Quê hương và hòa bình
Nguyễn Trọng Lưu.
Những tháng ngày vừa qua, ở rải rác khắp nơi trên thế giới, nhiều hội đoàn người Việt đã tổ chức những buổi họp mặt đánh dấu 40 năm tha hương của người Việt tỵ nạn và kỷ niệm 60 năm thành lập quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Tại Đan Mạch, ngày 06. 06. 2015 tại Helsingør Teater, Den Gamle By, Aarhus, nhóm TNT-Vietmedia đã tổ chức một buổi văn nghệ hội ngộ ”Nhớ ơn người” (Takket være Danmark) – một dịp gặp gỡ cho các thuyền nhân tị nạn Việt Nam trong 40 năm qua tại Đan Mạch – để nói lên lời cám ơn đến chính phủ và nhân dân Đan Mạch, cũng như xin được một lần nói lên lời cám ơn các cựu chiến sĩ, quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, đã hy sinh thân mình, bảo vệ sông núi và nền tự do, dân chủ.
Từ những nghịch chống …
Sau khi tham dự buổi văn nghệ hội ngộ đó – trong thân phận của một người tỵ nạn đã hơn một phần tư thế kỷ sống lưu lạc nơi đất khách quê người và đã ”bị bó buộc” phải ”chợn nơi này làm quê hương” – tôi muốn ghi lại những ý nghĩ riêng tư của mình về quê hương mà đôi khi có nhiều nghịch chống trong trái tim.
Bởi, tôi không phải là sinh viên được gởi đi du học ở nước ngoài để khi thành tài trở về phục vụ đất nước, mà tôi là ”một thuyền nhân” – một chứng từ sống cho toàn thế giới biết về cái giá của tự do sau ngày 30.04.1975 – đã dám liều mạng sống trên biển khơi, bỏ ”nước” ra đi vì không chấp nhận chế độ cộng sản. Nhưng nhìn theo một góc cạnh khác, tôi lại cảm thấy mình ”hèn nhát” vì đã không ở lại quê nhà để cùng chung vai sát cánh với anh em đồng bào góp phần dựng xây đất nước ngay từ những ngày đầu tiên đầy khó khăn và cam go nhất sau biến cố ”tháng tư đen”.
Bây giờ chắc cũng không còn là lúc ”gởi về cho mẹ dăm miếng trầu cay, gởi về cho em vài ba thước vải, em đi bán để tìm đường vượt biên” hay ”gởi về cho cha vài viên thuốc ngủ, cha ru cuộc đời trong rũ tù chung thân” – mà sau những cái ”petroika” và ”glasnöst”, có lẽ nước Việt ngày nay
cũng không còn là một thứ ”The Gulag Archipelago” – hiểu theo nghĩa đen – như Alexandre Solzhenitsyn đã viết, nhưng đã và đang chuyển mình để đi vào một quỹ đạo mới – mà có chắc chắn là không đắng cay, không tủi nhục hơn ngục tù Gulag hay không?
… đến quê hương và tình cảnh vong thân của khách tha hương
Từ ”đất nước” thường được hiểu là những miền đất có biên giới nhất định của một quốc gia – chẳng hạn khi chúng ta nói ”bảo vệ đất nước”, trong khi từ ”nước” hay ”quốc gia” lại được dùng để nói đến một khoảng đất có biên giới, trong đó có một hay nhiều sắc dân cùng sống dưới một chế độ chính trị nào đó – thí dụ ”nước Việt Nam”. Nhưng khi nói đến ”quê hương” hay ”quê nhà”, là chúng ta nói đến nơi gốc rễ của dòng họ mình ở. Điều đó có nghĩa là ”quê hương” vừa là một nơi chốn được xác định theo quy ước địa lý, mà lại còn được ràng buộc bằng một tình yêu vô hình, linh thiêng của một gia đình, một giòng tộc dưới một mái nhà, trong giao tiếp với hàng xóm láng giềng – mà chúng ta thường gọi bằng một từ rất thân thương, đó là ”nơi chôn nhau cắt rốn”của mình, mà nếu phải ra đi, thì “Lòng quê đi một bước đường một đau ” (Kiều)
Chính vì thế ở trên tôi mới viết là bỏ ”nước” ra đi, chứ không bỏ ”quê hương” và do vậy “đất nước thì xa, nhưng quê hương thật gần”.
Thế nào là tình cảnh vong thân của khách tha hương?
Sống lâu trên đất khách quê người, chúng ta mới cảm nghiệm được cái mà các triết gia gọi là ”vong thân (aliénation). Ý niệm ”vong thân” được hiểu dưới khá nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng ở đây, tôi chỉ muốn nói đến cái ”vong thân” trong tình cảnh của một người tha hương. Đó là một nhận thức về chính mình, khi thấy rằng mình đã trở nên xa lạ với những anh em đồng bào của mình – vì ”tôi là việt kiều”. Khi sống ở nước ngoài, cho dù có đỗ đạt với những bằng cấp này kia kia nọ, cho dù có thành công trong công ăn việc làm hàng ngày và cho dù tôi có quốc tịch của quốc gia nơi tôi sinh sống, thì tôi vẫn không phải là người Đan Mạch, người Anh, người Pháp… mà tôi vẫn là người Việt – ấy thế mà khi trở về với đất nước, tôi lại là một người Việt khác với những người Việt trong nước.
Các nhà tâm lý học lại nhận thấy nơi những người tỵ nạn ai cũng mang một căn bệnh trong người, gọi là ”trauma”. ”Trauma” là một hiện trạng tâm lý làm cho khách tha hương lúc nào cũng cảm thấy ngay từ thẳm sâu trong tiềm thức của mình lúc nào cũng có một cái gì đó luôn ray rứt, luôn khắc khoải, đẩy đưa mình đi vào thế giới của một tình yêu linh thiêng đặc thù, không thể tìm thấy nơi đất lạ người ta – chẳng thế nào có thể chữa trị, mà cũng chẳng ai có thể hiểu nổi được, ngoài những người đồng hương sống trong cùng một hoàn cảnh như mình:
”Một người ngồi hai mươi năm,
cuộc buồn vui ly rượu đắng
Người Việt nào da không vàng,
Mẹ Việt nào nhớ xác con”
Đó cũng chính là ý nghĩa của từ ”nostalgie” – tạm dịch là “nhớ nhà” – do từ căn ngữ Hy-lạp ”notos” (trở về) và ”algos” (bệnh). Người tha hương lúc nào cũng cảm thấy xa lạ với ngoại giới, và sâu ẩn trong tiềm thức lúc nào cũng nào cũng có một tình cảm nhớ thương đòi buộc trở về với ”quê nhà”. ”Nhà” không phải là một thực tại khách quan vô ngã, nhưng thiết yếu gắn liền với những dự phóng của con người. ”Nhà” là một không gian yêu thương làm cho chúng ta an tâm, hạnh phúc – vì ”nhà” vừa là chỗ trú ẩn che chở cho con người khỏi những đe dọa từ bên ngoài, mà ”nhà” lại còn là một tổ ấm nơi chúng ta đựoc sinh ra và lớn lên trong tình mẹ cha và tình anh em ruột thịt. Hoài niệm về ”quê nhà” vừa mang lại cho chúng ta hạnh phúc – vì gợi lại cho chúng ta mọi kỷ niệm êm đềm sung sướng đầu tiên trong đời, nhưng lại trộn lẫn với đau thương vì thời ấu thơ đó đã qua không bao giờ lấy lại được:
”Chiều chiều ra đúng ngõ sau,
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều”
Quê hương ta đã có ”hòa bình” chưa?
Để trả lời cho tra vấn đó, có lẽ chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa của ”hòa bình”. Mà chắc cũng không thể nào hiểu được ”hòa bình” nếu không nói đến ”chiến tranh” – mà đó lại là hai hai ý niện hoàn toàn nghịch chống.
Từ chiến tranh …
Tôi được sinh ra và lớn lên trong chiến tranh tại quê nhà – và sau hiệp định Genève năm 1954 – ngay từ lúc còn bé xíu đã được cha mẹ đưa di cư vào miền nam tìm tự do. Thế mà mãi cho đến nay, cho dù tuổi đời đã qua thanh xuân, tôi vẫn không thể hiểu được thế nào là ”chiến tranh”. Bởi khi nói đến chiến tranh là phải nói đến tuyên truyền và bạo động, mà cả hai đều chỉ muốn giản lược con người thành những công cụ phục vụ cho một quyền lực hay một ý thức hệ nào đó – như chúng ta đã thấy quá rõ trong cuộc chiến của miền bắc xâm chiếm miền nam – hay như Sergeï Stepanovich Tchakhotine (1883-1973) đã lột trần trong cuốn ”Le viol des foules par la propaganda politique” (Paris, Nrf., Gallimard 1939)
Ấy là chưa kể đến những người kiếm tiền tỷ bằng cách chế tạo và buôn bán bán vũ khí cho người giết chết người.
Ở đây tôi không bàn đến nguyên nhân của chiến tranh, mà chỉ nói đến hậu quả của chiến tranh mà thôi.
Hình ảnh của chiến tranh đã in sâu vào đầu óc tôi là hình ảnh của chết chóc, của súng đạn, của những đêm kinh hoàng sợ hãi phải nằm dưới hầm trú ẩn để tránh những vụ oanh tạc hay pháo kích bất ngờ xảy đến. Những đau thương của cuộc tổng công kích tết mậu thân 1968, những kinh hãi của mùa hè đỏ lửa 1972 và những tao loạn của cuộc di tản năm 1975 vẫn không thể nào xóa khỏi ký ức của tôi. Chiến tranh chỉ làm cho tôi liên tưởng đến hận thù, chết chóc, ly tán, tàn phá: nào là cảnh đớn đau của người vợ hiền ôm con trông chồng đi chinh chiến miền xa, để rồi cuối cùng đã biến thành tượng đá trong ”hòn vọng phu”, cảnh những vành tang trắng cuốn trên đầu những trẻ em vô tội, hoặc hình ảnh của người thương binh què cụt lê thê sống cuộc đời vô vọng, hay cái tang thương của cảnh người chết hai lần như Trịnh Công Sơn đã viết thành nhạc:
”Một ngày mùa đông, hai bên là đồng,
Một chiếc xe tang, trái mìn nổ chậm,
Người chết hai lần, thịt da nát tan”
Nhưng ngoài cái thê thảm của chết chóc vì đạn bom, còn có một cái bi đát xoáy vào tận tâm lòng của con người, mà theo tôi, nó còn ghê sợ hơn cả bom đạn nữa – đó là cái thảm trạng tâm lý, làm cho con người lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, không còn chút hy vọng cho tương lai, mà kết cục là đi đến chỗ đánh mất niềm tin. Ngày mai của chiến tranh là vô vọng, là ngõ cụt, là buông xuôi, là đánh mất nìềm tin vào chính mình và niềm tin vào người khác.
… đến ”hòa bình giả” và ”hòa bình thật”
Nhưng có phải khi không còn đạn bom trút xuống trên mảnh đất quê hương là người ta có hòa bình thực sự không?
Không hẳn là như thế. Tại quê hương chúng ta, sau ngày 30. 04. 1975, khi bom đạn đã tạm ngưng, thì chúng ta có cái gọi là ”hòa- bình-dưới-chế-độ-cộng-sản”, đã làm cho hàng trệu người – dám liều đánh đổi cả mạng sống với sóng biển mênh mông, bất chấp cả nguy cơ của hải tặc, để ra đi vượt biên, vì thấy rằng ”cái-hòa- bình-dưới-chế-độ-cộng-sản” chỉ là thứ hòa bình giả dối, thứ hòa bình ngoài miệng để che đậy cái dã tâm cướp mất tự do, không muốn tôn trọng nhân phẩm con người của một tập đoàn nhân danh một thứ ảo vọng để thống trị con dân bằng bạo lực, bằng tham nhũng, bằng bất công.
(xem tiếp phần hai)