trái đất này. Được tham dự vào cuộc sống của Chúa Kitô phục sinh, ngay từ bây giờ chúng ta phải sống như các con người mới trong kinh thành trần gian.

Chúng ta không thể giữ cho chúng ta sự sống và niềm vui mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong lễ Phục Sinh, nhưng phải trao lại cho những người mà chúng ta tiếp xúc. Chúng ta phải làm dấy lên trong con tim của tha nhân niềm hy vọng nơi thất vọng, niềm vui nơi sầu buồn, sự sống nơi chết chóc. Làm chứng mỗi ngày cho niềm vui của Chúa phục sinh có nghĩa là luôn sống trong ”cách thức phục sinh”, làm vang lên lời loan báo rằng Chúa Kitô không phải là một tư tưởng hay một ký ức của quá khứ, mà là một Người sống với chúng ta, sống cho chúng và sống trong chúng ta; và với Người, cho Người và trong Người chúng ta có thể đổi mới mọi sự (Kh. 21, 5).