Nguyễn Trọng Lưu

Từ “xuân” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau mà có lẽ ở đây chúng ta nên xác định rõ ràng để khỏi bị lầm lẫn.

Trước hết – theo nghĩa đen – “xuân” là mùa đầu năm, bắt đầu từ tháng giêng, đến tháng hai và tháng ba âm lịch – mà nếu tính theo dương lịch, thì mùa “xuân” lại bắt đầu từ 21.3 đến 21.6 mỗi năm. Nhưng khi nói “cung chúc tân xuân”; “tân xuân vạn phúc”; “văn nghệ mừng xuân” – thì từ “xuân” này lại mang ý nghĩa của một năm mới đang đến. Cũng có khi từ “xuân” lại được hiểu ngắn gọn vào những ngày đầu năm, hay tết, như khi nói “thưởng xuân”, hay “thú chơi xuân” – tức việc tham dự vào những thú tiêu khiển đặc biệt thường chỉ được tổ chức trong ba ngày tết, như các lễ hội, đình đám.

Từ “xuân” cũng còn được ghép với những từ khác, chẳng hạn như “xuân thu”, – để chỉ về tuổi tác: “xuân thu phỏng độ bao nhiêu tuổi ?”; “xuân đường”, để chỉ về người cha – như trong Kiều: “Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang”“xuân huyên”, là để nói chung về cha mẹ.

Còn nghĩa bóng của từ “xuân” là để diễn tả tuổi mới lớn (“xuân xanh xấp xỉ tới tuần cặp kê”), hoặc vẻ đẹp của người con gái “làn thu thủy, nét xuân sơn” – tức lông mày của người con gái đẹp. Từ “xuân” cũng còn được dùng để nói lên ý nghĩa của tuổi trẻ, tuổi tràn đầy sức sống, mà người ta hay gọi là tuổi thanh xuân hay tuổi xuân – như chúng ta đọc thấy trong ca dao :

“Chơi xuân kẻo hết xuân đi

  Cái già sồng sộc nó thì theo sau!”

Ở đây, tôi chỉ muốn khởi từ chữ “xuân” để tìm hiểu về ý nghĩa thời gian trong kiếp sống của con người mà thôi.

Tính chất khách quan và tính chất chủ quan của thời gian

Nếu suy nghĩ thật sâu xa về thời gian, chúng ta sẽ thấy hai tính chất xem ra nghịch chống của thời gian: đó là tính chất khách quan tính chất chủ quan của thời gian.

Ai trong chúng ta cũng biết, ý niệm thời gian mà chúng ta xử dụng hôm nay chỉ là một định ước (convention) được con người quy định và mặc thị (implicite) chấp nhận với nhau – chẳng hạn, một ngày có 24 giờ, một giờ có 60 phút, một phút có 60 giây và một giây có 60 sao. Cứ 7 ngày thì chúng ta gọi là một tuần, một năm có 365 ngày gồm 52 tuần được chia thành 12 tháng. Và năm tháng cứ xoay vòng mà trở lại theo một chu kỳ vòng tròn: “khứ nhi phục thủy”:

VBT Tự nhiên và Xã hội 3 Bài 64: Năm, tháng và mùa

 

(Xin xem bài “Hai thế hệ, một cuộc đời”, Nguyễn Trọng Lưu)để hiểu thêm một quan niệm nữa về thời gian được biểu trưng bằng đường thẳng, chứ không bằng vòng tròn như ở đây).

Sở dĩ tôi gọi là “định ước” vì ngày xưa ở Việt Nam chúng ta chia ra “đêm năm canh, ngày sáu khắc” chứ không chia thành 24 giờ như bây giờ. Lịch cổ của Tàu chia một năm thành tám tiết tức “bát tiết”, sau này đến “lịch kim” – tức từ thời Hán – lại chia một năm thành 24 khí hoặc tiết. Thời gian này mang một tính chất khách quan, bởi nó không liên quan tới ý nghĩa hiện hữu của từng người mà chỉ là một sự phân chia, một định ước cho tiện việc giao dịch mà thôi.

Nhưng nếu chúng ta đặt thời gian vào với hiện hữu của từng người, chúng ta sẽ khám phá ra được một tính chất khác nữa của thời gian. Hãy lấy một thí dụ, 10 phút vẫn chỉ là 10 phút, nhưng khi phải chờ đợi người yêu chẳng hạn, chúng ta sẽ cảm thấy sao 10 phút này dài thế – dài lê thê như thể năm, ba tiếng đồng hồ. Nhưng cũng chính những phút giây chờ đợi là giậy phút đẹp nhất, như Khái Hưng đã mô tả một cách bóng bẩy qua lời tự nhủ của ông phú hộ trong “Nửa chừng xuân”: “Ngày mai, Mai nhé!”. Và càng chờ đợi những việc quan trọng, chúng ta lại càng cảm thấy giống như thời gian đứng lại. Người ngồi trong tù chỉ mong sớm được trả lại tự do, nên mới cảm thấy rằng “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngọai”, còn người đã từng trải qua tuổi thanh xuân thì lại nhận định rằng “ba vạn sáu ngàn ngày là mấy!”. Và đó chính là tính chất chủ quan của thời gian. Ngày nào cũng như ngày nào, nhưng ngày hôm nay lại mang một ý nghĩa đặc biệt đối với tôi bởi hôm nay là ngày sinh nhật của con tôi, là ngày kỷ niệm cưới của hai vợ chồng tôi, là ngày kỵ của ba tôi… Chính trong tương quan mật thiết với các dự phóng của mỗi người mà thời gian mới đong đầy ý nghĩa hiện sinh.

Nếu ý nghĩa thời gian mà triết gia Søren Kierkegaard chỉ mới thoáng hiểu qua những lo âu, những băn khoăn, khắc khoải trong cuộc sống, thì sau này bằng cái nhìn hiện tượng luận (phénoménologie),  triết gia Martin Heidegger trong “Zeit und Sein”, đã khai phá ra những chiều kích sâu xa mới của thời gian.

Từ thời gian đến cảm nghiệm về Tuyệt Đối

Nếu thời gian chỉ thực sự mang đầy và mang trọn ý nghĩa trong tương quan với những dự phóng của từng người, thì chính sự hiện hữu của từng người cá biệt duy nhất trong thời gian – không phải là thứ hiện hữu đã bị vong thân do đám đông hay do cái nhìn của những người khác, mà ngôn từ của M. Heidegger gọi là “dasein”– cũng sẽ khai phóng cho mỗi người những cảm nghiệm mới về giá trị của thời gian.

Quá khứ là thời gian qua đi không bao giờ lấy lại được, còn tương lai là thời gian chưa nằm trong tầm tay của con người, nên con người chỉ còn lại duy nhất thời gian hiện tại – mà hiện tại là những giây phút M. Heidegger gọi là “der Augenblick” – tức những khoảnh khắc con người cảm nghiệm được cái hiện hữu hạn giới của mình để phải đối đầu với hư không, rồi từ đó làm nảy sinh khát vọng làm cho chính cái “Der Augenblik” tương đối kia quy hướng về “Tuyệt Đối”. Cái “tuyệt đối” này có thể được hiểu là giá trị siêu hình mà con người tự xây đắp cho mình qua những công việc ngày thường, mà cũng có thể được hiểu là một khát vọng siêu thời gian muốn đưa con người đến chỗ vượt qua các hạn giới trong thân phận bèo bọt của kiếp người – mà gần gũi nhất, cụ thể nhất, chắc chắn nhất là cuộc giã biệt kiếp hiện sinh. Đó là cái cảm nghiệm sâu xa nhất về hiện hữu mà các triết gia, khi suy tư về con người, đã gọi con người là “être-pour-la-mort: con-người-là-hữu-thể-của-sự-chết” – cũng giống như ngày xưa, Đức Phật đã nhận định về kiếp nhân sinh: đời người là “sinh, lão, bệnh, tử”. Còn trong cảm nghiệm tôn giáo, người ta gọi “tuyệt đối” đó là Đức Chúa, Đức Phật, Brâhman hay một Đấng-Nào-Đó.

Ở đây chúng ta thấy cái “der Augenblick” của M. Heidegger cũng không khác xa với các cảm nghiệm của Rabindranath Tagore (1861-1941) – là thi sĩ, triết gia và chính trị gia của Ấn Độ, và là người Á Châu đầu tiên được giải thưởng Nobel về văn học năm 1913. Trong tập thơ nổi tiếng “Gitanjali”, R. Tagore đã ca tụng vẻ phong phú muôn màu của tình yêu, là nguồn vui bất tận của cuộc đời. Đó là thứ tình yêu chân thành, không giả hình, không giấu diếm, cũng không bị hoen ố vì lòng ghen ghét thù hằn, mà là một thứ tình yêu khiêm hạ, nhận ra sự bất toàn và giòn mỏng của mình muốn chia sẻ với hết mọi người. Chính khoảnh khắc con người gieo hạt mầm yêu thương đó vào hiện hữu hạn giới này, thì cũng chính lúc đó con người chạm vào biên giới của Tuyệt Đối. Vì chỉ có Tuyệt Đối mới có thể làm cho cái hữu hạn trở thành sức sống viên mãn mà thôi. Đó cũng là điều mà Thánh François d´Assisi đã cảm nghiệm được trong lời “Kinh hòa bình”: “chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” và cũng “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Do đó, giá trị về cuộc đời của mỗi người sẽ không được định giá bằng khoảng thời gian bao lâu mình sống, mà bằng chính cách đón nhận và sống hiện hữu của mình, như là một hiện hữu độc nhất vô nhị trong cuộc xoay vần của vũ trụ, trong thông hợp với Đấng-Tối-Cao cũng như với hết mọi người khác. Khoảng thời gian mà con người sống nhiều năm hay ít năm, chỉ là một cách đo lường theo một định ước – như chúng ta mới phân tích ở trên – nhưng chính việc con người sống trọn ý nghĩa hiện hữu của mình mới là cái làm nên giá trị cuộc đời.

Triết lý Ấn Độ – trong kinh Upanishads – gọi đó là cách sống thể hiện sự hòa hợp giữa Âtman với huyền nhiệm tình yêu của  Brâhman; người công giáo lại gọi đó là sống đúng ơn gọi của mình để làm trọn công trình sáng tạo của Đức Chúa; còn Đức Khổng gọi đó là biết “tri thiên mệnh”, biết sống “chính danh” : “Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy. Tri sở thiên hậu, tắc cận Đạo hỹ : Mọi vật đều có gốc ngọn, mọi sự việc đều có đầu đuôi. Biết được cái chỗ có trước có sau đó, thì đã gần với đạo rồi”(Đại học). Phải chăng đó cũng chính là cảm nghiệm về giá trị cuộc hiện sinh mà Nguyễn Du trong Kiều, câu 2388-2389 đã kết thúc tác phẩm của mình :

“Thiện căn ở tại lòng ta,

 Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!”

“… thì xin hãy cho tình nhân sống thêm vài đời”

 Một khi cảm nghiệm được ý nghĩa của thời gian như thế, chúng ta mới thấy “xuân” mang lại cho chúng ta những chiều kích mới. Có một bài hát xuân  mà tôi rất thích – mặc dù đã xưa lắm rồi – đó là bài “Xuân ca” của Phạm Duy. Duờng như qua nhạc phẩm này, Phạm Duy đã nhìn thấy “Xuân” – hay thời gian – như một sức năng động siêu linh ẩn tàng trong chính hiện hữu của con người, để mang lại sự sống, mang lại tin yêu cho con người, để con người có đủ sức mạnh trải qua những thăng trầm, những đảo điên của cuộc sống để đi vào vĩnh cửu :

“Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui,

 một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về

 Xuân âm u, lắt leo cơn nguồn suối mơ,

 Bừng reo, rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ

 

 Xuân tôi sang, bến yêu tôi tìm gió trăng,

 Tình xuân, là xuân có khi mừng vui, có khi sầu đầy …

  Xuân tôi ơi, sức xuân tôi còn khát khao,

 Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu,

 Xuân muôn năm, có ta xuân còn hơi xuân,

Thì xin, thì xin hãy cho tình nhân sống thêm vài đời”.

 

Cũng trong tâm tình đó, trước thềm năm Tân Sửu 2021, tôi cũng nguyện chúc cho tất cả quý vị, được mọi sự như ý, và nhất là để cảm nghiệm và sống trọn vẹn những chiều kích hiện hữu của chính mình qua dòng thời gian, để rồi đừng bao giờ đánh mất đi từng giây từng phút quý báu của đời người – là cửa ngõ đưa chúng ta tới Tuyệt Đối, là khát vọng thầm kín và thôi thúc nhất trong từng người.