Mẹ

Nguyễn Trọng Lưu

Lịch sử ngày của mẹ

Trong văn hóa Á Đông, người phụ nữ được gọi là “nội tướng”, còn người đàn ông thì lo việc ngoài xã hội. Trong nhà, nếu có người phụ nữ chăm lo, thì gia đình được ấm cúng, trật tự ngăn nắp và bình an. Vì thế, trong tiếng Hán, chữ “An 平安 được viết bởi bộ miên (mái nhà) và chữ “nữ” – có nghĩa rằng để được yên ổn phải có người phụ nữ trong nhà.

Còn tại Hy Lạp, ngay từ thời xa xưa, đã có lễ hội tôn vinh nữ thần Cybelle, mẹ của tất cả các vị thần, được tổ chức vào thời điểm xuân phân – tức khi mặt trời ở gần xích đạo nhất. Trong khi đó người La Mã lại ăn mừng lễ hội Matronialia để tôn vinh nữ thần Juno, nữ hoàng của các vị thần La Mã, vợ của thần Jupiter.

Tại Âu Châu, nhiều quốc gia có tục lệ để dành riêng một ngày chúa nhật trong năm để tôn vinh mẹ hiền – như ngày ”Mothering Sunday” được tổ chức vào chúa nhật thứ tư mùa chay tại Anh, hay vào chúa nhật thứ hai của tháng năm theo truyền thống ”Mother’s Day ngày hiền mẫu” của Hoa Kỳ. Vào ngày này, để tỏ lòng biết ơn sinh dưỡng của mẹ hiền, con cái chúc mừng mẹ với thiệp, quà và bông hoa. Các con cũng nấu nướng những thức ăn mà người mẹ ưa thích. Trong ngày này người ta có tập tục đeo hoa ”Cẩm Chướng”, tức là hoa ”Carnation” – tiếng Pháp gọi là hoa ”Oeillet”. Đeo hoa ”cẩm chướng” màu hồng hay màu đỏ để nói lên mẹ còn sống, còn đeo hoa màu trắng để cho biết mẹ đã qua đời.

Ở đây chúng ta thấy văn hóa đông và tây gặp nhau trong việc ”cài bông lên áo” – rất quen thuộc với người Việt chúng ta. “Lễ bông hồng cài áo” là một nghi thức đặc biệt của Phật Giáo Việt Nam, để tỏ lòng kính trọng và hiếu thảo với mẹ mình. Theo ý nghĩa của lễ này thì: “Nếu còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa hồng trên áo, và người đó sẽ tự hào được còn mẹ. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Còn nếu mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa hồng trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất.” (Trích từ “Bông hồng cài áo” của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh)

Tại Hoa Kỳ, ”ngày hiền mẫu” đầu tiên đã được đề nghị tổ chức vào năm 1870 do cô Julia Ward Howe (1819-1910), là người đã viết lời ca cho bản ” Battle Hymn Of The Republic – Thánh chiến ca cho Nền Cộng Hòa”. Cũng trong năm đó – trong bối cảnh nội chiến tàn khốc tại Hoa Kỳ – bà Anna Reese Jarvis (1864-1948) đã tập hợp các phụ nữ khác với sứ mệnh chăm sóc các thương binh từ cả hai miền nam cũng như bắc. Sau khi cuộc chiến chấm dứt, bà khởi xướng phong trào ”Mothers’ Work Days – Ngày các hiền mẫu làm việc” để nhấn mạnh các hoạt động xã hội vì hòa bình. Bà Anna Reese Jarvis qua đời tại thành phố Philadelphia năm 1948. Tại ngôi mộ của mẹ mình, cô con gái Anna Marie Jarvis hứa rằng sẽ nối gót theo chân mẹ và thành lập một ngày lễ dành riêng cho các người hiền mẫu, còn sống cũng như đã qua đời.

Anna M. Jarvis đã vận động các mục sư, các chính trị gia để tổ chức ngày ”Mother’s Day” cho toàn quốc. Ngày ”Mother’s Day” được tổ chức lần đầu tiên năm 1907 tại nhà thờ ở Grafton, West Virginia để tưởng nhớ bà Anna Reese Jarvis. Cô con gái cứ tiếp tục vận động và đã thành công: Tổng thống Thomas Woodrow Wilson (1856-1924) – tổng thống thứ 28 của Mỹ – tuyên bố Mother’s Day là ngày lễ cho toàn quốc được cử hành vào Chúa Nhật của tuần lễ thứ hai trong tháng năm. Sau đó các nước khác đã theo gương này mà tổ chức ”ngày hiền mẫu” cho quốc gia mình – như Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc Đại LợiBỉ.

Từ năm 2010 tới nay, các Linh mục tuyên úy cho các cộng đồng công giáo Việt Nam tại Âu Châu đã chính thức lấy chúa nhật thứ hai của tháng năm để tổ chức hành hương tại Banneux, Bỉ – nơi Đức Mẹ đã hiện ra với chị Mariette Beco – vừa  để hành hương tôn kính Đức Mẹ và vừa để cử hành ngày hiền mẫu. Chị Mariette Beco sau này lập gia đình, sống rất ẩn dật và mất ngày 02.12.2011 trong một viện dưỡng lão gần Banneux.

 Bài hát bất hủ “bông hồng cài áo”

 Ai cũng có những kỷ niệm đẹp với mẹ và may mắn có mẹ còn sống, hãy thường xuyên nhắc lại những kỷ niệm đó cho mẹ nghe và cám ơn mẹ đã cho ta những ngày thơ ấu tươi đẹp. Có lẽ không điều gì làm các cụ vui hơn là nghe con nhắc lại những điều tốt đẹp mình đã làm cho con và con vẫn ghi nhớ. Nếu chúng ta không may có những kỷ niệm đau buồn với mẹ, hãy nghĩ đến mẹ với lòng thương yêu tha thứ và nếu có thể được tìm dịp thành thật nói cho mẹ biết rằng thỉnh thoảng ta còn nhớ những điều đó nhưng chỉ thoáng qua và chúng ta không buồn gì mẹ nữa. Những lời nói đầy dấu ái và yêu thương đó sẽ xóa bỏ ngăn cách giữa mẹ con và giúp mẹ con dễ dàng xích lại gần nhau, mang lại ủi an cho nhau.

Sách Châm Ngôn trong Cựu Ước khuyên: “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy của cha, chớ bỏ phép tắc của mẹ con” và: “Hãy nghe lời cha đã sinh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu”.

Có lẽ cũng trong tâm tình đó mà nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930-2009) đã sáng tác bài hát bất hủ “Bông hồng cài áo” – lấy ý từ thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ghi lại tục lệ bạn bè gặp nhau ở Nhật: ai còn mẹ thì cài áo bông hoa hồng, ai mất mẹ thì cài hoa hồng trắng.

“Một bông hồng cho em

 Một bông hồng cho anh

 Và một bông hồng cho những ai

 Cho những ai đang còn mẹ

 Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn

 Rủi mai này mẹ hiền có mất đi

 Như đóa hoa không mặt trời

 Như trẻ thơ không nụ cười

 Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm

 Như bầu trời thiếu ánh sao đêm

 Mẹ, mẹ là giòng suối dịu hiền

 Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên

 Là bóng mát trên cao

 Là mắt sáng trăng sao

 Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối

 Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào

 Mẹ là nải chuối buồng cau

 Là tiếng dế đêm thâu

 Là nắng ấm nương dâu

 Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời

 Rồi một chiều nào đó anh về nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu

 Rồi nói, nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ có biết hay không?”

 Biết gì? “Biết là, biết là con thương mẹ không?”

 Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh

 Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em

 Thì xin anh, thì xin em

 Hãy cùng tôi vui sướng đi.

Hình ảnh người phụ nữ đạo hạnh

 Nhân “ngày hiền mẫu” năm nay, chúng ta cũng hãy nhìn lại hình ảnh người phụ nữ đạo hạnh, mẫu gương, đã được vẽ lại ngay từ thời Cựu Ước.

Theo phong tục và văn hóa Á đông, những nhà hiền triết Á Đông đề cao hình ảnh người phụ nữ gương mẫu – người vợ hay người mẹ đạo hạnh – bao gồm “tam tòng, tứ đức”“công, dung, ngôn, hạnh”.

Còn đối với Thiên Chúa, hình ảnh người phụ nữ gương mẫu đã được mô tả trong “Sách Châm ngôn, chương 31” của vua Salomôn.

  1. “Ai có thể tìm được một người vợ tài đức? Nàng quí hơn hồng ngọc” (Châm ngôn 31, 10)

Người tài đức và giá trị không dựa trên bao nhiêu hột xoàn mang trên người, đi loại xe sang trọng, hay ở trong ngôi nhà đắt tiền – nhưng là dựa trên tài đức, phẩm hạnh mà người ấy là. Giá trị của đời sống nàng không đánh giá trên những gì thuộc về vật chất nhưng dựa trên những gì thuộc về bề trong. Giá trị của nàng chiếu sáng hơn châu ngọc, bền bỉ hơn kim cương, đắt giá hơn hột xoàn. Tài đức và cá tính không ai có thể mua được.

  1. “Chồng nàng tin cậy nơi nàng; người sẽ không thiếu hoa lợi. Trọn đời nàng đem lại hoa lợi cho chồng” (Châm ngôn,31, 11-12)

Người phụ nữ gương mẫu và giá trị là người làm cho chồng tin tưởng, nàng có khả năng sẽ mang lại phúc lợi cho chồng con và gia đình. Nàng giúp cho chồng thành công và không bao giờ bị tổn hại trong thanh danh cũng như trong sự nghiệp. Tục ngữ việt nam có câu: “Nhà khó cậy vợ hiền. Nước loạn nhờ tướng giỏi.” Thật vậy gia đình nào, người chồng nào có vợ hiền – là người vợ có khả năng mang lại sự tự tin và thành đạt cho người chồng trong thương trường và ngay cả trong chiến trường, vượt qua những khó khăn và tổn hại.

  1. “ Nàng tìm kiếm vải len và sợi lanh; đôi tay nàng vui vẻ làm việc. Nàng như những con tàu buôn mang thực phẩm về từ phương xa.” (Châm ngôn, 31, 12-13)

Hình ảnh người phụ nữ trong Châm ngôn 31, 12-13 đã gợi nhớ cho chúng ta hình ảnh cao đẹp của những người mẹ trong thời chinh chiến cũng như trong thời bình. Nàng luôn bận rộn với công việc, biết sắp đặt kế hoạch kinh tế cho gia đình, khéo biết tổ chức ngăn nắp, thứ tự và giỏi điều hành, lại có cái nhìn xa hiểu rộng, có tâm và tầm nhìn rộng lớn cho sự an sinh của gia đình, và nhất là biết đánh giá và phân tích điều gì giá trị và không giá trị, điều gì tốt và không tốt cho gia đình và nắm bắt cơ hội để làm lợi cho chồng con. Những gian khổ đó đã hun đúc nên những người mẹ kiên cường, hy sinh, và đảm đang và giá trị trước mặt Chúa.

  1. “Nàng mở rộng bàn tay giúp đỡ kẻ nghèo; đưa tay ra tiếp người thiếu thốn.” (Châm ngôn, 31, 20)

Trong một thế giới và xã hội đề cao chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa nghĩa cá nhân, thì Thiên Chúa vẫn không thay đổi quan điểm của Ngài là đề cao giá trị tấm lòng vàng, tấm lòng thương xót, trắc ẩn trước sự đau khổ, nghèo khó của người khác. Trong Kinh Thánh không thiếu gì những người phụ nữ không giàu có về vật chất nhưng giàu có lòng thương người như người đàn bà góa Sarépta (1 Các Vua, 17,9). Mặc dầu chỉ có trong tay một nắm bột và ít dầu – nhưng vì nhu cầu của ngôn sứ Êli, bà đã sẵn lòng chia sẻ những gì mình có cho người của Đức Chúa. Nhận định của triết gia Heltetius về “Một người phụ nữ xấu mặt nhưng đẹp lòng là người phụ nữ đẹp. Một người phụ nữ đẹp mặt nhưng lòng dạ không đẹp là người phụ nữ xấu” không khác gì câu “Cái nết đánh chết cái đẹp” của Việt Nam chúng ta.

  1. “Chồng nàng được biết tiếng nơi cửa thành, được ngồi với các trưởng lão trong vùng. Nàng mở miệng nói điều khôn ngoan và lưỡi nàng dạy dỗ điều nhân ái” (Châm ngôn, 31, 23-26)

 Người phụ nữ tốt hay giá trị trước mặt Chúa là người đã mang lại sự thành công của chồng trong sự nghiệp qua việc khích lệ và giúp đỡ chồng trong chức vụ lãnh đạo. Không những nàng biết an ủi, nâng đỡ và làm phần khởi chồng trong chức vụ, nghề nghiệp mà nàng cũng ảnh hưởng đến người khác khi nàng mở miệng nói điều khôn ngoan và dạy dỗ những điều nhân ái cho người khác. Lời nói và hành động của nàng điều mang lại sự khích lệ, an ủi phấn chấn cho người khác để họ tiếp tục công việc và thành công trong sự nghiệp cũng như trong đời sống riêng tư. “Đàng sau những người chồng thành công luôn có người vợ khôn ngoan.”

  1. “Duyên là giả dối, sắc là hư không, chỉ những người phụ nữ nào kính sợ Chúa mới đáng được khen ngợi.” (Châm ngôn, 31, 30)

Nàng được khen ngợi và tôn trọng không phải vì nàng có duyên, có hương sắc mặn mà, cũng không phải vì trên người nàng có những châu ngọc quý giá nhưng những gì nàng có là sự kính sợ Đức Chúa và tin cậy nơi Ngài, mà từ đó phản chiếu ảnh hưởng đến chồng con và đến với những người chung quanh. Đời sống nàng đã mang lại hương thơm, giá trị và niềm phấn khởi cho nhiều cuộc đời để sống mưu cầu hạnh phúc, thành công, và ý nghĩa.

Tất cả những gì nàng có từ điều thứ nhất cho đến điều thứ năm đều bắt nguồn từ đặc tính thứ sáu này – nghĩa là từ lòng kính sợ Chúa và tin cậy Ngài – đã khiến nàng trở thành người mà Vua Salomôn đã thốt lên rằng: “Ai có thể tìm được một người vợ tài đức?” Có thể nói không ngoa rằng tìm được nàng khó hơn “tìm kim dưới đáy biển.”

Và qua người mẹ đã cưu mang, sinh ra và dưỡng nuôi chúng ta trong cuộc đời thường này – chúng ta hãy hướng lên người Mẹ tuyệt vời trên hết mọi người mẹ – chính là Mẹ Maria, mà tháng năm, Giáo Hội dành riêng để tôn kính Ngài.