Ngược dòng lịch sử
Hàng năm, tất cả các tín hữu tin vào Đức Kitô trên khắp thế giới – bao gồm Công giáo, Chính Thống giáo, Tin lành và Anh giáo- đều dành một tuần lễ, từ ngày 18 đến ngày 25 tháng giêng, để cử hành tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Ngày 18.01 là ngày tưởng nhớsự kiện “Tông đồ Phêrô bị bắt và bị khóa vào hai cái xiềng và có lính canh giữ nghiêm nhặt.
Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu
Nguyễn Trọng Lưu
Ngược dòng lịch sử
Hàng năm, tất cả các tín hữu tin vào Đức Kitô trên khắp thế giới – bao gồm Công giáo, Chính Thống giáo, Tin lành và Anh giáo- đều dành một tuần lễ, từ ngày 18 đến ngày 25 tháng giêng, để cử hành tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Ngày 18.01 là ngày tưởng nhớsự kiện“Tông đồ Phêrô bị bắt và bị khóa vào hai cái xiềng và có lính canh giữ nghiêm nhặt. Thế mà thiên sứ đã đánh thức: ”Đứng dậy mau đi!”. Xiềng xích liền tuột khỏi tay ông” (CvTđ 12, 6-11). Còn ngày 25.01 là ngày kính Thánh Phaolô Tông Đồ trở lại.
Thực sự, ngay từ thời khởi đầu Giáo Hội, các Kitô hữu vẫn tuyên xưng “Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công”và Công Đồng Nicea, năm 375, xác tín lại rằng “Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Tuy vậy, do bản tính yếu đuối của con người, sự chia rẽ thường xuyên xảy đến giữa con cái Chúa, mà vì thế, Thánh Phaolô Tông đồ luôn kêu gọi các giáo đoàn hiệp nhất và chúng ta đọc thấy ngay trong thơ gởi giáo đoàn Êphêsô: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 3-6).
Trong lịch sử Giáo Hội đã có nhiều khủng hoảng đáng tiếc – nặng nề nhất là vào thế kỷ thứ 11 – dưới thời các Giáo HoàngSylvester 3 (1045);Grêgôriô 6 (1045-46); Clêmentê 2 (1046-47); Bênêđíctô 9 (1047-48) vàDamasus 2 (1048) – mà mãi đến thời Đức Lêô 9 (1049-1054)mới tái lập lại được trật tự. Cũng chính vì những lủng củng trong các triều giáo hoàng tại Rôma, nên Đức Thượng Phụ Chính Thống ConstantinoplelàMichael Caerularius, không nhìn nhận Giám mục Rôma là giáo hoàng mà chỉ xem là người ngang hàng với các giám mục khác. Vì không hòa giải được với Roma, nên năm 1054, nên Công Giáo và Chính Thống Giáo hoàn toàn chia ly.
Vào thế kỷ 16, dưới thời Đức Giáo Hoàng Lêô 10 (1513-1521), Giáo Hội Công Giáo lại bị suy yếu và cần phải sửa đổi – từ đó phát sinh ra các thể thức sửa sai nghiêm nhặt củaMartin Luther (1480-1546) tại Đức và củaJean Calvin (1509-64) tại Pháp, dẫn tới phong trào cải cách Tin Lành (1517-1650). Việc cải cách của Zwingli (1484-1531) tại Thụy Sĩ lại đi đến chỗ chối bỏ cả Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thánh Thể. Cũng vào thế kỷ 16, vì Đức Giáo Hoàng Clêmentê 7 (1523-34) không công nhận việc vua Anh quốc Henry 8 (1509-47) ly dị với hoàng hậu Catherine xứ Aragon để kết hôn với Anne Boleyn, nên năm 1534, vua Henry 8 tự tôn mình làm thủ lãnh Giáo Hội Anh Quốc và từ đó Anh Giáo ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo.
Dù vậy, từ mọi phía trong các Giáo Hội Kitô luôn luôn hướng về hiệp nhất.Tuần lễ cầu nguyện này bắt nguồn từ đầu thế kỷ 20, do sáng kiến của một linh mục Công giáo, trước đó là một tín hữu Anh giáo. Đức Giáo Hoàng Piô 10 đã hỗ trợ sáng kiến này và Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 15 đã mở rộng việc cầu nguyện này cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo.
Năm 1935, Linh mục Paul Couturier, thuộc giáo phận Lyon, người tiên phong trong phong trào Đại Kết, đã lấy lại sáng kiến trên với một tinh thần mới. Xác tín rằng việc cầu nguyện là hình thức hiệp nhất duy nhất có thể có được trong hoàn cảnh lúc đó, đồng thời việc cầu nguyện của những tín hữu đơn sơ nhỏ bé nhất cũng quan trọng như những cuộc tranh luận của các nhà thần học, nênLinh mục Couturier đề nghị các kitô hữu gặp gỡ nhau hằng năm để cùng nhau cầu xin cho “sự hiệp nhất mà Chúa Kitô muốn, bằng những phương thế mà Ngài muốn” (unité que Dieu veut par des moyens qu’il voudra).
Tại sao phải cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô-hữu?
Khi nói đến hiệp nhất, Chúa Yêsu đã không phán bảo hay ra lệnh cho các tông đồ, mà Chúa chỉ cầu nguyện: “Con cầu nguyện cho họ, những kẻ Cha đã ban cho con. Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con “để họ nên một” như chúng ta” (Ga. 17, 9-11)
Trong Tông Thư “Ut Unum Sint – Để họ nên một, đoạn 21” ban hành ngày 25.0.1995, Đức Giáo HoàngGioan Phaolô 2 – nay là Chân Phước Giáo Hoàng – nhắc lại xác tín đã được khai triển trong “Sắc Lệnh về Hiệp Nhất” củaCông Đồng Vaticanô II (21-11-1964) đề cập đến sự tối cần của việc cầu nguyện cho hiệp nhất:“Sự hoán cải tâm hồn và đời sống thánh thiện làm một với những lời khẩn cầu chung hay riêng cho sự hiệp nhất các Kitô-hữu phải được coi như linh hồn của tất cả phong trào hiệp nhất và xứng đáng mệnh danh là “sụ hiệp nhất thiêng liêng”. Người Công Giáo thường có thói quen hội nhau để cầu nguyện cho Giáo Hội được hiệp nhất, lời cầu nguyện mà chính Đấng Cứu Thế trước ngày tử nạn đã khẩn khoản dâng lên Chúa Cha: “Xin cho tất cả nên một” (Ga. 17, 11)
Linh đạo của Thánh Phaolô, Tông Đồ trở lại
Như chúng ta mới nêu ở trên, tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu được kết thúc với lễ kính Thánh Phaolô Tông Đồ trở lại, ngày 25.01.Qua biến cố bị ”chóa mắt” và ”ngã ngựa” trên đường đi Damas (CvTđ 9, 3-9), Thánh Phaolô đã vạch cho chúng ta con đường dẫn đến Thiên Chúa, đồng thời chỉ cho chúng ta một cách sống đạo trong “đời thường” giữa trăm ngàn thử thách cam go.
Luồng ánh sáng chói lọi bao phủ gây kinh hoàng cho Phaolô đã làm cho”đôi mắt xác thân” bị mù, nhưng lại mở cho ông cặp mắt tâm linh.Ông nghe một tiếng gọi vọng xuống từ trời: “gọi” là một dấu chỉ còn ở xa nhưng lại mong ước được gần kề.Mà Chúa lại “gọi đích danh”, tức Ngài muốn thiết lập một tương quan cá vị với Saolô:“Saolô! Saolô! Sao ngươi bắt bớTa?”, đồng thời muốn đồng hóa mình với các Kitô hữu – nên khi chúng ta yêu thương anh chị em là chính lúc đó chúng ta cũng yêu mến Thiên Chúa, vì con người là hình ảnh sống động của Thiên Chúa.
Người ta cầm tay dắt Phaolô vào Damas và trong ba ngày ông không thấy gì mà cũng không ăn không uống gì (CvTđ 9,8-9). Phaolô đi vào Damas với sự biến đổi thật sâu xa; vì ngay từ đầu ông định đến đây với quyền lực trong tay để phá hoại Hội Thánh, nhưng giờ đây ông rơi vào tình trạng mù loà, bất lực, cần có người cầm tay dắt, ông mới vào Damas được. Trước mắt người đời Saolô gặp đại hoạ, nhưng đối với Saolô, đó lại là hồng ân. Saolô ngỡ ngàng và xúc động vì không ngờ Thiên Chúa lại đoái hoài đến ông như thế, đang khi ông là kẻ thù không đội trời chung đang tìm cách bắt bớ Ngài, thì chính Ngài lại đón đường chộp lấy ông với tình yêu mãnh liệt: Ngài vẫn thương ông, gọi chính tên ông vàThiên Chúa lúc nào cũng đi bước trước.
Chính cảm nghiệmvề tình Chúa yêu thương này là động lực cho lòng xác tín của Phaolô: “Sự sống hay sự chết, không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô” (Rm 8, 38). Trong cuộc đời chúng ta cũng vậy, có khi một biến cố nào đó, một dấu chỉ nào đó – dù trước mắt người đời chỉ thấy nhưlà thất bại, đắng cay – nhưng lắm khi đó lại chính là cơ hội để thử thách lòng trung tín và là khởi điểm cho một hồng ân, một sứ mạng mới mà lắm lúc chúng ta không thể ngờ được!
Khi ở Damas, Phaolô không ngừng suy nghĩ về những việc đã xảy ra, cho đến lúc Anania, người của Thiên Chúa sai đến, đặt tay chữa lành để Phaolô được thấy lại, được chịu thanh tẩy và được đầy ơn Chúa Thánh Thần (CvTđ 9,17-18). Nhưng ba ngày ba đêm đó chưa đủ để Phaolô có thể trở thành tông đồ đâu! Để chiếm đượcThiên Chúa cũng như muốn có động lực cho hoạt động loan báo Tin Mừng, Thánh Phaolô Tông đồ đã lánh đi vào cô tịch một thời gian (Gal.1, 17-18).Khi chiêm ngưỡng Thiên Chúa, con người cần trở về với chính mình trong thinh lặng để có thể lắng nghe tiếng Chúa. Đó cũng là kinh nghiệm của triết gia F. Nietzsche khi ông viết: “Bất cứ ai muốn loan báo những sứ điệp quan trọng, cần phải biết thinh lặng”. Suốt thời gian gần ba năm dài ẩn dật từ mùa thu năm 36 đến mùa xuân năm 38, dưới tác động của Thánh Thần, Saolô đã không còn “là con người nói về Chúa mà đã trở thành người Chúa dùng để nói”. Chúa đã dùng Phaolô làm khí cụ ưu tuyển để mang danh của Ngài đến với muôn dân.
Linh đạo của Thánh Phaolô Tông đồ trở lại là để Thần Linh Chúa tác động và chiếm hữu:”Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gal.2,20). Vì thế Ngài dám nói một câu bất hủ, mà không một vị thánh nào nói được như thế: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Đức Kitô” (Rm 8,28-39)
Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất của các kitô hữu năm 2013 này rồi cũng sẽ lặng lẽ qua đi, không để lại trong chúng ta một dấu ấn gì nếu chúng ta không nhìn ra vấn đề của chính mình. Đó phải là một sự lột xác đau đớn, có khi phải trở thành mù lòa, bất lực trước ý muốn của Thiên Chúa, hầu Ngài có thể thay đổi chúng ta tận căn rễ trong sự chết và sự sống lại của Đức Kitô. Việc đó chỉ có thể thực hiện bằng ơn của Thiên Chúa, như sau này Phaolô đã xác tín:“Tôi là người hèn mọn nhất trong các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa, nhưng ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu, trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả các vị khác, mà thật ra không phải là tôi làm, mà chính là ơn Thiên Chúa làm nơi tôi.” (1Cor. 15, 9-10).