Nguyễn Trọng Lưu

 

 

Chúng tôi mượn tựa đề bài hát “Người di tản buồn” của nhạc sĩ Nam Lộc làm khởi điểm cho một vài tìm hiểu của chúng tôi về vấn đề di dân, mà chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã rất lưu tâm – khi Ngài muốn thêm ba lời cầu mới vào ”Kinh cầu Loreto – Kinh cầu Đức Bà” – trong đó có lời cầu ” Đức Bà nâng đỡ người di cư – Solacium migrantium”.

Khái niệm ”di cư, tản cư và tỵ nạn”

Hiện tượng di dân là dời, là chuyển dân cư từ nơi này đến lập nghiệp tai nơi khác – có thể là từ vùng này qua vùng khác, từ nông thôn ra thành thị hay trong trường hợp từ nước này qua nước khác. Những cá nhân tham gia vào việc di chuyển này được gọi là dân di cư. Trong chiến tranh hay khi xảy ra thiên tai, việc người dân thay đổi chỗ ở đến nơi an toàn hơn được gọi là dân tản cư. Và thường khi hết chến tranh hoặc thiên tai, dân chúng lại trở về chỗ ở cũ. Còn trong trường hợp phải chạy trốn ra một xứ sở khác để thoát cảnh hiểm nguy, ngược đãi hoặc bắt bớ bởi một quyền lực ở địa phương cư ngụ thường được gọi là dân tỵ nạn.

Di cư, tản cư và tỵ nạn trong Kinh Thánh

Trong Cựu Ước, có rất nhiều trình thuật về việc di cư, tản cư và tỵ nạn – hoặc tự nguyện, hoặc bị ép buộc do nhiều lý do khác nhau.

Được Đức Chúa kêu gọi, Abraham rời quê hương ở miền Ur để đến đất Canaan. Một nạn đói xảy ra khiến Abraham phải bỏ nơi ở mới này để đến Ai Cập. Sau này, Abraham mới có điều kiện quay lại miền đất hứa và sống một cuộc đời bán du mục. Trong nhiều năm, Giacóp cũng phải trải qua cảnh phải tháo chạy để tránh tai họa. Yuse bị bán đi làm nô lệ ở xứ Ai Cập và cuối cùng, ông lại là người cứu chính gia đình mình và cứu dân Israel khỏi Ai Cập. Môisê cũng đã sống như một người tị nạn ở vùng đất Midian trong nhiều thập kỷ trước khi trở về Ai Cập. Trong suốt quãng đời còn lại, Môisê đã dành trọn vẹn để phục vụ một đoàn dân di cư. Và nhờ đó, sau nhiều thế kỷ sống trong cảnh nô lệ, lao động cưỡng bức ở Ai Cập, dân Israel đã gói ghém hành lý và di cư trong bốn mươi năm, lang thang qua vùng sa mạc hoang dã trước khi họ trở về miền đất đã được hứa ban cho tổ tiên của họ. Hai vợ chồng ElimelechNaomi và các con trai của họ đã phải rời khỏi vùng đất của Israel và tìm nơi ẩn náu ở Môáp do nạn đói. Bà Ruth, được liệt kê trong số tổ tiên của vua Đavít và của Chúa Yêsu (Mt 1, 5), đã di cư với mẹ chồng là bà Naomi đến với đất Israel và phải hội nhập vào một môi trường xa lạ.

Lịch sử thăng trầm của dân Israel đã có biết bao phân tán và lưu đầy, tản mác khắp nơi. Họ đã trải qua những tháng ngày tăm tối của thời gian sống nơi đất khách quê người và phải đối mặt với nhiều hoàn cảnh áp bức khắc nghiệt. Nhưng chính trong những cuộc lưu đầy ở Babylon mà người Do Thái đã tạo ra những hội đường – là nơi nuôi dưỡng đức tin cho họ qua nhiều thế kỷ đau thương khi mà Đền Thánh cũng như Đất Hứa đã không còn. Sách ngôn sứ Ezekiel, có nguồn gốc trong thời lưu đày, đã phản ảnh kinh nghiệm này, góp phần quan trọng về mặt thần học đối với cuộc lưu đày và việc trở lại đất hứa.

Tuy vậy, trong Cựu Ước, có một quan điểm cho rằng: phải rời bỏ quê hương mà ra đi là một điều gì đó giống như sự trừng phạt, một điều không ai muốn nó xảy ra. Bởi vậy, việc di cư thường được trình bày dưới lăng kính không mấy sáng sủa.

Câu chuyện về vườn địa đàng Êđen và sự sa ngã của nhân loại khép lại bằng việc trục xuất Ađam và Evà ra khỏi sự hiện diện của Thiên Chúa. Cain vì đã giết anh trai mình nên bị kết án, và trở thành một kẻ chạy trốn và lang thang trên khắp cùng cõi đất. Bằng việc khiến cho ngôn ngữ bất đồng ở tháp Babel, Thiên Chúa đã phân tán nhân loại về tám phương tứ hướng. Sống trong cảnh xa quê nào đâu phải dễ dàng gì. Cái nghèo, sự mất địa vị xã hội và những những bất lợi vẫn rình rập, đeo bám không ít người; tuy đôi khi những ngoại lệ, chẳng hạn như trường hợp của Đaniel ở Babylon hoặc ở hoặc Ba Tư.

Đến thời Tân Ước, thánh Yoan tẩy giả rời bỏ quê hương để và đến vùng hoang địa Yudea và sau đó Ngài giảng dạy và làm phép rửa bên bờ sông Yordan (Lc.1, 39). Cuộc kiểm tra dân số dưới triều hoàng đế Augustus dẫn đến việc Đức Yêsu không được sinh ra tại quê nhà Nazareth, nhưng phải ở Bethlehem, trong một máng cỏ (Lc.2, 1-7). Sau đó, gia đình thánh gia phải trốn chạy sang Ai Cập và sống ở đó một thời gian như những người tị nạn (Mt.2, 13-15) trước khi trở về ngụ cư ở Galilê. Chúa Yêsu cũng đã từ giã gia đình để bắt đầu hành trình loan báo Tin Mừng trước hết ở Galilê, khắp miền Yuđêa và cuối cùng là ở Yêrusalem.

Vâng theo lời kêu gọi của Chúa Yêsu, nhóm 12 đã tự nguyện rời bỏ gia đình, nhà cửa và sự nghiệp của họ ở Galilê để theo Chúa Yêsu. Họ đã trở nên mẫu gương của “môn đệ – người di dân”, noi theo Thầy của họ, rảo khắp các vùng đất để loan báo Tin vui cho người nghèo, như chính Chúa đã nói: “Con cáo có hang, và chim trời có tổ; nhưng Con Người không có chỗ nào để gối đầu” (Lc. 9, 57-62).
 

Sách Công vụ các Tông đồ có rất nhiều câu chuyện về di dân. Các lá thư mục vụ của Thánh Phaolô cũng kể về những cuộc hành trình đây đó của Phaolô và những người cộng tác vào việc loan báo Tin Mừng. Thư thứ nhất của Thánh Phêrô gọi các Kitô hữu là những người khách ở vùng đất lạ và là kẻ lữ hành (2, 11) mặc dù họ vẫn tiếp tục sống ở nơi quê hương xứ sở của họ. Mất đi địa vị trong xã hội và bị thế gian xa lánh, nhưng bù lại, các Kitô hữu được mời gọi tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô mà ra đi loan báo Tin Mừng bằng lời nói và việc làm. Sách Khải Huyền – trình bày về thời cánh chung được viết trong lúc chính tác giả của nó bị lưu đày trên đảo Patmos (Kh.1, 9).

 

Lòng hiếu khách

Chính trong những cảm nghiệm về bối cảnh sống của người di dân cư mà Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo Hội luôn kêu gọi thực thi lòng hiếu khách đối với người di dân – bởi Thiên Chúa hiện diện nơi những người khách lạ.

 

Trong Cựu Ước

Sách Sáng Thế kể lại chuyện Abrham tiếp đón ba vị khách lạ (St. 18, 1-5) là sứ giả của Đức Chúa. Moisê chạy trốn vào hoang địa sau khi giết chết một người Ai-câp để cứu một người Do-Thái bị người Ai-cập và luôn là khách lạ nơi đất khách quê người. Người Do Thái đã kinh nghiệm bị kỳ thị và bóc lột bên Ai Cập và từ đó họ nhận ra bổn phận hiếu khách và tôn trọng khách lạ (Xh. 23, 9-12; 48-49). Ngôn sứ Elia là khách lạ trong đất Sidon đã được bà góa Sarepta đón tiếp và cung cấp lương thực

Trong Tân Ước

Lòng hiếu khách được ngầm chứa trong “điều răn mới”: mến Chúa và yêu người – hai chiều kích của một tình yêu duy nhất, phát xuất từ việc nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi tha nhân. Trình thuật Bêtania (Lc.10, 38-42) đã ghi lại việc đón tiếp phục vụ Đức Yêsu là một khách lạ. Dụ ngôn đứa con hoang đàng (Lc.15, 20-32): đứa con trở về trong tư cách khách lạ nghèo hèn đã chiếm được chỗ ưu ái trong cõi lòng người cha già.Các môn đệ Đức Yêsu cũng được sai tới các làng mạc Israel (Lc.10, 8-12, 16) ở lại trong nhà những người tiếp đón họ. Việc phán xét ngày sau hết đề cập rất cụ thể đến lòng hiếu khách, đón tiếp tha nhân.

Cũng trong tâm tình này Giáo Hội cũng khẳng định rằng di dân là những người quan trọng trong cuộc đối thoại đại kết liên tôn – vốn có trong sứ vụ Tin Mừng hóa của mình.

Giáo Hội của Đức Yêsu Kitô là “công giáo” vì Giáo Hội có thể gìn giữ chiều kích phổ quát của mình, và mở rộng tới tất cả mọi người trên thế giới. Một cộng đoàn huynh đệ của những người dân địa phương và di dân, với những ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống khác nhau, là một bằng chứng cụ thể của sự hiệp thông. Mà ở đó chúng ta tìm thấy sự phong phú trong đa dạng. Là một ngoại kiều, người ấy sẽ là một điều gì sống động nhắc nhớ về Giáo Hội địa phương cho tất cả các thành phần của mình, là thuộc về tính công giáo đặc trưng. Cơ cấu mục vụ mà người ấy phục vụ sẽ là một dấu hiệu, mặc dù có thể nghèo nàn, nhưng lại thuộc về một Giáo Hội đặc thù thực tế đã đi vào một con đường hiệp thông phổ quát, với sự tôn trọng những đa dạng hợp pháp.

”Di dân cống hiến cho các Giáo Hội địa phương dịp thuận tiện để xác minh tính công giáo của mình, không những bao gồm việc mở rộng tiếp đón các nhóm sắc dân khác nhau, nhưng trên hết hệ tại việc xây dựng hiệp thông với họ và giữa họ với nhau. Sự đa diện về sắc dân và văn hóa trong Giáo hội  không chỉ là một điều cần phải chấp nhận vì tính tạm thời của chúng, nhưng là thuộc diện cơ cấu . Sự hiệp nhất trong Hội Thánh không lệ thuộc vào việc có cùng nguồn gốc hay ngôn ngữ mà là do Thánh Thần ngày Hiện Xuống, đấng qui tụ các người nam nữ thuộc mọi quốc gia và ngôn ngữ khác nhau thành một dân duy nhất, ban cho mỗi người  niềm tin vào cùng một Chúa và kêu họ tới cùng một niềm hy vọng. ” (Đức Yoan Phaolo II, Thông Điệp Ngày Thế Giới Di Dân năm 1988).

“… Con mắt đức tin cần đọc hiện tượng di dân trong ánh sáng kế hoạch của Thiên Chúa – đó là mang đến sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại. Giáo Hội cần phải dấn thân cho di dân như một lời chứng cho thấy Giáo Hội tham dự vào sứ vụ của Ba Ngôi Thiên Chúa, sứ vụ kêu gọi mọi người vào một gia đình, một cộng đoàn nhân loại, tất cả nhân loại lộng lẫy trong sự đa dạng và hợp nhất trong/qua sự đa dạng này…” (William La Rouse, “Go…and make disciples of All Nations”: Migration and Mission”, in Faith On The Move: Toward A Theology of Migration In Asia. Eds. Fabio Baggio and Agnes M. Brazal. Quezon City: Ateneo de Manila University Press. 2008.)

Là những nhân tố của sứ vụ loan báo Tin Mừng và là những người kiến tạo “sự hiệp thông trong đa dạng”, những di dân trở thành những cộng tác viên trong việc thể hiện vương quốc hoàn vũ.

 “ … Tất cả những ai có chức vụ trong Giáo Hội, cho dầu là dòng hay triều, cần tập cho có thói quen, tùy theo thu nhập cho phép, hiếu khách cách rộng lượng và ân cần, điều hằng được các đức Thánh Cha kêu mời. Hãy nhớ rằng ai thực thi lòng hiếu khách là tiếp nhận chính đức Ki-tô nơi người khách lạ “(Công Đồng Trentô)

Kết thúc

 Bản thân chúng tôi, ngay từ khi 2 tuổi, đã được cha mẹ đem di cư từ bắc vào Nam. Năm 1979, chúng tôi lại vượt biển rời khỏi quê hương – nên chúng tôi rất trân quý và cảm ngiệm được tâm tình của nhạc sĩ Nam Lộc trong bài “Người di tản buồn” – chúng tôi xin ghi lại dưới đây:

 

“Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên “Việt Nam”, ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa

 

Bạn ơi, đó là người di tản buồn
Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau
Rồi đêm khuya về trong đôi mắt sâu
Đời như chôn vào con phố u sầu

 

Cho tôi xin lại một ngày, ở nơi, nơi thành phố cũ
Cho tôi xin lại một đời, một đời sống với quê hương
Cho tôi đi lại đoạn đường, hàng cây vương dài bóng mát
Cho tôi an phận ngàn đời, bên bờ đê vắng làng tôi

 

Chiều nay có một người di tản buồn
Gọi tên ai gửi theo cơn gió bay
Tình yêu ơi, còn đâu những ngất say?
Người yêu ơi, giờ thương nhớ giăng đầy

 

Này em, có bao giờ em biết rằng
Ở nơi đây mùa thu rất ngỡ ngàng
Chiều rơi nhanh và đêm xuống rất mau
Thời gian không còn những phút nhiệm màu

 

Cho tôi xin lại nụ cười, nở trên môi người yêu dấu
Cho tôi yêu lại từ đầu, khi vừa chớm biết thương đau
Cho tôi xin lại cuộc tình, từ lâu tôi hằng mơ ước
Xin cho tôi gửi lòng này, đến người yếu dấu ngày xưa

 

Chiều nay có một người di tản buồn
Gọi anh em, còn ai hay mất ai
Còn bao nhiêu thằng xông pha chiến khu
Và bao nhiêu nằm trong những lao tù

 

Ở đây có những chiều mưa rất nhiều
Nhiều hơn khi hành quân trong tháng mưa
Buồn hơn đêm rừng xưa vang tiếng bom
Ngày vui ơi, giờ đâu nữa không còn

 

Cho tôi xin lại ngọn đồi, ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bờ rừng, nơi từng chiến đấu bên nhau
Cho tôi xin một lần chào, chào bao nhiêu người đã khuất

 

Xin cho tôi một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi

Xin cho tôi một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi
Xin cho tôi một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi”