Tôi nhận thấy mình có bổn phận trình bày cho chính tôi và mọi người về một việc có liên quan đến tôi trong một thời gian dài. Nội dung trình bày này không áp dụng phổ quát cho những ý niệm khác có cùng những hạn từ hoặc tương tự, mà chỉ áp dụng duy nhất cho Chương trình Tri ân TPB VNCH (từ nay gọi tắt là Tri ân) đã được chúng tôi – một số tu sĩ DCCT, giáo dân và anh chị em lương dân – thưc hiện từ 29.07.2013 đến 15.05.2019.

Trước đây, tại Chùa Liên Trì, hoạt động chăm sóc TPB VNCH không mang tên Tri ân. Chỉ từ ngày 29.07 nói trên, mới có tên Chương trình Tri ân như đa số đã biết.

1. Tại sao làm việc bác ái hay từ thiện mà lại tri ân (cám ơn)?

1.1. “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cr 12,7). Đây là chỉ thị của Chúa qua thánh Phaolô cho dân thánh, để mọi người không tự cao tự đại mình có nhiều khả năng, nên mình làm gì giúp ai thì người thụ ơn phải biết ơn. Không! “Thần Khí [ơn riêng, khả năng,… – AT] tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung”. Thiên Chúa ban ơn cho tôi vì lợi ích của mọi người, không phải nhằm kiến tạo uy tín hay giá trị riêng của tôi. Do đó tôi không có quyền gì để đòi người khác phải chịu ơn tôi. Ngược lại, tôi phải chịu ơn người đón nhận sự phục vụ của tôi, vì nhờ họ, Thiên Chúa mới ban ơn cho tôi, để tôi sống cuộc đời trọn vẹn chứ không nhàm chán hay sợ hãi. Phải tri ân là vậy!

1.2. Tri ân TPB VNCH, ngoài ý nghĩa cốt yếu tâm linh vừa đề cập, chúng tôi biết rằng những ông bà TPB đã đổ máu và đã bỏ lại một phần thân thể để chu toàn trách nhiệm công dân của họ, nơi tôi đã được sinh ra và đang sống. Đa số các vị đáng kính trong các tôn giáo đã được xã hội ủy thác một trách nhiệm khác, nên đã không đổ máu mình ra trong các trận chiến khốc liệt mà quý ông bà TPB phải đối diện và phải trả giá. Có thể vài người sẽ cho rằng mỗi người một trách nhiệm, họ trả giá bằng thân xác, còn tôi thì cũng đã trả giá bằng tâm linh,… Vậy bình đẳng, sao lại phải tri ân? Trọng kính quý vị cao nhân vĩ đại ấy, chúng con nghiệm được máu là sự sống, máu đổ ra là sự sống đổ ra cho những người không đổ tí máu nào được sống an nhiên tự tại. Quý ông bà TPB đã hoàn thành sứ mạng công dân khi quốc gia cần. Phải tri ân là vậy!

2. Tại sao tri ân lại có sự phân biệt đối xử VNCH với CHXHCNVN?

2.1. Trước nhất, nếu bàn đến phân biệt đối xử thì TPB VNCH đang bị phân biệt đối xử. Tất cả các anh chị thương binh của CHXHCNVN đã được hưởng lương hàng tháng, an sinh sức khỏe và an sinh xã hội với chính danh là thương binh. Thậm chí những người là mẹ, cha, con cái của các anh chị thương binh cũng được hưởng một phần nào đó. Mọi chi phí cho các hoạt động này đều được trích từ nguồn tiền thu thuế quốc gia. Trong khi đó, các ông bà TPB VNCH không được hưởng bất cứ thứ gì sau cuộc chiến, mà ngươc lại còn bị miệt thị là “ngụy quân ngụy quyền”, “làm tay sai cho giặc”,…

Như vậy, đúng ra chính phủ phải lo chung cho tất cả thương binh, cả VNCH và CHXHCNVN, vì sau khi thống nhất đất nước, chính thể này thừa hưởng mọi phúc lợi của quốc gia bị sát nhập vào như ngân khố, tài nguyên, và các lợi thế khác. Tuy nhiên, chính phủ CHXHCNVN chỉ chăm lo thương binh của VNDCCH và CHXHCNVM mà thôi, còn TPB VNCH bị bỏ mặc và kỳ thị.

2.2. Với khả năng tài chánh giới hạn của DCCT (mỗi tháng, DCCT Sài Gòn tài trợ cho Phòng công lý hòa bình 5 triệu và các chi phí chung về điện nước, phòng ốc) và các ân nhân, Chương trình Tri ân không thể đủ sức lo cho mọi người thương binh, mà buộc chúng tôi phải biện phân và chọn lựa.

Căn cứ Hiến pháp DCCT, điều 4 viết: “Trong những nhóm cần đến sự trợ giúp thiêng liêng hơn cả, chúng ta đặc biệt chăm sóc người nghèo, người thấp hèn và người bị áp bức. Việc rao giảng cho những người này là một dấu chỉ của sứ vụ thiên sai (x.Lc 4,18), và Chúa Kitô cách nào đó, đã muốn đồng hoá chính mình Người với họ (x.Mt 25,40) – Among groups of people more in need of spiritual help, they will give special attention to the poor, the deprived and the oppressed. The evangelization of these is a sign of messianic activity (cf. Luke 4:18), and Christ, in a certain sense, wished to identify himself with them (cf. Matt. 25:40)”.

Dựa theo Quy luật chung DCCT, điều 09b viết: “Tu sĩ DCCT không bao giờ được giả điếc làm ngơ trước tiếng kêu của người nghèo và người bị áp bức, nhưng phải có nhiệm vụ tìm kiếm những phương cách giúp đỡ họ, để chính họ có thể lướt thắng những sự ác đang đè nặng họ. Yếu tố chủ đạo của Tin Mừng này phải không bao giờ được thiếu vắng trong việc rao giảng Lời Chúa – Redemptorists can never be deaf to the cry of the poor and the oppressed, but have the duty to search for ways of helping them, so that they themselves will be able to overcome the evils that oppress them. This essential element of the Gospel must never be lacking in the proclamation of the word of God”.

Chúng tôi chọn thực hiện Chương trình Tri ân TPB VNCH sau khi đã biện phân. Chọn lựa này chỉ là một phân khúc nhỏ trong bối cảnh nước Việt Nam “không chịu phát triển”, nên chúng tôi khuyến khích và rất vui mừng, nếu có những cá nhân và tổ chức khác thực hiện việc tri ân cho các anh chị thương binh CHXHCNVN.

3. Chương trình Tri ân TPB VNCH của cá nhân, của nhóm linh mục hay của cả DCCT?

Với nguồn kinh phí rất khiêm tốn của DCCT Sài Gòn chi cho Phòng công lý hòa bình (mỗi tháng, DCCT Sài Gòn tài trợ cho Phòng công lý hòa bình 5 triệu và các chi phí chung về điện nước, phòng ốc) và với sự ghi nhận của Giáo hội cũng như xã hội qua cách nói: “DCCT làm”, “các cha DCCT thực hiện”, “mấy ông DCCT”,… cho thấy đây là công cuộc chung, tuy nhiên do một số anh em với những đặc sủng riêng trực tiếp thi hành.

 

Lm Antôn Lê Ngọc Thanh, CSsR