Nghe đề tài sống “ năm đức tin”, có lẽ rất nhiều người như tôi sẽ tự hỏi: ”Tôi vẫn đi lễ, vẫn đọc kinh, có nghĩa là tôi vẫn tin, tại sao lại có vấn đề sống “ năm đức tin” nữa ?
Qua bài giảng của Cha Nguyễn Ngọc Thế sj. chúa nhật 10. 06 vừa qua – suốt trong thánh lễ – tôi đã suy nghĩ và tự trả lời cho chính mình. Đúng thế, đôi lúc chúng ta vẫn đi lễ đó, vẫn đoc kinh đó, nhưng thực sự chúng ta vẫn chưa sống đạo. Nhìn theo góc cạnh tôn giáo, thì “đạo” là tin và thực hành các giáo huấn của Thiên Chúa đã mạc khải cho con người trong suốt cuộc đời. Nhưng nhìn dưới góc cạnh nhân bản, “sống đạo” là lối sống phù hợp với lương tri – mà người Á đông hay gọi vắn tắt là sống đúng “tam cương”, ”ngũ thường”.

Một thoáng suy tư về “năm đức tin”

 Nguyễn Mai

Nghe đề tài sống “ năm đức tin”, có lẽ rất nhiều người như tôi sẽ tự hỏi: ”Tôi vẫn đi lễ, vẫn đọc kinh, có nghĩa là tôi vẫn tin,  tại sao lại có vấn đề sống “ năm đức tin” nữa ?

Qua bài giảng của Cha Nguyễn Ngọc Thế sj. chúa nhật 10. 06 vừa qua – suốt trong thánh lễ – tôi đã suy nghĩ và tự trả lời cho chính mình. Đúng thế, đôi lúc chúng ta vẫn đi lễ đó, vẫn đoc kinh đó, nhưng thực sự chúng ta vẫn chưa sống đạo. Nhìn theo góc cạnh tôn giáo, thì “đạo” là tin và thực hành các giáo huấn của Thiên Chúa đã mạc khải cho con người trong suốt cuộc đời.Nhưng nhìn dưới góc cạnh nhân bản, “sống đạo” là lối sống phù hợp với lương tri – mà người Á đông  hay gọi vắn tắt là sống đúng “tam cương”, ”ngũ thường”. Là một kitô hữu, tôi hiểu rằng Thiên Chúa, Đấng tôi mến yêu và tôn thờ, chính là khuôn mẫu tuyệt vời cho mọi nhà đạo đức học, bởi chính Ngài đã vạch ra một con đường dạy cho mọi người biết sống đạo làm người qua mười giới răn:

TAM CƯƠNG

Quân thần (liên hệ vua – tôi): thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất

Phụ tử (liên hệ cha – con): thảo kính cha mẹ

Phu phụ (liên hệ vợ – chồng): chớ muốn vợ chồng người.

NGŨ THƯỜNG

Nhân: yêu thương hết mọi người.

Lễ: tôn trọng, hòa nhã với mọi người.

Nghĩa: xử đối công bằng với mọi người.

Trí: biết phân biệt thiện ác, đúng sai.

Tín: thủy chung, thành tín.

Để làm người, phải biết sống lễ nghĩa với Thiên Chúa, với cha mẹ, với vợ chồng, anh em và với hết mọi người: tin yêu Thiên Chúa và tín trung với nhau. Hiểu như thế thì “tam cương”, “ngũ thường” đã được Thiên Chúa gói trọn trong mười giới răn rồi.

Tôi phải sống đạo như thế nào? Đức Kitô đã biết trước những khúc mắc trong lòng tôi, nên Ngài đã vạch ra cho tôi một hướng đi:”Hãy kính mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương mọi người như chính mình” (Mt 22, 37-40)

 

Sống đức tin chính là sống đạo. Đạo mà Thiên Chúa đã khai mở cho tôi thật rõ ràng. Tuân chỉ các giới răn của Người cũng chính là hoàn thiện bản thân trong khuôn khổ “tam cương, ngũ thường”. Vậy không phải cứ đi lễ (cho có hình thức) hay cứ đọc kinh (ngoài miệng) là tôi đã sống đạo rồi, mà sống đạo phải phát sinh từ chính tâm của tôi. Như máu luân lưu từ tim để nuôi cơ thể, thì việc sống đạo cũng phải được thể hiện trong mọi tình huống và mọi phút giây trong đời:

 

–          là con Chúa, tôi muốn sống theo và làm đẹp ý Ngài

–          là con cái, tôi hiếu kính cha mẹ cho phải đạo làm con

–          là cha mẹ, tôi giáo dục con cái, sống bao dung, yêu thương các con đồng đều

–          là vợ chồng, tôi thành thật, thủy chung, tha thứ và đón nhận nhau

–          là bạn bè, tôi hết mình và tín nghĩa, không bao giờ phản trắc

 

Được như thế thì chính bản thân tôi sẽ hạnh phúc vì đã làm cho mọi người trong đời tôi và mọi người chung quanh tôi được yêu thương. Đức tin mà tôi nhận lãnh khi chịu phép rửa – được nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Chúa – phải làm tôi sống và trở nên tín hiệu yêu thương mà Thiên Chúa muốn qua đó mọi người nhận biết tôi là con Thiên Chúa: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thày, là chúng con yêu thương nhau” (Yn 13, 34-35)

 

Sống trọn đạo làm người cũng là sống trọn mười giới răn và như thế cũng là sống đức tin vậy. Sống đức tin là dấn thân vào một cuộc hành trình kéo dài suốt đời: hành trình này bắt đầu với bí tích Rửa Tội và chỉ kết thúc bằng việc vượt qua cái chết để đi vào đời sống vĩnh hằng mà thôi.

 

Đó cũng chính là ý nghĩa của phần số 1 trong tông thơ “Cánh cửa đức tin”của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 – mà trong thinh lặng của tâm hồn – chúng ta hãy đọc, hãy suy nghĩ, hãy cầu nguyện và hãy một lần nữa thề hứa lại niềm tín trung đó với Chúa:

“Cánh cửa đức tin” (x. Cv 14:27) vẫn luôn mở rộng cho chúng ta, dẫn vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và cho phép người ta gia nhập Hội Thánh. Người ta có thể bước qua ngưỡng cửa đó khi Lời Chúa được loan báo và tâm hồn để cho mình được uốn nắn bởi ân sủng có sức biến đổi. Bước qua ngưỡng cửa ấy có nghĩa là dấn thân vào một cuộc hành trình kéo dài suốt đời. Hành trình này bắt đầu với bí tích Rửa Tội (x. Rm 6:4), nhờ đó chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, và kết thúc bằng việc vượt qua sự chết mà vào sự sống đời đời, hoa quả của việc phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng muốn cho tất cả những ai tin vào Người (x. Ga 17:22), nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần, được kết hợp với vinh quang của Người. Tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – là tin vào một Thiên Chúa duy nhất là Tình Yêu (x. 1 Ga 4:8): Chúa Cha, khi đến thời viên mãn, đã sai Con của Ngài xuống, để cứu độ chúng ta; Đức Chúa Giêsu Kitô, trong mầu nhiệm cái chết và sống lại của Người, đã cứu chuộc trần gian; Chúa Thánh Thần dẫn đưa Hội Thánh qua các kỷ nguyên trong khi chờ đợi ngày trở lại vinh quang của Chúa.