Nguyễn Trọng Lưu
Truyền thống ”kinh cầu”
”Kinh cầu – Litanies” là một từ gốc Hy Lạp để diễn tả một lời cầu nguyện bao gồm một loạt các lời khẩn cầu và các lời đáp lại được xướng luân phiên nhau bởi một ca trưởng và ca đoàn.
Một số kinh cầu đến từ thánh vịnh trong Cựu Ước – như thánh vịnh 135 có một câu lặp đi lặp lại trong kinh cầu: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Trong Thánh Lễ, có nhiều hình thức kinh cầu được sử dụng – như trong nghi thức sám hối, câu “Xin Chúa thương xót chúng con” được hát nhiều lần; và trong phần ”lời nguyện giáo dân”, có việc lặp đi lặp lại của những lời thỉnh cầu và lời đáp. Cuối cùng, sau khi truyền phép – trước hiệp lễ – kinh “Chiên Thiên Chúa” cũng được hát ba lần.
”Kinh cầu các thánh” là một trong những kinh cầu cổ xưa nhất của Giáo hội công giáo, đã có ngay từ thế kỷ IV. Gọi là ”kinh cầu các thánh” vì kinh này gồm những lời cầu xin các thánh và lời cầu xin Đức Mẹ Maria – là Nữ Vương các Thánh. Kinh này đã được đưa vào phụng vụ của Giáo Hội – đặc biệt là lúc rửa tội và xức dầu bệnh nhân. Kinh cầu các thánh cũng được cầu nguyện trong nghi thức truyền chức thánh, được ban cho các phó tế, linh mục và giám mục. Và trong Thánh Lễ vọng phục sinh, nếu có rửa tội, cũng sẽ hát kinh cầu các thánh.
Kinh cầu danh thánh Chúa Yêsu được cho là của Thánh Bernardine thành Siena vào thế kỷ 15. Kinh Cầu Thánh Tâm Chúa Yêsu đã được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII cho phép sử dụng trang trọng và công khai vào thế kỷ 19. Thánh Margaret Mary, người đã được Thánh Tâm Chúa Yêsu hiện ra, đã có nhiều ảnh hưởng trong việc truyền bá lòng sùng kính này. Kinh Cầu Thánh Yuse được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII phê chuẩn vào năm 1960.
”Kinh cầu Loreto – kinh cầu Đức Bà”
Nhiều người cho rằng Kinh cầu Loreto – người Việt quen gọi là kinh cầu Đức Bà – bắt nguồn ngay từ thời Thánh Grêgôriô Cả hay thậm chí từ thời các Thánh Tông Đồ, tuy vậy các nhà sử học cho rằng kinh cầu Lôrêtô mới có từ thế kỷ 15 hay 16. Theo Bách khoa Toàn thư Công Giáo, bản sao in cổ nhất của kinh nguyện này đã được khám phá là của Dilingen – Đức, vào khoảng năm 1558; có thể đây là bản sao của một bản kinh cổ hơn nữa từ nước Ý – nhưng sau nhiều tra cứu, thì bản cổ nhất ở Ý khám phá được chỉ là vào năm 1576.
Đây là một kinh của Giáo Hội công giáo Rôma – được Giáo hoàng Sistus V phê duyệt vào năm 1587. Kinh này được cho là có từ năm 1558 từ đền Maria Loreto (Ý). Lòng tôn kính đối với Ðức Bà Loreto bắt nguồn từ câu chuyện liên quan đến nỗ lực đưa ngôi nhà của Ðức Maria ở Nazareth (Israel) về vùng làng quê xứ Ý. Ðức Mẹ Loreto còn là thánh bảo trợ ngành hàng không vì những phép lạ liên quan đến sự dịch chuyển huyền nhiệm của nhà thánh.
Tuy vậy, kinh cầu Đức Bà lúc ấy gặp nguy cơ bị lãng quên, vì vị Giáo Hoàng thời đó không thích kinh ấy. Song, các linh mục ở Đền Loreto vẫn gìn giữ kinh cầu đó và đọc vào mỗi thứ bảy. Đến thế kỷ 17, kinh cầu Loreto trở nên phổ biến ở Rôma và được đọc thường xuyên trong vương cung thánh đường Đức Bà Cả. Kể từ đó, kinh cầu này lan rộng trong khắp Giáo Hội công giáo và trở thành một trong những kinh cầu được đọc nhiều nhất trong Giáo Hội.
Nhiều nhà soạn nhạc cổ điển – như Wolfgang Amadeus Mozart, đã viết các nhạc phẩm từ kinh cầu Đức Bà này.
Kinh cầu Đức Bà
(Ghi chú: Theo tôn ý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong Thư Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích ban hành ngày 20.06. 2020 nhân ngày ”Lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria” – ba lời cầu mới sẽ được thêm vào trong ”Kinh Cầu Đức Bà Loretto”: ”Đức Mẹ hay thương xót – Mater misericordiae”; ” Đức Mẹ là lẽ cậy trông – Mater spei” và ” Đức Bà nâng đỡ người di cư – Solacium migrantium”. Chúng tôi dùng chữ lớn để làm nổi bật ba lời cầu này).
Xin Chúa thương xót chúng con – Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con – Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Xin Chúa thương xót chúng con – Xin Chúa thương xót chúng con.
Chúa Kitô nghe cho chúng con – Chúa Kitô nhận lời chúng con.
Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật – Thương xót Chúng Con.
Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật – Thương xót Chúng Con.
Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật – Thương xót Chúng Con.
Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời – Thương xót Chúng Con.
Rất Thánh Đức Bà Maria – Cầu cho chúng con.
Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời.
Rất Thánh Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh.
Đức Mẹ Chúa Kitô.
Đức Mẹ hay thương xót.
Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa.
Đức Mẹ là lẽ cậy trông.
Đức Mẹ cực thanh cực tịnh.
Đức Mẹ cực tinh cực sạch.
Đức Mẹ tuyền vẹn mọi đàng.
Đức Mẹ chẳng vướng bợn nhơ.
Đức Mẹ rất đáng yêu mến.
Đức Mẹ cực mầu cực nhiệm.
Đức Mẹ chỉ bảo đành lành.
Đức Mẹ sinh Chúa tạo thiên lập địa.
Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế.
Đức Nữ cực khôn cực ngoan.
Đức Nữ rất đáng kính chuộng.
Đức Nữ rất đáng ngợi khen.
Đức Nữ có tài có phép.
Đức Nữ có lòng khoan nhân.
Đức Nữ trung tín thật thà.
Đức Bà là gương nhân đức.
Đức Bà là tòa đấng khôn ngoan.
Đức Bà làm cho chúng con vui mừng.
Đức Bà là Đấng trọng thiêng.
Đức Bà là Đấng đáng tôn trọng.
Đức Bà là Đấng sốt mến lạ lùng.
Đức Bà như hoa hường mầu nhiệm vậy.
Đức Bà như lầu đài Đavid vậy.
Đức Bà như tháp ngà báu vậy.
Đức Bà như đền vàng vậy.
Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy.
Đức Bà là cửa Thiên Đàng.
Đức Bà như sao mai sáng vậy.
Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn.
Đức Bà bầu chữa kẻ có tội.
Đức Bà nâng đỡ người di cư.
Đức Bà yên ủi kẻ âu lo.
Đức Bà phù hộ các giáo hữu.
Nữ Vương các Thánh Thiên Thần.
Nữ Vương các Thánh Tổ Tông.
Nữ Vương các Thánh Tiên Tri.
Nữ Vương các Thánh Tông Đồ.
Nữ Vương các Thánh Tử vì Đạo.
Nữ Vương các Thánh Hiển Tu.
Nữ Vương các Thánh Đồng Trinh.
Nữ Vương các Thánh Nam cùng các Thánh Nữ.
Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông.
Nữ Vương hồn xác lên trời.
Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi.
Nữ Vương ban sự Bình An.
Chúa Yêsu chuộc tội cứu thế – Chúa tha tội chúng con.
Chúa Yêsu chuộc tội cứu thế – Chúa nhậm lời chúng con.
Chúa Yêsu chuộc tội cứu thế – Chúa thương xót chúng con.
Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con – Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.
Lời nguyện:
Chúng con lạy ơn Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, chúng con trông cậy Đức Bà là Chúa bầu chúng con. Xin cho chúng con biết lòng Đức Mẹ yêu dấu con mọn này còn ở dưới thế cách xa mặt Mẹ. Đức Chúa Yêsu xưa xuống thế gian, chẳng bỏ loài kẻ có tội, lại liều mình chịu nạn chịu chết vì hết cả và loài người ta. Đức Mẹ cũng một lòng theo con như vậy. Mẹ ôi, khoan thay, nhân thay, chớ trở mặt đi mà chẳng nhìn chúng con. Xin Đức Mẹ thương xem dạy dỗ yên ủi chúng con. Con cậy Mẹ có phép tắc nhiều trên hết Thiên Thần cùng trên hết các Thánh. Chúng con còn ở dưới thế nầy như kẻ đi biển cả vậy. Đức Mẹ là như ngôi sao chính ngự ở trời bên bắc vậy. Xin Đức Mẹ dẫn đàng cho chúng con được theo, kẻo phải xiêu chìm sa hỏa ngục vô cùng. Chúng con trông Đức Mẹ cho chúng con ngày sau được vào cửa Thiên Đàng xem thấy mặt Đức Chúa Giêsu cùng mặt Đức Mẹ, được chịu muôn muôn sự phúc gồm hết mọi sự tốt lành chẳng hay hết chẳng hay cùng. Amen.
Ước mong mỗi người sẽ đọc kinh cầu Đức Bà nhân dịp tháng năm, tháng kính Đức Mẹ – để ca tụng, tôn vinh và nhờ Mẹ chuyển cầu những ơn xin từ Thiên Chúa.