ĐAU KHỔ

GAU

Nguyễn Trọng Lưu

Trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, chắc không ai trong chúng ta lại không cảm nghiệm những oan trái, những nghịch chống hầu như không thể cưỡng lại được – mà nhiều khi còn làm cho chúng ta muốn buông xuôi, tuyệt vọng, không còn một chút tin tưởng vào những giá trị luân lý và có khi còn làm lung lay cả niềm tin tôn giáo nữa – như Nguyễn Gia Thiều trong ”Cung Oán Ngâm Khúc” đã mô tả rất tuyệt vời qua những vần thơ sau đây:

Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe

 Đời có vui sao chẳng cười khì

Trẻ Tạo Hóa đành hanh quá ngán

Đánh đuối người trên cạn mà chơi”

Đó là những lúc chúng ta phải chạm trán với đau khổ mà trong bài này tôi muốn truy tầm ý nghĩa.

Từ ” đau” có nghĩa là cảm thấy xót, buốt, nhức trong thân thể khi có bệnh hay khi gặp tai nạn, thường được dùng để chỉ về khía cạnh thể lý, nghĩa là ta có thể định vị được chỗ nào bị đau. Còn từ “khổ” được dùng để mô tả trạng thái tâm lý khi phải chịu đựng những đớn đau trong thân xác, hay khi phải chịu những điều mà thông thường con người không ai thích cả, chẳng hạn như túng bấn, đói nghèo hay khi không đạt được điều mình mong muốn. Nhưng khi ghép hai từ này vào với nhau thành “đau khổ”, thì cụm từ này lại thường được dùng để chỉ về trạng thái ”đau tâm lý” – mà có thể tạm nói một cách đơn giản là nghịch nghĩa với cụm từ ”hạnh phúc”.

Từ hiện hữu của đau khổ …

Hàng ngày có biết bao những khổ đau từ bên ngoài dồn dập đập vào mắt chúng ta. Có những khổ đau do con người tự gây cho mình hay cho người khác như tự tử, oán ghét, hận thù, cướp bóc, hiếp dâm, cãi vã, đâm chém, đặt chất nổ, tàn sát tập thể … –  mà cũng có những thứ khổ đau chúng ta hay gọi là thiên tai như lũ lụt, hạn hán, núi lửa, động đất.

dau3

Khi phân loại ra như thế, chúng ta mới thấy rằng thứ đau khổ do con người gây ra cho nhau phát sinh từ cái ”tâm” sâu thẳm của con người. Chính do lòng ghen ghét, thù hằn mà người ta đã bịa đặt chuyện này chuyện nọ cốt để gây khổ đau cho người khác – hay chỉ vì lòng tham không đáy – ”nhân dục vô nhai” – mà người ta đã đi đến chỗ trộm cướp, giết người, ngoại tình, gian dâm … gây khổ đau cho hết mọi người không kể già trẻ, lớn bé.

Còn những thiên tai xảy ra trên mặt đất, thường chúng ta sẽ đỗ lỗi ngay cho Trời mà có biết đâu là chính chúng ta nhiều lúc cũng đã góp tay tạo ra những thiên tai đó. Khi dùng quá nhiều năng lượng thì chúng ta sẽ thải ra rất nhiều CO2 và do vậy làm tan quá mau những núi băng tuyết, gây lũ lụt tại nơi này và do vậy nơi khác lại bị hạn hán.

Ngoài những khổ đau mà chúng ta vừa thấy đến từ bên ngoài – do tha nhân và từ ngoại cảnh – thì Nguyễn Du lại cảm nghiệm đuợc một thứ đau khổ vô hình vô định, một thứ ray rứt dằn vặt trong nội tâm của con người được mô tả ngay trong những câu đầu của truyện Kiều:

”Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu,

 Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (câu 1-4)

Còn Thánh Phaolô lại cảm nghiệm được nỗi khổ đau này trong một chiều kích khác khi Ngài viết trong thơ gởi giáo đoàn Roma 7, 14-20: ” Điều lành tôi muốn, thì tôi không làm – còn điều dữ tôi ghét, thì tôi lại làm”. Đó cũng chính là chính tận điểm bi đát nhất của thân phận làm người mà hai triết gia G. W. F. HegelF. Nietszche của thế kỳ 20, mỗi người theo một chiều hướng riêng của mình, đã triển khai – nhưng điều đáng tiếc là cả hai đã tự xô mình vào một ngõ cụt bi thảm.

Mỗi người hiện hữu trên đời lại được lồng vào một ”thân” – vừa được hiểu là xác thân của mình, mà cũng vừa được hiểu là thân phận của con người gắn liền với nghiệp của mình – mà nghiệp chính là Karma, là kết quả của công việc mình làm theo luật nhân quả:

”Đã mang lấy nghiệp vào thân,

 Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa” (Kiều, câu 3249-3250)

SONY DSC

Nguyễn Du còn đi xa hơn nữa khi ông thấy có những đau khổ – dường như không phát sinh từ luật nhân quả này – và cũng chính tại đây ông đã gặp triết gia Socrates của thời thượng cổ Hy lạp, người đã từng thao thức với vấn nạn khổ đau – mà tuyệt đỉnh của tra cứu đó là ”tại sao người hiền lại gặp nạn?”. Cái “nạn” của Socrates này không chỉ thuần túy là “cái nạn vật lý”, mà chính yếu là cái “nạn tâm lý”. Điểm khác biệt là khi Nguyễn Du khai mở cho chúng ta một cái nhìn về mệnh số do trời đặt để,

”Ngẫm hay muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao (câu 3241-3244)

thì Socrates – với cái nhìn thuần túy của một triết gia – đã gạt thứ “mệnh số” đó ra ngoài và đã khám phá ra một chiều kích mới trong cung lòng của mỗi người – một thứ cảm nghiệm siêu việt – mà người ngoài, tức tha nhân, không thể nào thấu hiểu được, mà chỉ có chính mình và duy nhất chỉ có một mình mình mới “hiểu”“thấu cảm” được mà thôi. Đó là thứ an bình trong tâm hồn, một thứ hạnh phúc tâm linh ẩn tàng sau những cái mà tha nhân gọi là “đau khổ”.

Phải chăng đó là một cảm nếm về thứ hạnh phúc siêu linh, diệu vợi mà trong bài “Trong tầm tay, hạnh phúc…” (www. cdcgvn.dk) – tôi gọi là “hạnh phúc của thánh nhân” ?

… đến con đường diệt khổ của Đức Phật

phat

Ngoài những khổ đau do con người gây ra cũng như những đớn đau dằn vật nội tâm trong mỗi người như chúng ta vừa nói ở trên,  còn có nhưng khổ đau gắn liền vào chính hiện hữu của con ngưòi. Đó là điều mà Đức Phật Thich Ca đã cảm nghiệm được trong vườn Lộc Uyển – cũng chính là nơi Ngài đã giác ngộ. Những cảm nghiệm đó được ghi lại trong bài kinh thứ nhất Chuyển pháp luân là nền tảng của Phật pháp, gọi là  “Tứ diệu đế – bao gồm “khổ đế”, “tập khổ đế”, “diệt khổ đế”“đạo đế”..

Khổ đế tiền đề nhận định về hiện hữu của cái khổ: mọi hình thức tồn tại đều mang tính chất khổ đau, không trọn vẹn. Bởi bốn giai đoạn của kiếp người, sinh, “lão”, “bệnh”, “tử” đều là khổ, và ngay cả những tâm trạng oán ghét, hờn căm, ghen tương, đố kỵ hay tình cảnh biệt ly đều là khổ.

Tập khổ đế là nhận thức về nguyên nhân phát sinh khổ. Nguyên nhân của khổ là lòng ham muốn, đi tìm thỏa mãn dục vọng mà chính các ham muốn này lại là gốc của luân hồi.

Diệt khổ đế là chân lý đi tìm diệt khổ. Một khi gốc của mọi dục vọng được tận diệt thì đau khổ cũng không còn tồn tại .

 Đạo đế là con đường dẫn đến diệt khổ. Đây là phương pháp diệt khổ, bao gồm trong Bát chính đạo – tức chính kiến (nhận biết sự thật) , chính tư duy (suy nghĩ hợp với lương tri), chính ngữ (nói đúng sự thật), chính nghiệp (hành động đúng với lẽ phải), chính mệnh (sống chân thành, lương thiện) , chính tinh tiến (chuyên cần siêng năng), chính niệm (nghĩ đến những điều hay lẽ phải) và chính định (chuyên tâm vào việc tốt có lợi cho mọi người).

Con đường diệt khổ mà Đức Phật đã truyền dạy lại cho chúng sinh thật là diệu vợi và năng động. Ngài đã dạy cho con người biết nhìn vào tận đáy lòng mình – gọi là Kim Cang Tâm – để diệt khổ và đi vào Nirvana, Niết Bàn – là hạnh phúc viên mãn vĩnh hằng:

”Kim Cang Tâm là gì? Tâm này ai cũng sẵn có, không người nào không. Tất cả việc lành việc dữ đều do tâm mình tạo ra. Tâm mình tu thiện thì thân mình an vui. Tâm mình làm ác thì thân mình khốn khổ. Tâm là chủ của thân. Thân là dụng của tâm. Tại sao vậy? Vì Phật cũng do tâm thành, đạo do tâm học, đức do tâm chứa, công do tâm tu, phước do tâm tạo, họa do tâm làm. Tâm làm ra cực lạc. Tâm làm ra địa ngục. Tâm làm ra Phật. Cho nên tâm chính thì thành Phật. Tâm tà thì thành ma. Tâm từ thì làm trời. Tâm ác thì làm quỉ. Tâm là hạt giống của tất cả tội phước. Nếu người nào ngộ được tự tâm, giữ được tự tánh, tự chủ tâm không làm ác, thường hay tu thiện: tu hành như Phật, lập nguyện như Phật. Người ấy không bao lâu sẽ thành Phật”.

Ý nghĩa của Kim Cang Tâm đó phải chăng đã được ẩn tàng trong câu hát đồng dao, mà chắc nhiều người trong chúng ta ngay từ lúc còn bé, vẫn thường nghêu ngao hát:

”Thiên đàng hỏa ngục hai bên,

Ai khôn thì dại, ai dại thì khôn”?

 Ý nghĩa của khổ đau

Tới đây chúng ta mới thấy rằng vấn nạn của Socrates về vấn đề người hiền gặp nạn đã làm cho người hiền cảm nghiệm được một thứ an bình, một thứ hạnh phúc tâm linh qua những cái mà người khác gọi là đau khổ.

Cảm nghiệm của Socrates lại còn cho chúng ta thấy rằng cái nhìn về đau khổ chỉ là tương đốichủ quan. ”Tương đối””chủ quan” bởi mỗi người đều phán quyết và cảm nhận đau khổ một cách khác nhau. Đứng trước một đau khổ xảy ra, có người than thân trách phận, vật vã khóc than, có khi còn oán trách và nguyền rủa cả Đấng Tối Cao, có người lại bình thản đón nhận và thầm cám ơn Đức Chúa, cám ơn Trời Phật vì tai họa đó có thể còn dữ dằn hơn, còn kinh khủng hơn nữa, vì không thiếu những người phải gánh chịu những tai ương cùng khốn hơn mình. Những người này dường như đã cảm nghiệm được thứ hòa điệu giữa ÂtmanBrahmân trong triết học Ấn Độ được ghi lại trong Kinh Upanishad: tất cả mọi việc xảy ra cho từng người, dù vui hay buồn, cũng đều nằm trong huyền nhiệm yêu thương của Brâhman mà thôi. Cái quan trọng là biết đón nhận và sống trọn vẹn hoàn cảnh đó trong thân phận hữu hạn của kiếp hiện sinh giòn mỏng, mà hạnh phúc thay lại được thông phần vào huyền nhiệm yêu thương của Đấng Chí Tôn.

Đức Phật đã truyền dạy cho con người một phương cách vượt qua khổ đau để đi vào viên mãn. Nhưng trước những khổ đau không gắn liền với hiện hữu này, thiết nghĩ chúng ta cần phải tra cứu sâu hơn nữa, để xem đau khổ có thực sự mang một ý nghĩa nào cho kiếp hiện sinh hay không?

Chắc không ai trong chúng lại không biết đến câu chuyện ông Job trong Kinh Thánh Cựu Ước – được truyền thống Do thái giáo và Công giáo xếp vào mục Sách Khôn Ngoan. Ở đây, tôi không đi vào lãnh vực tôn giáo và thần học để tra cứu vấn đề mà chỉ tư duy trên phương diện triết học mà thôi – bởi tra cứu của tôn giáo về vấn đề đau khổ sẽ dẫn chúng ta tới viêc giải thoát và thưởng phạt công bằng của cuộc đời mai hậu.

Job là người công chính, hằng kính sợ và mến yêu Chúa Yahvê, nhưng bỗng nhiên bị cháy rụi nhà cửa, gia tài bị mất hết, lại còn bị bệnh phong cùi lở loét, đến nỗi vợ con bạn bè ai cũng ruồng rẫy. Trong con khốn cùng đó, Job vẫn một lòng tin yêu Chúa Yahvê và ông chỉ xin Chúa Yahvê hãy dạy bảo cho ông biết ý thánh Ngài qua những khổ đau đó.

Mấu chốt của vấn đề nằm ớ đây: đau khổ có một ý nghĩa gì cho cuộc hiện sinh này hay không?

Đọc Yoan 9,1-41 khi làm cho người thanh niên bị mù từ lúc mới sinh được nhìn thấy, Đức Kitô đã phá đổ quan niệm về luật nhân quả của người Do Thái ngày xưa: ”Không phải tội của anh ta, cũng không phải tội của cha mẹ anh, nhưng là để công việc của Thiên Chúa được thực hiện” (câu 3)

Nếu chúng ta đối chiếu câu này với ý trong kinh Upanishad mà chúng ta vừa mới nhắc ở trên trong huyền nhiệm yêu thương của Brâhman, chúng ta sẽ nhận thấy một điểm tương đồng: đau khổ của con người – đặc biệt là của người hiền, những người có Kim Cang Tâm – mang một ý nghĩa trong mầu nhiệm yêu thương của Đấng Chí Tôn – mà với con mắt thường nhiều khi chúng ta không thể nhìn thấy một tương quan cụ thể và hợp lý nếu phải chứng minh theo luật nhân quả (principe de causalité).

 Điều đó có nghĩa là chúng ta phải nhìn ra khía cạnh tích cực của khổ đau. Khổ đau có nhiều lúc làm cho ý chí chúng ta được vững mạnh, làm cho chúng ta đồng cảm được với tha nhân đang phải gánh chịu những khổ đau bên trong và bên ngoài và nhất là đưa chúng ta đi vào hiệp thông với huyền nhệm yêu thương của Đấng Chí Tôn. Huyền nhiệm đó, theo triết gia Gabriel Marcel (1889-1973) – trong ”Être et avoir”, (Tome 1, Journal métaphysique, 1968) – là một hiện thực chúng ta không thể lý luận bằng những

định đề toán học, nhưng lúc nào chúng ta cũng sống ngụp lặn trong đó, như một chiều kích làm trọn vẹn ý nghĩa hiện sinh. Đó là hiện hữu của tình yêu, của cái chết, của khổ đau, của hiện hữu với. Con người không thể là người trọn vẹn nếu tự đòi thoát mình ra ngoài huyền nhiệm đó.

Có lẽ qua những vần thơ ngắn gọn này thi sĩ Chế lan Viên cũng đả chợt thấy và cảm nhận được hiện thực đó:

Cho đến lúc hồn ta trong hơi thở

Vẫn yên vui về cõi chết xa xôi.

Và u buồn là những đoá hoa tươi,

Và khổ đau là chiến công rực rỡ.

adam

 

Địa đàng còn đó, dấu chân…

 Tôi muốn dùng câu chuyện Adam và Eva trong vườn Eden, hay được gọi là vườn địa đàng – mà ngày nay các nhà khảo cổ và địa chất học hầu như đã xác đinh được vị trí địa lý tại Irak – để kết thúc những suy tư của tôi về khổ đau.

Con người sẽ đau khổ triền miên nếu không chấp nhận trọn vẹn thân phận của mình – trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Từ chỗ không chấp nhân thân phận đó, con người sẽ sinh ra lòng ham muốn được thoát khỏi hay được làm đổi thay thân phận hiện tại của mình, như trong Sách Sáng Thế viết: ”Khi ăn trái đó, các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa” (Gen. 3, 5).

Khát vọng hạnh phúc nội tại trong con người lúc nào cũng thôi thúc con người đi tìm những chiều kích mới, nhưng những chiều kích đó lúc nào cũng bị hạn giới trong không gian và thời gian và trong chính hiện hữu của mình. Đòi vượt qua những hạn giới đó là tự trói mình vào đau khổ triền miên của kiếp con người, như Adam và Eva đã từng thử.

Địa đàng còn đó, dấu chân hạnh phúc của Adam-Eva đã bị xóa đi để rơi vào đau khổ triền miên. Bởi thế mỗi người hãy tự lựa chọn cho mình một dấu chân địa đàng – vì chính lựa chọn đó sẽ làm nên giá trị của cuộc đời của mỗi người.