Nguyễn Trọng Lưu

 

Câu chuyện lụt ”đại hồng thủy” được ghi lại trong Cựu Ước là một câu chuyện mang tính cách lịch sử hay chỉ mang tính cách giáo huấn?

Khá nhiều người đặt nghi vấn: “Chuyện nước lụt ngập tràn cả trái đất phải chăng chỉ là một sự phóng đại hay chỉ là một câu chuyện thần thoại?” Thật ra, phần lớn trái đất hiện nay vẫn còn bị bao phủ bởi nước. Nước biển chiếm 71% bề mặt trái đất. Vì thế, trên thực tế địa cầu vẫn có thể bị ngập nước. Và nếu các sông băng và những tảng băng ở địa cực tan ra, mực nước biển có thể dâng lên và che phủ các thành phố như New York và Tokyo.

Lịch sử đã ghi lại bốn trận lụt đại hồng thủy đã thực sự xảy ra trên trái đất: đại hồng thủy thánh Felix, Hòa Lan, năm 1530; lũ lụt sông Hoàng Hà, Trung quốc năm 1887; lũ lụt sông Dương Tử – hay Trường Giang, năm 1931, và lũ lụt nhân tạo tại sông Hoàng Hà 1938 – do việc phá hủy đê Hoa Viên Khẩu.

 

”Đại hồng thủy” trong Cựu Ước

Biến cố “đại hồng thủy” được ghi lại trong sách sáng thế (chương 6,9 – 8,19) là một đúc kết giữa hai truyền thống khác nhau: truyền thống Yavít (sống động, nhiều màu sắc) và truyền thống tư tế (chính xác nhưng khô khan). Sở dĩ chúng tôi viết là một đúc kết giữa hai truyền thống vừa nêu bởi có những trục trặc khi nói về danh thánh Chúa: “Yahvê” hay “Thiên Chúa”; những chỗ trùng nhau hay mâu thuẫn như khi nói về số loài vật mang theo vào tàu (7,2 và 6,19-20): thời gian lụt: 61 ngày hay 375 ngày?(7, 2; và 8,6-12).

Trước hết, hãy đặt biến cố lụt đại hồng thủy này trong tương quan với các truyền kỳ lưỡng hà.

 

Các truyền kỳ lưỡng hà

Trong nhiều dân tộc Âu, Á – cũng có những truyền kỳ về một trận “đại hồng thủy” – đặc biệt ở vùng lưỡng hà, có truyền kỳ về một trận lụt lớn làm mọi người chết hết, chỉ còn lại một gia đình được một vị thần cứu. Truyền kỳ này cũng có những chi tiết giống như chuyện Noê như đóng tàu, thả chim sau khi lụt, dâng lễ tạ ơn. Có lẽ những truyền kỳ lưỡng hà này bắt nguồn từ những trận lụt tai hại trong lưu vực sông Tigera và Eupherat – mà sau này các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều lớp bùn đất dấy đến 3cm chồng chất lên nhau, thuộc nhiều thời đại khác nhau.

Hai truyền thống trong “sách Sáng thế” chắc đã biết và dùng những truyền kỳ đó – sau khi đã thanh lọc và đặt một ý nghĩa vào trong đó.

 

 

Khoa khảo cổ học và ”đại hồng thủy”

Cho đến nay, khoa khảo cổ học đã tìm ra năm dấu tích cho thấy thực sự lụt ”đại hồng thủy” này đã xảy ra trên toàn cầu.

”Đại hồng thủy” là một trận đại thảm họa khủng khiếp do Đức Yahvê tạo ra để trừng phạt con người vì họ đã thoái hóa, biến chất, đạo đức suy đồi. Trước đây, người ta vẫn tưởng đó chỉ là truyền thuyết, nhưng giờ đây, những khám phá khoa học chứng minh cho chúng thấy “có thể đó là một sự kiện lịch sử có quy mô toàn cầu”.

Trong Sách Sáng Thế có nhắc đến một trận lũ rất lớn gây ngập lụt trên toàn thế giới. Vào ngày 17.02 – năm 600 trước công nguyên, đã có mưa suốt 40 ngày đêm, nước dâng lên liên tục trong 157 ngày, lên cao hơn cả những đỉnh núi cao nhất. Trong trận lũ đó, gần như toàn bộ loài người đã bị nhận chìm, chỉ có gia đình Noê cùng các loài vật mỗi giống một cặp còn sống sót trên con thuyền của ông Noê. Vì họ là những người lương thiện, công chính không đáng phải chết như đa số người khác, nên đã được Thiên Chúa cứu vớt.

Nhiều người cho rằng câu chuyện này chỉ là truyền thuyết, nhưng cũng có nhiều ý kiến khẳng định biến cố này hoàn toàn có thật. Và năm bằng chứng sau đây được xem là manh mối cho thấy trận lụt “đại hồng thủy” đã thực sự xảy ra.

1. Trận lụt toàn cầu được ghi chép trong nhiều tài liệu cổ

Trong văn tự cổ của nhiều nền văn hóa, tín ngưỡng đều có nhắc đến một trận lũ lớn đã nhấn chìm các vùng đất cùng con người trên đó. Từ Ấn Độ đến Hy Lạp cổ đại, Lưỡng Hà hay các cộng đồng thổ dân Bắc Mỹ, đều có những câu chuyện rất tương đồng với nhau.

Đây hẳn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Vì thời xa xưa, người dân ở các nền văn minh khác nhau chưa thể liên lạc được với nhau. Vậy tại sao họ có thể nhắc đến một trận lũ giống nhau đến vậy? Phải chăng tất cả những nền văn minh này đều đã từng trải qua một trận “đại hồng thủy” xảy ra trên toàn cầu?

2.Tìm thấy xác của tàu Noê trong Kinh Thánh

Ngày 20.06.1987, thống đốc tỉnh Agri, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố với thế giới rằng: “Bộ ngoại giao, bộ nội vụ, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Ataturk, cơ quan khảo cổ Thổ Nhĩ Kỳ… đã công nhận vật thể hình chiếc tàu trên ngọn núi Ararat tại độ cao 2.000m so với mực nước biển là con tàu Noê. Đây là một trong những phát hiện lịch sử học và khảo cổ học vĩ đại nhất cho thấy đại hồng thủy và con tàu Noê thực sự tồn tại.

Họ đã thực hiện nhiều nghiên cứu để có cơ sở cho tuyên bố trên. Phần đầu tiên của cuộc nghiên cứu là kiểm tra và đo lường kích thước của vật thể được cho là con tàu Noê. Một đầu nhọn là mũi tàu, đầu kia bo lại là đuôi tàu. Khoảng cách từ mũi đến đuôi là gần 160m. Trên mạn phải của con tàu, gần đuôi,cách đều nhau, được xác định là các sườn khung của thân tàu. Đối diện với chúng, ở bên mạn trái, có một thanh sườn cũng lồi ra khỏi đất bùn.

Gỗ của con tàu đã bị hóa thạch. Các chất hữu cơ đều đã bị thay thế bằng khoáng chất, chỉ còn lại hình thù và dấu vết các thanh sườn tàu. Nhưng chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy hình dáng

uốn cong của nó. Xung quanh đó là rất nhiều sườn khung khác, phần lớn bị chôn vùi trong đất, nhưng các kiểm tra kỹ đều có thể thấy được khung sườn này.

 3.Gỗ hóa thạch của con tàu Noê đã được tìm thấy: bằng chứng tại Trung Quốc

 Tương tự nhiều nền văn minh khác, văn tự cổ Trung Quốc cũng chép rằng đất nước này từng trải qua một trận lụt lớn. Gần đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng về một trận lụt lớn trên

sông Hoàng Hà, vào thời nhà Hạ – triều đại đầu tiên của Trung Quốc vào thời cổ đại.

Truyền thuyết kể rằng, trận lũ ấy dâng cao ngang tòa nhà 30 tầng. Nó nghiền nát và nhấn chìm mọi thứ trên đường đi, ngay cả những ngọn núi cũng không thể đứng vững. Mọi vùng đất ở Trung Quốc đều ngập trong biển nước mênh mông.

Trận lụt này gắn liền với truyền thuyết “Đại Vũ trị thủy” cách đây 4.000 năm. Chuyện kể rằng Hạ Vũ đã chế ngự được dòng sông Hoàng Hà – bằng cách nạo vét lòng sông và uốn nắn dòng chảy. Ngoài ra, thay vì xây các đập chắn lớn, Hạ Vũ chủ trương xây dựng hệ thống kênh thủy lợi để tiêu lũ vào các cánh đồng. Nhờ vậy, mức độ phá hủy của các cơn lũ giảm nhiều và nông nghiệp cũng phát triển trở lại. Người dân đã tôn sùng Hạ Vũ là người nắm giữ thiên mệnh chống lại thảm họa thiên nhiên. Sau đó, ông đã thành lập một nhà nước thống nhất Trung Hoa có tên nhà Hạ.

Một số người cho rằng truyền thuyết này chỉ là huyền thoại. Nhưng gần đây các nhà nghiên cứu đã tìm ra bằng chứng cho thấy nó có thể là thật. Qua phân tích đồng vị phóng xạ carbon trong các mẫu địa chất, một nhóm nhà khoa học phát hiện đã có một trận động đất cực lớn tại Lạt Gia (nay thuộc tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc) vào năm 1920 trước công nguyên. Trận động đất này làm lở một lượng đất đá rất lớn hai bên núi Hẻm Tích Thạch, tạo nên con đập tự nhiên chặn dòng chảy sông Hoàng Hà.

Con đập đó tồn tại từ 6 đến 9 tháng, sau đó bị vỡ vì lượng nước dồn quá nhiều. Các nhà nghiên cứu tính toán có tới 15 nghìn tỷ lít nước đã được giải phóng ngay khi đập vỡ. Công suất xả lúc đó của sông Hoàng Hà gấp khoảng 500 lần công suất trung bình nên đã nhấn chìm gần như toàn bộ vùng đồng bằng phía Bắc. Cơn lũ này được coi là khủng khiếp nhất lịch sử thế giới trong 10.000 năm qua và phù hợp với câu chuyện lụt “đại hồng thủy”.

Một nghiên cứu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) gần đây đã ghi nhận bằng chứng cho thấy mực nước đã dâng cao rất nhanh khoảng 12.000 năm trước. Phát hiện này có thể viết lại toàn bộ lịch sử địa chất.

Trong cùng thời gian đó, những tảng băng đá bị tan chảy, đổ về các đại dương, gây nên lũ lụt trên toàn cầu. Điều này cho thấy có thể đã có một trận lụt lớn xảy ra hàng ngàn năm trước: đó là lụt “đại hồng thủy”.

 

4.Những nền văn minh dưới đáy đại dương

Thành phố cổ Dwarka10.000 năm tuổi chìm dưới đại dương Tây Ấn với độ sâu 39m. Những năm qua, có khá nhiều công trình di tích bị nhấn chìm dưới nước được tìm thấy trên khắp thế giới. Điển

hình trong đó là thành phố cổ Dwarka, nằm ngoài khơi bờ biển phía Tây Ấn Độ trong Vịnh Cambay. Thành phố này có niên đại 10.000 năm tuổi, bị chìm dưới đại dương ở độ sâu 39m.

Trước đó, ngư dân trong vùng cho biết có nhiều câu chuyện về một thành phố dưới nước gần đó được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nhưng không ai quan tâm hay tin đó là sự thật. Chỉ đến khi Viện Công Nghệ Đại Dương Quốc Gia Ấn Độ tiến hành khảo sát mức độ ô nhiễm nguồn nước trong khu vực, các nhà khoa học mới khám phá ra di tích khổng lồ này. Thành phố cổ được tìm thấy cũng có những vết xe tương tự ở quần đảo Malta, nơi các vết bánh xe trông như cố tình lao xuống từ vách đá, một số thậm chí dẫn ra khỏi đảo đi xuống biển sâu. Đến nay, người ta vẫn chưa biết ai đã tạo ra những vết bánh xe đó và tại sao.

5.Trận lụt lớn ở Biển Đen

Bằng chứng này bắt nguồn từ lý thuyết của hai nhà nghiên cứu thuộc Đại Học Columbia. Họ cho rằng có một trận lũ lớn từng xảy ra ở vùng Biển Đen. Trước đó, Biển Đen từng là hồ nước ngọt được bao quanh bởi đất liền, cho đến khi một trận hồng thủy dữ dội tràn vào, biến nó thành biển.

Để chứng minh lý thuyết của mình, Robert Ballard – nhà khoa học nổi tiếng khám phá ra tàu Titanic đã quyết định tìm kiếm những tàn tích của trận lụt dưới độ sâu 122m dưới mặt Biển Đen. Ballard và nhóm của ông đã tìm thấy một bờ biển cổ xưa. Kết quả xác định niên đại đồng vị canbon cho thấy các vỏ sò trên bờ biển có niên đại khoảng năm 5.000 trước công nguyên. Và các chuyên gia tin rằng đây cũng chính là thời điểm xảy ra trận lụt “đại hồng thủy” trong Kinh Thánh.

Với những bằng chứng trên, người ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng trận “đại hồng thủy” được ghi lại trong Cựu Ước đã thực sự xảy ra trong lịch sử.

 

Ý nghĩa lụt “đại hồng thủy”

Lụt “đại hồng thủy” là một thực tại tiên báo việc thanh tẩy bằng nước: ngày xưa Noê đã qua nước mà được cứu, thì ngày nay, nay những ai qua nước thanh tẩy cũng đều được cứu rỗi (1. Pet. 3, 20-21). Do đó phụng vụ bí tích thanh tẩy nhắc con người sống đời công chính. Các thánh giáo phụ cũng so sánh tàu Noê với Giáo Hội – vì chỉ có ai ở trong đó mới được cứu rỗi.

Thơ Thánh Phaolô gởi tín hữu Do Thái (11, 7) đề cao lòng tin của ông Noê: ông vâng lời Thiên Chúa, tin những điều chưa hề thấy nên Noê là khởi đầu của nhân loại mới. Chính vì thế nhiều thánh giáo phụ đã nhìn thấy nơi Noê hình ảnh Đức Kitô.