Nguyễn Trọng Lưu

 

 

”Jarāmaraṇa – Tuổi già và cái chết”

Nhìn vào bốn giai đoạn trong đời người ”sinh, lão, bệnh, tử” – chúng ta thấy rằng đã có đến ba giai đoạn – chắc chẳng ai ưa thích, nhưng không thể nào tránh được – mà tận điểm là cái chết. Chính vì thế triết gia Martin Heidegger (1889-1976) mới định nghĩa “con người là hữu thể hướng đến cái chết”. Hữu thể người lúc nào cũng lo âu về những dự phóng của đời mình, luôn xao xuyến về việc thực hiện bản thân của mình cho thấy một sự mong manh, dang dở, đe dọa căn bản nào đó. Các triết gia luôn có một cái nhìn lạc quan và thanh thản trước cái chết. Socrate (469-399) đã từng nói: “Chúng ta chiến đấu cho cái gì trong cuộc đời? Đó là để thoát ra khỏi thân xác và những xấu xa do đời sống thân xác mang lại. Vậy thì tại sao ta lại không hân hoan khi cái chết tới gần?” Còn đối với Platon (427-347)“Triết học là môn học dạy cho người ta biết sống và biết chết cho hợp đạo làm người”.

Trong tiếng Phạn và tiếng Pāli có từ ”jarāmaraṇa” – một từ được ghép bởi chữ ” jarā – tuổi già ” “maraṇa – cái chết”. Tuổi già và cái chết gắn liền với sự tàn lụi không ai có thể tránh khỏi – mà theo giáo lý nhà Phật, đó là sự đau khổ tột cùng của tất cả mọi loài trước khi tái sinh trong luân hồi. Từ jarā có liên quan đến các từ jarā, jaras, jarati, gerā trong tiếng Phạn cổ xưa – có nghĩa là “trở nên giòn, dễ phân rã, bị tiêu hao”. Còn trong kinh Vệ Đà, từ này có liên quan đến từ ”granum” trong tiếng Latinh, ”kaurn” trong tiếng Goth, ”geras, geros” trong tiếng Hy Lạp, tất cả đều có nghĩa là “trở nên cứng rắn, tuổi già”.

Từ maraṇa được dựa trên gốc từ mṛmriyate – có nghĩa là cái chết. Gốc từ này của Vệ Đà có liên quan sau này đến tiếng Phạn marta, cũng như là mord trong tiếng Đức, mirti trong tiếng Lith, morior và mors trong tiếng Latinh: tất cả đều có nghĩa là “chết, cái chết”.

Những nghiên cứu về cận tử

Gần đây, có nhiều nhà nghiên cứu về cận tử nổi tiếng như William Barrett, Karlis Osis, Hội Nghiên Cứu Tâm Linh Mỹ – phối hợp với Haraldson ở Ấn Độ – đã ghi lại những kinh nghiệm của hàng vạn người về cận tử – và họ thấy thường có những nét đặc trưng như sau.

Đa số người ta thấy ánh sáng tỏa ra, quang cảnh tuyệt mỹ, trạng thái nhẹ nhàng, cảm giác vô cùng thanh thản, và gặp lại những người thân yêu. Riêng trường hợp những người tin vào Đức Kitô, thì được gặp Đức Mẹ, các thánh, khiến họ vui mừng, hạnh phúc, không còn cảm giác đau khổ. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có một số người phản ứng với vẻ sợ hãi hoặc từ chối.

Cách chung, đối với những người có cuộc sống tốt lành, thì nhãn giới phút cuối như được chuyển ra ngoài cơ thể để nhìn thấy trước kiếp sau. Thường là họ thấy những vườn hoa xinh đẹp cách kỳ lạ, trải dài bất tận. Cảnh giới đó đi kèm với thiên sứ hay hồn ma người chết, và trong một số trường hợp, có thể nghe tiếng nhạc từ trời cao vọng xuống. Trong thanh âm và màu sắc rất sinh động như vậy, người hấp hối cảm thấy mình được nhấc bỗng lên. Từ trên cao nhìn xuống, họ có

một cảm giác an bình và hạnh phúc, rồi đi vào một đường hầm tối đen, hướng về phía ánh sáng cuối đường hầm. Ánh sáng ấy giúp cho họ ôn lại toàn thể cuộc đời, và không có đánh giá tiêu cực nào về hoạt động đã qua. Cuối cùng, họ miễn cưỡng phải trở về với sự sống này.

Trong một cuộc thăm dò ý kiến vào năm 1982 của viện Gallup, có thấy khoảng 8 triệu người lớn ở Mỹ quả quyết mình đã trải qua kinh nghiệm cận tử như thế, mặc dù cảm giác mỗi người có khác nhau. Đương nhiên, những cảm giác đó không thể chứng minh một cách khoa học. Tất cả những gì được biết về hiện tượng đó đều dựa trên tài liệu mang tính giai thoại.

Có giả thuyết cho rằng nhãn giới phút cuối chỉ là ảo giác, có thể do thuốc, sốt, bệnh, hoặc thiếu oxy, hoặc mất cá tính gây ra. Tuy nhiên, những ảo giác phát sinh từ những yếu tố đó thường liên quan đến hiện tại, chứ không liên quan đến kiếp sau. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu đã cho làm tất cả cuộc thí nghiệm như thế, đều xảy ra cách khác chứ không xảy ra giống như vậy. Ngoài ra, những người sau khi chết đi sống lại như vậy, phần lớn họ đều hướng về sự phát triển tinh thần hay một đức tin mạnh mẽ, vì biết kiếp sau có thật. Hầu hết những người đó đều khám phá ra mục đích mới và tích cực đối với cuộc sống của mình, tìm thấy ý nghĩa cuộc sống mà trước đây họ không thấy, hoặc xem thường.

Nhãn giới giới phút cuối rất quan trọng đối với môn nghiên cứu cái chết, vì chúng chứng minh rằng, cái chết không phải là sự hủy diệt mà là sự chuyển tiếp tuyệt vời cho những ai đã tích cực sống thiện hảo. Cái chết như vậy là một nghi thức trải qua trong ý thức và chân giá trị.

 

Người chết đi về đâu trong 49 ngày?

Người ta quan niệm rằng, sau khi qua đời, con người ta chỉ còn lại tâm thức hay linh hồn. Trong vòng 49 ngày, vong hồn của người chết sẽ quanh quẩn bên người thân hoặc bên cạnh thân xác của mình. Sau khoảng thời gian này, người chết sẽ đi đầu thai.

Cụ thể, trong sách “Hiện tượng của tử sinh” của tác giả Thích Như Điển, ấn hành năm 2558 theo Phật Lịch (lịch công nguyên là năm 2014) – trong chương 5 “Tâm thức của người mất trong 49 ngày” có viết : “Tâm thức rơi vào trạng thái sáng suốt, biết người khác một cách dễ dàng nhưng người khác không thể thấy và biết tâm thức của mình. Nhiều khi tâm thức làm những cử chỉ bình thường, nhưng những người thân thương nhất cũng không thể hiểu.
Bắt đầu từ giờ phút tắt hơi thở cho đến 1 rồi 2 hay 3 tiếng đồng hồ, tâm thức ấy hân hoan, vui vẻ quan sát thấy tất cả mọi hình ảnh, động thái và cảnh vật xung quanh, trong khi những người thân đứng bên cạnh cái xác bất động ấy đang lo toan, khóc lóc. Tâm thức muốn bảo người thân như: cha, mẹ, vợ, con và những  người thân thuộc đừng làm như vậy nhưng chẳng ai hiểu cả”.

“Thế rồi thời gian cứ thế trôi qua, tâm thức thấy những người thân chẳng ai để ý đến mình nên đã tìm cách bay đi xa hơn nữa. Thỉnh thoảng lại về nhà để thăm vợ, con và bà con quyến thuộc của mình, nhưng lại chẳng thấy ai để ý đến nên cứ thế lại ra đi.
Tâm thức bây giờ có tính cách quyết đoán và tự lập hơn. Nghĩa là đi tìm cái gì mình thích và mình muốn chứ không đợi chờ người thân nữa. Trong thời gian 49 ngày, đây có lẽ là thời gian đau khổ

nhất không chỉ đối với người còn sống, mà đối với những người chết đi họ đã và đang phải trải qua thời khắc đau khổ nhất của mình.

 Nghiên cứu Phật giáo cho rằng: Tùy theo tiền kiếp, người khi mới chết nếu đã đi đầu thai thì sẽ không về nhà nữa. Tuy nhiên, nếu người chết rơi vào giai đoạn trung ấm, họ phải trải qua giai đoạn kết tập tội nghiệp, gặp các Phán Quan để phân định tội phước, nếu lúc sống gây nhiều điều ác thì khi chết sẽ như bị khủng bố, mặc mày cau có, trợn mắt, qua thân trung ấm thì đau khổ không nói hết được.

Thường thì nếu người chết rơi vào giai đoạn này, tức là người chết không biết mình đã chết. Vong hồn của họ ở trong nhà, hoặc quanh quẩn bên xác của họ nếu họ quá luyến tiếc thân xác, xác được chôn thì họ sẽ quanh quẩn ở nghĩa trang.

Chúng ta không thể thấy họ, nhưng họ lại thấy chúng ta, họ kêu tên và đụng vào người thân nhưng không ai thấy họ. Điều này khiến họ tức giận và rơi vào trạng thái sợ hãi, bởi sự vô hình của họ và bị chúng ma níu kéo. Và trong vòng 49 ngày chính là thời gian quyết định để tâm thức đi đầu thai”.

 

Chết không phải là hết: một vài quan niệm về sự chết

Theo giáo lý nhà Phật, chết không phải là hết, thân giả tạm này không phải là ta, chết là thay đổi thân xác giống như thay đổi một cái áo cũ. Chúng ta sống trong thời đại của khoa học thực nghiệm, nên không tin vào những điều mê tín. Nhưng tin vào tâm linh có phải là mê tín không? Thực sự tâm linh không xa rời thực tế cuộc sống này, tâm linh luôn hiện hữu trong cuộc sống, chỉ là do chúng ta không biết, không nhìn thấy nên tưởng là tâm linh không có.

Về phương diện triết lý, mỗi trường phái triết học đều có một ý niệm về sự chết khác nhau.

– Các thuyết duy vật đều quan niệm cái chết là một hiện tượng tự nhiên, thuộc quy luật sinh lý, tức là việc tiêu hủy các yếu tố vật lý, hóa học làm cho thân thể sống động.

– Theo nhị nguyên thuyết (dualisme) xuất phát từ Platon, chết là linh hồn được giải thoát khỏi nhà tù thân xác.

Thuyết sức sống (vitalisme) chấp nhận một nguyên tắc sinh hoạt không có bản ngã. Chẳng hạn, Bàlamôn giáo cho rằng, chết là trở về với Brahman, tức là hồn của vũ trụ. Mạnh Tử cũng cho rằng, chết là hợp nhất với vũ trụ. Còn F. Hégel cho rằng, chết là tan mất trong tinh thần tuyệt đối.

Triết học hiện sinh vô thần thì coi cái chết cũng vô lý như sự sống vậy (J. P. Sartre).

– Có những chủ thuyết khác chỉ để ý đến sự sống mà tránh né vấn đề sự chết. Thực sự thái độ tránh né đó cũng là một hình thức lo sợ, không dám tìm hiểu, không dám đả động đến. Trang Tử coi cái sống và cái chết là lẽ tự nhiên, bình thường và bình đẳng, nên ông chẳng xao xuyến gì trước cái chết, thản nhiên ra vào cuộc đời: “Bậc chân nhân không ham sống, không sợ chết, vào không vui, ra không buồn, thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi”. Đối với ông, sống chết cũng giống như chuyện “được, mất” – được là thời, mất là thuận: “thuận thiên giả tồn”, cứ theo ý Trời thì chẳng phải lo sợ gì.

– Trong Phật Giáo, chết được dùng để chỉ sự sinh diệt, thăng trầm của tất cả các hiện tượng. Trong bộ luận Thanh tịnh đạo, vị Đại Luận Sư Phật Âm (buddhaghosa) diễn tả như sau: “Theo chân lý tuyệt đối thì chúng sinh chỉ hiện hữu trong một thời gian rất ngắn, một thời gian ngắn như một khoảnh khắc của nhận thức (một ý niệm, Sát-na). Như một bánh xe, trong khi đang lăn cũng như đang đứng yên, chỉ chạm đất ở một điểm duy nhất. Như thế, chúng sinh chỉ sống trong một khoảnh khắc của một nhận thức. Nhận thức này (ý niệm) mất đi thì chúng sinh đó chết”.

“Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl. 1, 18-26)

Vì là hữu thể hướng đến cái chết, nên mỗi ngày khi sống là mỗi ngày con người tiến dần đến cái chết. Chết là một kết thúc của mỗi người trong cuộc sống này. Cái chết nhắc nhở ta về bản chất thật ngắn ngủi, thật mong manh phù du của kiếp sống con người trên dương thế. Có thể có những người mang theo một thất vọng chán chường. Tuy nhiên, nếu nhận biết  thân phận mình nằm trong vòng tay Thiên Chúa, thì điều đó giúp ta khám phá ý nghĩa sự sống đích thực qua cái chết. Khi nghĩ đến những người đã chết, chúng ta cũng phải nghĩ tới cái chết của chính bản thân mình. Đó là chuyến đi cuối cùng, một chuyến đi quyết định và quan trọng hơn tất cả, chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.

Nguồn gốc sự chết và sự sống lại trong Kitô giáo

Thánh Công Đồng Vatican II  đã nói lên tình trạng của con người trước cái chết như sau: “Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên tới tột độ. Con người không những bị hành hạ bởi đau khổ và sự tiến dần đến tan rã của thân xác, mà hơn thế nữa, còn bị dày vò bởi nỗi lo sợ bị tiêu diệt đời đời… Mọi cố gắng của kỹ thuật, dù rất hữu ích, cũng không thể làm nguôi được nỗi lo âu của con người: bởi vì đời sống sinh vật, dù có được kéo dài thêm đi nữa, cũng không thể thỏa mãn được khát vọng một cuộc sống mai hậu đã được in sâu trong lòng con người.

Trước cái chết, óc tưởng tượng của con người đành bất lực. Nhưng Giáo Hội, được mạc khải của Thiên Chúa dạy bảo, quả quyết rằng con người được Chúa dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc sau những khổ cực trần thế này. Hơn nữa, đức tin Kitô giáo còn dạy rằng giả như con người không phạm tội, thì đã không phải chết; sự chết này sẽ bị đánh bại khi Đấng Cứu Thế toàn năng và nhân ái mang lại cho con người sự cứu rỗi mà vị tội lỗi, họ đã đánh mất. Bởi vì Thiên Chúa đã và đang kêu gọi con người đem toàn thân kết hợp với Ngài trong sự hiệp thông vĩnh viễn vào sự sống bất diệt của Thiên Chúa. Chúa Kitô đã đem lại chiến thắng ấy khi Người sống lại và nhờ cái chết của Người, Người đã giải phóng con người khỏi sự chết. Vậy đức tin với những lý chứng vững chắc đem lại giải đáp cho bất cứ ai khắc khoải ưu tư về số phận tương lai của mình. Đồng thời đức tin còn cho con người khả năng hiệp thông với những anh em thân yêu đã chết trong Chúa Kitô, và làm cho họ hy vọng rằng những người ấy đã được sống thực sự nơi Thiên Chúa” (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, 18).

Thật vậy, để giải thoát ta khỏi quyền lực Thần chết, trước tiên Đức Kitô đã đến để nhận lấy cho mình số phận tử vong của chúng ta. Ngài thực hiện thánh ý của Chúa Cha là muốn cứu độ tất cả mọi người. Ngài đã chết “vì chúng ta” (1 Tx 5, 10), “cho tội chúng ta” (1Cr. 15, 3) để làm hy tế xá tội (x. Dt. 9). Nhờ cái chết của Ngài, chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa (Rm 5, 10), hầu có thể lãnh nhận gia nghiệp muôn đời (Dt 9, 15). Ngài đã chiến thắng tử thần bằng sự phục sinh vinh hiển (1Cr.15, 4), nên quyền lực của thần chết từ đó đã bị vô hiệu hóa (Rm 6, 9). Kể từ giây phút đó, tương quan của con người với sự chết đã thay đổi, vì từ nay Đức Kitô chiến thắng sẽ luôn chiếu soi “những người ngồi trong bóng sự chết” (Lc 1, 79).

Qua việc phục sinh, Ngài trở nên thủ lãnh của một nhân loại mới (1Cr. 15, 45), vì Ngài đã mang tất cả chúng ta đi vào cái chết và sự phục sinh của Ngài. Tuy nhiên, cái chết để được phục sinh này của chúng ta còn phải là một thực tại hiện hữu cho mỗi cá nhân, vì không ai có thể bước vào cõi sống mà không chết đi cho chính mình từng ngày trong cái chết của Đức Kitô để được sống lại như Ngài (2Tm. 2, 11).

 

Bài học sâu xa từ sự chết

Không có một đức tin sâu xa, thì cái chết quả là điều kinh khủng, đáng lo sợ, vì không biết cuộc đời mình sẽ đi đâu, về đâu? Do đó, nhiều người muốn tránh né, không muốn nghe hoặc không muốn nói đến sự chết. Léo Buscaglia, một chuyên viên dạy về tình yêu và cuộc sống, chia sẻ tâm trạng của ông khi nghĩ về sự chết như sau:

“Chúng ta phải bắt tay làm hòa với sự chết để chọn lấy sự sống, vì sự chết là một người bạn thân thiết với chúng ta. Nó cho biết những gì chúng ta không thể giữ lại được mãi cho mình. Và nếu bạn muốn sống, thì nên sống trọn vẹn ngay từ bây giờ…

Nếu bạn đã sống mọi khoảnh khắc mà Chúa ban cho bạn, thì bạn sẽ không than van khóc lóc khi cái chết đến… Những người đã chết một cách hạnh phúc là những người từng nỗ lực để sống.

Sự chết là một thách đố. Nó nhắc nhở chúng ta đừng bỏ phí thời giờ. Nó chỉ cho chúng ta phải lớn lên và phải trở nên như thế nào. Nó dạy cho chúng ta biết yêu thương nhau, và phải biết dâng hiến chính mình ngay từ bây giờ…Dầu chúng ta không hiểu gì về sự chết, nhưng điều đó cũng chẳng cần thiết gì. Điều thiết yếu là phải sống bức thông điệp mà sự chết nhắn gởi cho chúng ta”.

Thật vậy, suy gẫm về sự chết là điều cần thiết, giúp ta biết quan tâm hơn đến cuộc sống: làm thế nào để yêu, để tha thứ và để chấp nhận; làm thế nào để tránh những tội lỗi, những vấp phạm, và chỉ còn muốn sống cho Chúa cách trọn vẹn để phụng sự Ngài và phục vụ tha nhân; làm thế nào để khẳng định về chính mình như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi”. Vì thế, “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Roma 8, 39). Chỉ có chết trong tội mới tách rời chúng ta ra khỏi Chúa, còn chết trong Chúa là một giải thoát, đưa chúng ta vào sự sống viên mãn của Ngài.

Khi sinh ra, con người là một bản thể phải chết, nhưng khi chết thì con người sống mãi. Con người là bất diệt, không chỉ vì linh hồn không thể bị phân hủy, nhưng vì chết là được mời gọi đến sự hiệp thông trong tình yêu muôn đời với Chúa Ba Ngôi. Đó là ấn tích đã được Thiên Chúa khắc sâu vào bản thể con người khi tạo dựng. Tính bất diệt của con người đã có trong tự bản chất nhờ ơn cứu độ của Đức Kitô: “Ai tin vào Ta sẽ không chết bao giờ” (Ga. 11, 26).

Như vậy, theo kế hoạch của Thiên Chúa, cái chết của con người không mang tính chết chóc, nhưng là một định hướng cho cuộc sống mới. Là người Kitô hữu, chúng ta “chết cho Chúa” cũng như đã sống cho Ngài (Rm. 14, 7). Nhờ cái chết, chúng ta “tôn vinh Thiên Chúa”(Ga 21, 19) để đáng hưởng triều thiên sự sống (Kh. 2, 10). Từ nỗi khắc khoải không thể tránh được, sự chết trở nên một đối tượng của toàn phúc: “Phúc thay những kẻ chết trong Chúa” (Kh. 14, 13), vì nhờ đó Chúa đưa chúng ta đến nơi an nghỉ muôn đời, đến miền ánh sáng vô tận.

Đó là lý do tại sao chết là một mối lợi, vì Đức Kitô chính là sự sống của chúng ta (Pl. 1, 21). Trong niềm vui lớn lao đó, thánh Têrêsa Hài Đồng đã xác quyết: “Tôi đâu có chết, tôi bước vào sự sống”. Đức Yêsu đã trả lại cho cái chết sự vô tội của vườn địa đàng cho những ai tin vào Ngài. Đó là cánh cửa đưa tới hạnh phúc ngàn thu cho chúng ta là những con cái của Thiên Chúa.

(Phần cuối, chúng tôi viết dựa theo tư duy của Lm. Thái Nguyên)