Billedresultat for TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Nguyễn Trọng Lưu

 

Mỗi năm một lần – vào cuối tuần thứ 2 của tháng 8 dương lịch, người công giáo Việt nam tại Đan Mạch lại gặp nhau tại Ømborg để cùng với Đức Giám Mục giáo phận cử hành lễ kính 118 Thánh Tử Đạo Việt Nam. 117 vị đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan Phaolô 2 phong hiển thánh ngày 19.06.1988. Còn vị thứ 118 – là thày giảng Anrê Phú Yên – được tôn phong lên bậc chân phước ngày 05.03.2000. Thầy Anrê sinh năm 1625 tại tỉnh Phú Yên, được cha Alexandre de Rhodes rửa tội năm 15 tuổi và chịu tử đạo ngày 26.07.1644 bằng hình thức đâm và xử trảm. Thầy được coi là vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

 Nguyên ngữ của từ ”tử đạo”

Từ ”tử đạo” – có gốc từ tiếng Hy Lạp: μάρτυς, nghĩa là “nhân chứng” – là những người chịu bách hại hoặc chịu chết trong khi quyết giữ đức tin của mình.

Trong Kitô giáo, các thánh tử đạo được xem như họa ảnh theo Đức Yêsu, Đấng chịu chết để hiến tế mình vì người khác. Các ngài chịu đánh đập hay giết để chứng minh đức tin với Đức Yêsu và cũng để tôn vinh cái chết của Ngài. Vị tử đạo đầu tiên trong Giáo Hội công giáo là thánh Stêphanô – tên này có nghĩa là “ngôi vua”.

Tử đạo hôm nay

Có lẽ ngày nay chúng ta không còn thấy những cách tử đạo ngày xưa nữa – như xử trảm (chém đầu), xử lăng trì hay xử bá đao (xẻo từng phần thịt trên cơ thể tới khi chết), xử giảo (treo cổ), thiêu sốngchết rũ tù.

Nhưng liệu chúng ta còn có thể tìm thấy ”lối sống nhân chứng tử đạo” này trong lòng xã hội chúng ta đang sống không?

Nếu Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan Phaolô 2 nói rằng “các vị tử đạo là những người không thể thiếu cho việc tăng trưởng Tin Mừng” (tông thơ Redemptoris Missio, số 45), thì chúng ta có thể thấy ngay rằng – hiện nay cũng có rất nhiều lối sống nhân chứng tử đạo trong Giáo Hội.

 Tử đạo vì đức tin

Hãy lấy gương của Ðức Giám Mục Malayan tại Armeni. Là con người yêu chuộng hòa bình nhưng Ngài đã bị tố cáo một cách bất công, bị bắt và dẫn bộ đi thật xa cùng với một đoàn giáo dân. Người

ta đã đề nghị Ngài chối bỏ đức tin để được sống – nhưng ngài đã trả lời: “Chúng tôi sẽ chết, nhưng sẽ chết vì Đức Yêsu”. Và Ngài đã chết cùng với các tín hữu vào năm 1915.

Tương tự như thế ngày 27.07.2016, linh mục Jacques Hamel, 85 tuổi đang khi dâng lễ tại nhà thờ thị trấn Saint Etienne du Rouvray,Pháp, cũng đã bị phiến quân hồi giáo ép quỳ  gối và cắt cổ.

Tử đạo vì đức ái

 “Vương quốc của những kẻ bất hạnh!” Đó là danh từ mà một nữ tù nhân đã dùng để định nghĩa trại tập trung trên quần đảo Solovki bên Nga.

Hẳn nhiều người còn nhớ một hình ảnh yêu thương của một giám mục công giáo còn trẻ và một giám mục chính thống cao niên, già nua gầy yếu, với bộ râu trắng, nhưng tinh thần mạnh mẽ, cùng chung sức đẩy chiếc xe nặng trong trại tù Solovski – trong yêu thương và khiêm hạ. Hình ảnh đó làm tái sinh đức tin tinh tuyền, đích thực của các Kitô hữu tiên khởi và làm nổi bật sự hiệp nhất của Giáo Hội (Junrij Brodskij, Solovki, hòn đảo của sự tử đạo, Milano 1998, tr.152).

Chúng ta còn phải kể đế các chứng nhân trong các trại tập trung của Ðức quốc xã – nổi tiếng với trại tập trung Auschwitz nằm trong lãnh thổ Ba Lan. Họ đã sống tình yêu tràn đầy – như Cha Thánh Maximilian Kolbe. Cái bất nhân của hệ thống trại tập trung, một thế giới kinh hoàng bị nhận chìm, một trường học của hận thù và hủy hoại con người, đã không bóp nghẹt được tình yêu Đức Chúa và tất cả sẵn sàng chấp nhận tử đạo.

Sự sợ hãi cũng đã không dập tắt được tình yêu của các thừa sai tử đạo: họ là các vị tử đạo của tình yêu. Năm 1995 sáu nữ tu dòng khó nghèo ở tỉnh Bergamo đã chết vì bị lây bệnh dịch Ehola bên Congo. Các nữ tu này làm việc tại đây để săn sóc người bệnh. Các chị khác đã đến tiếp tay với các chị và tất cả đều đã chết. Các chị là các thánh tử đạo của tình thương. Đối với Kitô hữu, bảo vệ sự sống của chính mình không phải là một giá trị tuyệt đối. Họ thà chết còn hơn là phải xa lìa những người anh em đang cần mình giúp đỡ. Tình yêu đối với người nghèo quan trọng hơn là cứu lấy mạng sống của chính mình.

 

Tử đạo vì hận thù chủng tộc

Trong tiểu chủng viện tại Buta bên Burundi, là đất nước bị chiến tranh chủng tộc tàn phá, 40 tiểu chủng sinh Huti và Tutsi đã bị sát hại ngày 30.04.1996 bởi một toán du kích quân Hutu. Họ ra lệnh

cho các chủng sinh phải đứng riêng ra theo chủng tộc của mình: ai là người Hutu sẽ được sống, ai là người Tutsi sẽ phải chết, nhưng tất cả các chủng sinh từ chối tách rời nhau. Và tất cả đã cùng bị giết chết với nhau.

Chính vì thế ngày nay, chúng ta thường hay nói đến ba hình thức tử đạo: tử đạo đỏ, là đổ máu ra chịu chết vì Đức Kitô; tử đạo trắng: sống đời hãm mình trinh tiết và tử đạo xanh: chịu đọa đầy, để làm chứng cho đức tin ở một nơi không phải là quê hương xứ sở mình.

 

 

Các chứng nhân của cuộc Phục Sinh của Ðức Kitô

 Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 – trong buổi tiếp kiến chung các tín hữu hành hương sáng ngày thứ tư 11.08.2010 tại Castel Gandolfo, đã giải thích về ý nghĩa việc tử đạo ngày nay và mời gọi các tín hữu vác thánh giá hằng ngày theo Chúa Kitô: ”Tử đạo, là hình thức yêu mến trọn vẹn đối với Thiên Chúa”.

Phải, còn biết bao nhiêu vị tử đạo khác nữa. Các vị tử đạo vì đức khiết tịnh, vì công lý – cả trẻ em, phụ nữ lẫn đàn ông và có thể nói đến những dân tộc tử đạo nữa. Ðó là hình ảnh của toàn nhân loại Kitô hữu, hiền lành, khiêm nhường, không bạo lực, chống trả lại sự dữ, yếu đuối nhưng đồng thời cũng mạnh mẽ trong đức tin, đã yêu và tin cho tới bên kia cái chết. Ðó là gia sản cho chúng ta, Kitô hữu của thế kỷ 21 này, để ôm ấp và lựa chọn. Ðúng vậy, chúng ta phải ôm lấy gia sản quý báu

này trong cuộc sống mỗi ngày, trong các khó khăn bé nhỏ cũng như lớn lao, trong sự lột bỏ mọi gây hấn, thù hận, và bạo lực. Gia sản của các vị Tử Ðạo phải được tiếp nhận mỗi ngày qua một cuộc sống đầy yêu thương, hiền lành và trung tín. “Hãy để cho mình bị bách hại, nhưng đừng bách hại ai. Hãy để cho mình bị đóng đinh, nhưng đừng đóng đinh ai. Hãy để cho mình bị vu khống, nhưng đừng vu khống ai”.

 

Sức mạnh để chịu tử đạo nảy sinh từ sự kết hiệp sâu xa và thân mật với Chúa Kitô, vì tử đạo và ơn gọi tử đạo không phải là kết quả của một cố gắng phàm nhân, nhưng là lời đáp trả sáng kiến và tiếng gọi của Thiên Chúa. Đó là một hồng ơn của Thánh Linh, làm cho chúng ta có khả năng dâng hiến mạng sống mình vì yêu mến Đức Kitô và Giáo Hội, và yêu mến thế giới. Nếu chúng ta đọc tiểu sử các vị tử đạo, chúng ta ngạc nhiên vì sự thanh thản và lòng can đảm của các vị khi đương đầu với đau khổ và sự chết: Sức mạnh của Thiên Chúa được biểu lộ hoàn toàn trong sự yếu đuối, trong sự nghèo hèn của người tín thác vào Chúa và đặt niềm hy vọng của mình nơi Ngài (2 Cr 12,9). Nhưng điều quan trọng cần nhấn mạnh là ơn thánh của Chúa không hủy bỏ hoặc bóp nghẹt tự do của người đương đầu với tử đạo, trái lại càng làm cho tự do ấy được phong phú và thăng hoa: vị tử đạo là một người rất tự do, tự do đối với quyền lực, đối với thế giới; một người tự do, dâng hiến trọn mạng sống cho Thiên Chúa trong một cử chỉ duy nhất, và trong thái độ tin, cậy, mến tột cùng, vị tử đạo phó thác mình trong tay Ðấng Tạo Hóa và Cứu Chuộc; hy sinh chính mạng sống mình để kết hiệp hoàn toàn với hy tế của Chúa Kitô trên Thánh Giá.Tử đạo là một cử chỉ yêu thương đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

 

Có lẽ chúng ta không được kêu gọi chết vì đạo, nhưng không ai trong chúng ta bị loại khỏi ơn gọi nên thánh, sống ở mức độ cao cuộc sống Kitô và điều này có nghĩa là phải vác thánh giá mỗi ngày. Trong thời đại ngày nay, lòng ích kỷ và cá nhân chủ nghĩa dường như lướt thắng, tất cả chúng ta đều phải đảm nhận nghĩa vụ đầu tiên và cơ bản, đó là tăng trưởng mỗi ngày trong tình yêu ngày càng sâu đậm hơn đối với Thiên Chúa và anh chị em để biến đổi cuộc sống chúng ta và qua đó biến đổi thế giới chúng ta đang sống. Nhờ lời chuyển cầu của Các Thánh và các Vị Tử Ðạo chúng ta hãy cầu xin Chúa hun nóng tâm hồn chúng ta để có thể yêu mến như Chúa đã yêu thương mỗi người chúng ta.

Có rất nhiều vị tử đạo ngày nay trong Giáo Hội

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở đầu Thánh Lễ tại nhà nguyện Thánh Matta vào ngày Giáo Hội tưởng nhớ các vị tử đạo Rôma đầu tiên dưới thời Hoàng Đế Nêro năm 64: “Ngày nay, có nhiều Kitô hữu bị đàn áp trên thế giới hơn là vào các thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội. Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội”. Chúng ta nói về sự tăng trưởng của một cái cây, và điều này làm cho chúng ta nghĩ đến những gì Đức Yêsu thường nói: “Nước Trời giống như một hạt giống. Có người đem hạt đó đi và trồng xuống đất, rồi trở về nhà – và dù cho anh ta có thức hay ngủ – hạt giống này vẫn lớn lên và nẩy nở.” Hạt giống này là Lời Chúa tăng trưởng và trở nên Nước Trời; trở nên Giáo Hội nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần và chứng tá của các Kitô hữu.

Khi các hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi phải có các chứng nhân mạnh mẽ, thì có các vị tử đạo, là các chứng nhân tuyệt vời nhất. Và Giáo Hội tăng trưởng nhờ và máu của các vị tử đạo. Đây là sự huy hoàng của việc tử đạo. Bắt đầu bằng việc làm chứng, ngày nọ qua ngày kia, và có thể kết cuộc như Chúa Giêsu, vị tử đạo đầu tiên, chứng nhân đầu tiên, một chứng nhân trung thành: bằng máu.”

 Có rất nhiều vị tử đạo ngày nay, trong Giáo Hội, có rất nhiều người bị bách hại. Xin hãy nghĩ đến Miền Trung Đông nơi bao nhiêu Kitô hữu phải chạy trốn để khỏi bị đàn áp, nơi bao nhiêu Kitô hữu đã bị giết hại. Ngay cả những Kitô hữu đã bị bó buộc phải bỏ đi. Có nhiều nhân chứng hơn, nhiều vị tử đạo hơn trong Giáo Hội ngày nay so với các thể kỷ đầu tiên”.

 

 Billedresultat for đan viện thiên an huế

Tử đạo hai lần

Lời của Đức Thánh Cha Phanxicô vừa được trích dẫn trên đây làm tôi liên tưởng ngay đến “cuộc tử đạo hai lần” đang diễn ra tại quê hương chúng ta nơi Đan Viện Thiên An, Huế trong những ngày gần đây.

Ngày 28-29.06.2017 tại khu vực Đồi Khổ Nạn, thuộc nội vi đan viện Thiên An, giới cầm quyền Tỉnh Thừa Thiên Huế đã bao che, bảo kê, tiếp tay cho trên dưới 200 côn đồ, công an, an ninh mặc thường phục cũng như những nhóm phụ nữ tự tiện xông vào nội vi đan viện, mang võ khí như cưa sắt, búa tạ lớn, xà beng, cuốc xẻng… giật sập, bẻ cong và phá hủy cây Thánh Giá trong khu vực nội vi đan viện. Họ còn dùng tuýp sắt, cây gậy ba khúc – túm tóc, bóp cổ, đánh đập, hành hung các đan sĩ khiến nhiều thầy bị thương và đổ máu và một thầy bị bất tỉnh tại chỗ – nhưng nhà cầm quyền đã không cho các đan sĩ đưa đi cấp cứu.

Dưới chế độ cộng sản, lúc nào người công giáo cũng sống tinh thần tử đạo – bởi việc phá đổ tôn giáo của các chế độ công sản – chỉ là một hệ luận tất yếu khởi từ ý tưởng của K. Marx mà thôi. (Xin xem bài “Cây rừng còn xanh lᔓThiện căn ở tại lòng ta”, Nguyễn Trọng Lưu, www.cdcgvn.dk)

Khi các dâng hiến cuộc đời trong đan viện, là các thày đã “tử đạo lần thứ nhất” để làm chứng cho Đức-Chúa-Tình-Yêu và khi các thày bị hành hung, bị áp đảo, bị đánh đập, bị xót xa khi nhìn nhìn Thánh Giá bị phá hủy, là các thày đã “tử đạo lần thứ hai” vậy.

Người cộng sản Việt Nam huênh hoang tự đắc vì đã triệt hạ được Thánh Giá ở Núi Thờ, Đồng Chiêm ngày 06.01.2010 và hiện nay họ đang vên váo vì đã đạp đổ Thánh Giá trong Đan Viện Thiên An ngày 28.06.2017, nhưng họ lại lại quên mất rằng chẳng khi nào họ có thể phá đổ được Thánh Giá trong lòng người tín hữu – mà đó mới chính là Thánh Giá người công giáo tôn thờ. Cây Thánh Giá ở Núi Thờ Đồng Chiêm hay ở Đan Viện Thiên An dù bên ngoài có bị những tay sai của chế độ cộng sản cưa gẫy, triệt hạ, nhưng lại làm phát sinh cả trăm ngàn Thánh Giá khác trong lòng người, như lời của nhà biện giáo Quintus Septimus Tertulianus (155-220) đã nhận định về việc người La Mã lùng giết những người công giáo ngay từ thế kỷ thứ 1- mà những ai có dịp đi Rôma chắc đều phải đến Hang Toại Đạo (Catacombes) để chiêm ngưỡng dấu chứng lịch sử đó: “Sanguis  martyrorum, semen christianorum  – Máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh người tín hữu”.

Hãy dâng lời cảm tạ Đức Chúa Tình yêu đã ban ơn can đảm cho các thày trong Đan Viện Thiên An, đã và đang chịu tử đạo hai lần – để làm phát sinh những mầm tử đạo mới trong khắp nơi trên thế giới – mà như Đức Cố Giám Mục giáo phận Hans Martensens, đã nhắc cho Cộng Đồng Công Giáo chúng ta trong đại lễ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Đan Mạch ngày 27.08.1983 – hãy can trường sống đức tin trong hoàn cảnh mới, hoàn cảnh tục hóa của xã hội Đan Mạch – để lưu truyền đức tin cho con cái chúng ta và xứng đáng là con cháu của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Nguyễn Trọng Lưu

Aarhus 30.07.2017