Cũng như bao Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam khác tại Đan Mạch nói riêng và trên thế giới nói chung, Cộng Đoàn Công Giáo VN tại Odense được hình thành bởi những người tị nạn cộng sản, hay còn được gọi bằng một cái tên thân thương khác ” Thuyền Nhân ” Những người đã phải gạt lệ bỏ lại quê hương gia đình, để ra đi trên những chiếc thuyền mỏng manh với bao gian truân hiểm nguy trên đại dương, để mong tìm được bến tự do với một tương lai tươi sáng hơn, vì họ không thể tiếp tục sống dưới chế độ hà khắc từ phương bắc sau biến cố 1975. Họ đến từ nhiều tỉnh thành ở miền Nam với những văn hóa vùng miền khác nhau, và như một đàn chiên lạc bầy bơ vơ ở một đồng cỏ xa lạ, tất cả đều khác biệt, từ ngôn ngữ, văn hóa, khí hậu đến ẩm thực, nhưng may thay họ lại có một điểm chung, đó là đức tin vào Thiên Chúa và cũng từ đây đã đưa mọi người gắn kết với nhau thành một đại gia đình.

Những người Việt Công Giáo đầu tiên đến Odense vào những tháng cuối của năm 1980, trong cái giá lạnh của thời tiết chuẩn bị vào đông, với con số rất khiêm nhường là 26 người, nhưng qua các năm kế tiếp con số đó đã được tăng lên đáng kể bởi những tốp người định cư mới đến. Vào thủa ban đầu, đa số người tị nạn Việt Nam khi đến Odense đều sống tập trung ở hội đồng tị nạn tại Bullerup Skovgård, nên ai cũng quen biết nhau, người đến trước giúp kẻ đến sau, trong một tinh thần cởi mở yêu thương, hầu để xoa vơi đi nỗi buồn nhớ nhà, nơi mà chẳng còn có ai nghĩ sẽ được trở về, để thăm nơi mình sinh ra và những người thân thương một lần nữa. Vì lúc đó trong thâm tâm người Việt tị nạn, quê hương giờ đã là một nơi nào đó rất xa và chỉ còn nằm trong ký ức của mỗi người. Như trong lời bài ca Một Lần Đi của Nguyệt Ánh.

 

Sài Gòn ơi, ta có ngờ đâu rằng

Một lần đi là một lần vĩnh biệt

Một lần đi là mất lối quay về

Một lần đi là mãi mãi thương đau.

Người tình ơi, ta có ngờ đâu rằng

Một lần đi là nghìn trùng cách biệt

Một lần đi là muôn kiếp u sầu

Một lần đi là vĩnh viễn xa nhau.

Mục đích của việc sống tập chung ở hội đồng tị nạn là để mọi người học tiếng Đan, và làm quen với đời sống mới, để có những kỹ năng nhất định cho cuộc sống mai sau. Phải nói hội đồng tị nạn Đan Mạch lúc đó rất tốt và chu đáo, họ lo cho những người Việt mình từ miếng ăn đến những dụng cụ nhà bếp, quần áo mùa đông, y tế và nha khoa. Sáng sớm có xe buýt đến đón mọi người đi học, chiều chở về, thỉnh thoảng cuối tuần có xe đến chở đi du ngoạn đó đây.

Còn với người Công Giáo việc tối ưu phải làm, là lo tìm ra nhà thờ để đi lễ, và đó cũng là một thử thách khá lớn với họ, vì ngôn ngữ thì chẳng biết đến một câu, còn đường xá thì lại càng mù tịt. Tuy nhà thờ tại đây khá nhiều, nhưng đa số lại toàn là nhà thờ của Hội Thánh Tin Lành, cách để nhận diện nhà thờ Công Giáo của các vị khai sáng nhà mình lúc bấy giờ, là phải tìm sao ra được nhà thờ nào có hình Đức Mẹ. Cũng như 3 vị đạo sĩ từ phương đông năm xưa, đã được Chúa Thánh Thần soi sáng để đến kính bái Ngôi Hai Thiên Chúa tại hang đá Bêlem. Cuối cùng những con chiên mộ đạo nhà mình cũng đã tìm ra ngôi Thánh Đường cổ kính mang tên Skt.Albani, nằm ở giữa phố và rất tiện lợi di chuyển bằng xe buýt.

Sau một thời gian dài miệt mài học sinh ngữ, và cũng dần quen với xã hội, người Việt bắt đầu được hội đồng tị nạn cho ra ở riêng, để sớm hội nhập vào cuộc sống mới, đa số được cấp nhà tại khu Vollsmose và Åsumvej. Mỗi sáng Chúa Nhật trên tuyến đường này hầu như ở trạm xe buýt nào, cũng có người Việt Công Giáo đứng đón xe để đi lễ, và điều đầu tiên khi bước lên xe là ai cũng nở nụ cười trên môi để chào nhau, sau đó là sáp vào ríu rít nói chuyện như những chú chim Sẻ ban mai, làm cho chuyến xe thêm phần rộn ràng tiếng cười. Còn trong Thánh Lễ thì chẳng ai hiểu cha đọc gì, nhưng cũng may là đạo Công Giáo có tính chất thống nhất toàn cầu, nên mọi nghi thức đều giống nhau, vì thế người Việt cũng dễ hòa mình vào Thánh Lễ. Những người lớn tuổi thì thầm đọc các kinh và câu thưa bằng tiếng Việt, còn giới trẻ bắt đầu mang sách hát ra, để tìm những câu đáp lễ bằng tiếng Đan. Sau Thánh Lễ mọi người thường tựu lại nói chuyện hỏi han nhau về công việc và rủ nhau về nhà ăn chung, có thể nói việc đi lễ lúc mới qua của mọi người là một niềm vui, trước là để làm tròn bổn phận sống đạo của một tín hữu, sau là dịp họ được gặp lại nhau sau một tuần đi làm vất vả. Trong những năm đầu, đời sống của người Việt tị nạn thiếu thốn về mọi mặt, từ ngôn ngữ, thực phẩm, giải trí đến kinh nghiệm về cuộc sống tại xứ người…

 

Vào năm 1981 khi đó số người Công Giáo Việt Nam ở Odense lên khoảng 60 người, và vào một ngày đẹp trời kia trong hội đồng tị nạn ở Bullerup, bỗng nhiên xôn xao hẳn lên bởi sự xuất hiện một vị khách đặc biệt ,vị khách đó giới thiệu mình là linh mục Trần văn Bảo đến từ Thụy Sĩ, và trong tương lai ngài sẽ qua Đan Mạch làm mục vụ để giúp đỡ người Việt Công Giáo, thế là như cá gặp nước mọi người vây quanh cha để hỏi thăm nói chuyện. Và cũng từ đây nhờ được sự hướng dẫn- giúp đỡ của Ngài và cha Haus chánh xứ Skt. Albani, cộng đoàn người Việt Công Giáo tại Odense bắt đầu có những sinh hoạt phụng vụ riêng do ông Phạm Văn Bình tạm thời đảm nhận, và chính thức có ban đại diện đầu tiên do ông Đinh Văn Toan làm trưởng ban vào niên khóa 1982 -1986, nhờ vậy các lớp giáo lý, cũng như ca đoàn Odense, tiền thân của ca đoàn Thánh Linh ngày nay do anh Nguyễn Hải Trường dẫn dắt, bắt đầu được thành lập. Thời đó vì thiếu linh mục Việt Nam, thỉnh thoảng mới có Thánh Lễ tiếng Việt do hai cha cố tuyên úy Giuse Chu Huy Châu và Marie Bảo Tịnh Trần Văn Bảo đến cử hành, nên sinh hoạt Cộng Đoàn không được xum tụ như ngày nay, nhưng mỗi khi có, thì nhà nào cũng sốt sáng đi lễ đầy đủ, và thường sau đó là có buổi tiệc trà trong phòng hội nhà xứ.

Có một sự kiện trọng đại mà có lẽ rất ít người biết hoặc nhớ đến, đó là Lễ Mừng Các Chân Phước Tử Đạo Việt Nam đầu tiên tại Đan Mạch (sau này là Lễ Mừng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam) được tổ chức tại khuân viên tu viện Dalum/Odense vào ngày 27.08.1983 do cha cố Marie Bảo Tịnh Trần Văn Bảo và cha cố Giuse Nguyễn Huy Châu chủ trì với sự góp mặt của hầu hết các Cộng Đoàn khác. Có lẽ đây là niềm tự hào và món quà tinh thần lớn nhất mà Thiên Chúa đã ban cho Cộng Đoàn chúng ta.

 

Năm 1998 cộng đoàn hân hoan chào đón cha Gioan Bosco Phạm Minh Thiện đến làm việc trên cương vị quản nhiệm, cha sống và làm mục vụ tại đây đến năm 2005 thì Ngài trở về Mỹ.

Theo dòng thời gian số giáo dân Việt tại Odense tăng lên khá mạnh mẽ cho đến ngày nay, từ con số 26 ban đầu giờ đã lên 600 người, và là một trong 3 Cộng Đoàn lớn tại Đan Mạch này, nên công việc phụng vụ cũng vì vậy mà bận rộn hơn, ngoài các ngày lễ lớn trong năm như lễ mừng Giáng Sinh, lễ Quan Thầy, Lễ Tết cổ truyền, phụng vụ Mùa Chay với các buổi tĩnh tâm, chầu Tuần Thánh, chúng ta còn tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ ba vị có công với đạo và đời đó là cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, cố tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu, ngoài ra cộng đoàn cũng rất tích cực tham gia vào các công việc chung của Giáo Xứ cũng như của Cộng Đồng. Các lớp giáo lý, lớp đào tạo các em giúp lễ vẫn sinh hoạt đều đặn, do các chị giáo lý viên âm thầm đóng góp.

Có một nỗi ưu tư mà ai trong chúng ta cũng đều quan tâm, đó là đa số giới trẻ ngày nay không còn thiết tha với đời sống đạo nữa, chúng xem việc giữ các giáo luật là một gánh nặng, và rất ít đi lễ hằng tuần hoặc tham gia vào các sinh hoạt chung của Cộng Đoàn, thiết nghĩ đây là nhiệm vụ chung của mọi gia đình, cũng như của những người đang làm việc trong Cộng Đoàn, để đưa ra kế sách hầu tạo nên được những thế hệ nối tiếp, để Cộng Đoàn ngày càng thêm vững trãi và phát triển.

 

Cộng Đoàn chính thức chọn 3 Thánh Tử Đạo Việt Nam :

Đạo trưởng Giacôbê Đỗ Mai Năm.

Ông trùm Antôn Nguyễn Tiến Đích.

Ông lý trưởng/giáo dân Micae Nguyễn Huy Mỹ.

làm quan thầy vào năm 1983, và được mừng kính vào ngày 12 tháng 8 hàng năm. Về sinh hoạt hội đoàn của Cộng Đoàn Odense đã và đang có các đoàn thể sau:

Hội Đạo Binh Đức Mẹ.

Hội Tâm Hồn Nhỏ.

Phong Trào Focolare.

Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân.

Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang.

 

Có thể nói sự may mắn và hạnh phúc nhất của Cộng Đoàn Odense, là Chúa Nhật mỗi tuần đều có Thánh Lễ tiếng Việt vào lúc 8.30h do cha tuyên úy Phêrô Nguyễn Ngọc Tuyến phụ trách, Cha đã miệt mài cống hiến cho Cộng Đoàn Odense từ rất sớm vào khoảng năm 1992 đến nay, và bị gián đoạn trong thời gian cha Gioan Bosco Phạm Minh Thiện làm quản nhiệm tại đây. Ngài đã không quản ngại thời tiết và đường xá xa xôi, từ nhiều nơi khác nhau đến Odense dâng lễ, làm cho cuộc sống đạo của mọi người trong Cộng Đoàn được dễ dàng và tốt lành hơn. Chúng con xin cảm tạ Chúa vì hồng ân này, và chúc mừng 30 năm ( 1992-2022) làm linh mục của Cha, cầu xin cho Cha luôn được hồn an xác mạnh và thêm thật nhiều ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần trên con đường Mục Tử của mình.

Nói đến phần phụng vụ, chúng ta cũng không thể quên tầm quan trọng của Thánh Ca, đó là liều thuốc tinh thần rất bổ ích trong các Thánh Lễ, thật không sai khi thánh Augustino ngày xưa đã nói ” Hát bằng 2 lần cầu nguyện” và niềm diễm phúc cho cộng đoàn chúng ta là có tới 2 ca đoàn, và ca đoàn nào hát cũng đều hay, các ca viên đã hát bằng cả trái tim của mình để dâng lên Thiên Chúa, và cũng nhờ vậy làm cho Thánh Lễ thêm phần long trọng và đưa tâm hồn mọi tín hữu đến gần Thiên Chúa hơn. Để được nghe những bài Thánh Ca đó trong các Thánh Lễ, chúng ta cũng phải nói lời cảm ơn đến các ca viên, những người đã hy sinh rất nhiều thời gian quí báu của mình, để cống hiến cho Cộng Đoàn Dân Chúa.

 

Tiện đây xin có vài dòng nói về 2 ca đoàn của cộng đoàn Odense. Mỗi ca đoàn có một nét đẹp và sinh hoạt riêng.

Thánh Linh là ca đoàn chủ lực của Cộng Đoàn hiện do anh Đinh Tân Lịch dẫn dắt, đã được thành lập vào năm 1983, họ gồm những gương mặt trẻ với số lượng hùng hậu, nói là trẻ chứ độ tuổi trung bình bây giờ cũng đã trên 50, những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình để ca tụng Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Họ luôn có mặt trong mọi sinh hoạt, là thành phần nòng cốt của các chương trình văn nghệ và là khuân mặt đại diện cho Cộng Đoàn khi có các sự kiện chung của Cộng Đồng.

Còn Hội Ca Nguyện do ông Trần Văn Trí làm ca trưởng, được hình thành vào năm 2011, bởi sự kết hợp hoàn hảo giữa Hội Học Hỏi Lời Chúa do ông Ngô Văn Thông làm trưởng với nhóm ca viên của ông Trần Văn Trí, hội được thành lập với mục đích trợ giúp ca đoàn Thánh Linh trong công việc phụng vụ Thánh Ca cũng như để các thành viên gặp mặt sinh hoạt vào dịp cuối tuần. Các thành viên của Hội Ca Nguyện đa số là những vị lớn tuổi, họ đóng góp rất nhiều trong công việc chung và luôn là những người đi tiên phong ở các buổi cầu kinh, khi trong Cộng Đoàn có người ra đi, và cũng hát lễ đều đặn trong các Thánh Lễ tiếng Việt. Hiện nay vì tuổi già sức yếu nên có một vài cụ đã nghỉ sinh hoạt, nhưng may thay Ca Nguyện đang có các thế hệ trẻ tiếp nối bước chân của thế hệ cha anh.

Chúng ta cũng không quên dâng nén hương và cầu nguyện cho các linh hồn trong Cộng Đoàn đã được về với Chúa. Cũng như cảm tạ và biết ơn đến những người đã và đang ra sức cống hiến cho Cộng Đoàn, để nước Trời trên thế gian này tốt đẹp hơn.

Các ban điều hành cộng đoàn trải dài trong 40 năm qua do các ông trưởng ban phụ trách:

Đinh Văn Toan 1983-1986

Nguyễn Văn Tại 1987-1990

Nguyễn Văn Thiện 1991-1994

Trương Cao Chánh 1995-1998

Ngô Văn Thông 1990-2001

Đinh Hoàng Bảo Quốc 2002-2004

Ngô Văn Thông 2005-2006

Trần Văn Trí 2006-2009

Hoàng Văn Minh 2010-2020

Trần Độc Lập 2021-2024

Sốgiáo hữu trong Cộng Đoàn hiện tại gồm khoảng 600 người.

40 năm là quãng thời gian dài so với đời một con người, nhưng khi đem so với chiều dài lịch sử của Giáo Hội thì nó chẳng thấm vào đâu, tuy nhiên đối với những tín hữu tha hương Việt Nam, thì đây quả là một cuộc hành trì dài và đầy thử thách, nếu còn ở quê nhà thì chúng ta chỉ là những người thừa kế nếp sống đạo có sẵn của bao thế hệ trước để lại. Nhưng khi qua đây hầu như tất cả mọi sự đều mới mẻ xa lạ, từ khí hậu đến ngôn ngữ và văn hóa chúng ta đều phải học và làm quen từ đầu, có nhiều người chưa khi nào giữ trọng trách trong xứ đạo, chưa có kinh nghiệm để dẫn dắt một tập thể, giờ bỗng dưng phải vác nặng việc nhà chung trên vai và nó không hề đơn giản chút nào. Trên chặng đường 40 năm sống đạo trên đất khách quê người, dĩ nhiên Cộng Đoàn chúng ta cũng không thể tránh khỏi những lúc thăng trầm, vui có và buồn thì cũng không thiếu. Nhưng với niềm tin vào Thiên Chúa và được sự quan phòng của Ngài, mọi sự khó khăn và thử thách, chúng ta cũng đã vượt qua.

Xin Thiên Chúa hợp nhất chúng con trong tình yêu của Ngài, để mọi người cùng mến thương nhau, và ban cho Cộng Đoàn chúng con nhiều ơn lành, nghị lực và đoàn kết , để chúng con tiếp tục nắm tay nhau trong cuộc hành trình sống đạo nơi trần thế này.

QUÝ VỊ CÓ THỂ XEM THÊM HÌNH ẢNH NGÀY KỶ NIỆM 40 NĂM THÀNH LẬP CỘNG ĐOÀN ODENSE DƯỚI ĐƯỜNG LINK:

https://photos.app.goo.gl/Nh4LCNiEddTEQjgH8