”Nhìn” ra Thiên Chúa nơi thời gian

Nguyễn Trọng Lưu

 

Những quan niệm khác nhau về thời gian

Phạm trù ”thời gian” có lẽ là phạm trù dằn vặt, ám ảnh con người nhiều nhất. Bởi ai cũng sống trong thời gian mà không hiểu thời gian là gì mà cũng như không quyết định được tốc độ của thời gian – như người xưa quen nói: ”tempus fugit – thời gian qua đi” – mà sau này người ta hay khắc trên các đồng hồ quả lắc.

Chúng ta thường hay quan niệm thời gian như một chu kỳ vòng tròn ”tứ thời bát tíết” hết vòng rồi sẽ quay trở lại: ”khứ nhi phục thủy” – và do vậy chúng ta cũng quen quan niệm rằng, con người sinh ra là ”ở trong trái đất” (dans le monde). Nhưng với triết gia M. Heidegger (26.09.1889 – 26. 05.1976) trong cuốn ”Sein und Zeit – Hữu thể và thời gian” thì con người thực sự “thuộc về trái đất” (essentiellement au monde). ”Ở trong trái đất” có nghĩa là chúng ta chỉ hiện hữu như một khách bàng quang, không mảy may có ý nghĩa gì với vũ trụ. Nhưng khi ”thuộc về trái đất” có nghĩa là chính mỗi người trong chúng ta, qua hiện hữu cá biệt của mình, sẽ đóng góp vào lịch sử tiến triển của vũ trụ. Vũ trụ không còn là một khách thể đứng lù lù bên cạnh và không liên quan gì tới chúng ta, mà trái lại chính chúng ta phải đóng góp để làm tròn lịch sử của vũ trụ. Điều đó cũng có nghĩa là con người sống trong một khoảng thời gian nào đó – là một hữu thể độc nhất vô nhị – vì chính mỗi người tạo nên một lịch sử riêng cho mình, không ai có thể làm thay cho ai được. Thế nên mỗi người phải tự ý thức về hiện hữu của mình để làm trọn ý nghĩa cuộc đời và đong đầy ý nghĩa cho thời gian.

Quan niệm thời gian của người công giáo hiểu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúalại được biểu tuợng qua đường thẳng, trên đó các biến cố được xảy ra tuần tự để đi đến một kết điểm, mà trong Cựu Ước gọi là ngày của Yahvê, còn trong Tân Ước gọi là ngày Thiên Chúa tạo nên trời mới, đất mới – trong khi đó các nhà thần học gọi là thời cánh chung (escathologie).

Tưởng cũng nên nhắc đến ở đây một lối nhìn cánh chung mới – kết hợp được cả cái nhìn khoa học và thần học – của một linh mục dòng tên người Pháp, vừa là một nhà cổ sinh vật học nổi tiếng, vừa là một triết gia và thần học gia sống rất gần chúng ta – mà có một thời các tư tưởng của Ngài đã bị tra khảo rất nhiều: đó là chủ thuyết tiến hóa hữu thần của Lm. Pierre Teihard de Chardin (1881-1955). Khởi từ những tiến hóa của mọi loài trong vũ trụ như thuyết của Charles Darwin (1809-1882), Teihard de Chardin đã cắt nghĩa sự tiến hóa của các vật vô cơ cũng như hữu cơ theo huớng đi lên của hình chóp nón, để đạt đến tận điểm – mà Ngài gọi là “Christ-Oméga”, là điểm quy tụ của các tiến trình tiến hóa hầu hoàn tất chương trình sáng tạo của Thiên Chúa trong Đức Kitô: “Le Christ en tant que réalisant la coïncidence entre le centre universel christique, fixé par la théologie, et le centre universel cosmique, postulé par l’anthropogénèse” (xem Teihard de Chardin, Claude Cuénot, Ėcrivain de toujours, phần 2, La vision pan-christique du Père Teihard de Chardin, chương 1-3, tr. 71-151, Seuil, 1978)

Phật Giáo lại có một cái nhìn khá độc đáo về thời gian phát sinh từ giáo lý về tính chất vô thường của chúng sinh và vạn vật trong thế gian. Vì mỗi chúng sinh chỉ là một hệ thống nghiệp báo được khép kín trong chu trình “sinh, lão, bệnh, tử” – nên toàn thể vạn vật trong vũ trụ chỉ là một hệ thống nghiệp báo cộng thể, cho dù rộng lớn và dài lâu, cũng vẫn phải khép kín trong chu trình ”thành, trụ, hoại, không” của nó mà thôi.

Một khi nhận thức được tính hữu hạn của thời gian là sinh khởi và kết thúc cùng với vũ trụ, thì đặc điểm tuyến tính giả định của nó biến mất, mà chỉ còn thời gian cầu tínhsản phẩm của nghiệp báo luân hồi, được khép kín bằng chu trình sinh diệt thế gian. Từ khái niệm tuyến tính kéo dài vô hạn, đến khái niệm cầu tính khép kín hữu hạn, thời gian đã thay đổi bản chất của nó, biểu hiện ở sự gắn liền của nó cùng với chu trình sinh diệt của cảnh giới mang nghiệp báo luân hồi. Xét về thực chất, thời gian đồng nhất với nghiệp. Quan niệm này sẽ dẫn chúng ta đến nhận thức rằng không hề có sự trôi đi của một thời gian đích thực nào cả – mà chỉ có chu trình sinh diệt của những thực thể mang nghiệp báo luân hồi – đã tạo ra ảo giác về sự trôi đi theo đường một chiều của cái gọi là thời gian tuyến tính. Khi đi tàu, chúng sẽ thấy rằng chuyển động của con tàu luôn tạo ra ảo giác về sự trôi đi của cảnh vật hai bên đường. Khi nào con tàu dừng lại, cảnh vật sẽ dừng trôi. Điều này hoàn toàn đúng cho những chủ thể đang hành trình trên con tàu nghiệp báo của chu trình sinh diệt. Chính sự chuyển động theo tiến trình nhân quả của con tàu đã tạo nên cái ảo giác của sự trôi đi của thời gian. Một khi con tàu dừng lại, xem như các chủ thể đã đoạn nghiệp, nên thấy thời gian lập tức ngừng trôi.

Thiền sư nổi tiếng của đạo Phật – Suzuki Daisetsu Teitarō (1870-1966) đã hiểu rõ điều này – không phải bằng suy luận thuần túy, mà bằng trải nghiệm qua thiền định của chính bản thân mình khi viết: “It is believed by most that time passes; in actual fact, it stays where it is. This idea of pasing may be called time, but it is an incorrect idea for since one sees it as passing, one can not understand that it stays where it is – Hầu hết mọi người tin rằng thời gian đã trôi qua; trong thực tế, nó ở đâu vẫn nguyên đó. Cái ý niệm về sự trôi qua này, có thể gọi là thời gian, nhưng đó là một ý niệm không đúng, bởi vì người ta chỉ coi như nó đi qua, mà không hiểu được rằng, nó ở chỗ nào vẫn nguyên ở chỗ ấy”.

Ý tưởng về sự bất động của thời gian nói trên có vẻ là một nghịch lý đối với chúng ta, nhưng nó lại rất tương đồng với sự suy luận của các nhà vật lý hiện đại về bản chất động và bất động của thời gian, biểu hiện qua sự khác nhau của thời gian tâm lý và thời gian vật lý.

Thời gian tâm lý là thời gian trôi theo đời người, mà tất cả mọi chúng ta đều phải trải nghiệm. Hiển nhiên sự phân chia giữa quá khứ, hiện tại và tương lai đã chi phối đời sống của chúng ta, làm chúng ta thấy như thời gian có chuyển động – nhưng khi mô tả cụ thể sự chuyển động đó, nó lại không phù hợp với ngôn ngữ của vật lý học hiện đại, như Albert Einstein (14. 03.1879-18. 04. 1955) đã đặt câu hỏi: ”Nếu thời gian có chuyển động, thì vận tốc của nó là bao nhiêu?”  Mà nếu cho rằng chỉ có hiện tại là thời gian thực hữu duy nhất, thì điều này lại không tương hợp với thời gian của lý thuyết tương đối mà cũng chính A. Einstein đã nói: “Quá khứ của người này có thể là hiện tại của người khác mà thậm chí còn là tương lai của người khác nữa!”

Như vậy với thời gian vật lý, không còn phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Tất cả mọi thời điểm là bình đẳng như nhau, và vì khái niệm phân chia ba thời bị loại bỏ – nên thời gian ở đây thực chất đúng như sự mô tả của thiền sư là nó ở chỗ nào vẫn nguyên ở chỗ ấy. Đó chính là thời gian trung đạo của các thiền sư: xem hiện thời bất động là tuyệt đối, bao gồm tất cả quá khứ lẫn tương lai. Các nhà vật lý về lượng nguyên tử hiện đại cũng cho rằng, trước Big Bang, thời gian chưa trôi thì một giây tương ứng với vĩnh hằng – cũng giống như Kinh Hoa Nghiêm đã viết: ”Trong một sát na bao gồm toàn thể thời gian từ vô thuỷ đến vô chung!”

 

”Emiton” và “Notime”

Phải chăng đó cũng là cái nhìn đã tiềm ẩn trong trái tim bà Yachiyo Kato – một văn sĩ Nhật Bản, mới đây đã viết một vở kịch khá độc đáo về một người đàn ông – suốt đời đã tự tu luyện và được giải thoát hoàn toàn khỏi sự ràng buộc của xác thân trong hạn giới của kiếp người để đạt tới trạng thái siêu thoát của một hữu thể tâm linh thuần túy? Bà đặt tên cho ông ta là ”Emiton”– mà nếu đọc ngược lại theo tiếng Anh là “Notime” – có nghĩa là “phi thời gian”. Dường như qua vở kịch độc đáo này, bà Yachiyo Kato muốn cho chúng ta hiểu rằng ý nghĩa giải thoát đích thực của con người là sự giải thoát khỏi thời gian. Mà muốn được như thế, chúng ta phải đảo ngược những quan niệm cố hữu về thế giới hiện tượng do nghiệp lực tạo nên ở mỗi người, cũng giống như sự đảo ngược cái tên ”Emiton” trong vở kịch thành ”Notime” – thì chân lý giải thoát phi thời gian mới hiển lộ.

“Thấy” và “nhìn”

Thường chúng ta hay nghĩ rằng, “thấy”“nhìn” cũng chỉ là một, chẳng có gì khác biệt. Nhưng thực ra, nếu phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy hai động từ đơn giản đó lại rất khác nhau, mà từ đó có thể dẫn chúng ta đến những thái độ hoàn toàn khác biệt.

“Thấy” là trông thoáng qua mà không để ý tới.  Tôi “thấy” chiếc xe vừa chạy qua. Tôi “thấy” cái nhà trước mặt. Tôi “thấy” người ta đi qua đi lại.  Trong cái “thấy”, chúng ta chỉ lãnh hội sự vật một cách hoàn toàn thụ động, lười lĩnh, ra như thể những đối tượng đó đập vào mắt chúng ta, bắt chúng ta “phải“ thấy, chứ thực tình chúng ta không “muốn” thấy. Mà cũng bởi vì chúng ta ”không muốn thấy”, nên những đối tượng ấy hoàn toàn vô nghĩa đối với chúng ta. Mà rồi những cái chúng ta “không muốn thấy” đó lại cũng sẽ vụt biến khỏi đầu óc chúng ta thật mau, như bóng vút qua của những chiếc xe lao vùn vụt trên mặt đuờng bất động kia.
Nhưng trái lại “nhìn” là cố ý và chú ý thấy. “Cố ý” là biết và muốn thấy – mà cũng vì “muốn thấy” nên ta lại càng chú ý nhìn hơn nữa. Hãy quan sát một chàng trai len lỏi trong đám đông người để tìm người yêu. Chàng bước vội giữa đám đông người chen chúc, đảo mắt quanh nhìn tứ phía. Tất cả những màu sắc, thanh âm bên ngoài chẳng thu hút được chàng. Mà cũng chẳng có ai có ý nghĩa gì với chàng, bởi chàng chưa “nhìn” được người mà chàng “muốn” nhìn. Đúng như thi sĩ Pháp, Lamartine (1790-1869) đã diển tả thật tuyệt vời cái tâm trạng đó qua câu thơ ngắn gọn sau đây:

“Un seul être vous manque, tout est dépeuplé”

                        (Chỉ một người bạn thiếu, thì tất cả đều chỉ là hoang vắng mà thôi)

Nhưng chợt khi “nhìn” thấy nàng, thì chàng lại cũng chẳng còn biết đến thế giới bên ngoài nữa. Thế giới bên ngoài bây giờ đối với chàng chỉ còn là một thứ bối cảnh để cho sự hiện diện của người chàng “nhìn” đong đầy ý nghĩa. Chàng đã ngụp lặn trong hạnh phúc, hạnh phúc của người đã “nhìn” được người mình “muốn nhìn”.

Như thế “nhìn” là một thái độ đón nhận, một thứ thăng cấp (promotion), một thứ thăng hoa (sublimation) cho đối tượng mình muốn nhìn: người đó là một giá trị hiện sinh trong tương quan với hiện hữu mình. Khi “nhìn” là chúng ta đã một cách mặc thị hướng về vẻ một đẹp, một giá trị – mà điều đó cũng chính là một biểu lộ về bản tính của con người – như một ý hướng lúc nào cũng hướng về Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối. Mà vẻ đẹp gần kề nhất, giá trị gần kề nhất, tuyệt diệu nhất, hiện sinh nhất phản chiếu được cái tuyệt đối của Chân, Thiện, Mỹ trong cuộc đời mỗi người chính là tha nhân.

”Nhìn” ra Thiên Chúa nơi thời gian

Thường chúng ta chỉ ”thấy” thời gian chứ chẳng mấy khi chúng ta ”nhìn” ra thời gian – mà chính việc ”nhìn” ra thời gian từ đó “nhìn” ra Thiên Chúa nơi thời gian mới là định điểm then chốt của cuộc hiện sinh.

Có lẽ vì thấu hiểu điều này nên Ấn GiáoPhật Giáo luôn chỉ dẫn cho các tín đồ những phương cách vượt lên kinh nghiệm thông thường về thời gian, và tự giải thoát khỏi vòng nhân quả, khỏi nghiệp báo luân hồi – hay nói một cách khác là giải thoát khỏi thời gian. Mà một khi giải thoát khỏi thời gian chủ thể sẽ đi về đâu? Theo quan niệm Phật Giáo, chủ thể sau khi tu tập đã dừng nghiệp, tức thị trở về trạng thái chân tâm, hoàn toàn vô ngã, nên đã siêu vượt lên mọi cảnh giới còn mang nghiệp báo, để đồng nhất hóa với cái “không” bản thể của cảnh giới phi thời gian –  tức thời gian phi nghiệp vậy. Đây chính là cảnh giới của các vị Phật và những chúng sinh tu hành đắc đạo, chứng được a la hán quả, nên ở đó không còn phân biệt chủ thể, khách thể mà hoàn toàn bình đẳng, tự tại bất biến và thường định trong cái tuyệt đối tĩnh lặng của trạng thái phi thời gian.

Một khi các chủ thể đã đồng nhất với phi thời gian, sẽ không còn sinh diệt, không còn nhân quả, không còn sự phân chia quá khứ hay vị lai. Do đó, không còn khái niệm trước sau mà tất cả đồng hiện ra trong một cái thấy toàn diện, nhất như của trí tuệ vô ngại trong một sát na hiện thời – đúng như đức Phật khi thành đạo, ngài đã thấy lại vô lượng kiếp quá khứ của bản thân và vô lượng kiếp vị lai của chúng sinh khốn cùng đã hiện ra trong thời khắc hiện thời này. Đó là cái ”hiện tại vĩnh cửu – eternal now” – dung nạp cả quá khứ lẫn vị lai trên mặt bằng của nó, mà thiền sư Suzuki đã mô tả như sau: “In this spiritual world, there are no time divisions such as the past, present and future; for they have contracted them-selves into a single moment of the present – Trong cõi giới tâm linh này, không hề có sự phân chia thời gian thành quá khứ, hiện tại hay tương lai; bởi vì thời gian đã tự thu vào chỉ trong một khoảnh khắc hiện tại mà thôi”. Và cái hiện tại vĩnh cửu nói trên chính là sát na thường trụ mà Lục Tổ Huệ Năng gọi là cái hiện tại tuyệt đối, không bị hạn chế bởi ranh giới nào, nên nó chính là niềm vui bất diệt.

Cái ”hiện tại vĩnh cửu” này lại được Giáo Hội Công Giáo khẳng định một cách tuyệt đối và rõ ràng – qua lời mạc khải: “Ta là Alpha và Omega” (Sách Khải Huyền 22, 13), giống như lời mạc khải về danh xưng Đức Chúa trên núi Sinai:  “אהיה אשׁר אהיה – Ta-là-Đấng-Ta-Là” (Xh. 3, 13-14).

Với cái nhìn triết học, thì hai mạc khải này tuyệt hảo, bởi Đức Chúa, Ngài là-tự-hữu, Ngài là vô- thủy-vô-chung – nghĩa là Thiên Chúa chỉ là vĩnh cửu, hay nói một cách khác, Thiên Chúa chỉ là hiện tại. Nơi Ngài không có sự phân chia thời gian, vì thời gian chỉ là một phạm trù của con người muốn đem so sánh hạn giới với vĩnh hằng mà chỉ mình Thiên Chúa biết.

Mỗi năm, trong thánh lễ Vọng Phục Sinh ngày thứ bảy tuần thánh – qua nghi thức làm phép lửa và đốt nến phục sinh, Giáo Hội Công Giáo lại còn nhắc nhở: “Thời gian là của Chúa và mọi thế hệ là của Ngài, bởi Thiên Chúa là nguyên thủy và tận cùng”.

Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa là thời gian – trong ý nghĩa Thiên Chúa làm chủ thời gian – chứ không phải thời gian là Thiên Chúa. Thời gian chỉ hiện hữu trong sự hiện hữu của Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa hiện hữu trong thời gian. Mà do vậy, sống trong thời gian chưa hẳn là đã sống trong Thiên Chúa, mà sống trong Thiên Chúa mới thực sự là sống trong thời gian.

Thánh Yoan còn định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Yn 4, 16). Thiên Chúa là thời gian và Thiên Chúa cũng là tình yêu. Như thế, khi sống trong Thiên Chúa là sống để yêu và sống trong thời gian là yêu để sống. Thời gian không có tình yêu chỉ là thê thảm, ngõ cụt, chết chóc, thừa thãi như cái nhìn của triết gia Jean-Paul Sartre (1905-1980).

Ðặc tính của thời gian là không bao giờ chết. Bởi thế, chúng ta không thể giết được thời gian nhưng thời gian lại giết được chúng ta. Khi người ta “giết thời giờ” là lúc thời giờ đang giết họ. Nếu đặc tính của thời gian là sự sống thì bất cứ hành vi nào làm phí phạm thời gian là hành vi xúc phạm đến sự sống, một tặng phẩm cao quý mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta.

Nhưng quá nhiều lúc trong cuộc đời chúng ta đã không “nhìn” ra Thiên Chúa nơi thời gian – mà chỉ “thấy“ thời gian – nên chúng ta đã liều đánh mất thời gian, không biết tín thác sống trọn vẹn tình yêu với Thiên Chúa và mến thương tha nhân và khi những sự việc chúng ta không ưa thích xảy ra, thì chúng ta bực bội, nghi ngờ và lung lạc niềm tin!

Trong tâm tình đó, nguyện chúc cho tất cả mọi người, được “nhìn” ra thời gian và nhất là “nhìn” ra Thiên Chúa nơi thời gian, để cảm nghiệm và sống trọn vẹn những chiều kích hiện hữu của chính mình, để rồi đừng bao giờ đánh mất đi từng giây từng phút giây quý báu của đời người – là cửa ngõ đưa chúng ta kết hiệp với Tuyệt Đối, là khát vọng thầm kín và thôi thúc nhất trong từng người.