Image result for jeg tror på gud fader

Nguyễn Trọng Lưu

 

Khi đi hiệp dâng thánh lễ ngày chúa nhật – sau phần phụng vụ Lời Chúa và bài giảng – lúc nào chúng ta cũng cùng với Linh Mục chủ tế tuyên xưng đức tin với ”kinh tin kính” – hoặc là với ”kinh tin kính của các Tông Đồ” hay với ”kinh tin kính của hai công đồng đầu tiên của Giáo Hội: công đồng Nicée (325) và công đồng Constantinople (385). ”Kinh tin kính của các Tông Đồ” bắt đầu như thế này: ”Tôi tin kính Đức Chúa Trời, là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất” còn ”kinh tin kính Nicée-Constantinople” tuyên xưng: ”Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng Tạo Thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình”.

Những tín điều buộc phải tin và phải tuyên xưng trong cả hai kinh tin kính luôn được khởi đầu bằng câu: “Tôi tin kính …” Đặc biệt, kinh tin kính Nicée-Constantinople là kinh phát biểu đức tin chống lại những bè rối và cũng là kinh chúng ta đọc khi tuyên thệ trong ngày chịu phép rửa tội và trong các lễ trọng.

Thế mà – có mấy khi chúng ta suy tư về ý nghĩa của chữ ”tín” và những thuộc tính của ”lòng tin” hay không?

 

”Tín” và ”Hứa”

Nếu triết gia Friedrich Nietzsche (1844-1900) đã nhận xét rằng, ”chỉ có con người là hữu thể duy nhất biết hứa – l’homme est le seul être qui fasse des promesses”thì cũng chỉ có con người mới biết ”tín” mà thôi.

”Tín” là gì?

Nguyên ngữ ”BHEIDH” trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là việc giao thương giữa con người với nhau dựa trên tinh thần trách nhiệm. Nguyên ngữ này làm phát sinh ra từ ”Peithomei” – có nghĩa là ”lòng trung tín”. Các chữ ”Fides”, ”Fidélité”, ”Bilieve”, ”Bieten”, ”Tro” – vừa có nghĩa là ”đức tin” mà cũng vừa có nghĩa là ”lòng trung tín”, ”sự thủy chung”. Tiếng Việt chúng ta lại diễn tả ”đức tín” này khá phong phú và đa diện: chúng ta có thể ”tin” vào ai, hoặc giữ vật gì ”làm tin” – mà cũng có thể ghép chữ ”tín” này với nhiều từ khác để diễn tả những ý nghĩa tương tự (tín chỉ, tín dụng, tín nhiệm, tín điều, tín thác”. Chúng ta lại cũng có thể nói nhiều kiểu khác để diễn tả cùng một ý nghĩa (trung thành, thủy chung, ăn đời ở kiếp, cho đến khi đầu bạc răng long).

Như vậy ”tín” chỉ lòng chân thành, kiên vững khi giao kết với nhau để thực hiện một việc gì đó trong tương lai: đó chính là ”lời hứa”.

Từ những phân tích trên, chúng ta thấy rằng, để thực hiện ”lời hứa” – mà tự nó đã bao hàm đức ”tín” thì ít nhất phải có hai chủ thể (”tôi” giao ước với ”ai”) cùng thực hiện một giao ước (một điều cam kết hay một lời hứa) trong tương lai (sẽ phải được thực hiện trong thời gian sắp tới).

Như thế, nội tại tính của chữ ”tín” bao hàm một đòi buộc luân lý, nghĩa là qua lời hứa, tôi tự buộc tôi vào một trách nhiệm với người mà tôi giao ước với – mà một khi tôi không thực hiện lời hứa đó, thì tôi thất hứa với chính tôi trước và sau đó thất hứa với người tôi đã giao ước. Chính lúc tôi không tự tôn trọng chính tôi, thì cũng chính là lúc tôi khinh thường ngưới khác. Mà do vậy, nếu xét trên phương diện luân lý, thì khi thất hứa, tôi đã ”phạm hai tội” cùng một lúc: tôi xúc phạm đến chính tôi và tôi xúc phạm đến người khác nữa.

Image result for believe in god

”Tin”: từ triết học đến tôn giáo

Không ai có thể xác quyết rằng con người sống không cần niềm tin tôn giáo – bởi chiều kích tôn giáo là một chiều kích nội tại nơi mỗi người, không thể xóa bỏ – mà Thánh Augustinô (354-430) trong cuốn ”Confessions” – khi tra vấn về câu hỏi nền tảng ”con người là ai?” – đã cô đọng tất cả triết lý sống của mình vào câu: “Ngài đã tạo dựng nên chúng con để hướng về Ngài, nên tâm hồn chúng con không thể nghỉ yên cho đến khi được yên nghỉ trong Ngài”.

Lối tư duy của triết gia Đan Mạch – Søren Kierkegaard (05.05.1813-11.11.1855) cũng đưa chúng ta tới gần với cảm nghiệm của Thánh Augustino. Chỉ khác một điều – là khi Thánh Augustinô xác quyết về nội tại tính của lòng tin như một thuộc tính của con người, thì Søren Kierkegaard lại đi ngược lại – khởi từ lý trí để để trình bày phương cách một cá nhân có thể đặt niềm tin vào Thiên Chúa – mà Søren Kierkeegaard gọi là ”bước nhảy của đức tin”. Đức tin không phải là một quyết định thuần lý, nhưng khi vượt qua lý trí để vươn đến một điều huyền nhiệm thì đó là đức tin. Søren Kierkegaard cũng biết rằng khi có đức tin thì cũng là lúc xuất hiện sự hoài nghi. Chẳng hạn, khi một người thực sự tin Thiên Chúa, cùng lúc người ấy sẽ thấy hoài nghi về sự hiện hữu của ngài. Hoài nghi là phần lý trí của tư tưởng người ấy, nếu không có nó đức tin cũng trở thành vô nghĩa. Nói cách khác, sự hoài nghi là yếu tố căn bản của đức tin: tin Thiên Chúa hiện hữu mà không gợn chút hoài nghi về sự hiện hữu và thuộc tính nhân lành của ngài thì không phải là đức tin đích thực. Không cần phải sử dụng đức tin để tin rằng cây viết chì hoặc cái bàn đang hiện hữu khi chúng ta có thể nhìn thấy và chạm đến chúng. Nhưng khi một người tin Thiên Chúa có nghĩa là người ấy không thể dùng giác quan để cảm nhận Thiên Chúa, cũng không có cách nào chạm đến ngài, nhưng người ấy vẫn tin rằng Thiên Chúa đang hiện hữu.

Cái nhìn về đức tin của triết gia Emmanuel Kant (22.04.1724 –12.02.1804) cũng không xa với khái niệm “bước nhảy của đức tin” của Søren Kierkeegaard bao nhiêu – nhưng rất căn bản, đòi buộc và độc đáo. E. Kant là một trong những triết gia quan trọng nhất của Đức và là một trong những triết gia lớn nhất của thời cận đại. Sự nghiệp triết học của ông được biết đến qua hai giai đoạn: “tiền phê phán” và sau năm 1770 là “phê phán. Học thuyết Transzendentalphilosophie Triết học siêu nghiệm” của E. Kant đã đưa triết học bước vào một kỷ nguyên mới – mà triết sử gia J. Hirschberger đã nhận định như sau: Der Charakter eines wahren Philosophen ist der, daß er nichts thut, als die Natürlichen Kräfte und Fähigkeiten zu exercieren, und zwar durch die nachforschende Untersuchung der Kritik – Đặc điểm của một triết gia chân chính là ở chỗ ông ta không làm gì ngoài việc vận dụng sức mạnh và khả năng tự nhiên, cụ thể là qua việc nghiên cứu sự phê phán”.

 Khi đặt câu hỏi: “Ta được hi vọng những gì?” và khi đã thấy rằng lý trí không thể chứng minh được sự tồn tại hay không tồn tại của “Thượng đế, tính bất tử của linh hồn và tự do” – thì E. Kant đã khẳng quyết: “Ich musste das Wissen aufheben, um zum Glauben Platz zu bekommen – Tôi đã phải gác tri thức qua một bên để có chỗ cho niềm tin”. Điều đó có nghĩa là khi lý trí đối mặt với ba tra vấn về “Thượng đế, tính bất tử của linh hồn và tự do” – thì con người bắt buộc phải đón nhận và sống bằng niềm tin. Theo E. Kant, thì qui luật đạo đức mang tính hình thức, là khuôn mẫu cho mọi hành vi đạo đức của con người. Tính hình thức của mệnh lệnh tuyệt đối quyết định tính chất của ý chí, và ý chí lấy hình thức của qui luật đạo đức làm tôn chỉ hành động. “Autonomie des Willens – sự tự trị của ý chí” là nguyên tắc duy nhất của tất cả các qui luật đạo đức và của những trách nhiệm tương ứng với những qui luật đó.

Qui luật đạo đức là một yêu cầu nội tại, một “mệnh lệnh tuyệt đối – kategorischer imperative”tự nó là một qui luật thực tiễn, là mệnh lệnh vô điều kiện.

Triết học đạo đức được E. Kant xem là mục đích tối hậu của triết học, bởi nó giải đáp vấn đề: tôi cần phải làm gì, hay chính xác hơn là tôi cần phải làm gì để xứng đáng với phẩm giá làm người?  E. Kant cho rằng để có thể hành động có đạo đức thì điều đầu tiên cần phải làm là nhận thức đúng về những giá trị đạo đức. Những giá trị đó – theo E. Kant – không nằm trong đối tượng cũng như mục đích nhằm đạt tới của hành vi mà nằm trong nguyên tắc của ý chí (Prinzip des Willens).

Tuy nhiên E. Kant cũng khẳng định rằng tự do không được đảm bảo bởi bằng chứng của tri thức khoa học, mà chỉ có thể được đảm bảo bởi “niềm tin tiên nghiệm – mà niềm tin này dựa trên nguyên tắc: ”du kannst, denn du sollst – anh có thể, bởi vì anh phải”. Tôi cảm nhận trong tôi qui luật đạo đức có thực như thế nào, thì tôi cũng tin vào khả năng để tuân theo qui luật đạo đức là có thực như vậy: tôi cũng tin vào các điều kiện để có thể làm điều đó – đó chính là tự quyết và tự do.
Như vậy, trả lời cho câu hỏi mà triết học đạo đức đã đặt ra, E. Kant cho rằng con người cần phải tin và có tự do để có thể thực hiện được những hành vi đạo đức của mình theo một qui luật chung mà nguyên tắc tối cao của nó là sự tôn trọng phẩm giá của con người. E. Kant cho rằng tôn trọng qui luật đạo đức là tôn trọng phẩm giá con người.

 Tương quan giữa triết học và thần học về vấn đề đức tin

 Đến đây chúng ta mới thấy rằng – khi lý trí đụng đến những vấn đề siêu hình là chúng ta đi vào một ngưỡng cửa khác – ngưỡng cửa của lòng tin. Đó là một tiến trình hoàn toàn ”logik”.

 Sự quan hệ giữa lý trí và đức tin và cũng là sự quan hệ giữa triết học và thần học. Triết học là một khối kiến thức được xắp xếp có thứ tự để giải thích một điều gì. Tương tự như lý trí, triết học bắt đầu từ cảm quan. Còn thần học là một khối kiến thức nhằm mục đích giải thích một điều gì, nhưng nó bắt đầu từ Lời Chúa mặc khải. Nó liên quan đến cả đức tin lẫn lý trí.

Vì hai môn học đó bắt nguồn từ hai khởi điểm khác nhau, nên chúng cũng khác nhau. Nhưng chúng ta có thể dùng cả hai để hiểu thêm về Thiên Chúa. Dựa vào thế giới tự nhiên dễ hiểu, triết học có thể dùng lý luận để chứng minh rằng có Thiên Chúa như là một “Nguyên Lý Tuyệt Ðối”. Nhưng triết học không thể biết gì về mầu nhiệm Thiên Chúa. Chỉ nhờ mặc khải và thần học mà chúng ta mới hiểu biết hơn về Thiên Chúa là Chúa Ba Ngôi.

Ở phần cuối thông điệp “Fides et ratio – đức tin và lý trí” ban hành ngày 14.09.1998, Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan Phaolô 2 đã vạch ra một số 5 dòng tư tưởng triết học hiện đại mà trên căn bản có nhiều sai lạc – (1) “thuyết chiết trung”: một phương thức vay mượn tư tưởng từ nhiều triết lý khác nhau, cố dung hòa một cách máy móc các quan điểm khác hẳn nhau, mà không quan tâm đến sự thích hợp hay mạch lạc nội tại của chúng; (2) “thuyết duy sử” cho rằng không có chân lý nào vượt thời gian cả. Một điều đúng ở giai đoạn lịch sử này có thể sai ở giai đoạn lịch sử khác. Đó cũng là não trạng duy tương đối, một thứ độc tài về cảm thức luân lý. Cũng như thế, sự hiện hữu của Thiên Chúa cũng chỉ là tương đối: có thể có, có thể không, tùy vào sự đoán định chủ quan của cá nhân hay tập thể trong một bối cảnh hay giai đoạn nào đó thôi; (3) “thuyết duy khoa học” chủ trương coi khoa học, lý trí và thực nghiệm như nền tảng để quyết đoán mọi sự trong cuộc sống. Hai trận thế chiến là kết quả hiển nhiên bởi sự thống trị của lý trí duy khoa học thực nghiệm, là một thứ lý trí không có tiêu chuẩn đạo đức hay tôn giáo, cắt xén phần tâm linh, nên đã làm cuộc sống con người trở nên què quặt, bạc nhược, càng ngày càng hỗn loạn và đau thương, vì cảm thấy chính mình cũng trở thành một công cụ sản xuất; (4) “thuyết duy thực”, rất phổ thông ở Anh và Hoa Kỳ, chỉ dựa trên kết quả và sự thực dụng. Tất cả những cân nhắc có tính cách lý thuyết đều bị bác bỏ. Bất cứ hành động nào đem lại kết quả mong muốn đều là hành động tốt. Đây là một quan niệm chỉ nhằm vào thế giới này, không muốn biết tới gì khác, vì cho rằng con người chỉ nhận thức và lý giải được thế giới trước mắt, còn tự tính của nó thế nào thì con người không thể vươn tới. Cái bi đát nhất là tất cả những triết thuyết trên đưa đến cùng một đáp số của (5) “thuyết hư vô”. Ðó là việc chối bỏ nhân phẩm và số phận đời đời của con người. Hư vô là một kết luận hợp lý cuối cùng và chân thật rằng không có Thiên Chúa chúng ta không là gì cả. Ðó là sự tuyệt vọng của thuyết vô thần.

Tất cả những triết thuyết này có khuynh hướng chối từ sự cần thiết Thiên Chúa và tuyên xưng một sự tự lập giả tạo. Thế nên Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan Phaolo 2 đã khẳng định: “Vì thế giới được tạo dựng không thể tự đủ cho mình, mọi ảo ảnh về tự lập trong đó chối từ sự lệ thuộc cần thiết vào Thiên Chúa của mọi tạo vật – kể cả loài người – đều đưa đến những hoàn cảnh bi đát làm tan vỡ việc tìm kiếm hợp lý sự hòa hợp và ý nghĩa của đời sống con người” (Fides et ratio, 80).

 “Tin là đặt cược toàn bộ đời mình cho Đức Kitô! Tin là liều thân vì Đức Kitô!”

Chúng tôi cũng đã nhiều lần trình bày những tư duy của chúng tôi về vấn đề này – qua nhiều góc cạnh khác nhau – trong những bài “Cho cây rừng còn xanh lá”; “Trưởng thành và dấn thân trong tinh thần Kitô giáo”; “Thiện căn ở tại lòng ta”; “Khoa học và đức tin”; “Một thoáng suy tư về năm đức tin”; “Việc tạo dựng và thuyết tiến hóa”; “Những khía cạnh của hiện tượng vô thần”. Chúng tôi đã cảm nghiệm và luôn xác tín rằng rằng: “Tin là đặt cược toàn bộ đời mình cho Đức Kitô!”. “Tin là liều thân vì Đức Kitô!”

 Tin không phải là biết, dù nó cần đến sự hiểu biết trong đức tin. Đức tin không thuộc lãnh vực tri thức khoa học, nhưng tin cũng bao hàm một cách thế nhận thức ở bình diện khác, vì “sự chắc chắn do ánh sáng của Thiên Chúa ban thì lớn lao hơn sự chắc chắn do ánh sáng tự nhiên của lý trí”.

Tin là đáp lại một tiếng gọi để vươn xa hơn, cao hơn chính bản thân; là bước đi rộng hơn lãnh vực khả giác, khả tri và khả nghiệm.

Tin là một thái độ của con người toàn diện quyết định vượt xa hơn mọi thực tại hữu hình, mọi lý luận phàm trần, để dấn thân trọn vẹn cho một lẽ sống mới, trong tương quan huyền nhiệm với Đấng Tuyệt Đối.

Lý trí và đức tin đều nằm trong tiến trình vươn lên của đời sống làm người về mọi phương diện, một đời sống rất thực tế nhưng cũng rất huyền nhiệm, bởi vì con người được chính Thiên Chúa dựng nên. Trong chiều sâu của đời sống nhân linh, không chỉ có cái biết của lý trí, nhưng còn là cái biết của con tim, cái biết của một tình yêu khao khát tìm về với Đấng Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ. Đó mới là khát vọng thâm sâu của mỗi người, mà mọi hiểu biết trong cuộc sống này cuối cùng phải dừng lại, để nhường bước cho đức tin mở ra một dự phóng siêu vượt.

Lý trí có thể đưa chúng ta đến bên bờ của đức tin, rồi để chúng ta ở đấy. Không phải lý trí bỏ rơi chúng ta nhưng lý trí không thể giúp chúng ta vượt qua được bến bờ huyền nhiệm của đức tin. Ðứng trên bến bờ huyền nhiệm ấy, tác động thích hợp duy nhất là tâm tình yêu mến và phó thác.

Với tâm tình phó thác và yêu mến, đức tin cho ta thấy những điều mà người khác không thấy, hiểu những điều mà người khác không hiểu, biết những điều mà người khác không biết, kinh nghiệm những điều mà người khác không hề kinh nghiệm, cảm nếm những điều mà người khác không hề cảm nếm, làm những điều mà người khác không thể làm, sống những điều mà người khác không thể sống. Đức tin là huyền nhiệm của ân sủng, là tác động và sự sống của Chúa trong tâm hồn những kẻ tin. Tin là thể hiện lời hứa trong đời.

 “Lạy Chúa, mọi sự bởi Chúa mà ra, mọi loài do Chúa mà có, mọi việc nhờ Chúa mà thành. Tất cả cuộc sống con đều là ân ban của Chúa. Nhưng rồi nhiều khi con phát triển cuộc sống như thể chỉ dựa vào chính mình. Con quên rằng chính Chúa không ngừng tiếp tục sáng tạo và làm nên cuộc sống con trong từng giây phút.

 Với lý trí, con hay sống đức tin chỉ bằng sự hiểu biết của mình, nhưng đã không hiểu biết như mình phải hiểu biết. Con vẫn tin, nhưng đã không tin như mình phải tin. Hóa ra hiểu biết con vẫn còn non dại và đức tin con vẫn còn non kém.

Con muốn khẳng định về cuộc sống mình như thánh Phaolô: “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Yêsu Kitô”. Đó là sự hiểu biết trong đức tin, với hết lòng yêu mến và phó thác.

 Xin Chúa nâng đỡ và gia tăng đức tin cho con, để con có thể thấy Chúa mọi nơi, nhận ra Chúa trong mọi người, sống với Chúa trong mọi lúc, đón nhận Chúa trong mọi sự. Để trong Chúa con được no thỏa sự sống muôn đời.”