Billedresultat for kinh thánh

 

Thánh Kinh và phương pháp học hỏi Thánh Kinh (phần 1)

Nguyễn Trọng Lưu

 

Thánh kinh là gì?

Trong bài ”Đường vào thần học” chúng ta đã thấy rằng, thần học là học về Thiên Chúa. Mà Thiên Chúa trong Kitô giáo được mặc khải qua và nơi Đức Kitô – nên trong nghĩa này, thần học đồng nghĩa với “kitô học”, là một trong những môn của khoa thần học. Mà Đức Kitô lại được bày tỏ ra trong Thánh Kinh, nên một cách đơn giản – thần học là học về Thánh Kinh, dưới sự hướng dẫn của Thánh Truyền – tức truyền thống của Giáo Hội.
”Mặc khải” có hai gian đoạn: thưở xưa, trước khi Đức Yêsu sinh ra – thời gian mà Thiên Chúa dùng các ngôn sứ mà nói với dân Israel – tức thời Cựu Ước. Còn bây giờ – từ sau khi Đức Yêsu sinh ra, thì Thiên Chúa nói qua chính con một của Ngài, là Đức Yêsu Kitô – tức thời Tân Ước . Tất cả những sự việc và lời nói trong hai giai đoạn này được viết lại trong Cựu Ước và Tân Ước – gọi là Thánh Kinh. (Hiến Chế về Mặc Khải (MK), 2 )
Các sách trong Thánh Kinh đều được linh ứng – nghĩa là tác giả những sách đó đều được Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn. Thiên Chúa chính là tác giả của Thánh Kinh, còn người viết chỉ là những công cụ của Thiên Chúa mà thôi: người viết chỉ dùng tài năng và sức lực ghi lại những gì Thiên Chúa muốn tỏ lộ.
Mà bởi vì được linh ứng, nên Thánh Kinh chỉ chứa những chân lý cứu độ – chứ không mang những kiến thức khoa học – nghĩa là Thánh Kinh chỉ dạy chúng ta cách chắc chắn những gì cần biết để sống trọn vẹn ý nghĩa làm người và đạt tới hạnh phúc siêu nhiên (MK 11).

 

Hai phần của Thánh Kinh: Cựu Ước và Tân Ước

Cựu Ước là gì?

1- Xét về hình thức: Cựu Ước (CƯ) là một bộ sách gồm 46 cuốn, thuộc nhiều thể văn khác nhau, do nhiều tác giả viết vào nhiều thời điểm khác nhau – mà căn cứ theo những khai quật từ hang Qûmran vào năm 1957 ở gần Biển Chết – những phần cổ nhất có lẽ đã được chép thành văn vào khoảng năm 1000 trước công nguyên, còn những phần mới nhất vào khoảng 100 năm trước công nguyên.
Có hai bản văn CƯ, một là bản Hébreux và hai là bản Hy Lạp. Bản Hébreux đã được viết trước, sau đó các người Do Thái ở Alexandria đã chuyển dịch sang tiếng Hy Lạp. Tương truyền rằng chính vua Ptôlêmê II (-285-246) đã mời 70 Rabbi để dịch bản CƯ này, nên bản Hy Lạp còn được gọi là bản 70.
Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, người Do Thái không nhận những sách sau đây là Thánh Kinh: Tobia, Yuđích, 2 quyển Macabê, Khôn ngoan, Huấn ca, Barúc và các phụ lục trong hai cuốn Esther và Daniel – bởi những sách này không có trong Thánh Kinh mà người Do Thái xứ Palestine đã xác nhận vào cuối thế kỷ 1 sau công nguyên – mà về sau người Tin Lành cũng theo lập trường ấy. Còn Giáo Hội Công Giáo vẫn kể những sách này là Thánh Kinh bởi ngay từ thời các Tông Đồ, Giáo Hội đã nhận những sách ấy do kinh điển của người Do Thái ở hải ngoại và nhất là ở Ai Cập và vẫn dùng những sách ấy.

2- Xét theo nội dung: CƯ là lịch sử của dân Israel với tất cả lịch sử tính như mội dân tộc khác – nghĩa là với những con người tốt xấu, giàu nghèo, giỏi dở và dắt nước bị lệ thuộc vào những hoàn cảnh chính trị của thời đó. Cần phải nhấn mạnh điều này để nhớ rằng mặc khải của Thiên Chúa là trong lịch sử, cho những con người cụ thể và do vậy không nên lấy làm lạ nếu thấy những khuyết điểm trong lịch sử ấy. Thêm vào đó, CƯ còn là lịch sử có tinh cách tôn giáo: Israel chỉ là một nước nhỏ bé so với các đại cường quốc thời đó, như Ai Cập, Asiri, Babylon, Ba Tư – nhưng Israel là dân của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chọn Israel làm dân riêng của Ngài trong một Giao Ước để Ngài mặc khải ý định của Ngài cho muôn dân. Lịch sử tôn giáo này không quan tâm nhiều đến những sực việc xảy ra cho bằng nhắm đến bài học tôn giáo, nhất là cho thấy cách Thiên Chúa đối xử với con người bằng một thứ sư phạm tiệm tiến (MK 14). Cuối cùng, CƯ là một lịch sử hướng về tương lai – nghĩa là không chỉ đóng khung vào dân Israel mà cố ý nhắm tới sự hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất trong Đức Kitô: CƯ hướng tới, báo trước và chuẩn bị cho Đức Kitô (MK 3, 4 và 15) – như lời Thánh Augustinô nói: ”Tân Ước dấu ẩn trong Cựu Ước, còn CƯ tỏ hiện trong TƯ” – nghĩa là TƯ đã được chuẩn bị và báo trước phần nào trong CƯ, còn CƯ chỉ đạt được trọn vẹn ý nghĩa trong TƯ mà thôi.
Người Kitô hữu chỉ có thể nhận thấy sự hòa hợp giữa CƯ và TƯ nếu biết học hỏi Thánh Kinh dưới ánh sáng đức tin – nghĩa là trong ơn soi dẫn của Thiên Chúa và trong truyền thống của Giáo Hội.

Những sách Cựu Ước
Là những sách của đạo Do Thái, gồm có 46 cuốn – hầu hết đươc viết bằng tiếng Hebreux trong khoảng thời gian hơn 1000 năm trước công nguyên và được phân loại như sau:

NGŨ KINH     

Sáng thế (St)
Xuất hành (Xh)
Lêvi (Lv)
Dân số(Ds)
Đệ Nhị Luật (Đnl)

 

SỬ

Yôsuê (Ys)
Thẩm phán (Tp)
Rút (R)
1 Samuel (1 S)
2 Samuel (2 S)
1 Các Vua (1 V)
2 Các Vua (2 V)

 

TRUYỆN

1 Sử ký 1 Sk
2 Sử ký 2 Sk
Esdras Edr
Nêhêmia Nhm
Tôbia Tb
Yuđích Yd
Esther Et

 

THI PHÚ

Yóp (Yb)
Thánh vịnh (Tv)
Châm ngôn (Cn)
Giảng viên (Gv)
Diễm ca (Dc)
Huấn ca (Hc)
Khôn ngoan (Kn)

 

TIÊN TRI

Isaia (Is)
Yêrêmia (Yr)
Ai ca (Ac)
Barúc (Br)
Êdêkiel (Ez)
Daniel (Dn)
Hôsê (Hs)
Yoel (Yn)
Amốt (Am)
Apdia (Ad)
Yona (Yo)
Mikêa (Mk)
Nahum (Nhy)
Habacúc (Hb)
Sôphônia (Sp)
Haggai (Hg)
Yacaria (Ya)
Malakia (M)
1 Maccabê (1 M)
2 Maccabê (2 M)