Những tra vấn trong bài ”Thiện căn ở tại lòng ta” đã cho chúng ta thấy rằng, con người không thể gạt bỏ ra khỏi mình nỗi khắc khoải về chính Canada Goose Jackets Outlet Online hiện hữu của mình, và do vậy con người bị bó buộc phải đối mặt với một khoảng cách giữa hai biên giới ”thần” và ”nhân” và đó chính là mảnh đất của niềm tin tôn giáo. Điều đó cũng có nghĩa là nội tại trong mỗi con người đều có một khả năng, một chiều kích để sống đời sống tôn giáo – mà Canada Goose Outlet Online không có một yếu tố nào có thể làm mai một hoặc xóa bỏ được.

Trưởng thành và dấn thân trong tinh thần kitô giáo

Nguyễn Trọng Lưu

 

Những tra vấn trong bài ”Thiện căn ở tại lòng ta” đã cho chúng ta thấy rằng, con người không thể gạt bỏ ra khỏi mình nỗi khắc khoải về chính hiện hữu của mình, và do vậy con người bị bó buộc phải đối mặt với một khoảng cách giữa hai biên giới”thần” ”nhân”và đó chính là mảnh đất của niềm tin tôn giáo. Điều đó cũng có nghĩa là nội tại trong mỗi con người đều có một  khả năng, một chiều kích để sống đời sống tôn giáo – mà không có một yếu tố nào có thể làm mai một hoặc xóa bỏ được.

Đối với người công giáo, cái khả năng đó làm cho chúng ta có thể đón nhận ơn mạc khải của Thiên Chúa trao ban cho con người qua Đức-Yêsu-nhập-thể-và-nhập-thế.

 

 

”Tín” và ”Hứa” 

Nhưng để hiểu thế nào là ”tiếp nhận””dấn thân” trong niềm tin Kitô giáo, có lẽ cần phải tra cứu về bản chất của ”tín””hứa” trước đã.

Nếu triết gia Friedrich Nietzsche  (1844-1900) đã nhận xét rằng, chỉ có con người là hữu thể duy nhất biết hứa : ”l’homme est le seul être qui fasse des promesses” – thì cũng chỉ có con người mới biết ”tín” mà thôi.

Như vậy, ”tín” là gì?

Nguyên ngữ ”BHEIDH”trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là việc giao thương giữa con người với nhau dựa trên tinh thần trách nhiệm. Nguyên ngữ này làm phát sinh ra từ ”Peithomei”– có nghĩa là ”lòng trung tín”. Các chữ ”Fides”, ”Fidélité”, ”Bilieve”,”Bieten”, ”Tro” – vừa có nghĩa là ”đức tin” mà cũng vừa có nghĩa là ”lòng trung tín”, ”sự thủy chung”. Tiếng Việt chúng ta lại diễn tả đức ”tín”này khá phong phú và đa diện. Chúng ta có thể ”tin” vào ai, hoặc giữ vật gì ”làm tin”, mà cũng có thề ghép chữ ”tín” này với nhiều từ khác chỉ những ý nghĩa tương tự (tín chỉ, tín dụng, tín nhiệm, tín điều, đức tín” – mà chúng ta lại cũng có thể nói nhiều kiểu khác để diễn tả cùng một ý nghĩa (trung thành, thủy chung, ăn đời ở kiếp, cho đến khi đầu bạc răng long). Tựu trung thì ”tín”chỉ lòng chân thành, kiên vững khi giao kết với nhau để thực hiện một việc gì đó trong tương lai: đó chính là ”lời hứa”.

Từ những nhận định trên,  chúng ta thấy rằng, để thực hiện ”lời hứa” – mà tự nó đã bao hàm đức ”tín” thì ít nhất phải có hai chủ thể (”tôi” giao ước với ”ai”) cùng thực hiện một giao ước (một điều cam kết hay một lời hứa) trong tương lai (sẽ phải được thực hiện trong thời gian sắp tới).

Như thế, nội tại tính của chữ ”tín” bao hàm một đòi buộc luân lý, nghĩa là qua lời hứa, tôi tự buộc tôi vào một trách nhiệm với người mà tôi giao ước với – mà một khi tôi không thực hiện lời hứa đó, thì tôi thất hứa với chính tôi trước và sau đó thất hứa với người tôiđã giao ước.  Chính lúc tôi không tự tôn trọng chính tôi, thì cũng chính là lúc tôi khinh thường ngưới khác. Mà do vậy, nếu xét trên phương diện luân lý, thì khi thất hứa, tôi đã ”phạm hai tội” cùng một lúc: tôi xúc phạm đến chính tôi và tôi xúc phạm đến người khác nữa.

Dấn thân trong tinh thần Kitô giáo

Đến đây, chúng ta mới có thể tìm hiểu về dấn thân trong tinh thần kitô giáo. Dấn thân trong tinh thần Kitô giáo chính là dấn thân sống đức tin đã được lãnh nhận qua bí tích rửa tội. Hay nói một cách khác, dấn thân trong tinh thần Kitô giáo là sống trung thành với điều đã hứa với Thiên Chúa qua bí tích rửa tội. Và vì thế chúng ta mới hiểu được tầm quan trọng của nghi thức lập lại lời tuyên hứa bí tích rửa tội mỗi năm trong thánh lễ vọng phục sinh đêm thứ bảy tuần thánh.

Ở đây, tôi không khai triển những khía cạnh thần học của bí tích rửa tội, mà chỉ nêu lên một nghi thức quan trọng, được lập lại tới hai lần khi bí tích được cử hành, một lần trước và một lần sau khi  Linh Mục dội nước lên đầu : đó là nghi thức xức dầu thánh.

“Thần Chúa ngự trong lòng”

Lần thứ nhất trước khi dội nước, Linh Mục xức dầu “katekumene” và đọc: “… vi beder Dig løse dette barn fra menneskeslægtens synd og gøre det til dit tempel og Helligåndens bolig”. Trong Tin Mừng Marcô 14, 61-62 vàYoan5, 29; 9, 35-37, Chúa Kitô tuyên nhận rằng mình có Thần Chúa ở trong lòng. Thánh Phaolô cũng công bố như vậy trong 1 Cor. 7, 40. Chính niềm xác tín về thân thế và sứ mạng của mình đã làm cho Đức Kitô và thánh Phaolô suốt đời sống và đi rao giảng, để làm cho người khác cũng được Thần Chúa ngự trong lòng như vậy.

Chúng ta có thể mượn thuyết ”CHÍNH DANH” của Đức Khổng để áp dụng vào việc dấn thân trong tinh thần Kitô giáo này.Đức Khổng cũng đã xác tín rằng mình được thông phần bản tính của TRỜI– khi trong Kinh Thi, Ngài tự ví mình như Văn Vương – thế nên sứ mạng của Ngài là chỉ vẽ cho con người biết đường phát huy vật đạo (dựng xây một xã hội giàu có, phát đạt), nhân đạo (dạy cho con người biết sống theo ”tam cương” và ”ngũ thường”)thiên đạo (dạy cho con người biết mình có Thượng Đế ở trong lòng, nên phải tu luyện sống hoàn thiện phối kết với Thượng Đế). Đó chính là ý nghĩa của câu ”suất tinh chi vị đạo” trong sách Trung Dung. Còn trong sách Đại Học, Đức Khổng lại gọi là đó cái học lớn nhất ”đại học chi đạo, tai minh minh đức”.

Nếu chúng ta là Kitô hữu – tức người có Chúa Kitô trong lòng – thì chúng ta cũng phải sống đúng cái ”chính danh” đó, sống như Chúa Kitô đã sống và đã làm gương cho chúng ta. Hay nói cách khác, phải làm ”sáng cái đức sáng” đã có sẵn trong chúng ta – tức là làm sáng Thần Chúa ở trong ta ra cho mọi người. Thần Chúa đó chính là Tình-Yêu: yêu Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn và yêu tha nhân như chính mình ta.

”Là ngôn sứ của Thiên Chúa”

Lần thứ hai, sau khi đã dội nước, Linh Mục xức dầu ”krisam” và đọc: ”… som nu er indlemmet i Guds folk, må have evigt fællesskab med Kristus vor Yperstepræst, Profet og Konge”. Như thế có nghĩa là từ giờ phút này, người được rửa tội mang trong mình ơn gọi và sứ mệnh làm ngôn sứ (profet) của Thiên Chúa.

Ngôn sứ là ai ?

Trong lịch sử Cựu Ước, sau khi vua Salomon chết đi, thì con là Roboam lên nối ngôi cha. Dân xin vua giảm bớt thuế má và phục dịch, nhưng vua không cho, nên các chi tộc Israel ở phía bắc ly khai và tôn Yêrêboam lên làm vua. Roboam như vậy chỉ còn làm vua các chi tộc Yuđa ở phía nam mà thôi. Dưới thời các vua này, sự cách biệt và chênh lệch giữa người giàu và người nghèo càng ngày càng thêm sâu đậm. Người ta bóc lột lẫn nhau. Ngưòi có quyền thế thì lạm dụng địa vị của mình để hà hiếp người khác. Về mặt tôn giáo, vua Yêrêboam đã cho xây hai đền thờ ở hai đầu lãnh thổ, tại Bêtel và Đan, trong đó có tượng bò để cho dân chúng tới tế lễ (1 Vua 12, 26-33), – đó chính là một hình thức ly giáo và thờ ngẫu tượng. Còn tại Yuđa, vì đã có đền thánh Yêrusalem, nên dân chúng lên tế lễ tại đó, nhưng thay vì đi tế lễ với lòng khiêm cung thành khẩn, thì dân chúng lại chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài mà thôi.

Chính trong bối cảnh đó mà Yavê đã sai một số ngưởi đến cảnh tỉnh và kêu gọi dân chúng hãy trung thành với giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân ngài trên  núi Sinai: đó chính là các ”NABI” hay các ”NGÔN SỨ”. Họ là những người được chọn, được kêu gọi để ra đi loan báo lời Chúa. Đọc những trình thuật Thiên Chúa kêu gọi Maisen (Xh. 3-4), Samuel(1 Sam. 3),Isaia (Is. 6) và Yêrêmia (Yr. 1, 4-10) chúng ta thấy ơn gọi của các ngôn sứ được mô tả như một tiếp xúc gần như vật chấtvới Thiên Chúa. Các ông trông thấy, nghe thấy và được Thiên Chúa đụng chạm tới và qua những cảm nghiệm đó, các ông được thánh hóa, được trao ban Lời Chúa và gần như bị bắt buộc phải ra đi làm ngôn sứ. Từ đó tất cả đời sống của các ông gắn liến với sứ mạng này. Các ông luôn luôn xác tín rằng, lời các ông nói là Lời Chúa, thế nên lúc nào các ông cũng mạnh dạn công bố mà không chút sợ khó khăn, nguy hiểm:”Này Ta đặt lời lẽ của Ta trong miệng các ngươi” (Yr. 1, 9).

Cũng thế, nếu qua bí tích rửa tội chúng ta đã được kêu mời làm ngôn sứ – làm sứ giả của Lời Chúa – mà Lời là chính Chúa(Yoan 1, 1) – thì chúng ta cũng phải mạnh dạn rao truyền Lời Chúa cho mọi người, làm chứng từ cho TÌNH-YÊU để cho mọi người nhìn chúng ta như những ”dấu chỉ” về Thiên Chúa, như Công Đồng Vatican 2 đã nói trong sắc lệnh về việc tông đồ giáo dân ”Apostolicam Actuositatem”, chương 1, số 2-4).

Học hỏi và loan báo Lời Chúa 

Ngay từ tháng 11-1981, trong đại hội thanh niên công giáo Việt nam tại Đan Mạch – lần đầu tiên được tổ chức tại Lejrgården, Dollerup,Viborg – và một lần nữa vào tháng 5 và tháng 11 năm 1995 – trong những cuối tuần huấn luyện cho anh chị em trưởng các nhóm thanh thiếu niên công giáo Việt nam tại Đan Mạch ở Hørning – tôi đã trình bày những khó khăn và những thách đố mới trong đời sống đức tin giữa lòng thời đại hôm nay. Trong bài giảng của Đức cố Giám Mục Hans L. Martensen (1927-2012) nhân ngày Công  Giáo Việt Nam được tố chức lần đầu tiên tại Đan Mạch vào dịp lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại tu viện Dallum, Odense  ngày 27.08.1983, Ngài cũng đã nhìn ra những khó khăn riêng cho người công giáo Việt Nam khi sống đức tin nơi đất nước Đan Mạch xa lạ này và Ngài mời gọi chúng ta hãy trung kiên sống đạo như các Thánh Tử Đạo Việt Nam, là cha ông chúng ta ngày xưa.

Chính vì thế, ở đây, tôi không đào sâu vào những khó khăn và thách đố đó nữa, mà chỉ muốn tìm hiếu làm sao có thể loan báo Lời Chúa được?

Trước hết và trên hết, hãy luôn luôn xác tín vững chắc về ơn gọi Kitô hữu của mình – là những chi thể của thân thể mầu nhiệm mà Đức Kitô là đầu. Và sau đó, cần hỏi tường tận về toàn bộ hệ thống đạo lý, gọi chung là ”thần học” để có thể hiểu thấu đáo về chính căn tính của mình.

Từ ”Thần Học”(theologia, théologie, theology, teologi) – theo nguyên ngữ Hy Lạp được ghép bởi hai từ ”THEOS”– nghĩa là”Thần” , và ”LOGOS” – nghĩa là ”lời nói”. Thần học là toàn bộ hệ thống những môn học về thần, mà ”Thần” trong công giáo là chính Thiên Chúa tự mạc khải qua Đức Kitô.

Thần học công giáo bao gồm 3 bộ môn chính yếu là ”Thánh Kinh”, ”Tín lý””Luân lý”. Môn ”Thánh Kinh” bao gồm việc học các cơ cấu, thể văn, tính cánh linh ứng và khoa chú giải cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Nhưng cần phải ghi nhớ rằng, chỉ có Giáo Hội mới có thẩm quyền chú giải Thánh Kinh, cho nện những giải thích cá nhân về Thánh Kinh chỉ là những suy tư thuộc lãnh vực đạo đức mà thôi. Còn ”Tín lý”  là bộ môn suy tư dựa trên Thánh Kinh mà khai triển và cắt nghĩa hệ thống các điều phải tin được tóm tắt trong Kinh Tin Kính và các định tín của Giáo Hội. Cuối cùng là khoa ”Luân lý”  để trình bày các cách tín hữu phải sống thế nào cho phù hợp với mưới giới răn của Thiên Chúa và sáu luật điều Hội Thánh. Cả ba bộ môn này gắn chặt với nhau: tín lý không dựa trên Thánh Kinh thì không có cơ sở vững vàng, còn luân lý mà không dựa trên tín lý thì không có nền tảng.

Thế nên những cuối tuần học hỏi và tạo thành các nhóm sống Lời Chúa là một việc rất đáng khuyến khích. Chúng ta tụ họp năm bảy người, một tuần hay hai tuần một lần, đọc một đoạn Thánh Kinh, cùng nhau tìm hiểu bản văn và ý nghĩa, rồi cùng quyết định ”sống”đoạn Tin Mừng đó, từ nay cho tới lần gặp mặt tới. Và nhất là cùng nhau sống trọn tình bác ái với nhau:”vui với ai cùng vui, khóc với ai khổ sầu”.

Thêm vào đó, cần học hỏi Thánh Kinh và Thần học trong chiều hướng đối thoại và canh tân của Công Đồng Vatican 2. Nếu chúng ta và con em của chúng ta được đào luyện khá giỏi về kỹ thuật, khoa học qua các trường đại học, các trường kỹ thuật … thì tại sao chúng ta lại để cho chính chúng ta trở bị ”què quặt” về phương diện đức tin?  Vì cùng song hành với toàn thế giới trong viễn tượng khoa học và kỹ thuật mới, nên Giáo Hội cũng có những tư tưởng thần học mới, những khám phá mới trong khoa chú giải Thánh Kinh, mà mỗi người trong chúng ta đều có bổn phận học hỏi để làm lớn mạnh đức tin. Nếu không chúng ta sẽ bị rơi vào những ”mê lộ”(labyrinte) – có nguy cơ làm lung lay, mờ nhạt và tệ hại nhất là mất đúc tin.

Đương nhiên những nỗ lưc đó phải được nhào nặn trong kinh nguyện. Tin Mừng kể lại rất nhiều lần là Đức Yêsu cầu nguyện liên lỷ, có khi cầu nguyện thâu đêm. Đời sống đức tin trước hết là một ân ban của Thiên Chúa – bởi chỉ có ”Thần” mới ”khai ngộ” cho ”nhân” được mà thôi – và do vậy chúng ta phải hằng cầu xin Thiên Chúa soi dẫn và làm vững mạnh đức tin đó nơi chúng ta. Kinh nguyện mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa là kinh nguyện  trong tin yêu và phó thác, vì chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng, chỉ làm những việc phải làm mà thôi (Luca 17, 10). Hãy tin tưởng rằng, vì Chúa đã khởi xướng công việc của Ngài nơi chúng ta, thì chính Ngài cũng sẽ hoàn tất công việc đó nơi chúng ta.

Không có gí tách tôi ra khỏi lòng mến …”  (Roma, 8, 35-39)

Chắc hẳn không ai trong chúng ta lại quên được câu chuyện ngôn sứ Yona, mà Chúa Yavê muốn sai đi thành Ninivê rao giảng lòng ăn năn thống hối. Nhưng vì không muốn đi Ninivê nên Yona đã trốn xuống thuyền đi Tarsis, thế nên Chúa Yavê đã làm ra một cơn bão lớn, phá tan tành chiếc thuyền này. Nhưng rồi chính Chúa Yavê lại cũng khiến cho một con cá lớn nuốt lấy Yona trong bụng ba ngày ba đêm và sau đó nhổ ông ra ngay trước cửa thành Ninivê (Yona, đoạn 1-2) và ông ”bị bó buộc” phải đi rao giảng cho dân thành này.

.Câu chuyện đó cho chúng ta thấy rằng, hầu như chúng ta không thể ”cưỡng lại” được ý định của Thiên Chúa. Tính cách ”hầu như cưỡng bách” đó không có nghĩa là chúng ta bị mất tự do, nhưng chỉ có nghĩa là ơn Chúa ”quyến rũ” quá, ”thu hút” quá,”thúc bách” quá khiến chúng ta phải gắn bó trọn đời chúng ta vào. Đó cũng chính là đòi hỏi tuyệt đối mà Thiên Chúa đòi buộc chúng ta qua bí tích rửa tội: chúng ta phải chết cho con người cũ, để trở thành ”con người mới” – và từ đó là ”thánh phần của dân thánh”, mà Chúa Kitô là đầu, còn tất cả chúng ta là thân thể.

Cũng tính chất ”thúc bách” đó đã làm cho Phaolô tự đáy lòng phải thốt ra những lời sau đây: ”Ai sẽ tách tôi ra khỏi lòng mến của Đúc Kitô? Phải chăng là gian truân, bĩ cực, bắt bờ, tù đày, đói khát, trần truồng, hiểm nguy, gươm giáo? Không, tôi thâm tín rằng, dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay địa ngục, dù hiện tại hay tương lai, dù là quyến năng, chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đúc Kitô, Chúa chúng ta” (Rm. 8, 35-39).

 Chúng ta hãy dành một đôi phút hoàn toàn thanh thản để trực diện với Thiên Chúa – trong ân hồng của mùa Phục Sinh năm 2012 này – để tự xét lại xem, chúng ta đã xác tín và đã dấn thân sống niền tin đó như thế nào. Hãy thành tâm xin ơn tha thứ và thề hứa lại một lần nữa, sẽ thủy chung với Tình-Yêu-Ngài luôn mãi.

Còn Thiên Chúa, mãi mãi Ngài cũng vẫn là Thiên Chúa của Tình-Yêu.