Nguyễn Trọng Lưu

 

Khát vọng hạnh phúc nội tại trong mỗi người

Đọc lại lịch sử tư tưởng, chúng ta thấy rằng ngay từ thời thượng cổ Hy Lạp, Aristippe de Cyrène, một đồ đệ của triết gia Socrates, và cũng là người sáng lập ra trường phái ”hédonisme” – sau này được Epicure (341-270 trước công nguyên) khai triển rất hệ thống – đã chủ trương rằng, mục đích của mọi hành vi trong đời người là phải tránh khổ đau để đi tìm khoái lạc tột đỉnh. Chủ trương này lại được nhiều triết gia Anh vào thế kỷ 19 trong trường phái ”utilitarisme” khai thác khá sâu sắc, với nhiều tên tuổi lớn như J. S. Mill, W. Paley, B. Bentham… mà tiểu biểu là ý tưởng  thời danh của J. S. Mill trong “Utilitarianism”, 1863, ch. II, § 4: ” The creed which accepts as the foundation of morals utility, or the greatest happiness principle, holds that actions are right in proportion as they tend to promote happiness, wrong as they tend to produce the reverse of happiness. By happiness is intended pleasure and the absence of pain; by unhappiness, pain and the privation of pleasure”.

Triết thuyết này đã bị nhóm “stoicisme” – do Zénon de Cittium, là người sáng lập, nhưng người đào sâu và quảng bá lại là Chrysippe de Soles – đả kích kịch liệt, vì cho rằng thứ hạnh phúc của nhóm ”hédonisme” chủ trương chỉ dựa trên tình cảm và bản năng sinh tồn nên rất hời hợt và do vậy cũng không đạt được tính chất vững bền và vô vị lợi của lý trí. Phải đợi đến Emmanuel Kant  (1724-1804), một triết gia nổi tiếng người Đức chúng ta mới thấy được một nền tảng vững chắc cho thứ hạnh phúc thuần túy của lý trí này – mà có lần tôi đã trình bày sơ qua trong bài ”Cho tôi được tự do thật…”. Triết lý của E. Kant sau này cũng đuợc nhiều triết gia Mỹ tên tuổi trong trường phái ”déontologisme” như H. A. Prichard, E.F. Carrit, W.D. Ross khai triển và đề cao.

Ở đây, tôi không muốn đi chuyên biệt vào lãnh vực triết học để phê bình các chủ thuyết này, mà chỉ muốn từ đó tìm hiểu về khát vọng hạnh phúc của con người mà thôi.

… nhưng chủ quan, đa tạp và có thể thay đổi theo dòng thời gian

Một cơn mưa to làm cho những người nhà nông sung sướng vì cỏ cây đang cần nước để đơm hoa kết trái, nhưng những người không nhà không cửa lại khó chịu bực bội vì bị ướt át, không có nơi trú ấn. Có nhiều người chỉ cảm thấy hạnh phúc khi kiếm được tiền rừng bể bạc với tất cả những tiện nghi vật chất như xe hơi nhà lầu, nhưng những kẻ chân tu lại chỉ hạnh phúc khi hiến dâng trọn cuộc đời cho lý tưởng đã chọn lựa. Người họa sĩ rung động cả tâm hồn khi hoàn thành một bức tranh đẹp, còn người cằm bút lại chỉ thỏa mãn khi trình bày cho độc giả hiểu được những ý nghĩ của mình qua những bài báo hay sách vở – mà cả hai điều đó chẳng làm cho đôi vợ chồng nghèo cảm thấy gì cả, mà chỉ một bát canh suông mới làm cho họ cảm thấy sung sướng

 ”Râu tôm nấu với ruột bầu,

  Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon”

 Thêm vào đó, vì ”nhân dục vô nhai” nên rất nhiều khi con người lại muốn thay đối tượng khát vọng của mình. Một người nông phu cần mẫn lúc đầu chỉ ước mơ một túp lều tranh nho nhỏ nằm bên bờ suối chảy quanh co, nhưng sau một thời gian làm ăn phát đạt, lại thèm khát có đuợc một ngôi nhà ngói năm gian. Chính lòng thèm khát, mong muốn không ngừng đó đã dày vò tâm can, làm cho cuộc sống trở nên nặng nề, mất hạnh phúc, sung sướng. Mà trớ trêu thay, có những người cố hết sức mình để đi tìm hạnh phúc, lại nhiều khi không đạt được hạnh phúc – giống như kiểu”đứng núi này trông núi nọ”. Và lắm lúc, chính những điều mà người ta tưởng là có thể mang đến hạnh phúc tuyệt đỉnh cho mình, lại gây ra bao nhiêu khổ đau cho chính mình môt khi đã thủ đắc được nó. Hãy nhìn những kẻ tình si, phải bằng mọi cách cố gắng hết sức để chiếm đoạt được người họ mong muốn như là tuyệt đích hạnh phúc, nhưng một khi đã toại được lòng ham muốn đó, thì họ lại rơi vào lòng oán ghét, muốn vứt bỏ và có khi còn muốn xóa tan đi vết tích của sự hiện diện của người mà một thời họ say mê, thèm khát.

 

 

Triết lý sống hạnh phúc của dân Bắc Âu

Trong bài “Trong tầm tay, hạnh phúc …” – chúng tôi đã nhận định rằng – nếu chúng ta biết nhìn ra những ân hồng của cuộc đời mình, với tất cả những hạn hữu trong không gian và thời gian, và nếu chúng ta phóng chiếu triết lý của Nguyễn Công Trứ – rất hiện sinh và thực hữu – vào cuộc đời thường ngày:

              “Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc,

  Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn”

thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng hạnh phúc không bao giờ nằm quá xa tầm tay của mình. Hạnh phúc là bằng lòng với chính mình, đón nhận và sống hết mọi phút giây hiện tại với trọn tâm lòng chân thành tri ơn của một con người giòn mỏng nhưng lúc nào cũng được ấp ủ trong Tình-Yêu-Tuyệt- Đối.

Trong tầm tay, hạnh phúc lúc nào cũng như một thứ trái cây chín mọng, luôn quyến rũ và mời gọi con người đón hưởng. Nhưng có đón hưởng được hay không đều tùy thuộc vào tâmviệc làm của mỗi người.

Ở đây, chúng tôi lại muốn so sánh cảm nghiệm đó với triết lý sống hạnh phúc của người dân Bắc Âu .

Bắc Âu là khu vực nằm ở các vĩ độ cao nhất phía bắc Châu Âu. Phần lớn diện tích của khu vực này nằm trong vùng ôn đới lục địa và lạnh. Bắc Âu bao gồm Đan Mạch, quần đảo Faøer; Phần Lan, khu đảo Aland; Iceland; Na Uy, vùng đảo Svalbard và Jan Mayen; Thụy Điển, đảo Gotland và Oland; Litva;  Estonia, đảo Saaremaa, Hiiumaa cùng một số đảo nhỏ khác.

Nổi bật là bờ biển Na Uy, có địa hình dài và hẹp. Phần Lan cũng có hàng vạn hồ và đầm cũng có địa hình như vậy. Iceland có rất nhiều núi lửa với các suối nước nóng và có nguồn nước nóng được phun từ dưới đất lên. Phần lớn diện tích của bán đảo Scandinavia là núi và cao nguyên. Dãy núi già Scandinavia được đặt làm biên giới tự nhiên giữa hai nước Na Uy và Thụy Điển. Bắc Âu có khí hậu lạnh giá vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hạ. Tuy vậy, vẫn có sự khác nhau giữa hai bên của dãy núi Scandinavia. Ở phía đông, Thụy Điển và Phần Lan rất giá lạnh vào mùa đông, có khi tuyết rơi ngay từ tháng 10. Còn ở phía tây, ven biển Na Uy không lạnh lắm, nước biển không bị đóng băng, vào mùa hạ thì mát mẻ và mưa nhiều. Iceland nằm giáp với vòng cực Bắc, quốc gia này cũng được coi là xứ sở của băng tuyết. Bắc Âu có các nguồn tài nguyên quan trọng như dầu mỏ ở vùng thềm lục địa Biển Bắc, rừng ở bán đảo Scandinavia, quặng sắt, đồng, uranium, nguồn thủy năng và cá biển. Iceland có diện tích đồng cỏ khá rộng lớn.

Khí hậu Bắc Âu có thể khắc nghiệt nhưng người dân sống ở khu vực này có những triết lý sống riêng khiến cuộc sống của họ luôn thoải mái, hạnh phúc. Hàng năm, các nước Bắc Âu đều đứng đầu danh sách các quốc gia có người dân hạnh phúc nhất thế giới.

 

1.”Phần Lan: Sisu”

Năm 2017, tờ The Times đã đưa khái niệm Sisu của Phần Lan vào danh sách các xu hướng sống chính đến từ vùng Bắc Âu. ”Sisu” là một từ khó diễn giải trong tiếng Phần Lan và không có từ tiếng Anh tương đương. Thuật ngữ này là sự pha trộn của lòng can đảm, sự dẻo dai, tinh thần bền bỉ và tính kiên trì – những phẩm chất giúp định hình nghệ thuật sống “vượt qua tất cả” của con người và đất nước Phần Lan.

Cụm từ này có thể hiểu đơn giản là: “Nếu bạn cần phải làm gì đó, thì hãy hoàn thành nó – bằng bất cứ giá nào”. ”Sisu” dạy bạn cách bỏ qua lời nói không cần thiết và cảm xúc thái quá. Tinh thần ”Sisu” được thể hiện trong lối sống thường ngày của người Phần Lan. Họ đối xử bình đẳng với nhau, dám thừa nhận điểm yếu của bản thân, biết dành thời gian tĩnh tâm suy nghĩ, nói chuyện trung thực, thẳng thắn. Họ tận hưởng cuộc sống bằng cách đi bộ trong rừng, nghỉ ngơi trong nhà gỗ, tắm hồ. Tất cả tạo nên phong cách sống mạnh mẽ, kiên cường, bình dị.

 Người Phần Lan còn mộ thứ triết lý sống hạnh phúc nữa, gọi là ”Kalsarikänni”. Để có một buổi tối ”Kalsarikänni”, bạn hãy mặc bộ đồ thoải mái nhất, mở một chai rượu vang hoặc đồ uống yêu thích khác, đồ ăn vặt như khoai tây chiên, sô cô la, bánh ngọt, bất cứ thứ gì bạn thích. Sau đó bật phim hay, video về các loài động vật dễ thương, nghe bản nhạc yêu thích. Nếu bạn trang trí căn phòng theo phong cách thư giãn, ấm cúng sẽ làm tăng thêm hạnh phúc. Giờ thì bạn chỉ việc tận hưởng sự yên bình và để mọi rắc rối trôi đi.

2.” Thụy Điển: Lagom”

 ”Lagom” là một kỹ năng đặc biệt giúp bạn có một cuộc sống cân bằng. Theo nghĩa đen, khái niệm này có thể dịch là “vừa đủ, không quá nhiều hoặc quá ít”. ”Lagom” là vừa đủ, là thích hợp, là cân bằng nhưng không nhất thiết phải là hoàn hảo nhất.

Người Thụy Điển dùng ”Lagom” như một kim chỉ nam chung cho cả dân tộc, hình thành nên phong cách sống, ứng xử, giao tiếp, ẩm thực. Tinh thần ”Lagom” thể hiện ở mọi mặt của cuộc sống Thụy Điển. Người dân nơi đây hình thành thói quen tiết chế trong mọi việc họ làm. Họ sống với phương châm bình đẳng, bác ái, không bày tỏ quá mạnh mẽ lòng yêu nước hay chủ nghĩa dân tộc. Bởi họ sợ những người nước ngoài sống ở Thụy Điển sẽ thấy mặc cảm và bị phân biệt chủng tộc.

Khi mới tiếp xúc với người Thụy Điển, bạn có thể cảm thấy lạ lùng vì họ không nói nhiều, không thích giao tiếp. Thực tế thì họ không lạnh lùng, họ chỉ đang tuân thủ theo cách giao tiếp ngắn gọn, hiệu quả, không vòng vo.

Sự vừa đủ trong lời nói giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ vướng vào những hiểu lầm và tranh cãi không cần thiết. Nhà ở của họ được thiết kế thoáng đãng, ít đồ đạc. Đồ ăn đơn giản, không cầu kỳ. Khu vui chơi cũng không quá ồn ào.

  1. ”Đan Mạch – Arbejdsglæde”

Hàng năm, công ty thông tin thị trường và thương hiệu nhà tuyển dụng Universum Global đều công bố kết quả đo lường mức độ hài lòng của nhân viên đối với công việc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đúng như dự đoán, các nước Bắc Âu luôn đứng đầu trong danh sách. Người Đan Mạch thấy thoải mái với công việc bởi họ sống với phương châm ”arbejdsglæde”. ”Arbejde” có nghĩa là công việc, công sở – ”glæde” có nghĩa là sự hạnh phúc – ghép lại có nghĩa là “hạnh phúc nơi công sở”.

Trong khi nhân viên tại nhiều nước ghét công việc của mình và cho đó là điều bình thường, thì các công ty tại Đan Mạch có truyền thống nỗ lực giúp nhân viên cảm thấy thoải mái khi làm việc.

Người Mỹ làm việc trung bình 1.788 giờ/năm, người Nhật Bản làm việc 1.821 giờ/năm, thì người Đan Mạch chỉ làm việc 1.468 giờ/năm. Nhân viên ở Đan Mạch còn được đi du lịch 5-6 lần/năm. Khi sếp ra lệnh, nhân viên không nhất thiết phải làm theo mà có thể trao đổi nếu thấy không hợp lý.

Theo luật Đan Mạch, công ty có nhiều hơn 35 nhân viên  – phải dành một ghế cho nhân viên trong hội đồng quản trị. Người này được nhân viên bầu ra, có tiếng nói ngang bằng và có quyền bỏ phiếu như các cổ đông khác trong hội đồng. Không những thế, nhân viên của họ còn được đào tạo liên tục và khi thất nghiệp thì cũng được trợ cấp khá đày đủ.

  1. ”Na Uy – Friluftsliv ”

”Friluftsliv” – được hiểu là “phong cách sống tích hợp các hoạt động ngoài trời, hòa mình vào thiên nhiên”. ”Friluftsliv” không chỉ dành cho những người thích khám phá núi rừng hay vận động viên chuyên nghiệp. Mọi gia đình đều có thể áp dụng ”friluftsliv” khi chạy bộ đường dài, đi picnic trên núi, đạp xe thư giãn buổi chiều, hoặc dắt chó đi dạo vào sáng sớm.

Muốn ”friluftsliv” hiệu quả – thì theo người Na Uy, bạn không nên mang theo máy ảnh, không đăng lên facebook. Hãy mang đầy đủ đồ ăn, sô cô la, giăm bông rồi đi bộ lên một ngọn đồi và lưu giữ những  trải nghiệm cho chính mình.

  1. ”Gezelligheid – Hà Lan”

 Người Hà Lan tin rằng hạnh phúc là sự gắn bó với người thân yêu. Từ “Gezel” có nghĩa là bạn đồng hành, một người bạn cũ. Người Hà Lan cũng thường sử dụng từ “gezellig” theo nghĩa ấm cúng, dễ chịu và thân thiện. Dành thời gian ở bên cạnh những người luôn yêu thương, ủng hộ, giúp đỡ bạn chính là ”Gezelligheid”. 

“Đi trong bóng tối với một người bạn tốt hơn là đi một mình trong ánh sáng. Đừng đi đằng sau tôi, tôi không thể dẫn dắt cho bạn. Đừng đi đằng trước tôi, tôi không thể đuổi kịp bạn. Hãy đi bên cạnh và làm bạn với tôi” (Tục ngữ Hà Lan).

  1. ”Iceland – Gluggaveður”

”Gluggaveður” là một thuật ngữ chỉ cảm giác giác tuyệt vời khi bạn ngồi yên ấm trong nhà, bên cạnh cửa sổ với một tách cà phê hoặc trà nóng – rồi tận hưởng thời tiết bên ngoài. Cách thư giãn này rất điển hình tại các quốc gia Bắc Âu bởi họ thường gặp các cơn mưa bất chợt.

Nhiều người cho rằng ”Gluggaveður” có thể giúp tâm trí tạo ra những suy nghĩ và ý tưởng tuyệt vời nhất. Không cần là người Iceland, bạn cũng có thể thực hiện ”Gluggaveður” với một chiếc áo len ấm, quần thể thao, một ly đồ uống nóng – bên cạnh cửa sổ.

(phần về các nước Bắc Âu, chúng tôi viết theo trithucvn.org.)

Cầu mong mỗi người tìm ra triết lý sống hạnh phúc của mình và và cảm nghiệm được hạnh phúc đó.