The Significance Of Jesus Raising Lazarus From The Dead - Christian Website

Nguyễn Trọng Lưu

Những phép lạ người chết sống lại trong Kinh Thánh

Chết rồi mà sống lại là điều lý trí con người không thể hiểu nổi. Thế nhưng trong Kinh Thánh đã ghi lại sáu phép lạ người chết sống lại.

 Con trai bà góa Serepta

Trong sách “Các Vua”, khi ngôn sứ Êlisa đến Sarepta, ông gặp một người đàn bà góa cho ông ăn. Chẳng bao lâu sau, con bà bị chết. Ngôn sứ Êlisa đã cầu xin Đức Chúa ban lại sự sống cho đứa bé. Ba lần ông nghiêng mình lên đứa bé và cầu xin với Đức Chúa: “Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của con, con cầu xin Đức Chúa hãy trả lại sự sống cho đứa trẻ này!” Đức Chúa đã nghe lời cầu xin của ngôn sứ, đã ban cho đứa trẻ hơi thở trở lại và nó lại sống. (1V 17, 1-22).

  • Con trai của người phụ nữ Sunamite

Cũng trong sách “Các Vua”, để tỏ lòng biết ơn người phụ nữ Sunamite đã đón tiếp của mình, ngôn sứ  Êlisa đã cầu xin Đức Chúa ban cho bà một đứa con trai. Nhưng đứa bé đã đột ngột qua đời sau những cơn đau đầu dữ dội. Khi ngôn sứ Êlisa đến nhà, thì cậu bé đã chết nằm trên giường. Ông bước vào, đóng cửa lại để ở một mình và bắt đầu cầu xin Đức Chúa. Sau những lời cầu nguyện của ngôn sứ Êlisa, cậu bé hắt hơi bảy lần và mở mắt ra (2V 4, 32-35).

3- Người đàn ông được chôn cất gần mộ ngôn sứ Êlisa

Dù đã chết, sự can thiệp của ngôn sứ Êlisa dường như cũng mạnh mẽ như vậy sau khi ông chết. Sách Các Vua ghi lại việc một người đàn ông vô danh được sống lại sau khi thi hài của ông chạm vào phần còn lại của vị tiên tri: “Ông Êlisa qua đời và người ta đã chôn cất ông. Hàng năm các toán quân Moab xâm nhập xứ sở. Có một lần người ta đang đem một người chết đi chôn thì thấy một toán quân Moab, họ liền vất người chết vào mộ ngôn sứ  Êlisa rồi bỏ đi. Người chết vừa đụng phải hài cốt của ngôn sứ Êlisa liền sống lại và đứng thẳng dậy” (2V 13, 20-21).

4- Con trai góa phụ thành Naim

Phúc âm Luca trình thuật rằng Chúa Giêsu, khi đi qua thành Naim, nhìn thấy đoàn người đang khiêng một người chết đi chôn. Người này là con trai duy nhất của một góa phụ. Trông thấy bà, Đức Yêsu chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”. Rồi Người lại gần, chạm vào quan tài. Những người khiêng dừng lại và Đức Yêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”. Người chết đứng dậy và bắt đầu nói chuyện. Đức Yêsu trao anh ta cho bà mẹ (Lc 7, 13-15).

5- Con gái trưởng hội đường

Trưởng hội đường Do Thái đến cầu xin Đức Yêsu cứu con gái sắp chết của mình. Khi họ đến, đứa bé đã chết, nhưng Đức Yêsu không để họ đau buồn: “Mọi người đều khóc thương cô bé. Nhưng Đức Giêsu phán: “Đừng khóc; con bé có chết đâu, nó ngủ đấy”. Nhưng họ chế nhạo Người, vì biết nó đã chết. Sau đó, Người cầm lấy tay nó, lên tiếng gọi: “Này bé, trỗi dậy đi!”. Hồn đứa bé trở lại và nó đứng dậy ngay. Đức Yêsu bảo người ta cho nó ăn” (Luca 8, 52-55).

6- Lazarô

Được cho là phép lạ sống lại biết đến nhiều nhất trong Kinh Thánh. Lazarô thành Bêtania là em trai của Martha và Maria. Theo như trình thuật của thánh Gioan, chính Đức Giêsu đã gọi Lazarô sống lại sau khi chết được 4 ngày: “Người kêu lớn tiếng: “Lazarô, hãy ra khỏi mồ!”. Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi’.” (Gioan, 43-44).

Từ sự sống lại của Lazarô đến sự phục sinh của Đức Giêsu

Phép lạ Lazarô sống lại gần ngay trước cuộc khổ nạn của Đức Yêsu đã tiên báo cái chết và sự phục sinh của Người. Thực vậy nếu Lazarô phải rút tay chân bị trói ra khỏi giải băng và phải kéo tấm khăn liệm che phủ trên khuôn mặt, điều đó cho chúng ta thấy rằng ông vẫn còn là một người phàm hay chết. Còn Đức Yêsu tự mình sống lại vào ngày phục sinh như một người bất tử, được vĩnh viễn giải thoát khỏi sự chết. Nơi Đức Yêsu, sự sống lại hoàn toàn viên mãn và khải hoàn. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa sự sống, là Đấng mở những nấm mồ. Đức Kitô là Đấng bảo đảm cho chúng ta vượt qua từ sự chết đến sự sống: “Anh em không còn dưới áp lực của thân xác nhưng của thần linh vì Thánh Thần Thiên Chúa ở trong anh em” (Roma 8, 9).

Chính Thánh Thần của Đức Kitô và của Thiên Chúa Cha cho ta đủ năng lực chiến đấu chống lại tất cá sức mạnh của sự chết. Chính Người, một ngày kia, sẽ mở cửa đưa ta vĩnh viễn vào sự sống.

Những bài đọc hai tuần trước lễ Phục Sinh Lễ Phục Sinh đều nói về sự chết và sống lại. Đây không chỉ là nói về sự sống lại của Chúa Yêsu – một sự kiện hoàn toàn mới lạ đối với loài người – nhưng còn là nói về sự sống lại của chúng ta, một điều mà người công giáo ai cũng ước ao và chính Chúa Yêsu cũng sẽ ban cho chúng ta được sống lại từ sự chết.

Thực vậy, sự chết đối với chúng ta giống như một bức tường ngăn cách khiến chúng ta không thể nhìn thấy những gì ở phía bên kia. Tuy nhiên chúng ta ước ao mong đi qua được phía bên kia bức tường cho dù chúng ta bất lực không đủ khả năng để biết được những gì đang ẩn khuất ở đó, nhưng chúng ta vẫn cứ suy nghĩ, tưởng tượng về nơi đó và rồi khao khát về một cái gì vĩnh cửu.

Ý nghĩ của con người về sự sống lại từ cõi chết chỉ xuất hiện vào giai đoạn cuối cùng của Cựu Ước và ngay cả thời Đức Giêsu nó cũng chưa được tất cả những người Do Thái chấp nhận. Và ngay cả người Kitô hữu cũng vẫn còn băn khoăn nghi ngờ không biết có sự sống lại và đời sống vĩnh cửu hay không, bởi đó là một thực tế nó vượt khỏi lý trí,  con người không thể hiểu nổi, mà đòi hỏi phải có Niềm Tin.

What Is The Difference Between Grace and Mercy?

Ai tin thì sẽ được sống

Đoạn Tin Mừng tường thuật việc ông Lazaro sống lại, cho chúng ta thấy rõ ràng tiếng nói của niềm tin đã được xuất phát từ cửa miệng bà Martha, chị ông Lazaro, khi Đức Yêsu nói với chị: “Em chị sẽ sống lại” thì chị trả lời Chúa: “Con biết, em con sẽ sống lại vào ngày sau hết(Gioan 11, 23-24). Nhưng Đức Giêsu đã trả lời cho chị biết: “Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin vào Ta thì dù người đó chết, cũng sẽ được sống” (Gioan 11, 25-26). Đây quả là một điều hết sức mới lạ đã phá tan mọi trở ngại để vượt qua bức tường ngăn cách đi thẳng về phía bên kia. Đức Kitô đã phá vỡ bức tường tử thần bởi vì trong Chúa có hoàn toàn đầy đủ Thiên Chúa là sự sống và sự sống vĩnh cửu. Tử thần không có quyền năng nào đối với Người, và việc ông Lazaro sống lại là một dấu chỉ của sự toàn thắng và thống trị hoàn toàn của Chúa về cái chết thể xác – mà trước khi Chúa đến điều đó chỉ là một giấc mơ mà thôi (Gioan 11, 11).

Từ lễ vượt qua trong Cựu Ước …

Trong Cựu Ước, người Do Thái đã mừng kính qua “Lễ Vượt Qua – Pesah” – và lễ này là dọn đường đường cho lễ phục sinh trong Tân Ước. Lễ Vượt qua này tưởng niệm lại biến cố tổ tiên người Do Thái đã được Chúa cứu thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, thường được cử hành vào mùa xuân. Vào dịp này, mọi người sẽ hành hương về Đền Thánh Yêrusalem. Đức Yêsu cũng bị giết chết vào khoảng thời gian này. Theo Tin Mừng của Thánh Matthêu, Marco và Luca thì Đức Giêsu bị giết chết vào đúng ngày Lễ Vượt Qua. Còn Thánh Yoan thì nói rằng Ngài chết vào một ngày trước ngày lễ Vượt Qua. Xét về mặt lịch sử, thì có lẽ Tin Mừng Thánh Yoan hợp lý hơn vì khó có thể tin rằng trong chính ngày lễ mà người ta lại bắt Đức Yêsu và giết Ngài. Đức Yêsu đã chết vào khoảng năm 30 sau công nguyên.

Từ ”Vượt Qua” trong tiếng Do Thái là ”Pascha – pèsah” – bắt nguồn từ tiếng Aram ”pashâ”. Nhưng các nhà khảo cứu vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với nhau về nguồn gốc của danh từ này. Có người cho rằng nó phát sinh từ một căn ngữ tiếng Assyria – nhưng chưa có giả thuyết nào có giá trị quyết định. Thánh Kinh cho từ ”pèsah” đồng nghĩa với động từ ”pasah” – có nghĩa là đi khập khiễng hoặc nhảy múa theo nghi thức quanh lễ vật hy tế (Sách Các Vua quyển 1, 18, 21-26) – hoặc theo nghĩa bóng là nhảy qua, bỏ qua, tha thứ. ”Lễ Vượt Qua” là việc đi ngang qua của Thiên Chúa: Người lướt qua trên những nhà người Israel, đang khi đó Người lại trừng phạt những nhà người Ai Cập (Sách Xuất Hành, chương 12-13).

… đến lễ Phục Sinh trong Tân Ước

Trải qua dòng thời gian, từ “Vượt Qua” đối với Đức Yêsu và Kitô giáo lại mang nhiều nghĩa mới như: xây lại đền thờ – nói đến việc Đức Yêsu thanh tẩy đền thờ tạm thời và loan báo đền thờ vĩnh cửu là thân thể phục sinh của Người (Yoan 2,13-23); Vượt Qua của Chiên Mới: Đức Yêsu là chiên vượt qua, thiết lập bữa tiệc vượt qua mới và thực hiện cuộc xuất hành riêng của Người, vượt qua thế gian về cùng Cha (Yoan 13,1). Vượt qua tức là Tiệc Thánh Thể: khi ăn thịt và uống máu mình, Đức Yêsu đã diễn tả cái chết của Người như là hy lễ Vượt Qua mà Người là Chiên Mới (Mc 14,22-24). Sau cùng vượt qua còn chỉ bữa tiệc cánh chung: bữa tiệc trên trời, bữa tiệc mà mọi người đang trên đường tới dự (Sách Khải Huyền 5 ,6-12; 12,1).
 

Đến thời Giáo Hội sơ khai, chỉ còn lễ Phục Sinh. Trong giờ kinh nguyện canh thức được kéo dài suốt đêm thứ năm thánh cho đến rạng sáng lễ Phục Sinh, các Kitô hữu thời sơ khai cử hành mầu nhiệm Chúa Yêsu Kitô tử nạn và phục sinh như một đại lễ.

Đối với các Kitô hữu thời sơ khai, đó là đêm có rất nhiều ý nghĩa. Các tác giả sách Tin Mừng kể cho chúng ta biết việc Đức Yêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại xảy ra trong bối cảnh Lễ Vượt Qua, là cử hành quan trọng nhất trong niên lịch của người Israel. ”Lễ Vượt Qua” đánh dấu đêm sứ thần Thiên Chúa sát hại các con đầu lòng của người Ai cập, giải thoát dân Israel khỏi kiếp nô lệ. Nhưng theo truyền thống Israel, ngày lễ Vuợt Qua có một lịch sử xa xưa hơn nhiều. Vào ngày này, Thiên Chúa đã tác tạo Adam. Vào ngày này, Thiên Chúa đã gọi Abraham. Và cũng vào ngày này, sứ thần của Chúa đã dừng tay Abraham khi ông định sát tế Isaac. Vì thế, vào dịp lễ Vượt Qua, dân Do thái nhìn lại toàn bộ lịch sử của họ, nhớ lại tình thương đặc biệt Thiên Chúa dành cho họ ngay từ buổi bình minh của tạo dựng (Điển ngữ Thần học Thánh Kinh tập 4, Bản dịch Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đàlạt, 1973, trang 445-448).

Ngày cực thánh của người Do thái đã trở thành ngày đại lễ thánh đối với người Kitô hữu. Cũng vậy, trong đêm dài canh thức, các Kitô hữu nhìn lại lịch sử thánh và nhận ra Kinh Thánh đã được ứng nghiệm nơi Đức Kitô trỗi dậy từ trong kẻ chết. Thánh Phaolô đã viết: “Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô, đã chịu hiến tế” (1.Cor. 5,7).

Mầu nhiệm vượt qua này là trung tâm điểm của các việc cử hành trong năm phụng vụ. Công Đồng Chung Vaticanô 2 đã nhấn mạnh nhiều tới điều này trong ”Hiến chế về phụng vụ” ở các số 5. 6. 61 và 102. Và “Văn Kiện Những Quy Luật Tổng Quát Năm Phụng Vụ” nói một cách rõ ràng rằng : “Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, nhất là nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Chính Tam nhật Vượt qua, nhằm tưởng niệm cuộc Thương khó và Phục sinh của Chúa, sáng chói lên như tột đỉnh của cả Năm phụng vụ”. (x. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, số 18.19 )

Mỗi năm, dân Do thái ăn lễ Vượt Qua để tưởng niệm việc họ đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh áp bức của người Ai cập và Thiên Chúa đã ký kết giao ước với họ. Đức Yêsu đã mở đầu cuộc khổ nạn khi cùng với các môn đệ dùng bữa tiệc vượt qua đó. Ngài đã khởi đầu bằng một bữa tiệc vượt qua cổ truyền để chấm dứt Lễ Vượt qua của Cựu Ước, đồng thời mở đầu cho lễ Vượt Qua của Tân Ước bằng chính máu thịt Ngài. Cuộc hiến tế đẫm máu trên đồi Canvê giờ đây được tiên báo bằng việc lập Bí tích Thánh Thể. Như vậy, Ngài đã muốn cho bữa tiệc này trở thành bữa tiệc của giao ước mới, giao ước Người lập khi đổ máu hy sinh trên thập giá. Nhiệm tích này sẽ tồn tại mãi mãi như một kỷ niệm và là một lễ hy sinh mỗi khi được tái hiện trên bàn thờ. Vì thế, khi trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu, là thức ăn thức uống đã trở thành Mình và Máu của Ngài.

Biến cố Chúa Yêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại xảy ra trong bối cảnh lễ Vượt Qua, là cử hành quan trọng nhất trong niên lịch của người Do thái. Ngày quan trọng nhất đối với người Do Thái nay đã trở thành ngày cực thánh đối với người Kitô hữu. Việc cử hành phụng vụ tam nhật thánh không dừng lại ở việc hướng về, tưởng nhớ một sự kiện lịch sử chan hòa ý nghĩa xúc động và đầy sức tác động, nhưng quan trọng trên hết chính là tái diễn cách sống động sự kiện Đức Yêsu đã chết và sống lại trong hiện tại và kéo dài đến tương lai.

Vì thế, cuộc sống của người Kitô hữu được mời gọi nối dài các mầu nhiệm của Đức Kitô, đặc biệt là mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người. Chúng ta được mời gọi biết chết với Đức Kitô để rồi cũng được sống lại với Ngài: Chúa Yêsu Kitô là sức mạnh, bình an và nguồn mọi ơn phúc của mỗi người chúng ta.