Sách thiêng liêng
“Tỏ mình ra”
Có dịp vào các nhà sách, đến gian trưng bày sách tôn giáo tôi thường có cảm giác lạc lõng, thiếu vắng. Trên các dãy kệ dài hầu hết là sách Phật giáo đủ các thể loại, đề tài với kỹ thật in ấn hiện đại thuộc hàng chất lượng cao. Người đọc dễ dàng tìm mua từ Bước đầu học Phật đến các sách học thuật chuyên sâu của đạo Phật. Thế nhưng chưa lần nào tôi gặp một cuốn sách bên Công giáo trưng bày ở đây. Dĩ nhiên chúng ta có nhiều nhà sách Công giáo ở các Trung tâm mục vụ, giáo xứ, tu viện và một số nhà phát hành tư nhân.
Cảm giác lạc lõng là có thật vì thiếu vắng sự hiện diện hay đúng hơn là sự “tỏ mình ra” cho dù đạo Chúa đã có mặt ở mảnh đất này gần 400 năm nay. Lần đến kinh đô điện ảnh Hollywood, thả bộ trên đại lộ Các ngôi sao tôi đã thật vui khi gặp một nhóm bạn trẻ Công giáo Mỹ bên chiếc bàn nhỏ, tươi cười giới thiệu với du khách quà tặng là những tập sách mỏng, tờ rơi. Giữa chốn phồn hoa bậc nhất của thế giới này, các bạn như một ốc đảo nhỏ bé nhưng tôi không hề có cảm giác lẻ loi, đơn độc. Sự hồn nhiên, lòng nhiệt thành việc nhà Chúa của các bạn ấy tự nó đã tỏ mình ra, gửi đi bao tín hiệu tốt lành theo từng trang giấy mỏng manh kia.
Chúa Giêsu giáng sinh nơi hang đá Bêlem nhưng nếu không có ngôi sao lạ dẫn đường, các nhà chiêm tinh đã không biết mà tìm đến. Hai môn đệ trên đường về làng Emmaus cũng chỉ nhận ra Thầy mình qua cử chỉ bẻ bánh. Truyền giáo hiểu theo nghĩa đơn giản là đem Tin mừng đến với lương dân. Ngược lại, người ngoài vẫn có thể biết và tìm đến qua sự hiện diện của đạo ở những nơi thích hợp. Đức Giám mục Giuse Đinh Đức Đạo suy tư về “Công việc truyền giáo tại Việt Nam” đã nhận xét:
“Nhiều người còn xa lạ đối với Giáo Hội và các biểu tượng của Giáo Hội tại Việt Nam, người công giáo thường sinh hoạt rất sầm uất trong những giáo xứ đông đảo và nếu cứ ở trong các giáo xứ đó, xem ra dưới bầu trời này chỉ có người công giáo. Nhưng nếu chúng ta ra ngoài môi trường giáo xứ hay các cơ cấu của Giáo Hội, còn vô vàn người chẳng biết các linh mục, tu sĩ là ai. Các biểu tượng của mình chẳng có ý nghĩa gì với họ. Mình họ còn chưa biết, nói chi Chúa của mình!”
Sách đạo đến với bạn đọc ngoài đạo sẽ như một người bạn lần đầu gặp gỡ và người bạn mới kia có tái ngộ, có lưu giữ được những gì là do cách tác giả trình bày, chia sẻ câu chuyện…Và đây, từ lâu đã là lý do vắng mặt của sách công giáo tại các nhà sách. Anh Phạm Lê Anh Tuấn, phụ trách nhà sách Hoàng Mai chuyên phát hành nhiều đầu sách đạo khá đa dạng, in ấn mỹ thuật cho biết những năm trước anh đều gửi bán ở nhiều nhà sách nhưng số lượng tiêu thụ hầu như không đáng kể ..
vì theo anh, sách đạo mình viết là cho giới giáo sĩ, những nhà chuyên môn thần học, Kinh thánh chứ không viết cho giáo dân, càng không phải dành cho những ai muốn làm quen, tìm hiểu đạo Chúa.
Bộ sách 5 cuốn Những người trở lại Công giáo do Hoàng Mai phát hành – tóm tắt việc trở lại của hơn 70 trí thức thời cận đại mà những suy tư, trăn trở của các vị ấy cho thấy phần lớn là kết quả của nguồn cảm hứng đến từ sách báo Công giáo: Thomas Merton, nhà thơ, tu sĩ dòng Trappe trở lại sau khi đọc tác phẩm Tinh thần của triết học trung cổ của Etime Gilson;Cuốn Đời sống của thánh Têrêsa do thánh nhân viết đã giúp cô gái Do Thái Edith Stein tìm ra chân lý; Các sách Kinh thánhđã vạch ra cho Eugène Zolli “con đường mòn đầu tiên hướng về đức tin Kitô giáo”. Tại Việt Nam, năm 1973, cậu thanh niên Nguyễn Viết Chung tình cờ đọc một bài báo về Đức cha Jean Cassaigne – vị Giám mục suốt đời phục vụ những người bệnh phong. Bài báo đã tác động mạnh mẽ, gợi mở một niềm tin vui, hăm hở nơi chàng trai và cậu quyết định làm bác sĩ rồi vào đạo, trở thành linh mục (2003) – một linh mục của bà con thiểu số Tây Nguyên – để theo bước chân thần tượng Cassaigne. (Báo Công giáo và Dân tộc số 2043/2016). Ở đây, Chúa đã tỏ mình qua những trang sách.
Ai đọc sách đạo?
Sách đạo ngày xưa thường gọi là sách thiêng liêng, xem như của ăn tinh thần để theo đàng nhân đức. Do công việc, tôi thường xuyên tiếp xúc với đủ loại sách báo đạo. Không là nhà nghiên cứu cũng không đọc để học hỏi, có lúc lại do tình cờ gặp một đoạn văn, một trang sách và đọc, và ghi lại, để rồi đôi khi chúng đi theo suốt cả tuần cả tháng, bắt tôi phải suy nghĩ, phải trả lời…Có lần cũng vì công việc tôi “phải” đọc từng chữ cuốn Tân Ước và thật ngạc nhiên lẫn thích thú vô cùng trước rất nhiều điều mới lạ mình chưa biết, chưa nghe bao giờ, nhất là phần Sứ vụ các tông đồ, Thư các thánh dù đã hơn nửa cuộc đời theo đạo. Khách hành hương đến Giêrusalem thường ước hẹn ngày trở lại để ngồi vào hàng ghế đá trong hội đường Caphaneum, đọc lại Tân ước mà nghe như Lời Chúa đang nói đâu đây, sống động trong ngôn ngữ cùng lối diễn tả của thời đại hôm nay.
Năm 1668 xứ Đàng Trong mới có hai linh mục đầu tiên là Joseph Trang và Luca Bền nhưng gần 300 năm sau, năm 1963 sau Công Đồng Vatican II, giáo dân mới thường xuyên được nghe Phúc Âm (trích đoạn) bằng tiếng Việt trong thánh lễ mặc dù quyển Thánh Kinh tiếng Việt đầu tiên đã xuất hiện từ năm 1913 do cha cố Chính Linh (Albertus Schlicklin) dịch. Hành trình Thánh Kinh đến với người tín hữu Việt Nam khá chậm và lặng lẽ. Chúng ta không biết có bao nhiêu phần trăm gia đình Công giáo có quyển sách Thánh ấy và có rồi, không biết bao nhiêu phần trăm Thánh Kinh được đọc hay chỉ đặt trên bàn thờ?
Sách đạo phát triển và mở rộng mọi khía cạnh, mọi vấn đề tư tưởng, ý nghĩa của các sách Thánh, Giáo huấn của Giáo hội và như thế chúng không thể thiếu trong việc giáo dục đức tin, đời sống đạo. Hiện nay các nhà sách Công giáo cung cấp nhiều tác phẩm chọn lọc, uy tín, đủ thể loại từ tự điển triết học, thần học đến các sách chuyên sâu về phụng vụ, tín lý, tôn giáo, tu đức. Tuy nhiên hầu hết là sách dịch. Sách các tác giả trong nước không nhiều và thường là tập hợp các bài viết, ghi chép ngắn. Một số sách biên soạn cũng nằm trong giáo trình đào tạo tại các Học viện hoặc tuyển tập chuyên đề, luận văn và cũng chỉ dành cho giới chuyên môn. Các tác giả có thể đọc nhiều, hiểu sâu nhưng thường cách diễn đạt chưa thật gần gũi, cùng nhịp với hơi thở, ngôn ngữ của đời thường nơi người tín hữu giữa bộn bề của lo toan khó có được một không gian và thời gian thích hợp cho việc đọc sách. Đâu cần đến một quyển, đôi khi chỉ là một đoạn, một câu viết cũng có thể thay đổi một nếp nghĩ xưa cũ, mở ra một ngã rẽ mới cho cả đời người. Tờ bướm giới thiệu ơn gọi ở Đan viện Bênêđictô, Oregan, Mỹ với hình ảnh người thanh niên trẻ trung, quần Jeans, giầy thể thao, vai khoác chiếc áo dòng đen đi giữa hành lang tu viện với vài hàng chữ ngắn gọn đã để lại nơi người xem bao cảm xúc êm đềm, thánh thiêng của lời đáp trả tiếng Chúa mời gọi. Đơn giản vậy thôi. Đã bao lần Chúa đã chẳng tỏ mình ra qua những việc bình thường, một trang sách nhỏ đó sao?
Trên thực tế, ngoài các lý do bận rộn cho cuộc mưu sinh, thói quen ít đọc sách của người công giáo cùng với việc thiếu thông tin, môi trường thuận tiện đã tạo nên một khoảng cách khá xa giữa người giáo dân với sách đạo. Từ thời niên thiếu họ chỉ được nghe các bài giảng giải Kinh Thánh ngắn, sơ lược vào các ngày Chúa nhật. Ngược về quá khứ đến nay có thể nói đây hoàn toàn không do thiếu sót của người tín hữu vì ngay trong các định hướng chung đã thiếu cái nhìn, đánh giá đúng mức những hoa trái thiêng liêng từ việc đọc sách đạo. Chỉ tính từ 1975, một thời gian khá dài sách đạo vắng bóng trong các tủ sách Công giáo – vì nhiều lý do bên trong, bên ngoài – nhưng ngay trong lúc thuận lợi sách báo đạo vẫn chưa được xem vừa là nhu cầu cần thiết của người tín hữu, vừa là nhiệm vụ của các ban ngành chuyên trách trong cộng đồng dân Chúa.
Sách từ thiện, sách ấn tống
Gần 400 năm nay, di sản thánh thiện, tông truyền của các Cố thừa sai để lại vẫn hun đúc, lưu giữ niềm tin cho bao thế hệ tín hữu Việt Nam. Nhưng trong một thế giới phẳng thay đổi quá nhanh, đầy biến động ngày nay, muốn “Đến với muôn dân”, muốn vượt qua ngưỡng 0% tỉ lệ tăng trưởng trong suốt 120 năm qua, các thành phần dân Chúa nên có những nhận thức, những “cập nhật” kịp thời hơn để làm mới lại từ cách nghĩ, cách sống đạo. Sách dành cho giáo dân xưa nay chủ yếu là sách kinh, giáo lý, vè vãn, một số tạp chí phục vụ lòng đạo đức phổ thông “cốt giữ đạo Chúa cho nên”. Ở nhiều giáo phận các phong trào được tổ chức theo chủ đề từng mùa, từng năm nhưng việc đọc sách đạo chưa thấy xuất hiện ở đâu như một phong trào.
Những năm gần đây sách suy niệm Lời Chúa theo Lịch phụng vụ của nhiều tác giả đều đặn ra mắt bạn đọc. Các khóa học hỏi Kinh thánh, Thần học với đa số học viên là giáo dân mở tại các Giáo phận đang là một tin vui cần được nuôi dưỡng, giữ gìn.
Ban đầu, sách đạo đến với người tín hữu hay người ngoài đạo đôi khi chỉ là một tờ rơi, tập sách mỏng. Ở nước ngoài, các giáo xứ đều có những tặng phẩm này đặt nơi cuối nhà thờ với nhiều chủ đề bên cạnh bản tin họ đạo. Năm 2010, phó tế Fx. Trần Kim Ngọc, OP trong bài “Thiếu lửa truyền giáo tại Việt Nam?”, nhận xét:
Họ họ, xứ xứ… lo xây cất nhà thờ nhà thánh. Không biết bao nhiêu tiền của tập trung vào các công trình xây cất! Liệu có thừa giấy vẽ voi khi một giáo xứ ở vùng quê nghèo có khoảng 1000 giáo dân mà lại xây dựng một ngôi thánh đường ngốn hết 4-6 tỉ…?
Về việc làm từ thiện, chỉ qua mô tả của tác giả cũng đủ thấy qui mô không thể là nhỏ: Xứ xứ, dòng dòng lo đi làm việc bác ái xã hội…đâu đâu cũng thấy người ta quyên góp tiền của, áo quần, gạo bánh… để đi làm từ thiện. Cứ cho người ta cá mà không cho người ta cái cần câu.
Xây một nhà thờ nguy nga, tổ chức chuyến đi làm từ thiện rầm rộ ai cũng thấy. Lợi ích từ việc đọc sách lại không cho kết quả ngày một ngày hai nên hầu như không đâu mặn mà với việc lập tủ sách từ thiện, ấn tống bên cạnh việc hình thành các nhóm đọc sách đạo tại giáo xứ.
Các tôn giáo bạn từ lâu đã có Qũy ấn tống như Hoa Sen của Phật Giáo, Bàu Sen bên Cao Đài. In 1.000 quyển sách 150 trang, khổ 14.5×20.5cm hiện nay vào khoảng 14 triệu đồng. Với số tiền khiêm tốn ấy nếu những trang sách kia trổ sinh một hai tân tòng hoặc một linh mục như trường hợp cha Chung thì có lợi cả và thế gian cũng không bằng.
Từ góc nhìn “sứ vụ truyền giáo” việc giới thiệu, đưa sách báo đạo đến với người ngoài càng trở nên cấp thiết hơn. Các bạn ngoài đạo thường kể về những cảm xúc nhẹ nhàng bên tiếng chuông giáo đường, buổi tan lễ chiều…Nếu được tiếp xúc với sách báo đạo qua các chia sẻ gần gũi của buổi đầu làm quen, có thể đường đến đạo của các bạn ấy sẽ bằng phẳng, gần hơn. Sách thiêng liêng theo bước chân truyền giáo của các tu sĩ, thừa tác viên Tin mừng lại như hạt cải nước Trời âm thầm gieo vào lòng đất.
Mặc dù đón nhận hạt giống Tin mừng sớm hơn nhiều giáo hội trong vùng nhưng hiện nay Giáo hội chúng ta vẫn trên đường định hình, tìm kiếm chính mình. Có đầy đủ lý do để lý giải việc chậm chân nhưng nhìn lại, theo chiều sâu và chiều rộng, trong suốt cuộc hành trình kia và cho đến ngày nay, chúng ta vẫn đang thiếu (xin tạm gọi là) một học thuyết, cũng có thể là một tư duy thần học, tư duy truyền giáo cho riêng mình, mang dáng dấp Việt Nam.
Giáo dân ngày nay muốn nghe những cái khác hơn, mới hơn những cái đã được nghe từ năm này qua năm khác.
Tòa giảng Chúa nhật chắc không thể cung cấp đủ các loại cỏ cho đàn chiên Chúa.
Trong Giáo hội phổ quát, tìm đường đi cho mìnhkhông có nghĩa là sao chép, theo vết chân người khác mà tự tiếp cận, giải trình, chọn lựa giữa nhiều cách diễn tả khác nhau về niềm tin cùng những tri thức thiêng liêng, vốn sống đạo đã được tích lũy, trải nghiệm…của những người đồng đạo khắp năm châu. Đây chính là dòng năng lượng siêu nhiên người tín hữu cần được thường xuyên tiếp nhận để luôn cập nhật, làm mới việc thực hành và đào sâu đức tin. Được nạp từ nhiều nguồn khác nhau nhưng sách thiêng liêng vẫn là dòng năng lượng đơn giản, gần gũi và hiệu quả nhất như người bạn đồng hành, một nhịp cầu bằng các trang giấy để người đọc đồng cảm, chia sẻ những suy tư, gợi mở những nhận thức và góc nhìn khác. Sách chuyển tải tư tưởng, nội dung các pho thần học, tín lý được diễn đạt lại bằng ngôn ngữ mà người tín hữu – do không được trang bị ít nhiều hiểu biết, kiến thức chuyên môn các môn học trong đạo – vẫn có thể tìm thấy mình trong đó.
Giữ nguyên trạng nền đạo từ hàng trăm năm cũ hoặc chỉ thay đổi vẻ bề ngoài hào nhoáng, sầm uất ảo thật là có lỗi với người đi trước, với bao chứng nhân đã chết vì niềm tin để lại cho con cháu. Trên đường tìm kiếm chính mình, sách thiêng liêng không còn là những tự mẫu trên giấy mà trở nên “ngọn gió rào rào như thể cuồng phong của Chúa Thánh thần.
Đọc và chiêm niệm cũng là tái truyền giáo cho chính mình,
sắp sẵn hành trang cho những chuyến đi mới.
Dòng năng lượng kia, ngọn gió kia khi được đón nhận tự nó sẽ vận hành, thổi bùng lên, triển nở và phác họa một diện mạo mới giữa cộng đồng những người cùng chung cuộc hành trình của niềm tin.
Nguyễn Mạnh Hà