Nguyễn Trọng Lưu

(Đây là bài chia sẻ tĩnh tâm mùa chay cho cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Århus, 2014)

 

 

CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC QUA KINH “LẠY CHA”

Bài giảng trên núi dạy cho con người biết thánh ý cha trên trời và nêu lên con đường sống hoàn thiện (tri) còn kinh “Lạy Cha” là lời cầu nguyện hiện sinh trong đời sống thường ngày (hành).

Kinh Lạy Cha nằm ở trung tâm của “Bài giảng trên núi” (Mt. 5-7) và lấy lại nội dung chính yếu của Tin Mừng dưới hình thức một kinh nguyện – thế nênSách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo số 2767-2768 mới viết:“Bài giảng trên núi là giáo huấn để sống, còn Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện, nhưng trong cả hai, Thần Khí của Chúa đem lại thể thức mới cho những ao ước của chúng ta, cho những biến chuyển nội tâm làm sinh động cuộc đời chúng ta. Chúa Yêsu dùng lời Người dạy chúng ta về cuộc đời mới và dạy chúng ta nài xin cuộc đời mới này bằng lời cầu nguyện. Sự trung thực của cuộc đời chúng ta trong Người sẽ tùy thuộc vào sự trung thực của lời cầu nguyện của chúng ta”.

Trong những ngày tĩnh tâm này, hai cha JB.Nguyễn Ngọc Thế sj.P. Nguyễn Kim Thăng đã hướng dẫn và đào sâu ý nghĩa thần học của từng câu trong “kinh Lạy Cha” – nên ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ những cảm nghiệm cá nhân của tôi – một người giáo dân Việt Nam – khi đọc kinh này và đã nhìn được “con đường hạnh phúc qua kinh Lạy Cha”.

Những bản kinh Lạy Cha bằng tiếng La-tinh, Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch – theo thiển ý của tôi -chẳng lột được những ý nghĩa diệu vợi ẩn tàng trong đó. Bởi, nguyên chữ ”Lạy” trong tiếng Việt thôi, cũng đã vẽ được một nét văn hóa đặc thù của người mình -chẳng hạn trong câu ca dao mà chắc ai cũng biết: ”Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp”: chữ “lạy”nói lên tính chất hạn giới của thân phận con người lúc nào cũng muốn nâng lòng lên đấng tuyệt đối, là khát vọng nội tại và thực hữu mỗi con người hằng khao khát.

“Lạy Cha!” Không phải “lạy Chúa” mà là “lạy Cha”. Một cảm nghiệm vô cùng lạ lùng và độc đáo:“Chúa là Cha của chúng ta”.Chắc nhiều người còn nhớ lời kinh Thiên Thần dạy 3 chị em Lucia, Jacinta Francisco ở làng Fatima: “Lạy Chúa và là Chúa Trời con, con tin kính Chúa, con thờ lạy Chúa, con yêu mến Chúa, con cậy trông nơi Chúa. Xin Chúa hãy thứ tha cho những kẻ chẳng tin kính, chẳng thờ lạy, chẳng yêu mến và chẳng cậy trông nơi Chúa! ”Thiên thần đã dạy ba em cầu nguyện bắt đầu bằng từ “Lạy Chúa!” Ấy thế mà qua lời đầu tiên trong “kinh Lạy Cha”, Chúa Yêsu đã nâng chúng ta lên một địa vị vô cùng cao sang, mặc dù chúng ta chẳng một chút nào xứng đáng, là lên ngang vai với Chúa Yêsu để dám gọi Thiên Chúa là Cha. Tình phụ tử trong cái nhìn của người Á Đông là thứ tình cao sâu, xa vời bộc lộ được uy quyền và khả năng đùm bọc của người chủ gia đình.

Mà Thiên Chúa Cha chúng ta là ai? Thiên Chúa đã tỏ lộ danh Ngài với Maisen trên núi Sinai: אהיהאשׁראהיה – Ta-là-Đấng-Ta-Là” (Xh. 3, 13-14). Động từ trong câu mạc khải trên của Thiên Chúa là một động từ hai nghĩa, vừa mang nghĩa “có”, vừa mang nghĩa “là”,  vừa nói đến tính tự hữu vừa nói đến bản chất của một thực thể. Với cái nhìn triết học, thì danh xưng này là một danh xưng tuyệt hảo, danh xưng chỉ Thiên Chúa mới biết. Hãy nhìn vào con người chúng ta: chúng ta hiện hữu qua xác thân, qua sự sống, qua cái ta cá biệt độc nhất vô nhị, nhưng chúng ta chẳng biết khi nào chúng ta được sinh ra và cũng chẳng biết khi nào chúng ta phải chết và phải chết ở đâu, chết cách nào và sau đó đi về đâu. Còn Đức Chúa, Ngài là tự hữu, Ngài là vô thủy vô chung, Ngài là hiện tại. Nơi Ngài không có sự phân chia thời gian, vì thời gian chỉ là một phạm trù của con người đem so sánh hạn giới với vĩnh hằng – nhưng cũng nhờ đó chúng ta mới hiểu được phần nào tình Cha yêu thương con: “Cha” đã biết và đã nhìn “con” từ muôn đời xa trước, khi tác sinh con vào đời, cha đã hằng che chở con.

Và cho dù khi chỉ một mình vò võ trong âm thầm của bóng đêm mờ tối, chúng ta cũng vẫn đọc “Lạy cha chúng con”, chứ không đọc “Lạy Cha con”. Cụm từ “chúng con” lúc nào cũng làm nổi bật lên tính chất liên đới và duy nhất của tất cả mọi người không phân biệt da màu, không phân biệt nơi chốn hay thời gian trong một gia đình nhân loại có chung một “Cha”. Đó là thứ tình anh em sâu thẳm cần phải làm sống lên trong mỗi người mỗi khi cầu nguyện với kinh Lạy Cha.

“Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”

Khi đọc tới đây, chắc có nhiều người sẽ nghĩ rằng hai chữ “hôm nay” “hằng ngày”là 2 ý nghĩa được lặp đi lặp lại và hơi dư thừa. Nhưng không phải thế đâu! Cụm từ “hằng ngày” muốn làm nổi bật ý nghĩa của sự tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa quan phòng, không phải bận tâm lo lắng đến ngày mai mà cũng không cần phải tích trữ, như kiểu dân Israel ngày xưa đã lo tích trữ “manna” trên đường về quê nhà. Còn cụm từ “hôm nay” nhắc chúng ta đến danh xưng của Thiên Chúa,

được mạc khải với Maisen trên núi Sinai: “Ta-là-Đấng-Ta-Là”. Nơi Thiên Chúa không có thời gian theo kiểu con người, mà lúc nào cũng chỉ tràn đầy, viên mãn – nên khi nhắc đến “hôm nay” là chúng ta được kêu mời hướng về vô hạn, để sống từng phút giây hiện tại và luôn tín thác vào Đức Chúa vĩnh hằng: Ngài chọn và hằng yêu thương che chở chúng ta.

Đức Kitô là cơm bánh của chúng ta. Chúa và Lời chúa là cơm bánh cần thiết nhất trong cuộc đời chúng ta, mà quá nhiều khi chúng ta không nghĩ tới. Lương thực đó hằng ngày cần thiết để nuôi sống mình. Mà một khi cảm nghiệm được Chúa Kitô hiện diện trong cuộc đời, chúng ta mới đich thật no đủ.

Nhưng vẫn còn một khía cạnh khác.Thế giới vẫn còn nhiều anh em của chúng ta đang đói khát: họ không có cơm bánh để ăn. Bi kịch đói ăn của thế giới hôm nay đòi buộc hết thảy Kitô hữu hãy tha thiết cầu xin cho anh em ta được lương thực ấy. Mà không chỉ cầu xin suông bằng miệng, còn phải thực thi trách nhiệm sẻ chia đối với gia đình nhân loại, phải chia cơm sẻ áo cho hết mọi người cần đến.

Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”

Chữ “nợ” trong tiếng Việt chúng ta có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là “tiền đi vay của người khác”, còn nghĩa thứ hai là “việc mình cần phải làm cho người khác”, mặc dù người khác không cần chúng ta làm lại cho họ việc ấy. Chẳng hạn, khi con cái chúng ta lập gia đình, những người thân thương đến tặng quà cho con cái chúng ta, nhưng những người tặng chẳng mong mình phải trả lại cho họ. Nhưng chúng ta vẫn nói “còn mắc nợ ông này, bà kia”.

Đây là một lời cầu xin thật lạ lùng của thứ tình yêu tuyệt vời và tuyệt đối. Chúng ta xin Chúa tha cho chúng ta những việc đáng lý chúng ta phải làm hơn nữa cho Thiên Chúa (phải chăng đó là lời thú nhận về “những điều thiếu sót” chúng ta hằng đọc?), mà cũng cầu xin cho chúng ta biết xóa bỏ cho tất cả những ai, những gì đã và đang còn mắc nợ chúng ta.

Mà để tha cho những con nợ của mình, chúng ta phải khước từ toàn thể quá khứ đã qua. Một khi dứt khoát từ khước hết mọi việc trong quá khứ, chúng ta mới có thể cầu xin Thiên Chúa tha nợ, để quá khứ của mình không sinh ra hậu quả đau khổ nơi hiện tại và tương lai. Một khi còn bám vào quá khứ, thì Thiên Chúa cũng chẳng thể nào giúp chúng ta ngăn chặn không cho sinh ra hậu quả khổ đau. Chúng ta không thể nào bám chặt vào quá khứ mà lại không duy trì tội lỗi của mình, vì chúng ta chẳng thể nào nhận thức được điều gì là tệ hại nhất trong con người chúng ta.

Sự thứ tha cho những khoản nợ là sự nghèo khó tâm linh, là sự trần trụi tâm linh.Và chính khi tha thứ là chúng ta đang thanh tẩy chính mình để đi vào viên mãn.

 

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ”

Biết là thân phận con người sống trong thế gian là sẽ gặp những khổ đau, ấy thế mà Chúa Yêsu lại không dạy chúng ta xin khỏi những đau khổ, mà lại nguyện cho chúng ta đừng rơi vào các “cám dỗ”. Trong khi  Đức Phật đề ra con đường “diệt dục” để giúp con người bớt khổ đau, thì Đức Kitô lại chấp nhận những khổ đau,mặc dù chẳng người nào trong cõi đời ô trọc này lại mong muốn khổ đau. Nhưng nếu suy nghĩ đến tận cùng, chúng ta mới thấy rằng cái kinh khủng nhất trong cuộc đời đến từ nội tâm, đến từ lòng người muốn làm điều ác, điều dữ: và đó là những cám dỗ. Cám dỗ ghê gớm nhất cho con người là để cho những nguồn nội lực của mình bị đắm chìm tronghiện diện của sự dữ – mà cám dỗ từ vườn Eden là một bài học đắt giá. Bởi vậy, không những chúng ta cần phải có lòng cậy tin vào Chúa, mà còn phải biết sợ hãi sự dữ nữa.

Hạnh phúc là để Thiên Chúa chiếm đoạt chúng ta trọn vẹn và sống trọn vẹn cho tha nhân

Hạnh phúc của Chúa Yêsu là hạnh phúc của người con làm vui thoả lòng Cha, lấy ý Cha làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Mà ý của Cha là muốn cho mọi người được ơn cứu độ.Vì thế, hạnh phúc của Chúa Yêsu là giới thiệu về tình thương vô biên không điều kiện của Cha cho anh em mình là cộng đồng nhân loại.

Để đạt được mục đích trên, Chúa Yêsu đã sống từ bỏ trọn vẹn – trở nên một người nghèo khó cả trong đời sống tinh thần và thể chất, chịu đau khổ từ khi sinh ra cho đến chết treo trên thập giá. Người luôn khao khát sự công chính cho anh em mình, và luôn rao giảng về lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa đối với tội nhân. Người luôn cầu nguyện chiêm ngắm nhan thánh Cha với tâm hồn trong sạch của người con hiếu thảo, luôn xây dựng tình huynh đệ khi mời gọi mọi người sống yêu thương hòa thuận để trở nên con Thiên Chúa, Người sẵn sàng chịu sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa miễn sao mọi người được ơn cứu độ.

Những lời chúc phúc của Chúa Yêsu (8 mối phúc) là những lời mời gọi chúng ta lên đường tìm hạnh phúc, mà một khi chúng ta góp phần làm “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” và sống yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta qua “Kinh Lạy Cha” là chúng ta đã nếm được hạnh phúc của thập giá (8 lời sau cùng): để Thiên Chúa chiếm đoạt chúng ta trọn vẹn và sống trọn vẹn cho tha nhân.

Chỉ có tình yêu mới đem đến cho chúng ta hạnh phúc thật, hạnh phúc của một gia đình hiệp thông nên một trong Thiên Chúa, là Cha và mọi người là anh chị em ruột thịt với nhau.