The Most Sacred Heart - Test Everything

Nguyễn Trọng Lưu

 

 

Việc kính thờ Trái Tim Chúa qua dòng lịch sử

 Hàng tuần Giáo Hội thường dành ngày thứ tư để kính Thánh Cả Yuse, thứ sáu để kính Thánh Tâm Chúa Yêsu và thứ bảy để kính Đức Mẹ. Và hàng năm, Giáo Hội cũng thường dành tháng 3 để kính Thánh Cả Yuse, tháng năm và tháng 10 để kính Đức Mẹ và tháng 11 để cầu nguyện cho người quá cố. Nhưng có lẽ chúng ta ít biết và ít để ý đến tháng 6, là tháng dành để kính thờ Trái Tim Chúa Yêsu.

Tin Mừng Thánh Yoan đã nói đến Trái Tim Chúa Yêsu trên cây Thánh Giá – bị lưỡi đòng của tên lính đâm thâu qua, có máu cùng nước chảy ra (Yn. 19,34). Máu đây là Máu trong phép Thánh Thể và nước là trong phép rửa – hai bí tích chính của Giáo Hội. Các bí tích bắt nguồn từ Trái Tim Chúa, nghĩa là từ lòng Chúa yêu thương chúng ta. Và do vậy lòng tôn sùng Trái Tim Chúa Yêsu đã có từ rất xa xưa trong Giáo Hội. Ngay từ thế kỷ thứ 4 Thánh Augustinô đã nhắc lại điều này và Ngài nói rằng ”Trái Tim Chúa Kitô bị lưỡi đòng đâm qua, đã đổ máu để tha tội loài người”. Vào thời trung cổ, các Thánh Bernard, Rita – tiếp theo sau là Thánh Martin, Thánh Antôn cũng đã nói rằng”Trái Tim Chúa Yêsu là nơi ẩn náu, nơi nương tựa cho chúng ta”. Còn các thánh nữ Catarina thành Siena (13471380) – là Tiến sĩ Hội Thánh và Angiêla Merisi (người Ý, 1474-1540) đã nhấn mạnh đến việc hãm mình và kêu gọi mọi người hãy học nơi Trái Tim Chúa để biết cách sống và làm đẹp lòng Chúa hơn.

 

Thánh Jean Eudes (1601-1680)

Thời gian về sau, việc sùng kính Trái Tim Chúa càng lan rộng và ăn sâu trong Giáo Hội. Thánh Ignatio thánh Loyola (1491-1566) – đấng sáng lập dòng tên và thánh Phanxicô thành Assisi (1181-1226) – đấng sáng lập dòng anh em hèn mọn – đều kêu gọi mọi người học biết và yêu mến Trái Tim Chúa – như Trái Tim Người đã yêu mến ta.

Phải đợi đến Thánh Jean Eudes (1601-1680, người Pháp), chúng ta mới có một vị Thánh chuyên chiêm niệm sâu xa về Trái Tim Chúa và nhận ra rằng Trái Tim của Đấng Thiên Chúa làm người, là tượng trưng của tình yêu của Chúa Cha hằng xót thương tạo vật. Trái Tim Chúa Yêsu là biểu hiện và là kết quả của tình yêu Chúa Cha, là tuyệt đỉnh của tất cả các mầu nhiệm trong đạo. Trái Tim Thiên Chúa yêu ta, đòi ta phải yêu mến Chúa hết trái tim chúng ta. Do vậy Thánh Jean Eudes mới cực lực cổ võ lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Yêsu. Ngài đã sáng lập tu hội ”Nữ Tu Bác Ái của Nơi Ẩn Náu”. Cũng chính nhờ Thánh Jean Eudes mà Lễ Thánh Tâm Chúa Yêsu được cử hành lần đầu tiên vào ngày 31.8.1670 tại Rennes, Pháp.

 

10 prayers and quotes for the Solemnity of the Sacred Heart | Salt ...

 

Thánh nữ Marguerite Marie Alacoque (16471690)

Mãi đến thế kỷ 16, việc sùng kính Thánh Tâm này vẫn chỉ là riêng tư, thường gắn liền với lòng sùng kính Năm Dấu Thánh của Chúa Yêsu. Từ Rennes, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu được lan truyền đi nhiều nơi, nhưng phải chờ đến Thánh nữ Marguerite Marie Alacoque (16471690) – một nữ tu người Pháp thuộc dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial – vị thánh được Chúa bày tỏ Trái Tim Cực Thánh qua những thị kiến, thì lòng sùng kính Thánh Tâm mới lan rộng toàn cầu.

Trong những lần thị kiến, Chúa Yêsu hiện ra với Thánh nữ Marguerite Marie Alacoque với mặc khải hình Thánh Tâm Chúa có ngọn lửa và vòng gai quấn quanh. Lần hiện ra quan trọng xảy ra vào ngày 16.06.1675, trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa, là nguồn gốc lễ Thánh Tâm Chúa Yêsu ngày nay.

 

Trong lần thị kiến đó, Chúa Yêsu yêu cầu Thánh nữ Marguerite Marie Alacoque xin giáo quyền cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Yêsu vào ngày thứ sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa, để đền bù sự vô ơn bạc nghĩa của loài người đối với sự hy sinh cao cả của Chúa. Theo yêu cầu của Chúa Yêsu, lễ Thánh Tâm được cử hành trọng thể vào ngày thứ sáu trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa, hoặc 19 ngày sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Thánh Thể và Thánh Tâm tuy hai mà một, vì đều là Nguồn Tình Yêu vô biên của Chúa Yêsu, Đấng đã yêu thương nhân loại tội lỗi đến tột cùng, đến nỗi chết nhục nhã trên Thập giá.

 

Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Yêsu trở thành khá phổ biến sau khi Thánh nữ Marguerite Marie Alacoque qua đời năm 1690, nhưng vì Giáo Hội lúc đó còn nghi ngờ giá trị thị kiến đích thực của thánh nữ, nên mãi đến năm 1765, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu mới được cử hành chính thức tại Pháp quốc. Gần 100 năm sau – năm1856, Đức Giáo Hoàng Piô 9 – theo đề nghị của hội đồng Giám Mục Pháp – mới quyết định mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa Yêsu trên toàn cầu.

 

St. Faustina's Feast Day - Roman Catholic Archdiocese of Vancouver

Thánh nữ Faustina Kowalska (1905-1938)

 

Nhưng vị thánh gần chúng ta hơn cả – chắc nhiều người trong chúng ta nghe biết và có thể đã được đến kính viếng ngôi mộ của Ngài là Thánh nữ Faustina Kowalska (1905-1938, người Ba Lan) với mặc khải Lòng Chúa Thương Xót – mà bây giờ chúng ta hay lần hạt lòng Chúa thương xót vào lúc 15.00 mỗi ngày.

Trong quyển Nhật ký, chị ghi lại lời tâm sự của Chúa như thế này: “Này con của Ta, hãy biết rằng, trái tim của Ta là lòng thương xót. Từ biển thương xót này mà các ân sủng trào ra khắp thế giới. Không linh hồn đến gần Ta mà không được an ủi đi ra về. Mọi nỗi lầm than đều được chôn vùi trong đáy của lòng thương xót của Ta, và mọi ơn huệ thánh hóa đều trào ra từ suối này”. Trong một đoạn khác của quyển Nhật ký, thánh nữ đã bộc lộ tâm tình thờ lạy Trái tim Chúa Yêsu ở trong bí tích Thánh Thể với những lời như sau: “Ôi bánh thánh hằng sống, là sức mạnh duy nhất của con, nguồn mạch của tình yêu và lòng thương xót, xin hãy ôm ấp thế giới và nâng đỡ các linh hồn yếu đuối. Ôi, thật là giây phút diễm phúc khi Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta quả tim đầy lòng thương xót của Người”.

 

Chúa Yêsu cũng yêu cầu thánh nữ xin giáo quyền thiết lập lễ kính Lòng Chúa Thương Xót vào Chúa Nhật 2 Phục Sinh: “Ta muốn một tấm hình được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật sau Đại lễ Phục Sinh, và Ta muốn tấm hình đó được tôn kính công khai để mỗi linh hồn đều biết đến tấm hình đó.” (Nhật Ký, số 341). Và Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan Phaolô 2 chính thức thiết lập lễ này từ ngày 30.04.2000.

 

Hai hình ảnh trái tim Chúa 

Hình ảnh Trái Tim Chúa theo thánh nữ Marguerite Marie Alacoque chỉ cho ta thấy, một trái tim bừng rực lửa mến chứ không có toàn thể chân dung của Chúa. Trái Tim ấy có một vòng gai quấn chung quanh, nhắc đến cuộc khổ nạn của Chúa. Nói cách khác, Trái Tim Chúa Yêsu gợi ra cuộc khổ nạn của Chúa: vì yêu thương chúng ta, Ngài đã đổ máu mình ra cho chúng ta.

Đang khi đó, bức tranh mà thánh nữ Faustina Kowalska được lệnh quảng bá thì trình bày toàn thân Chúa Yêsu, và là Chúa Yêsu Phục Sinh. Chúa Yêsu mặc áo dài trắng – có lẽ vừa tượng trưng cho phẩm phục tư tế, vừa tượng trưng cho y phục của thân thể vinh hiển rạng ngời – và trong tư thế đứng, giống như khi hiện ra cho các môn đệ sau khi sống lại

Có gì khác biệt giữa việc tôn thờ ”Thánh Tâm Chúa Yêsu” và việc tôn sùng ”Lòng Chúa Thương Xót” không?

Chúng ta thấy ”Tình Yêu Thiên Chúa, Thánh Thể, Thánh Tâm Chúa Yêsu và Lòng Chúa Thương Xót” – tuy cách gọi khác nhau nhưng vẫn chỉ là một, vì Thiên Chúa mãi mãi chỉ là một mà thôi.

 

Vì vậy việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa và việc tôn sùng lòng Chúa Thương Xót chẳng có gì khác nhau cả – bởi vì cả hai việc đều quy về việc tôn kính Chúa Yêsu Kitô, Đấng đã mạc khải tình thương Thiên Chúa đối với loài người chúng ta, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chính việc hiến mạng sống vì chúng ta. Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Yêsu và việc tôn sùng lòng Thương xót Chúa đều dành cho cũng một Chúa Yêsu – chứ không phải là hai Chúa khác nhau.

Cũng như khi tôn kính Đức Mẹ Mân Côi, Đức Mẹ Carmel, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lavang, Trái Tim Đức Mẹ v.v… thì tất cả đều nhắm đến bản thân của Đức Maria, thân mẫu của Chúa Cứu Thế và của Hội Thánh – chúng ta không dừng lại ở mỗi tước hiệu, mà chúng ta chỉ nhìn đến Đức Mẹ, để bày tỏ lòng kính mến cũng như bắt chước gương các nhân đức của Mẹ.

Như vậy, khi tôn kính Thánh Tâm Chúa Yêsu thì chúng ta cũng tôn kính tình yêu của Thiên Chúa.

 

Phong trào Liên Minh Thánh Tâm

Trên thế giới đã có một phong trào tôn sùng và đền tạ Trái Tim Chúa được thành lập từ năm 1883 – gọi là Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm.

Phong trào này dành riêng cho nam giới – được cha Edward Hamon, dòng Tên, sáng lập năm 1883 tại Canada, lấy tinh thần cầu nguyện và sự nhiệt thành của Hội Tông Đồ Cầu Nguyện làm nền tảng. Phong trào lấy việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Yêsu làm nền tảng để thánh hóa cá nhân, làm việc tông đồ, mở rộng Nước Chúa, qua việc hoán cải cá nhân, gia đình và xã hội.

Ngày 31.12.1884, cha Edward Hamon đã sát nhập Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm vào Đại Hội Tông Đồ Cầu Nguyện để các đoàn viên được hưởng nhờ các ân ích thiêng liêng dành cho Đại Hội này.

Tại Việt Nam, ngay từ năm 1950 Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm được cha Gagnon (tức cha Nhân, tên Việt Nam), dòng Chúa Cứu Thế, thành lập tại xứ Thái Hà Ấp, Nam Đồng, Hà Nội.

Năm 1980, Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Tiến – cùng với một số anh em cựu đoàn viên Liên Minh Thánh Tâm Việt Nam – đã gây dựng lại Phong Trào này tại Mỹ và thành lập nhóm Liên Minh Thánh Tâm đầu tiên tại Giáo phận Orange, Tiểu bang California. Phong trào phát triển rất mạnh, từ nhóm thành đoàn và thành liên đoàn năm 1990. Linh Mục Phêrô Nguyễn Đức Tiến – sau này được phong lên chức Đức Ông – đã qua đời ngày 14.10.2017.

 

12 lời hứa của Thánh Tâm Chúa Yêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Marguerite Marie Alacoque 

 

Đây là 12 lời hứa của Thánh Tâm Chúa Yêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Marguerite Marie Alacoque để khuyến khích mọi người hiểu biết lợi ích của việc thực hành lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Yêsu:

 

  1. Ta sẽ ban cho họ mọi ân sủng cần thiết trong đời sống.
  2. Ta sẽ ban bình an cho gia đình họ và sẽ tái hợp các gia đình đã ly tan.
  3. Ta sẽ an ủi họ trong mọi lúc khó khăn.
  4. Ta sẽ là nơi họ trú ẩn khi sống và trước khi chết.
  5. Ta sẽ ban Phép Lành Nước Trời trên công việc của họ.
  6. Các tội nhân sẽ tìm được Nguồn Thương Xót vô hạn nơi Thánh Tâm Ta.
  7. Các linh hồn lạnh nhạt sẽ trở nên nhiệt thành.
  8. Các linh hồn nhiệt thành sẽ mau đạt tới sự trọn lành.
  9. Ta sẽ chúc lành cho nơi nào trưng bày và tôn sùng linh ảnh Thánh Tâm Ta, và Ta sẽ ghi dấu tình yêu của Ta vào lòng những người đeo hình Thánh Tâm Ta. Ta cũng sẽ phá hủy mọi sự rối loạn nơi họ.
  10. Các linh mục nhiệt thành tôn sùng Thánh Tâm Ta thì Ta sẽ ban cho họ ơn hoán cải các linh hồn chai cứng nhất.
  11. Những người truyền bá lòng tôn sùng này sẽ được ghi tên trong Thánh Tâm Ta, không bao giờ phai nhòa.
  12. Ta hứa với lòng thương xót vô biên của Thánh Tâm Ta rằng những người rước lễ vào Thứ Sáu Đầu Tháng trong 9 tháng liên tiếp, tình yêu mãnh liệt của Ta sẽ ban cho ơn ăn năn trở lại trong cuối đời. Họ sẽ không chết trong tình trạng thất sủng hoặc không được lãnh nhận các bí tích. Thánh Tâm Ta sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho họ trong giờ sau hết.

 

Lời Chúa hứa luôn chắc chắn. Hãy tin tưởng và hãy dành 9 ngày thứ sáu đầu tháng để tôn kính Thánh Tâm Chúa Yêsu – nghĩa là thực hành việc tôn sùng và yêu mến Thánh Tâm Chúa Yêsu liên tục và rước lễ trong 9 ngày thứ sáu đầu tháng.

Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý rằng, nếu chỉ dành 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tục  để tôn kính Thánh Tâm Chúa Yêsu và rước lễ trong 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng, rồi thôi, nghĩa là chúng ta đã “khoán” xong. Kiểu đó chỉ là lợi dụng tình yêu của Chúa. Chúa Yêsu muốn người ta tôn sùng Thánh Tâm Ngài trong 9 Thứ Sáu Đầu Tháng là Ngài “nhượng bộ” chúng ta, những người khô khan và cứng lòng, còn những người đã yêu thật lòng thì không hề tính toán, không có điều kiện phải yêu trong khoảng thời gian nào cả, nghĩa là họ vui sướng thực hiện việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Yêsu suốt đời.