Quê hương và hòa bình (tiếp theo)

Nguyễn Trọng Lưu 

 

 

Peace-Poster

Nếu thế, thì thế nào mới là một nền hòa bình thực sự?

Phải thành thực nhận rằng, không một thời đại nào bằng thời đại này, người ta ca tụng tự do, công bằng, hòa bình, nhưng cũng có lẽ không một thời đại nào, những giá trị đó bị đe dọa hay có khi bị tiêu diệt bằng chính những chủ nghĩa rỗng tuếch, bằng chính những bạo động phi nhân. Người ta

nhân danh tất cả nói là để phục vụ con người, nhưng lại làm cho người chia rẽ với người, làm cho người hận thù với người, đúng như ngày xưa đã có câu ngạn ngữ ”homo homini lupus” – ”người là chó sói với người”. Mà có lẽ cũng chẳng có gì bi đát hơn khi con người sống với nhau và sống bên nhau – mà lúc nào trong thâm tâm cũng nhìn người khác bằng con mắt hận thù – như triết gia Jean-Paul-Sartre (1905-1980) đã chủ trương: ”L´enfers, c´est les autres” – ”tha nhân là hỏa ngục”.

Thế nên, nền hòa bình thực sự không chỉ có nghĩa đơn thuần là không xử dụng bom đạn, không dùng vũ khí để bắn giết lẫn nhau, mà còn phải đi xa hơn đến chỗ tôn trọng từng cá nhân, tôn trọng các quyền tự do và tôn trọng toàn chủ quyền quốc gia, đồng thời làm phát triển tối đa khả năng của mỗi người, để đi đến việc cùng cộng tác dựng xây một xã hội khang an, thịnh vượng.

Nền hòa bình thực sự phải là nơi trẻ em được sống yêu thương, được đi ăn đi học, để trở thành con người hữu dụng cho chính mình, cho gia đình, cho tố quốc – và cho toàn thế giới – như ngày nay người ta thường hay nói đến qua ý niệm ”globalisering” – hay giống như ngày xưa Đức Khổng đã chủ trương ”tứ hải giai huynh đệ”.

hb1

Nền hòa bình thực sự sẽ không còn cảnh người lợi dụng người, cũng như không còn hiện tượng một nhóm người nhân danh những ý thức hệ – kể cả cộng sản lẫn tư bản – được tô son bằng lớp vỏ nhân bản ngụy trang, để đè ép những tầng lớp đói khổ, bắt họ phải quy hàng lớp thống trị – mà các nhà xã hội học ngày nay gọi là hiện trạng ”thực dân mới”.

Nền hòa bình thực sự phải khởi từ con người để tôn trọng và phục vụ con người trong một tình yêu thương chân thành, không giả dối, không lừa bịp. 

Nền tảng của hòa bình thật

Nhưng đâu là nền tảng của hòa bình thật?

Đức Phật ngày xưa đã dạy chúng sinh phải diệt ”tham, sân, si” – vì ”tham, sân, si” là nguyên nhân làm cho lòng người bất ổn, là mầm mống gây nên hận thù, ghen ghét, khiến con người không thể định tâm. Mà một khi tâm đã không định thì không thể nào có an bình trong tâm hồn mà đi vào giác ngộ, là nơi an bình cực lạc.

Đọc Trung Dung, chúng ta thấy Đức Khổng đưa ra chín tôn chỉ, gọi là ”cửu kinh” – để các nhà chính trị dùng làm cho quốc thái dân an – trong đó, cái quan trọng nhát là tu thân, rồi sau đó mới có thề hoàn thiện hóa người khác: ”quân tử thành nhân chi mỹ”. Phải ”tu thân” theo chủ thuyết ”chính danh”, nghĩa là phải sống đúng theo địa vị của mình. Điều đó có nghĩa là từ vua tôi, thày trò, cha mẹ, vợ chồng, anh em bạn bè đều có những bổn phận và những nguyên tắc sống phù hợp với luân thường đạo lý. Một khi biết sống chính danh, thì con người sẽ tạo nên trật tự hòa bình từ bản thân, đến gia đình và cho đến xã hội.

fran

Gần chúng ta hơn là François d´Assisi, người được toàn thế giới tôn phong là vị thánh của hòa bình. Ngài chủ trương rằng muốn kiến tạo nền hòa bình chân thật, thì ”phải đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem ủi an đến

chốn u sầu”. Đó cũng là lời khuyên dạy của Đức Chúa cho những người muốn kiến tạo hòa bình: yêu thương người ghét mình và làm ơn cho những người làm khổ đau mình (Lc. 6, 27-30)

Mà để có một nền hòa bình chân thật như thế không phải là dễ – thiết tưởng cần phải chuẩn bị lâu dài, cho dù có thể phải kéo dài từ năm này qua năm khác. Hãy gieo vào lòng người một tình yêu chân thật, một trái tim biết nhìn người khác như là chính mình, như Thomas Merton (1915-1968) đã viết trong cuốn ”No man is an island” (1955). Chỉ có hạt mầm của yêu thương mới đưa con người lại gần với nhau, để sống bên nhau và sống cho nhau. Bao lâu chúng ta còn nhìn tha nhân bằng con mắt nửa sống nửa chết thì cuộc đời vẫn chỉ là chết chóc. Là chiến tranh. Là ngõ cụt của ngày mai.

 ”Kẻ thù ta đâu có phải là người…”

Viết đến đây, tôi chợt nhớ tới một bài hát của Phạm Duy, khá nổi tiếng trong giới sinh viên Việt Nam vào khoảng đầu thập niên 70: 

”Kẻ thù ta đâu có phài là người, giết người đi thì ta ở với ai.

  Kẻ thù ta tên nó là gian dối, kẻ thù ta tên nó là hờn căm,

  tên nó là tị hiềm, tên nó là một lũ ma 

thế thì kẻ thù ta đâu có ở người ngoài, nó nằm đây, nằm ngay ở mỗi ai”

 

Vâng, kẻ thù ta đâu có phải là người, vì trong mỗi người đều đã có căn Thiện – tức căn của tình yêu – mà tình yêu là sự sống, là hòa bình. Chỉ có gian dối, chỉ có ghen tị, chỉ có thù oán mới làm cho người muốn giết người – mà giết người đi thì chúng ta sẽ chỉ là những con người đơn côi, què cụt – què cụt trong trái tim, trong sự phát triển toàn vẹn.

Bởi khi sống là chúng ta phải sống với tha nhân, để làm cho cả tha nhân và ta đều đạt đến tận cùng của hiện hữu mình. Đó là cao điểm của triết lý về tha nhân của Gabriel Marcel (1889-1973).

”Nhân đạo, chính vĩ đại”

Trong một hoàn cảnh đa tạp như thế, người Việt tha hương chúng ta có thể làm gì để góp phần vào việc dựng xây ngôi nhà Việt nam?

Ngày xưa Đức Khổng đã nói rằng, làm chính trị là bổn phận cao quý nhất của con người: ”Nhân đạo, chính vĩ đại” (Lễ Ký, Ai Công vấn, tiết 6). Nhưng phải hiểu thế nào về ”chính trị”?

Từ ”chính trị” (politique) phát sinh từ căn ngữ Hy lạp ”polis” – có nghĩa là thành phố, đô thị. Người Hy Lạp ngày xưa quan niệm rằng, các triết gia là những người đi tìm sự khôn ngoan – ”triết học”, (philosophie), ghép từ hai căn ngữ ”philo” (lòng yêu mến)”sophia” (sự khôn ngoan) – lúc nào cũng tư duy và tra vấn về ý nghĩa cuộc sống, nên phải dùng những tư duy đó để lo cho nhân dân trong thành phố của mình – chẳng những chỉ về phương diện kinh tế, – tức an cư lạc nghiệp, mà còn cả về phương diện tinh thần nữa, – tức học hỏi về khoa học kỹ thuật, cũng như về cuộc sống mai hậu, – tức vấn đề tôn giáo.

 Quan niệm này không khác gì với chủ trương của Đức Khổng. Chính quyền theo cái nhìn của Đức Khổng phải bao gồm những người thông minh, đức độ, hiểu được thiên mệnh, và phải biết tự tu thân để rồi hoàn thiện hóa nhân dân. Tôn chỉ của chính trị là yêu dân và kính dân: ”ái dữ kinh, kỳ chính chi bản dã”. Ngoài ra chính trị gia còn phải biết áp dụng ”lễ, nhac, hình, chính” để đưa dân đến ngũ phúc: sống thọ, thịnh vượng, hạnh phúc, đạo đứcchết an bình theo thiên mệnh.

Từ những chủ trương đó chúng ta hãy quay trở lại nhìn vào thực trạng đất nước chúng ta ngày nay.

Hiện nay đã có rất nhiều hãng xuởng trên thế giới đang đổ tiền vào đầu tư tại Việt Nam, cũng như đã có một số việt kiều trở về nước làm ăn. Đây là một điều rầt tốt đẹp cho đất nước chúng ta về phương diện phát triển kinh tế.

Nhưng ngoài lãnh vực kinh tế, thiết tưởng các chính khách còn phải khai phóng những khía cạnh khác nữa, mà theo thiển ý của tôi, còn quan trọng hơn cả khía cạnh kinh tế nữa. Đó là khía cạnh ”nhân bản”. ”Nhân bản ” được hiểu là sự phát triển con người toàn diện – chẳng những chỉ về phương diện thể lý mà còn cả về phương diện tâm linh nữa – như mọi quyền tự do của con người, tự do suy tư, tự do ngôn luận, tự do chính trị, tự do tôn giáo; biết kính trọng chăm sóc hết mọi người, từ trẻ đến già, dù khỏe mạnh hay ốm đau – chứ không phải chỉ để một tập đoàn lãnh đạo chèn ép, bóc lột toàn dân. Phải chăng đó là nguyện ước của Trịnh Công Sơn ngày xưa từng đã gởi gấm trong ca khúc da vàng ”Đi tìm quê hương”:

”Người nô lệ da vàng, ngủ quên trong căn nhà nhỏ, đèn thắp thì m

 Ngủ quên quên đã bao năm, ngủ quên không thấy quê hương, bao giờ đập tan gông cùm, xiềng xích vô hình trói buộc dân ta, bao giờ đập tan gông cùm, xiềng xích vô hình trói buộc tự do”

Mơ và làm người Quang Trung

Chắc rất nhiều người trong chúng ta không thể nào quên được thằng Chương trong cuốn “Mơ thành người Quang Trung” của Duyên Anh Vũ Mộng Long (16. 08. 1935- 06. 02. 1997) – mà năm 1973, tôi được gặp tại Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt. Duyên Anh là nhà văn của tuổi trẻ Việt Nam với cả trăm tác phẩm mà nổi tiếng nhất là những cuốn “Hoa thiên lý”, Điệu ru nước mắt”, “Luật hè phố”, “Thằng Vũ”, “Bồn Lừa”, “Vết hằn trên lưng ngựa hoang”, Thằng Côn”…

 

Tương lai của một dân tộc luôn luôn nằm trong tay người trẻ. Người trẻ lúc nào cũng đong đầy lý tưởng, nhiều sáng kiến và giàu năng lực và lúc nào cũng hâm nóng tinh thần dân tộc và lòng ái quốc – như thằng Chương mơ thành người Quang Trung.

Tôi kêu mời anh chị em trẻ được sinh ra và lớn lên trong những xã hội tự do dân chủ bên ngoài Việt Nam hãy cố gắng tìm hiểu căn tính Việt của mình. Như cảm ngiệm của tôi mới chia sẻ ở trên – khi sống ở nước ngoài, cho dù có đỗ đạt với những bằng cấp này kia kia nọ, cho dù có thành công trong công ăn việc làm hàng ngày và cho dù tôi có quốc tịch của quốc gia nơi tôi sinh sống, thì tôi vẫn không phải là người Đan Mạch, người Anh, người Pháp… mà tôi vẫn là người Việt máu đỏ da vàng.  Các anh chị hãy đọc những trang lịch sử kiêu hùng của người Việt, với một nền văn hóa đặc thù đã có từ 5000 năm nay, để nhìn ra ý chí bất khuất quật cường của cha ông ta, đã dành lại được độc lập dù từng bị Tàu đô hộ cả ngàn năm. Hãy hãnh diện về nguồn gốc của mình và hãy nhìn gương người Do Thái – dù sinh sống ở đâu chăng nữa, họ vẫn giữ gốc Do Thái của họ và tìm mọi cách giúp đỡ người dân Do Thái đang sống trong nước được tự do hạnh phúc.

Hãy mơ thành người Quang Trung và hãy làm người Quang Trung, để ngày mai đây, niềm tin vào một nền hòa bình chân thật cho quê hương vẫn còn mãi trong tim của những người có tình yêu chân thành. Là anh. Là chị. Là tôi. Là chúng ta.