Nguyễn Trọng Lưu

 

 

Ý nghĩa tầm nguyên của “Diệp lạc quy căn”

 “Diệp lạc quy căn”: diệp: lá; lạc: rụng; quy: quay về; căn: cội, gốc”. Như vậy, theo nghĩa đen, “lá rụng về cội” nói đến quy luật của tự nhiên, những chiếc lá “già”, những chiếc lá đã đi hết vòng đời của mình đều sẽ rụng xuống gốc cây – nơi mọi thứ được bắt đầu; còn theo nghĩa bóng, “lá rụng về cội – trở về cố hương” – ý nói không quên nguồn gốc; thường chỉ người sống nơi đất khách quê người, cuối cùng cũng quay về cố hương, với cội nguồn, với nơi mình đã sinh ra.

Đây vừa là quy luật tự nhiên vừa là lời nhắc nhở chúng ta sống phải biết nhớ tới nguồn gốc của bản thân mình.

Giống như lá được sinh ra và nuôi dưỡng từ chất nhựa từ cội là gốc rễ đưa lên cành, con người cũng được sinh ra, lớn lên sinh hoạt trong dòng đời – nhưng khi lìa cành – những chiếc lá lìa cành đó có trở về cội nguồn hay lại bay đi đâu?

Đâu là cội nguồn?      

 Người Việt chúng ta luôn chú trọng đến chữ hiếu đối với tổ tiên ông bà cha mẹ, không ai có thể quên công ơn sinh thành dưỡng dục của cha có mẹ tóm gọn qua “chín chữ cù lao” (cù là siêng năng; lao là khó nhọc). Chín chữ cù lao ấy là: “sinh”: đẻ; “cúc”: nâng đỡ; “phủ”: vuốt ve; “súc”: cho bú mớm lúc nhỏ; “trưởng”: nuôi cho lớn; “dục”: dạy dỗ; “cố”: trông nom săn sóc; “phục”: xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt; “phúc”: giữ gìn.

Ông bà cha mẹ là cội nguồn của chúng ta, nhưng nếu suy nghĩ sâu xa hơn, chúng ta phải đặt thêm câu hỏi: cội nguồn của tổ tiên ông bà cha mẹ chúng ta ở đâu và rồi chúng ta cũng sẽ đi về đâu như khi chiếc là lìa cành?

Người xưa hay nói: ”Sinh, ký, tử, qui – sống gửi, thác về”. Nhưng về đâu? Có lẽ đây mới là vấn đề cần suy nghĩ.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã khắc khoải đi tìm cội nguồn khi viết bài “Một cõi đi về”:

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về

Lời nào của cây lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say một đời thật nhẹ ngày qua
Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa

Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người

Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà

Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa
Từng lời tà dương là lời mộ địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe

Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì

 

Nhưng khi viết “Chẳng biết nơi nào là chốn quê nhà” thì chắc là Trịnh Công Sơn đã chưa tìm được nguồn gốc của mình để sau cùng ông sẽ trở về đó. Con người vẫn luôn băn khoăn tự hỏi: sau cùng thì con người đi về đâu: về với lòng đất? về với hư không? về với tổ tiên? hay là về chốn bồng lai tiên cảnh ? Điều đó tùy thuộc quan niệm và niềm tin của từng người.

 

Triết gia Trang Tử: “Chết là trở về với Tạo Hóa”

 Trang Tử – tên thật là Trang Chu là một triết gia  Đạo giáo

Ông sống vào thời Chiến Quốc, thời kỳ đỉnh cao của các tư tưởng triết học Trung Hoa với Bách Gia Chư Tử. Trang Tử là tác giả bộ Nam Hoa kinh gồm hơn mười ngàn câu.

Tuy Trang Tử sống trước Đức Yêsu nhiều năm, nhưng ông cũng có quan niệm về cái chết giống như quan niệm của người công giáo.

Khi vợ Trang Tử chết, Huệ Tử đến viếng thăm – thấy Trang Tử ngồi duỗi xoạc hai chân ra, gõ nhịp vào bồn nước mà hát – nên mới bảo: “Mình đã ăn ở với người ta, có con với người ta, bây giờ người ta già, người ta chết, mình đã không khóc, mà lại còn gõ bồn mà hát, như vậy chẳng phải là quá lắm ư”? Trang Tử mới trả lời: “Không phải thế, vợ tôi mới chết, tôi cũng lấy làm thương tiếc lắm. Nhưng xét cho cùng, khi người ta chết, là trở về với Tạo Hóa, cũng như người ta thoát ra ngoài để về nhà, thế mà ta vẫn cứ còn theo đuổi, than van, khóc lóc, thì chẳng hóa ra, ta không biết mệnh trời ư? Thế nên ta không khóc, mà lại hát vậy!”

Chuẩn bị về với cội nguồn

Người công giáo chúng ta luôn tuyên xưng Đức Chúa đã tạo dựng muôn loài muôn vật: “Lạy Chúa con, con là vật phàm hèn cùng là không trước mặt Chúa, con hết lòng thờ lạy và nhận thật – Chúa là đầu cội rễ mọi sự, là cùng sau hết mọi loài, Chúa đã dựng nên con cùng thật là Chúa con nữa, thì con xin dâng linh hồn và xác, cùng mọi sự trong ngoài con ở trong tay Chúa. Amen.” Con người được tạo dựng với linh hồn bất tử, thế nên khi chết, linh hồn sẽ về cùng Đức Chúa. Bởi thế, chết là một cuộc “lá rụng về cội” lớn lao nhất, quan trọng nhất, mà vi vậy cần phải chuẩn bị về với cội nguồn.

Nhưng khi quan sát lá rụng, chúng ta thấy có chiếc lá chao đảo mấy vòng rồi nằm xuống gốc cây, mà cũng có những chiếc lá bay vèo đi nơi xa lắc: lá rụng nhưng lá đâu có về cội! Cũng thế, nếu lá rụng chưa chắc đã về cội thì con người khi chết cũng chưa chắc sẽ được về cùng Đức Chúa là cội nguồn mọi sự. Lý do là vì con người có lý trí và tự do. Con người hiểu biết và hoàn toàn tự do quyết định cho đời mình. Điều đó có nghĩa là”về được với Chúa hay không, cái đó còn tùy ở cách sống của mình, hoàn toàn tùy ở mình”.

Khi nhìn chiếc là lìa cành, chúng ta nghĩ ngay đến ngày chúng ta phải từ giã cõi đời này vì trần gian chỉ là nơi tạm trú, không phải là vĩnh viễn.  Mọi người đều có cảm tưởng thời gian mau qua, vừa mới sinh ngày nào nay đã đến tuổi già, mà càng già càng cảm thấy thời gian đi mau hơn.

Khi tôi là một đứa trẻ, tôi cười tôi khóc, thì lúc đó thấy thời gian bỏ tôi.

Khi tôi là một thanh niên, tôi táo bạo hơn, thì thấy thời gian đi bộ.

Khi tôi trưởng thành, tôi là một người chững chạc, thì thấy thời gian chạy.

Cuối cùng, khi tôi bước vào tuổi chín mùi, tuổi già, thì thấy thời gian bay.

Chẳng bao lâu nữa là tôi chết, lúc đó thời gian đã đi mất.

Khi cái chết đến, thì ngoài Đức Chúa ra, không còn gì là quan trọng nữa

Mọi người giầu nghèo sang hèn, giỏi dốt ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, thì rồi cũng có ngày phải rời bỏ cõi đời này để trở về thế giời bên kia. Chết là một án lệ không ai có thể trốn tránh được, chỉ có một điều là phải chuẩn bị cho ngày đó.
Thánh Kinh cũng nhắc bảo chúng ta:”Con hãy nhớ: tử thần luôn sẵn sàng đó!” (Hc 14,12), và Đức Yêsu đã khuyên chúng ta phải nhớ và suy niệm lời này:”Các con hãy sẵn sàng, vì không biết giờ nào, ngày nào Con Người sẽ tới” (Mt 24,44).

Cuộc sống làm nên ý nghĩa của sự chết. Cuộc sống quyết định cho đích điểm của một chuyến đi. Chuyến đi xa nhất, quan trọng nhất của đời người. Đây cũng là chuyến đi cô đơn nhất vì không ai đồng hành với ta.