Nguyễn Trọng Lưu
(Đây là bài chia sẻ tĩnh tâm mùa chay cho cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Århus, 2014)
KHÁT VỌNG HẠNH PHÚC
Khi một người bắt đầu công khai xuất đầu lộ diện trước dân chúng, thì những lời khai mở là những lời quan trọng nhất – vì những lời đó sẽ đề ra đường lối làm việc của mình. Và một khi khi hoàn tất nhiệm vụ, thì những lời cuối cùng cũng sẽ lại là những lời dân chúng dùng để ghi nhớ người đó.
Những lời giảng dạy đầu tiên của Đức Yêsu được ghi lại trong Tân Ước là bài giảng trên một ngọn núi thành Capharnaum vùng Galiêa – được gọi là ”Hiến Chương Nước Trời”hay “8 Mối Phúc”. Và trên núi Sọ, tức Golgotha, Chúa Yêsu cũng đã nói ”8 lời sau cùng”.
Xin lưu ý ngay, là các nhà chú giải Kinh Thánh thường nói đến ”7 lời sau cùng của Chúa Yêsu trên thập giá”, nhưng chúng tôi xin mạn phép phân chia lời Chúa Yêsu nói với Đức Mẹ và Thánh Yoan thành hai, như thế sẽ thành tất cả ”8 lời” để sau này so sánh với ”8 mối phúc”. Sự phân chia này hoàn toàn mang tính cách so sánh thành 8 cặp để dễ nhớ và chỉ ở trong phạm vi bài chia sẻ này mà thôi.
Hiểu thấu khát vọng thầm kín và căn bản nội tại nhất trong con người – là khát vọng hạnh phúc – nên khi bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng, Chúa Yêsu đã bằt đầu bằng ”8 mối phúc”. Nhưng nếu Chúa rao giảng mà Chúa đã không sống và đã không cảm nghiệm được hạnh phúc đó, thì những lời rao giảng ấy chỉ hoàn toàn rỗng tuếch, không tưởng mà thôi.
Có lẽ rất nhiều người sẽ tự hỏi: “Cuộc đời trần thế của Đức Yêsu mà hạnh phúc à?” Vừa được sinh ra trong một máng chiên lừa ăn, thì đã bị lùng giết đến nỗi cha mẹ phải đem trốn sang Ai Cập, lớn lên thì không nhà không cửa, không nơi ăn chốn ngủ, còn bị các kỳ lão và thượng tế đòi giết và cuối cùng phải chết ô nhục trên cây thập tự bên hai người trộm cướp. Hạnh phúc ở chỗ nào?
Trong tư duy của các triết gia, đặc biệt là với Vương Dương Minh (1472-1528), người đất Dụ Diêu, tỉnh Triết Giang, người hạnh phúc là người đạt được ”tri hành hợp nhất”(Tri thị hành đích chủ ý, hành thị tri đích công phu: tri bày tỏ ý định làm một công việc gì, còn hành bày tỏ việc thực hiện ý định đó). Mà Đức Kitô là người biết rõ (tri) sứ mệnh được Cha trao phó dưới trần gian và suốt đời Ngài thực hiện (hành) sứ mệnh đó cho đến giây phút cuối cùng trên thập giá, nên Đức Kitô là một người hạnh phúc.
Và cũng chính trong trong chiều hướng đó mà tôi cảm nghiệm được rằng thập giá là nơi Đức Kitô đã đạt đến tuyệt đỉnh của hạnh phúc – hay nói theo một cách khác – cuộc đời của Đức Kitô ở thế gian là một cuộc đời hạnh phúc. Chúa Yêsu đã đi đến tuyệt đỉnh của hạnh phúc nhân loại lúc Ngài hấp hối trên thập giá, bởi vì bài giảng trên núi vùng Galilê đã được hoàn tất nơi bài giảng trên núi Sọ. Mỗi lời đều chứng tỏ rằng Ngài đã sống từng mối phúc một.
Cái mất mát lớn nhất của Kitô hữu là không nhìn thấy hạnh phúc của mình trên thập giá, để rồi rao giảng một Đức Kitô tách rời với thập giá, nghĩa là một Đức Kitô không hạnh phúc và tiếp tục sống đời của những người khiếp sợ thập giá.
Hơn nữa khi nhìn thấy kiếp sống của con người trong thế gian (Yo. 17, 15), Chúa Yêsu lại còn dạy con người kinh ”Lạy Cha”, một con đường hạnh phúc rất hiện sinh và tuyệt diệu, mà tôi sẽ chia sẻ trong phần cuối của bài này.
NHỮNG LỜI ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC KITÔ: ”TÁM MỐI PHÚC” (Mat. 5, 3-11)
Chúng ta không tra cứu ”8 mối phúc” này dưới khía cạnh phê bình văn bản, bởi Matthêu đã nhắc tới 9 lần ”phúc thay”trong văn mạch. Lại nếu đem so sánh Matthêu với Luca, chúng ta thấy Luca chỉ nhắc đến”4 mối phúc”nhưng lại kèm theo ”4 họa”. Cả lối hành văn của hai thánh sử cũng khác nhau nữa. Và vấn đề lại càng trở nên phức tạp hơn khi biết rằng Phúc Âm còn chứa đựng nhiều mối phúc khác nữa, chẳng hạn như những câu mà Luca áp dụng cho Đức Maria: “Phúc cho ai tin rằng Lời Chúa sẽ nên ứng nghiệm” (Lc.1, 45); ”Phúc cho ai lắng nghe và giữ lời Chúa (Lc.11, 28).
Chúng ta hãy đi ngay vào ”8 mối phúc” trong bối cảnh bài giảng trên núi.
Matthêu 5, 20 viết:“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Tiếp đó, Đức Yêsu giải thích sự công chính mà các môn đệ của Người phải nhắm tới, và đi tới kết luận ở câu 48: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn Thiện”.
Như thế Matthêu đi từ tư tưởng “công chính” của người Do Thái để bước sang sự “hoàn thiện” của chính Thiên Chúa. Bài giảng trên núi muốn đề ra một mẫu mực mới trong cách cư xử: mẫu mực đó là Thiên Chúa. Con người sẽ nên hoàn thiện nếu họa lại được mẫu mực đó. Nói thế có nghĩa là con người không thể tìm thấy sự hoàn thiện ở nơi bản thân nhưng cần phải tìm ở nơi Thiên Chúa: con người cần phải để cho Thiên Chúa chiếm ngự hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, các mối phúc trình bày chân dung của một con người hoàn thiện: con người đó là Đức Yêsu, kẻ là dâng cả cuộc đời cho Thiên Chúa và mở rộng tới tha nhân.
Chân dung một người sống trót cho Thiên Chúa.
Mối phúc thứ nhất là căn bản của con người hoàn thiện, mối phúc của tâm hồn nghèo khó. Thường thì sự nghèo khó được xét trong mối tương quan với tài sản vật chất. Người ta lưu ý rằng phúc thực được hứa cho người có tâm hồn khó nghèo, nghĩa là không quyến luyến với tài sản,
không làm nô lệ cho tiền tài. Tình cảnh nghèo túng về vật chất chưa phải là phúc thực. Tuy nhiên, giải thích như vậy thì xem ra đã hiểu từ “khó nghèo” quá hạn hẹp. Trong Kinh thánh, sự khó nghèo không phải chỉ giới hạn vào lãnh vực tài sản, nhưng chính yếu là một thái độ của con người trước mặt Thiên Chúa. Người nghèo đồng nghĩa với người có tinh thần khiêm tốn trước mặt Chúa (Is. 66, 2), chỉ biết cậy dựa vào Thiên Chúa. Sự khó nghèo về tài sản vật chất trong “Bài giảng trên núi” chỉ là một dấu hiệu biểu lộ sự tín thác hoàn toàn nơi sự quan phòng của Cha trên trời.
Điều căn bản của một tâm hồn nghèo khó là sống tin tưởng vào Thiên Chúa và sống cho Thiên Chúa. Điều này được bổ túc với mối phúc thứ 4: đói khát sự công chính. Ở đây sự “công chính” phải được hiểu là ý định của Thiên Chúa, kế hoạch cứu độ của Ngài: “Trước hết anh em hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài” (Mt.6, 33). Đức Yêsu đã hiến dâng hoàn toàn cuộc đời để phụng sự chương trình của Chúa Cha.
Sự hiến dâng trót đời cho Thiên Chúa bao hàm cả việc dành trót cả tâm tư cho Ngài. Đây là ý nghĩa của mối phúc thứ 6, phúc của kẻ có tâm hồn trong sạch. Chúng ta đừng nên đối chiếu “tâm hồn trong sạch” với “hưởng thụ tình dục”. “Tâm hồn trong sạch” trong “Bài giảng trên núi” đối nghịch với sự giả hình là làm việc thiện (bố thí, cầu nguyện, ăn chay) cốt cho thiên hạ hoan hô tán thưởng. Người có tâm hồn trong sạch là người sống ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa từ trong thâm cung của cõi lòng, chỉ cốt tìm vinh quang Chúa và biểu lộ lòng thương xót của Ngài. Như vậy, con người có tâm hồn trong sạch là kẻ đã dâng trót con tim cho Chúa, không để cho một chút tư lợi nào len lỏi.
Hậu quả của việc sống trót cho Chúa trong tương giao với tha nhân
Ba mối phúc “tâm hồn khó nghèo”, “đói khát công chính”, “tâm hồn trong sạch” biểu lộ thái độ của con người hoàn toàn tín thác vào Chúa, chỉ mưu cầu thánh ý Chúa, dành cho Ngài con tim không san sẻ. Đức “hiền lành” và “sầu muộn khóc than” được gắn liền với tâm hồn khó nghèo khiêm tốn. Một khi con người đã để cho Thiên Chúa chiếm đoạt toàn thể cuộc sống của mình, thì những mối tương giao với tha nhân cũng được biến đổi. Đó là ý nghĩa của những mối phúc của sự “xót thương”, việc“xây dựng hòa bình”, và “chịu bách hại”. Đó là bức chân dung của một con người muốn tỏ tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Thực vậy, một đặc tính của Thiên Chúa mà Đức Yêsu muốn nêu bật trong Bài giảng trên núi là lòng thương xót, lòng lân tuất. Trong Cựu Ước, nhiều ngôn sứ đã nhấn mạnh rằng Thiên Chúa cư xử khác với con người ở chỗ Ngài tỏ lòng khoan nhân: “Ngài chậm giận, giàu tình thương và luôn thành tín” (Xh. 34, 6; Tv. 86, 15; Tv. 103, 8; Tv. 111, 4; Tv. 145, 8). Ngài không xét xử ta chiếu theo công trạng của ta: tuy dù ta bất tín, nhưng Ngài vẫn trung thành với lời hứa. Tình thương của Ngài vượt quá tầng trời xanh. Vì vậy, người nào bị Thiên Chúa chiếm đoạt thì cũng sẽ cư xử với anh em như Ngài: họ sẽ biết xót thương người.
Xây dựng hòa bình là một hình thức biểu lộ lòng xót thương, một hình thức của tình liên đới với tha nhân.
Lòng xót thương được thực hiện cách anh hùng trong việc tha thứ cho kẻ bách hại, giống như Thiên Chúa hay xót thương, bởi vì Ngài không đếm xỉa gì tới sự bội bạc của con người mà lúc nào cũng giáng phúc thi ân.
”Bài Giảng Trên Núi” còn nói tới sự tha thứ ở cuối chương 5 và trong kinh ”Lạy Cha” nữa.
Như vậy, các mối phúc trình bày cho ta thấy chân dung của một con người biết để cho Thiên Chúa hoàn toàn chiếm đoạt. Họ đặt tin tưởng nơi Chúa, họ dâng hiến cuộc đời để phụng sự chương trình của Chúa, họ phản ánh đường lối cư xử của Chúa khi giao tiếp với tha nhân. Chính vì đặt trọng tâm của cuộc đời ở nơi Thiên Chúa, nên họ thâm tín rằng chỉ duy có Chúa mới mang lại được hạnh phúc cho họ, một thứ hạnh phúc có tính chất vững bền trường cửu, không bị lệ thuộc vào cõi thế tạm bợ này.
Trong ngôn ngữ Phúc Âm, tuyệt đỉnh của hạnh phúc là được kết hiệp với Thiên Chúa, và sự kết hiệp này còn được gọi là “hưởng Nước Trời” hoặc “chết cho xác thịt”. Và chúng ta lại thấy sự trùng hợp giữa những lời thốt lên ở cả hai ngọn núi. Tại Galilê, mối phúc của người nghèo khó (thứ nhất) và của người bị bách hại (thứ tám) được kết bằng: “vì Nước Trời là của họ”. Còn trên Núi Sọ, lời ”phó thác linh hồn” (tương ứng với nghèo khó) và ”mọi sự hoàn tất” (tương ứng với bách hại) đều được tiếp nối bằng câu ”rồi ngài tắt thở”.
(Còn tiếp phần hai)