The Lily and the Carpenter « Gwyneth Thompson-Briggs
Nguyễn Trọng Lưu

 

Năm đặc biệt kính Thánh Yuse
Ngày 08.12.2020 – nhân kỷ niệm 150 năm chân phước Giáo Hoàng Piô 9 ban hành sắc lệnh Quemadmodum Deus, công bố thánh Yuse là Đấng Bảo trợ Giáo hội – Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông Thư “Patris corde – Trái tim của người Cha” – và công bố “Năm đặc biệt kính thánh Yuse” từ ngày 08.12.2020 đến ngày 08.12.2021.
Tông thư ”Trái tim của người Cha” được Đức Thánh Cha viết trong bối cảnh của đại dịch Covid-19. Theo Ngài, đại dịch giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của những con người vì công ích, những người xa ánh đèn sân khấu, kiên nhẫn mỗi ngày và nuôi dưỡng hy vọng, lan tỏa sự đồng trách nhiệm. Chúng ta có thể tìm thấy nơi thánh Yuse, “một người không được chú ý, người hiện diện hàng ngày, kín đáo và âm thầm, người chuyển cầu, là sự nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn”. Thánh nhân nhắc chúng ta rằng những người dường như “giữ vai trò phụ”, âm thầm, lại là “những vai chính không thể so sánh trong lịch sử cứu độ.

Theo ý muốn của Đức Thánh Cha, Tòa Ân Giải Tối cao đã ban hành sắc lệnh về các ơn toàn xá được ban trong năm này – mà chúng ta sẽ nói đến trong phần sau.
Việc tôn kính thánh Yuse vào ngày thứ tư trong tuần  Dưới khía cạnh lịch sử, các học giả không thấy có một mối liên hệ nào cả. Vào những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tín hữu ăn chay mỗi tuần hai ngày – thứ tư và thứ sáu – khác với người Do thái cũng ăn chay mỗi tuần hai ngày, nhưng là vào thứ hai và thứ năm. Theo sự giải thích của vài giáo phụ, ngày thứ sáu tưởng niệm Chúa Yêsu chịu chết trên thập giá, còn ngày thứ tư tưởng nhớ ngày Chúa bị Yuđa phản bội. Không rõ từ khi nào người ta dành thứ tư để kính thánh Yuse, và vì lý do gì. Tuy vậy, cũng có người giải thích thế này: thứ tư là ngày ở giữa tuần lễ, với nhịp độ làm việc cao, khác với nhịp độ uể oải hay cầm chừng của đầu tuần hay cuối tuần. Như vậy ngày thứ tư đáng để dành kính Thánh Yuse, gương mẫu của sự cần cù làm việc.
Nhưng đối với những người kính mến thánh Yuse, thì họ vẫn nhớ đến tên của Ngài mỗi ngày, cùng với việc kêu cầu Chúa Yêsu và Đức Mẹ Maria. Tại một vài nơi, người ta còn đọc một kinh riêng kính thánh Yuse dưới hình thức bổn mạng của người chết lành. Truyền thống cho rằng thánh Yuse là người có phúc nhất trên đời, bởi vì lúc lâm chung, người có Chúa Yêsu và Đức Maria đứng bên cạnh. Từ đó một hiệp hội đã được thành lập với trụ sở đặt tại Rôma, cầu xin thánh Yuse giúp cho mọi người được chết lành. Tại Việt Nam, ở nhiều nhà thờ và gia đình, người ta đọc mỗi ngày hai lần kinh nguyện vắn tắt như: “Lạy Ông Thánh Yuse, là cha nuôi Đức Chúa Yêsu cùng là bạn thanh sạch rất thánh đồng trinh Đức Bà Maria, xin Người cầu nguyện cho chúng tôi và cho các kẻ mong sinh thì trong ngày (đêm) hôm nay”.

 

Lễ kính Thánh Yuse ngày 19.3
Thường lễ các thánh được mừng vào ngày qua đời – được coi như ngày sinh vào cõi trường cửu. Thế nhưng đối với Thánh Yuse – cũng như đối với nhiều thánh thời cổ, thì chúng ta không biết ngày qua đời của các Ngài. Trong khi lễ kính các thánh tử đạo đã xuất hiện ngay từ những thế kỷ đầu tiên, tiếp theo là các lễ kính Đức Mẹ từ thế kỷ thứ 4, nhưng trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất, không nơi nào mừng lễ Thánh Yuse.
Phải chờ đến thế kỷ 14, lễ kính Thánh Yuse mới được cử hành trong Dòng Phanxicô (năm 1339) và Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ (năm 1342). Sang tới năm 1467, giáo phận Milano ấn định mừng lễ Thánh Yuse vào ngày 20.3 và đến năm 1509, được chuyển sang ngày 19.3. Phải chờ đến sau cuộc cải tổ phụng vụ sau công đồng Tridentinô, do Đức Piô 5, thì lễ Thánh Yuse mới được ghi vào lịch phổ quát của Giáo Hội (1568-1570). Lễ được mừng vào ngày 19.3 và trở thành lễ buộc từ năm 1621, dưới thời Đức Grêgôriô 15.

Những liên hệ giữa ngày 19.3 với Thánh Yuse
Trong một vài Giáo Hội Hy Lạp, Thánh Yuse được mừng kính ngay sau lễ Giáng Sinh – tức ngày 26.12. Bên Ai Cập, người ta mừng ngày qua đời của Thánh Yuse vào ngày 20.7 – không biết dựa trên cơ ở nào. Bên tây phương, lần đầu tiên tên Thánh Yuse được xướng vào ngày 19.3 trong một cuốn tử đạo thư của một Đan Viện Biển Đức, ở Reichenau – nay thuộc tổng Zurich, Thụy Sĩ – vào thế kỷ thứ 9 – có lẽ dựa theo một ngụy Phúc Âm vào thế kỷ thứ 4.
Bên cạnh lễ mừng vào ngày 19 tháng 3, phụng vụ còn dành một lễ nhớ nữa, đó là lễ thánh Yuse lao động, được Đức Piô 12 thiết lập ngày 1.5.1955 – đúng vào ngày quốc tế lao động. Trước đó – năm 1847, Đức Piô 9 chọn mừng lễ thánh Yuse bổn mạng Giáo Hội vào chúa nhật thứ ba sau lễ Phục sinh, nhưng sau đó được Đức Piô 10 – năm 1913, dời vào ngày thứ tư trong tuần thứ hai sau lễ Phục sinh. Lễ này bị bãi bỏ năm 1956, khi được thay thế bằng lễ thánh Yuse lao động.

Những việc tôn kính Thánh Yuse vào tháng ba, tháng kính thánh Yuse
Có lẽ việc tôn kính mà thánh Yuse thích hơn cả là sống theo Phúc âm, cũng như Người đã cố gắng thi hành, đặc biệt trong việc tuân hành ý Chúa, và trung thành với việc bổn phận. Điều này được nhắc tới nhiều lần trong các văn kiện Tòa Thánh – gần hơn cả là tông huấn “Redemptoris Custos – Người gìn giữ Chúa Cứu Thế” – được Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan Phaolô 2 ban hành ngày 15.08. 1989 – nói về con người và sứ mạng của Thánh Yuse trong đời sống Đức Kitô và Giáo Hội.
Khi tìm hiểu về các việc đạo đức kính dâng Thánh Yuse, thì có nhiều hình thức, chẳng hạn như: Kinh cầu thánh Yuse, ngắm 7 sự vui buồn thánh Giuse, kinh cầu cho Hội Thánh. Có lẽ trong số này, kinh cầu thánh Yuse được nhiều người biết đến hơn cả. Kinh cầu này dựa theo sườn của kinh cầu Đức Bà, và được sử dụng trong vài hiệp hội tại Rôma ngay từ năm 1597. Bố cục như sau: mở đầu là những lời khẩn cầu dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria, tiếp theo là những lời cầu cùng thánh Yuse dưới 25 tước hiệu.
Các tước hiệu này có thể phân thành năm nhóm. Nhóm đầu tiên nói sự thánh thiện cũng như nguồn gốc của thánh Yuse (dòng dõi vua Đavít, thuộc hàng các tổ phụ). Nhóm thứ hai nói đến các chức vụ được ủy thác cho Thánh Yuse (bạn Đức Maria, dưỡng phụ Đức Yêsu, Đấng che chở cho Đức Kitô và thánh gia). Nhóm thứ ba ca ngợi sáu nhân đức của thánh nhân (công chính, khiết tịnh, khôn ngoan, mạnh bạo, vâng lời, trung thành). Nhóm thứ tư đề cao thánh Yuse như khuôn mẫu cho các nhân đức xã hội (nhẫn nại, thanh bần, cần cù lao động, mẫu gương cho các gia trưởng, các người khiết tịnh cũng như người có đôi bạn, an ủi kẻ âu sầu). Và nhóm cuối cùng nhắc đến những tước hiệu bổn mạng (của những người lâm tử và của toàn thể Hội Thánh).

Bảy sự vui buồn của thánh Yuse
Kinh này dựa theo việc suy gẫm bảy sự đau đớn Đức Mẹ do các tu sĩ dòng Tôi Tớ Đức Mẹ phổ biến. Việc suy gẫm bảy sự vui buồn thánh Yuse được in thành sách ngay từ thế kỷ 16, dựa theo những trình thuật Tin Mừng thơ ấu của thánh Mathêu và thánh Luca. Nên lưu ý là đối với Đức Mẹ thì chỉ nói tới bảy sự thương khó, còn đối với thánh Yuse, chúng ta vừa suy gẫm bảy sự buồn cùng với bảy sự vui. Nói cách khác, mỗi biến cố đều có mặt buồn của nó và liền đó là mặt vui. Bảy biến cố đó là: thứ nhất, việc Đức Mẹ mang thai Chúa Yêsu, gây ra nhiều băn khoăn cho thánh Yuse, nhưng sau đó được thiên thần giải thích. Thứ hai, khi chứng kiến cảnh khó nghèo của Chúa Yêsu khi sinh ra tại Belem. Thứ ba, khi làm phép cắt bì cho Chúa Yêsu. Thứ tư, khi cụ Simêon tiên báo những đau khổ của Chúa Yêsu. Thứ năm, khi trốn qua Ai cập. Thứ sáu, khi trở về Nazareth. Thứ bảy khi lạc mất và tìm lại Đức Yêsu trong đền thờ. Sau mỗi cảnh suy niệm, đọc một ”kinh Lạy Cha”, một ”kinh Kính Mừng” và một ”kinh Sáng Danh”.

Sắc lệnh ban các ơn toàn xá đặc biệt nhân dịp Năm đặc biệt về thánh Giuse

Ơn toàn xá được ban với các điều kiện thông thường – xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng – cho các tín hữu có lòng xa tránh mọi tội lỗi, tham dự năm đặc biệt về thánh Yuse trong những dịp và theo cách thức được Tòa Ân Giải Tối cao chỉ định:

Thứ nhất, ơn toàn xá được ban cho những người suy niệm ít nhất là 30 phút về Thánh Cả Yuse hoặc tham dự một cuộc tĩnh tâm ít nhất là một ngày với một bài suy niệm về thánh Yuse.

Thứ hai, những người theo gương thánh Yuse, thực hiện một việc thương xót về thể lý hay thiêng liêng, cũng có thể được nhận ơn toàn xá.

Thứ ba, ơn toàn xá được ban cho những người đọc kinh Mân Côi trong gia đình và giữa những người đính hôn.

Thứ tư, ơn toàn xá được ban cho bất cứ ai hàng ngày phó thác công việc của mình cho sự bảo vệ của Thánh Yuse và bất kỳ tín hữu nào cầu nguyện, xin sự chuyển cầu của Người Thợ thành Nazareth, để những người đang tìm công việc có thể tìm được việc làm và để công việc của mọi người được xứng đáng hơn.

Thứ năm, on toàn xá được ban cho những tín hữu khi đọc kinh cầu thánh Yuse hoặc một kinh thánh Yuse khác, phù hợp với các truyền thống phụng vụ, để cầu nguyện cho Giáo hội bị bách hại bên trong và bên ngoài, và cho tất cả các Kitô hữu đang chịu mọi hình thức bách hại được cứu giúp.

Tòa Ân Giải tối cao ban ơn toàn xá cho các tín hữu đọc bất kỳ lời cầu nguyện nào đã được phê chuẩn hợp pháp hoặc làm một việc đạo đức để tôn vinh thánh Yuse, trong suốt tháng ba, đặc biệt là ngày 19.03; ngày 01.05 và Lễ Thánh Gia Thất.

Đối với người già và bệnh nhân

Sắc lệnh cũng nói rằng trong hoàn cảnh khẩn cấp về sức khỏe, ơn toàn xá đặc biệt được ban cho những người cao niên, các bệnh nhân, những người hấp hối và cho tất cả những người vì lý do chính đáng không thể rời khỏi nhà.

Họ được nhận ơn toàn xá – nếu có lòng xa tránh tội lội và với ý định hoàn thành, càng sớm càng tốt, ba điều kiện thông thường (xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng); thực hiện một việc đạo đức để tôn kính thánh Yuse, nguồn an ủi người bệnh và Đấng bảo trợ sự chết lành và dâng lên Thiên Chúa những đau đớn và khó nhọc trong cuộc sống của họ với lòng tin tưởng.

 

Did St. Joseph Build This Miraculous Chapel Staircase? Here's the  Mysterious Legend |
Chiếc cầu thang kỳ diệu
Tôi muốn kết thúc bài này với câu chuyện về một chiếc cầu thang kỳ diệu ở nhà nguyện tại thành phố Santa Fe thuộc bang New Mexico bên Mỹ.
Cách đây 148 năm – vào năm 1872, Đức Giám Mục giáo phận Santa Fe là Đức Cha Jean Baptiste Lamy (1814-1888), gốc Pháp, dự định xây cất một nhà nguyện dâng kính Đức Bà Loreto -làm nơi thờ phượng cho cộng đoàn gồm bốn nữ tu thành Loreto mới thành lập.
Công việc xây cất ủy thác cho kiến trúc sư P. Mouly, người Pháp. Ông khởi công ngày 25.07. 1873 và hoàn thành năm năm sau đó. Nhà nguyện dài 22,5 mét, rộng 7,5 mét và cao 25,5 mét. Nhà nguyện này được dâng kính Thánh Cả Yuse.
Khi nhà nguyện gần hoàn thành thì người ta mới thấy có một thiếu sót trầm trọng. Nhà nguyện không có cầu thang đi lên gác đàn – dành cho ca đoàn. Nhiều nhà chuyên môn được mời đến để nghiên cứu xem phải giải quyết vấn đề như thế nào. Mọi người đều thấy không còn chỗ để xây cầu thang, ngoại trừ việc làm một đường hầm hoặc xây một cầu thang theo hình con ốc.
Sau khi nghe ý kiến, các nữ tu cảm thấy vô cùng bối rối và lo âu. Nhưng các chị đặt trọn lòng tin tưởng nơi sự trợ giúp đặc biệt của Thánh Cả Yuse, Đấng mà các chị rất sùng kính. Và các chị quyết định làm tuần cửu nhật dâng kính Thánh Cả Yuse, van xin Người cầu bầu cùng Thiên Chúa Quan Phòng.
Vào ngày cuối tuần cửu nhật, có một người khách lạ xuất hiện nơi cửa tu viện. Ông có mái tóc muối tiêu và mang theo con lừa trên lưng chở vật dụng. Người khách xin gặp Mẹ bề trên lúc đó là nữ tu Magdalena. Khi Mẹ bề trên ra tiếp thì người khách lạ cho biết ông sẵn sàng chấp nhận công tác xây chiếc cầu thang.
Kể sao cho xiết nỗi vui mừng của Mẹ bề trên và toàn thể cộng đoàn. Các chị thấy rõ lời cầu xin đã được Thiên Chúa lắng nghe.
Và người thợ mộc bắt tay ngay vào việc. Các nữ tu thỉnh thoảng ghé qua chiêm ngắm công việc của ông. Để làm chiếc cầu thang, người thợ mộc này chỉ dùng ba dụng cụ: cái cưa, thước đo góc và cái búa. Rồi thay vì dùng đinh, ông chỉ dùng các chốt bằng gỗ và ngâm các chốt này trong nước. Vỏn vẹn sau ba tháng, chiếc cầu thang đã hoàn thành.
Khi công việc xong xuôi, Mẹ bề trên Magdalena chuẩn bị tiền để trả công cho người thợ mộc. Nhưng người thợ mộc đó biến mất, không để lại một dấu vết nào.
Các nữ tu dò hỏi các tiệm thủ công nghệ và tiệm bán đồ gỗ trong thành phố thì không nơi nào đã bán bất cứ vật dụng gì cho người thợ mộc cả. Vả lại, loại gỗ được dùng để xây cầu thang cũng không tìm thấy trong vùng. Loại gỗ dùng làm cầu thang cũng không thể xếp vào thứ gỗ nào. Nó cũng không được tìm thấy bất cứ nơi đâu trong toàn tiểu bang New Mexico của Hoa Kỳ và cũng không rõ đến từ vùng nào miền nào trên trái đất này.
Riêng về lối kiến trúc cầu thang thì thật là diệu kỳ, độc nhất và khác thường, không tìm thấy ở bất cứ nơi đâu. Cầu thang bỗng trở thành đối tượng tò mò cho các cuộc viếng thăm hiếu kỳ.
Cầu thang gỗ có tất cả 33 bậc và xoay quanh trên hai vòng xoắn đúng 360 độ. Cầu thang khởi đầu dưới hầm và lên đến tận gác đàn dành cho ca đoàn. Chỉ có thế thôi. Cầu thang không được đỡ nâng bởi bất cứ cột trụ nào khác. Nghĩa là cầu thang tự đứng thẳng trên chính nó. Thêm vào đó, khi bước trên các bậc thang người ta có cảm giác êm ái, nhẹ nhàng, nhún nhẩy như đi trên các bậc thang làm bằng chất nhựa mềm.
Rất nhiều kiến trúc sư và các nhà xây cất đến tận nơi xem xét và chiêm ngắm chiếc cầu thang lạ lùng này. Điều kỳ diệu hơn nữa là trải qua hơn 130 năm chiếc cầu thang được sử dụng lên xuống hàng ngày vậy mà nó vẫn đứng vững nguyên vẹn, không bị sụp đổ!
Riêng về phía các nữ tu thành Loreto, các chị không dám quả quyết người thợ mộc khác lạ kia chính là Thánh Cả Yuse. Chỉ có điều chắc chắn là các chị xác tín rằng chiếc cầu thang hoàn thành nhờ lời chuyển cầu của Thánh Cả Yuse, Đấng mà các chị đặt trọn lòng tin tưởng phó thác và đã cùng nhau sốt sắng làm tuần cửu nhật dâng kính Ngài.

Chúng ta hãy chạy đến cùng Thánh Yuse trong mọi hoàn cảnh – vì ”xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến kêu cầu Cha mà phải thất vọng.”