THẦN NHÂN HAI BIÊN GIỚI

Nguyễn Trọng Lưu

Image
Ngày 19.03.2016 vừa qua, tại nhà thờ Thánh Tâm Chúa Yêsu, København, Đức Giám Mục Giáo Phận Czeslaw Kozon đã truyền chức linh mục cho thày Kasper Baadsgaard và thày Jan Hansen người Đan Mạch. Đã có 40 linh mục thuộc nhiều quốc tịch khác nhau cùng đồng tế với Đức Giám Mục – trong đó có một linh mục Việt Nam đến từ Na Uy.
Có lẽ việc truyền chức linh mục tại những nước Âu Mỹ khác không đánh động lắm, nhưng tại Đan Mạch – nơi đạo tin lành phái Luther là quốc giáo, còn người công giáo chỉ được khoảng 0,03 % – mà trong đó đến hơn 2/3 là những người tỵ nạn và di dân từ khắp nơi trên thế giới đổ về với con cháu của họ – nên việc phong chức linh mục cho người Đan Mạch chính gốc khá họa hiếm.
Là một giáo dân thuộc giáo xứ Århus – nơi thày Jan Hansen đã phục vụ – tôi rất vui mừng và đã đến dâng lời cảm tạ Thiên Chúa trong ngày thày thụ phong Linh Mục.
Và với tâm tình một người giáo dân, tôi muốn ghi lại những cảm nghĩ về đời sống linh mục.

”Là linh mục” hay ”làm linh mục”?
Cách đây gần 30 năm, khi viết loạt bài về đời sống tu trì trong Giáo Hội cho các báo Mục Vụ Đan Mạch, Thụy Sĩ, Hòa Lan và Anh quốc – tôi đã lấy tựa đề ”Như chứng từ cho Tình-Yêu” – vì các linh mục, triều hay dòng, cũng như các thày dòng và nữ tu phải thực sự ”là chứng từ cho Thiên-Chúa-Tình-Yêu” thì mới lột trọn được ý nghĩa đời sống tu trì.

Nhưng các Linh Mục ”là linh mục” hay ”làm linh mục”? Câu hỏi xem ra có vẻ tầm thường và vô bổ, nhưng thực sự lại là câu hỏi căn bản để định rõ căn tính của các linh mục.
Có rất nhiều linh mục – chỉ ”làm linh mục” chứ ít khi để ý mình phải ”là linh mục” – mà giáo dân chỉ muốn và cần những linh mục ”là linh mục” mà thôi.
Đặc điểm của các linh mục chỉ ”làm linh mục” là ”làm” đủ thứ việc như một công chức thi hành bổn phận, để đạt được những thành tích lớn nhỏ – mà quên bẵng mình phải ”là” linh mục trước đã và là linh mục là của toàn dân Chúa – như trong Tin Mừng Luca, Chúa Yêsu nhắc đến người chăn chiên bỏ lại toàn bầy chiên để đi tìm một con chiên lạc – chứ không phải là chỉ để dành riêng cho một số nhóm nhỏ hay cho những người chỉ biết cúi đầu như những con cừu của Panurge. Đấy là điều mà Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn VănThuận đã suy nghĩ trong những giây phút đầu tiên của đời ngục tù về việc ”tìm Chúa” hay ”tìm công việc của Chúa”.

Ngoài ra có những cái ”làm” đặc biệt “thật như bịa” – được Linh mục Yuse Nguyễn Văn Nghĩa, Ban Mê Thuột tường thuật thánh lễ tạ ơn của tân linh mục Nguyễn Vũ Việt, trong đó linh mục nghĩa phụ giảng về cám dỗ của những cái ”làm” trong đời Linh Mục.

Xin trích lại nguyên văn như sau từ ”Thanhlinh.net”:

1. Làm tiền: dâng lễ, cử hành các bí tích… vì tiền. Vì nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất hay tổ chức các sinh hoạt, nên lao mình vào việc kiếm tiền.

2. Làm biếng: Làm linh mục rồi nên không thèm dạy giáo lý nữa, chưa kể dần dà sinh ra làm biếng ngồi tòa giải tội theo lịch kỳ. Nếu không được hàng ngày thì phải hàng tuần chứ. Một tuần phải có một buổi nào đó được ấn định để bà con đến lãnh nhận ơn hòa giải. Xin đừng đợi đến dịp lễ trọng như Chầu lượt, Giáng Sinh hay Phục Sinh mới mời anh em linh mục chung quanh đến “oánh trận” một buổi rồi sau đó hỉ hả cụng ly mừng chiến công. Bàn phím, màn hình vi tính… rất dễ cám dỗ chúng ta có cớ để mà làm biếng thăm viếng giáo dân, chăm nom người già, kẻ liệt.

3. Làm tàng: Đã làm linh mục rồi thì rất dễ bị cám dỗ “làm cha” thiên hạ. Linh mục, tuổi đời chưa đến bốn hay năm mươi mà lại nạt nộ quát tháo trẻ em lẫn người cao tuổi, la mắng to tiếng với giáo lý viên lẫn cả với quý vị hội đồng giáo xứ đã không là chuyện thi thoảng hay là họa hiếm mà như ngược lại (có khi lại la mắng và khiển trách trên tòa giảng hay nơi tòa giải tội.

Linh Mục Yuse Nguyễn Tiến Lộc, Dòng Chúa Cứu Thế – trong một bài giảng mùa chay năm 2016, đã nói rằng các Linh Mục cần phải học khiêm nhường nhiều nhất – ghi chú của người viết.) Chắc chắn điểm thi môn “đạo đức nhân bản” của các ngài không một ai dưới trung bình mà rất có thể thảy đều đạt điềm gần tuyệt đối, thế nhưng điểm thực hành ở mức nào thì các ngài cần khiêm tốn lắng nghe nhận định của bà con giáo dân và của các tu sĩ nam nữ đã từng cộng tác.
Thiết tưởng rằng đã dùng lời “để lật, để nhổ, để hủy để phá” cũng cần phải dùng lời “để xây và để trồng” thì sẽ sinh hiệu quả hơn như lời đã phán với ngôn sứ Yêrêmia (1,10). Mạo muội xin góp thêm ba “cái làm” theo chiều kích trồng và xây như sau.

1. Làm chứng (Mc 1,22): Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô 6 và Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan-Phaolô II, thường nhấn mạnh rằng ngày nay người ta thích nghe theo (nghe và sống theo) các chứng nhân hơn là các nhà giảng thuyết. Nếu sở dĩ người ta nghe theo các nhà giảng thuyết vì trước hết họ đã là những chứng nhân (đã sống điều mình rao giảng). Chắc hẳn không một linh mục nào muốn hứng lấy lời của Chúa Kitô trong Mt. 23,2-4 khi Người nói về một số lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ.

2. Làm gương (Ga13, 1-15): Dĩ nhiên gương ở đây phải là gương sáng chứ không phải là gương mù gương tối. Nói đến gương sáng thì chúng ta dễ liên tưởng đến hành vi yêu thương phục vụ trong khiêm hạ và tự hủy của Chúa Yêsu đêm tiệc ly khi cúi xuống rửa chân cho các môn đồ. Xin đừng quên việc rửa chân là việc của các người hầu, người nô lệ gần tương tự như các cung nữ phục dịch đức vua, hoàng hậu trong các cung đình. Nếu lỡ hầu hạ, phục dịch chủ mình không cẩn thận, có chút gì sơ suất thì phải nhanh chóng tự vả mặt thú lỗi. Gương muốn được sạch và sáng thì phải được rửa, được lau chùi liên tục.

3. Làm liên lỉ (Ga 5,1-47): Hai từ liên lỉ không chỉ có nội hàm là sự chuyên chăm mà còn bao hàm cả cái tâm, cái lòng của người thi hành công việc. Tuy nhiên hàng linh mục cần phải làm liên lỉ việc gì? “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”(Lc 22,19). Ở đây không muốn nói đến việc dâng Thánh Lễ theo kiểu “làm lễ”, nhưng muốn nhấn mạnh đến việc sống Bí Tích Thánh Thể. Rất có thể có đó và còn đó chuyện “làm tiền” cả khi “làm lễ”, nhưng đã sống bí tích Thánh Thể thì không thể có chuyện đó được. Hãy làm liên lỉ việc này là dùng chính con người, xác thân của mình để sống tình liên đới với tha nhân, sẵn sàng gánh lấy trách nhiệm của đồng loại, nhất là trong những yếu đuối, tội lỗi của họ. Tự nguyện “bị nộp” vì nhau là nghĩa cử yêu thương tỏ tình liên đới sâu xa. Hãy dùng chính máu thịt của mình để giúp nhau được thanh sạch và được sống và sống dồi dào. Trong Thánh Lễ thì các linh mục đọc bằng lời, nhưng mong sao trong cuộc sống các ngài có thể nói bằng hành động: “Này là Mình Ta… Này là Máu Ta…”
Đó cũng chính là điều mà Giáo Hội hằng khuyên nhủ các tiến chức trong trong ngày thụ phong Linh Mục: ”Hãy đọc và năng suy niệm Lời Chúa. Hãy tin những gì mình đã đọc, dạy những gì mình đã tin và sống những gì mình dạy.”

Các Linh Mục có lẽ cũng cần nhớ sống lòng bác ái với các anh em linh mục với nhau – mà ngay từ xa xưa đã có một câu tiếng latinh ghi lại: ”Homo homini lupus, mulier mulieri lupior, sacerdos sacerdoti lupissimus”. Từ ”lupus” là một danh từ nghĩa là ”chó sói”, nên không thể đổi và dùng kiểu so sánh hơn và so sánh nhất như một tính từ – thế mà trong câu trên lại chơi chữ bằng cách dùng danh từ ”lupus” để so sánh hơn và nhất: ”lupior”, có nghĩa là ”chó sói dữ hơn” và ”lupissimus” -”chó sói dữ dằn nhất”. Xin tạm dịch câu trên: ”Người là chó sói của người, đàn bà là chó sói dữ hơn với đàn bà, linh mục là chó sói hung dữ nhất cho các linh mục”. Nhiều khi những lời phê bình từ các linh mục về các anh em linh mục với nhau là một thứ ”đánh đuối người trên cạn mà chơi” đấy! (Nguyễn Gia Thiều, Cung Oán Ngâm Khúc)

Thần nhân hai biên giới
Cái nhìn đơn sơ của tôi về linh mục – là ”thần nhân hai biên giới” và qua đó, tôi muốn nhấn mạnh đến hai chiều kích ”thần” và ”nhân”.
Linh mục đứng ở biên giới của ”thần” – là đại diện và môi giới cho ”thần” đến với ”nhân” – mà quá nhiều lúc, các ngài lại hành xử như một ”thần” với giáo dân. Khi là đại diện và môi giới cho ”thần” đến với ”nhân”, các linh mục phải có những nhân đức ”đối thần” và những cung cách của một vị ”thần” mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai triển rất tuyệt vời trong tông thư ”Misericordiae Vultus – Dung Nhan Lòng Thương Xót”.

Linh mục còn thuộc về ”nhân- người” – nghĩa là trước hết các ngài phải sống trọn vẹn ngũ thường – mà theo văn hóa Á Đông – ”nhân” đứng đầu ”nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. ”Nhân” (yêu thương hết mọi người); ”lễ” (tôn trọng, hòa nhã với mọi người); ”nghĩa” (xử đối công bằng với mọi người); ”trí” (biết phân biệt thiện ác, đúng sai); và ”tín” (thủy chung, thành tín). Nhiều linh mục có lẽ đã quên bẵng, mình phải trau dồi những đức tính nhân bản trước – mà tiếng Việt hay gọi là ”đạo làm người” và phải biết cám ơn những người đã hết lòng giúp đỡ mình trong đời linh mục.

Đó cũng là điều mà Đức Tổng Giám Mục Hélder Pessoa Câmara (07.02.1909-27.08.1999), giáo phận Olinda và Recife, một trong những vùng nghèo nhất Brazil đã giảng cho một tiến chức trong ngày thụ phong linh mục và kêu gọi linh mục này ”hãy đưa ánh sáng vào mắt nhân dân và hãy sống và dấn thân cho người nghèo”. ”Đưa ánh sáng vào mắt nhân dân” là khai mở con đường dấn thân biết tôn trọng phẩm giá, kính trọng giáo dân chứ đừng cai trị kiểu ngu dân; còn ”sống dấn thân cho người nghèo” là bênh vực, đứng lên chống lại cảnh người bóc lột người – không nguyên chỉ về khía cạnh vật chất mà còn cả về khía cạnh tinh thần nữa. Đức Tổng Giám Mục cũng nhắc đến ”thái độ biết lắng nghe và cộng tác với hết mọi giáo dân, nhất là những giáo dân thành thật, dám đóng góp ý kiến xây dựng” – chứ đừng vào hùa, lập vây cánh với những người luồn cúi, giả dối, chỉ lo tâng bốc mà loại bỏ, gạt những người chân tình ra ngoài.

Trong cuối tuần họp Hội Đồng Mục Vụ của Giáo Phận København vào những ngày 15 và 16.11.2015 tại Mågleas, có đưa ra vấn đề một số linh mục coi thường giáo dân mà quên mất rằng giáo dân cũng có ơn gọi của mình và lại là đại đa số trong Giáo Hội. Cũng có những linh mục nghĩ rằng khi kêu gọi người giáo dân cộng tác với mình, là linh mục đã ban phát một đặc ơn, đã nâng lên người đó lên địa vị thân cận với mình – mà rốt cục chỉ hủy hoại và làm chia rẽ cộng đoàn dân Chúa mà thôi. Điều này tôi đã khai triển trong bài “Give me, Dear Lord, the grace to work for what I pray for!” (www.cdcgvn.dk).

Chân dung Linh mục theo lòng thương xót Chúa
Trong kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót do Đức Thánh Cha Phanxicô soạn, chúng ta đọc “Chúa chính là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót….Chúa cũng đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng mặc lấy sự yếu đuối để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc, xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa quan tâm, yêu mến và thứ tha”.

Thật lạ lùng khi Thiên Chúa biểu lộ quyền năng của Ngài bằng sự tha thứ và lòng thương xót – chứ không phải theo kiểu cách con người quát tháo, đe dọa, rầy la, loại bỏ người này, tâng bốc người kia. Linh Mục phải sống và hành xử thế nào để “tất cả những ai tiếp cận với các ngài đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa quan tâm, yêu mến và thứ tha”.
“Nemo dat, quod non habet – không ai có thể cho cái mà mình không có” – mà nếu chính Linh Mục không sống và thực thi những điều này, thì làm sao có thể làm tỏa chiếu lòng thương xót của Thiên Chúa cho giáo dân được?

Ước mong tất cả giáo dân và các Linh Mục – chúng ta cùng đọc, suy niệm và thực thi những lời kinh của Thánh Nữ Faustina Kowalska (1905- 1938):

“Lạy Chúa,

Xin cho đôi mắt con luôn giàu Lòng Thương Xót, để con không nghi ngờ hay kết án bất cứ ai, qua dáng vẻ bề ngoài của họ; để con cảm nhận được những gì đẹp đẽ trong tâm hồn anh chị em con, và luôn sẵn sàng nâng đỡ họ.

Lạy Chúa xin cho đôi tai con luôn giàu Lòng Thương Xót, để con luôn lắng nghe những nhu cầu của anh chị em, để đôi tai con không dửng dưng trước những lời đau thương than trách của họ.

Lạy Chúa xin cho miệng lưỡi con luôn giàu Lòng Thương Xót, để con không bao giờ nói xấu anh chị em, để mỗi lời miệng con nói ra đều là lời an ủi và tha thứ cho mọi người.

Lạy Chúa xin cho đôi tay con luôn giàu Lòng Thương Xót, để luôn đầy ắp những việc tốt lành, để chỉ làm những điều tốt đẹp cho anh chị em quanh con; để dám sẵn sàng giữ lại cho mình những việc khó khăn nặng nhọc nhất.

Lạy Chúa xin cho đôi chân con luôn giàu Lòng Thương Xót, để con luôn lên đường đến giúp đỡ anh chị em con, để con luôn làm chủ được sự nhọc nhằn mệt mỏi của bản thân, để phục vụ mọi người sẽ chính là sự nghỉ ngơi đích thật cho con.

Lạy Chúa xin cho trái tim con luôn giàu Lòng Thương Xót, để con luôn cảm nhận được những khổ đau của anh chị em bên cạnh, để con không bao giờ từ chối bất cứ ai, để con luôn có thái độ dịu dàng và đúng đắn với những người có thể lạm dụng tình thương của con; phần con, xin được ẩn náu trong trái tim nhân từ của Chúa Yêsu, để con xin được giữ lại cho riêng mình những đau khổ bản thân.

Lạy Chúa, xin cho lòng thương xót của Chúa luôn hiện diện trong con. Chính Chúa đã truyền cho con thực thi ba mức độ của lòng thương xót: là hành động thương xót, lời nói thương xót và cầu nguyện thương xót – lời cầu nguyện của con phải vươn tới những nơi, những người mà bản thân con với thân xác này không thể vươn tới được.

Lạy Chúa Yêsu, xin thánh hoá con trong Chúa, vì Chúa có thể làm được mọi sự!”