Gần bên Mẹ qua tràng chuỗi Mân Côi

Nguyễn Trọng Lưu

“Mẹ Chúa Yêsu” và là “Mẹ chúng ta”

Cách đây gần 2 năm – chúa nhật ngày 08.09.2013 – trùng vào lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, lớp sinh hoạt giáo lý của cộng đoàn Aarhus đã được khai mạc với 52 em – tuổi từ 5-17, tôi đã hỏi các em: “Maria là ai ?” – thì hầu như các em lớn đều biết trả lời “Maria là Mẹ Chúa Yêsu”. Nhưng với câu hỏi tiếp theo: “Tại sao Maria là Mẹ Chúa Yêsu mà chúng ta lại dám gọi Maria là Mẹ chúng ta ?”, thì không em nào biết.

Trước khi chết trên thập giá, Đức Kitô đã trao Thánh Yoan để làm con Đức Mẹ và đã trao cho Đức Mẹ cho Thánh Yoan để làm mẹ và từ giờ đó Thánh Yoan đã đón Mẹ Maria về nhà mình (Yn. 19, 25-27). Giáo Hội đã coi lúc Thánh Yoan đứng bên thập giá nhận lời của Chúa Yêsu là với tư cách đại diện cho toàn nhân loại, và vì thế chúng ta mới được diễm phúc gọi “Maria là Mẹ chúng ta”.

Phiền một nỗi, sống trong thân phận con người giữa giòng thời gian hạn hữu, nên cảm nghiệm về “Maria, Mẹ chúng ta” rất mỏng dòn và xa cách. “Mỏng dòn” vì con người không thể dùng các giác quan của thân xác hữu hình này để đi đến với Mẹ được, mà chỉ có thể “cảm nghiệm” được qua tin yêu và cầu nguyện trong thế giới siêu linh, mà trong thơ gởi cho giáo dân thành Philiphê, Thánh Phaolô đã nhắc nhở: ”Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời” (Ph. 3, 20). “Xa cách”, bởi con người Mẹ Maria với xương thịt như chúng ta, đã sống cách đây hơn 2000 năm và giờ đây Mẹ đang viên mãn cả hồn xác ở một nơi – chúng ta gọi là “thiên đàng” – nơi mà chẳng ai đã được đến hay đã có kinh nghiệm để có thể để mô tả xác thực.

Mà một khi nói tới “cảm nghiệm”, thì điều chắc là mỗi người sẽ có một cảm nghiệm riêng biệt, không ai giống ai.

Cảm nghiệm của Cha Patrick Peyton và danh ca Bing Crosby

Chắc nhiều người trong chúng ta đã nghe biết về Cha Patrick Peyton, người Ái Nhĩ Lan (1909-1992), thuộc dòng Thánh Giá và được thế giới gọi là “Tông Đồ của tràng chuỗi Mân Côi”. Một hôm cha kể cho danh ca người Mỹ Harry Lillis Crosby (1903-1977) – thường được gọi là Bing Crosby, nổi tiếng trong bài hát “White Christmas”: “Tôi đạt đến sự hiểu biết và yêu mến Đức Mẹ Maria là nhờ lần chuỗi Mân Côi. Chính tràng chuỗi Mân Côi dạy tôi phải đặt tin tưởng nơi Đức Mẹ Maria. Vì thế, để tỏ lòng ghi ơn tràng chuỗi Mân Côi, tôi quyết định dâng hiến trọn đời tôi để cổ võ mọi người yêu thích việc lần chuỗi Mân Côi. Nếu mọi người đáp lời tôi kêu gọi, mỗi ngày dành ra thời gian ngắn, rồi cả gia đình cùng nhau lần hạt Mân Côi, thì tôi có thể bảo đảm với các gia đình ấy rằng: các tổ ấm đó sẽ trở thành vườn địa đàng!”. Sau đó, Cha vừa siết mạnh tay chàng danh ca và kín đáo bỏ vào lòng bàn tay chàng, một tràng chuỗi Mân Côi nho nhỏ .

Bắt đầu từ ngày lịch sử ấy, cuộc đời danh ca Bing Crosby thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa và Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi. Chàng và cả gia đình lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày và sau này chính chàng đã viết cho Cha Patrick Peyton: “Thưa Cha, con thật hạnh phúc. Mỗi tối con cầu nguyện cùng Đức Trinh Nữ Rất Thánh Mân Côi. Trọn gia đình cùng cầu nguyện với con. Nhờ thế, nơi cõi đời ô trọc này, vẫn còn trăm vạn niềm vui. Và con cảm thấy như Cha đang ở cạnh con, trong những giây phút này, khi con đọc kinh dâng lên Đức Nữ Trinh Maria. Ngoài trời, các vì sao chớp chớp, như đáp lại lời kinh con đọc. Các vì sao tỏa ánh sáng rạng ngời trên ngôi nhà con ở Nevada”.

Gần bên Mẹ qua tràng chuỗi Mân Côi

Ngay từ ngày còn bé, trong lạnh giá của trời Dalat, tối nào cũng được ngồi trong lòng ba tôi để lần chuỗi Mân Côi, nhưng mãi cho tới nay, khi ba tôi đã mất và với tuổi đời chồng chất, tôi mới cảm nghiệm được rằng, qua tràng chuỗi Mân Côi, Đức Mẹ không ở quá xa con người.

Đó là một thứ “cảm nghiệm gần kề”, không phải thứ gần kề bằng xác thân. Cũng không phải thứ gần kề trong cách tiếp cận hữu hình với thứ tình cảm qua mau của con người – nhưng gần kề trong cậy tin, phó thác theo mẫu gương của Mẹ, và từ đó cảm nhận được bình an, thanh thản, sức mạnh trong tâm lòng qua thân xác yếu hèn, tội lỗi, với đầy những thói hư tật xấu, dù bên ngoài có phải chịu những oan ức, những ghét bỏ, những ghen ghét, những tay bay vạ gió chẳng biết đến từ đâu.

Là con người, có thể có nhiều lúc trong đường đời giữa muôn vàn thử thách, “cảm nghiệm gần kề” đó khi mờ khi tỏ, không thể lấy thứ tình cảm thường được gọi là “sốt sắng” mà đo được. Nhiều lúc chúng ta “cảm thấy sốt sắng”, tưởng như viên mãn hòa nhập vào xác thân, nhưng chỉ trong giây lát tình cảm đó chợt mất và chúng ta lại bị hụt hẫng khi trở về với chính con người hạn giới của mình. Sống đức tin là sống bằng lý trí và ý chí – và thước đo chính là lòng trung thành, cương quyết trong suốt mọi ngày của cuộc đời – chứ không phải chỉ sống đức tin khi “cảm thấy sốt sắng” mà thôi.

Đọc Kinh Mân Côi suốt ngày và tại bất cứ đâu

Ông Giuseppe AtonioTovini (14.03.1841-16.01.1897), vừa là luật sư và người sáng lập hai nhà băng “Bank of Vallecamonia” và “Banco Ambrosiano”, vừa là người cha gia đình có mười đứa con, mỗi khi phải đi đâu, ngồi trên xe ông đều lần hạt Mân Côi, hết chuỗi này tới chuỗi khác. Ngày 20.09.1998, ông đã được Đức Cố Giáo Hoàng Yoan Phaolô 2 phong chân phước.

Ông nói: ”Cần phải biết tận dụng các lúc nghỉ ngơi hay chờ đợi mà chúng ta có được trong hàng quán, trong phòng đợi của bác sĩ, trong khi chờ xe lửa hay xe buýt tới. Nếu biết tận dụng những thời gian đó, thì mỗi ngày chúng ta đã lần được biết bao nhiêu chuỗi rồi!”

Chắc cũng rất nhiều lần chúng ta phải chờ xe buýt tới trễ. Nhưng tại sao lại để mất thời giờ chờ đợi mà không theo gương và lời dạy của Chân Phước Giuseppe Atonia Tovini: lần hạt Mân Côi để cầu nguyện cho chính chúng ta và cho những ai cần tới lời cầu nguyện của chúng ta nữa?