chuong hinh

 

CHUÔNG

Sáng nay dậy nhìn lịch treo tường, thấy ghi Ngày Quốc Tế Thiếu Nhi và Lễ Phật Đản, thì không khỏi liên tưởng đến kỷ niệm thời học trò thơ ấu ở quê nhà Việt Nam với tiếng chuông chùa hay chuông nhà thờ.

Truyền thống hiếu học có trong con người Việt Nam. Cha mẹ dù có khó khăn thế nào thì cũng ráng cho con cái theo học trường lớp, để hy vọng ”Con hơn cha là nhà có phúc”. Vào trường lớp rồi thì trước sau cũng có lần nghe câu ca dao:

”Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”.

Bây giờ thì có sự bàn thảo  là tiếng chuông Trấn Vũ chứ không phải là Thiên Mụ. Xin để phần đó cho quý vị chuyên môn quyết định, riêng cá nhân đây thì dễ hình dung khung cảnh ngôi chùa khi nghe cái tên thiên Mụ . Cũng như khi nghe đến Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi ở Sài Gòn hay Chùa Giác Lâm gần nơi sinh thành.

Tiếng chuông của ngôi chùa Phật giáo được gõ hình như từng tiếng một, chuông được đúc sao đó để khi nghe thì thấy trầm buồn, như nhắc nhở Phật tử về ” Đời là bể khổ”. Rồi trong bài tình ca ”Lan và Điệp” thì khi nghe đến câu: ”Chuông đổ chùa xa chiều tan trường về” thì có thể đã hình dung ngay chuyện tình của đôi tình nhân hư cấu này rồi sẽ không thành, để cuối cùng Lan cắt tóc vào ngôi ”chùa xa”.

Những chuỗi đau thương đó, những âm thanh chuông trầm buồn đó, hy vọng có thể sẽ dẫn người ta đến những suy tư sâu thẳm của giáo lý Phật Giáo, nhằm muốn giải thoát cứu con người ta khỏi đau khổ trầm luân. Chuông dùng để phụ theo tiếng kinh cầu, chứ không dùng để kêu gọi nhắc nhở tín đồ đến giờ kinh kệ.

Hồi Giáo thì không dùng chuông, mà đã có những Muezzin giọng tốt, đứng trên minaret hướng về Mecca mà kêu gọi tín đồ đến giờ cầu nguyện hay đi nhà thờ Hồi giáo (Mosque). Dù giờ đã có loa phóng thanh và microphone, nhưng không phải ai muốn làm muezzin cũng được, mà phải được tuyển chọn.

Có thế thì mới cảm nhận sự khác biệt của chuông bên Thiên Chúa Giáo.

Chuông được đúc sao mà khi rung lên thì tiếng nghe réo rắt. Chuông được vang lên trước thánh lễ, trong thánh lễ (vọng Phục Sinh), hay những lúc vui buồn cưới hỏi ma chay. Như  ”chuông chiều ngân đâu đây, vọng tiếng cầu kinh vơi đầy…” trong bài Chuông Chiều của Thành Tâm, hay ” đêm nay trần gian chuông reo tưng bừng..” trong bài Đêm Nay Tầng Xanh của Chính Trung-Xuân Thu, và chắc ai cũng biết bài Jingle Bells với lời Việt ”Chuông ngân vang, chuông ngân vang…”

Rồi thì ai cũng biết cái tên nhà thờ Ba Chuông, chứ có biết đâu cái tên chính thức Đa Minh của nhà thờ đó.

Rồi người kéo chuông nhà thờ  cũng chẳng phải là chuyên gia, chức sắc gi, mà chỉ cần có tấm lòng hy sinh vào việc phục vụ nhà Chúa là được rồi.

Nhớ lúc nhỏ đi chơi đá banh hay tụ tập bạn bè, đâu có đồng hồ đeo tay hay biết nhìn Mặt Trời mà đoán giờ, thì nhờ có tiếng chuông nhà thờ mà biết giờ giấc, biết có 1 giờ để về tắm rửa đi lễ. Dù nay điện thoại di động có phổ biến, chuông nhà thờ có khi được đặt giờ cho tự động rung đúng giờ giấc, thì cái chức năng của nó vẫn quan trọng như xưa: nhắc nhở, kêu gọi con chiên cùng nhau đến nhà thờ tung hô cám tạ Thiên Chúa.

Ngay cả đến những con người CS vô thần cũng nhận biết được vai trò quan trọng của tiếng chuông đạo Chúa. Nghe đâu trong thời gian bị giam cầm, thì đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận bị họ giam giữ gần nhà thờ, để ngoài phần tra tấn về thể xác thì còn bị dằn vặt về tinh thần mỗi lần nghe tiếng chuông nhà thờ. Sẽ cảm thấy đau buồn thế nào khi biết con chiên tụ họp lại mà chủ chiên không có mặt.

Nhưng có lẽ vì vô thần (trên giấy tờ) nên cai tù CS chỉ có suy nghĩ thiển cận. Họ không biết rằng khi nghe tiếng chuông  vào thời điểm hoàn cảnh lúc đó, thì đức cố Hồng Y vui mừng vì biết rằng dân Chúa còn có nơi thờ phượng, còn được phép gặp nhau để cám tạ hồng ân Thiên Chúa. Vì  Nguyễn Văn Thuận là ai so với Thiên Chúa Toàn Năng, khi biết là ” Đâu có hai, ba người họp lại vì danh ta, thì ta ở giữa họ” mà.

Bàn chuyện chuông nhà thờ xưa để rồi nói qua chuyệnchuông nhà thờ  ngày nay.

Nhà thờ của giáo xứ Horsens đã vắng tiếng chuông từ hai, ba năm nay. Giờ thì không thể trì hoãn được nữa mà cần phải tu sửa, để cho tiếng chuông lại được vang lên từ nhà thờ Công giáo, cùng song hành với các nhà thờ Tin Lành lân cận.

Chi phí 160.000kr thì một nửa số tiền đã được có qua quà tặng, phần còn lại là 80.000kr thì giáo xứ phải tự lo. Biết là cơn khủng hoảng kinh tế vẫn còn ám ảnh mọi người, nhưng hy vọng vào tâm tình ”Góp gió thành bão” hay ”Kiến tha lâu đầy tổ”, thì dự án này sẽ mau được hoàn thành.

Thời gian trôi qua mau. Cảnh vật, con người cũng thay đổi theo thời gian.Nhưng hy vọng và tin rằng cái tiếng chuông từ nhà thờ vẫn đem lại cái cảm xúc háo hức, vui mừng biết rằng mình đang gần bên nhà Chúa.

Đầu tháng 6/2015

NC Dũng

TB: Quý ÔBACE. Nào muốn giúp đỡ dự án, thì có thể lấy lại tiền ủng hộ khi khai thuế cuối năm.

Xin ghi “Horsens:Klokker” khi gửi tiền vào sổ ngân hàng của Giáo Phận

Reg.: 4183 Konto: 0005 001 471

Chân thành cám ơn.