Năm phụng vụ của Giáo Hội được bắt đầu với ”Mùa Vọng” – mà nhiều người trong chúng ta thường chỉ hiểu rất giản lược như một thời gian phụng vụ để tưởng nhớ đến một biến cố lịch sử trọng điểm – mầu nhiệm Giáng Sinh – màbiến cố lịch sử ấy đã xảy ra trong chu kỳ thời gian rồi: Đức Yêsu đã sinh “tại Bêlem Xứ Yuđêa” (Mt 2, 6), “vào thời Hoàng Đế Rôma Caesar Augustus”

”Maranatha!”

Nguyễn Trọng Lưu

”Maranatha” và mùa vọng

Năm phụng vụ của Giáo Hội được bắt đầu với ”Mùa Vọng” – mà nhiều người trong chúng ta thường chỉ hiểu rất giản lược như một thời gian phụng vụ để tưởng nhớ đến một biến cố lịch sử trọng điểm – mầu nhiệm Giáng Sinh – màbiến cố lịch sử ấy đã xảy ra trong chu kỳ thời gian rồi: Đức Yêsu đã sinh “tại Bêlem Xứ Yuđêa” (Mt 2, 6), “vào thời Hoàng Đế Rôma Caesar Augustus”(Lc 2, 1-2) – nên những tưng bừng của đèn điện, của âm nhạc, của quà cáp ngày hôm nay nhiều khi chỉ còn là những thương mại đầy tính chất vui chơi mà thôi, chứ thực sự chẳng còn âm hưởng nào trong tâm hồn nữa!

Mùa Vọng chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta hằng liên lỉ cầu nguyện: “Maranatha!”.Có lẽ chúng ta ít khi nghe đến từ ”Maranatha” – một từ nguyên thủy bằng tiếng Aram là ngôn ngữ bản xứ của Chúa Yêsu – được xuất hiện duy nhất một lần trong trong thơ thứ nhất của Thánh Phaolôgởi giáo đoàn Corintô, đoạn 16, câu 22 – và có nghĩa là ”Lạy Chúa, xin hãy đến!”. Ý tưởng này được lập lại trong Sách Khải Huyền, đoạn 22, câu 20: ”Xin hãy đến, lạy Chúa Yêsu!”, và có thể đọc bằng hai cách: hoặc là ”Maranatha”(Lạy Chúa, xin hãy đến!) hay ”Mara-natha” (Chúa đến).

Cụm từ “xin Chúa hãy đến” này đòi buộc chúng ta phải luôn hướng về Chúa là “Thiên Chúa chân thật duy nhất” (Yn 17, 3), chỉ biết khát khao Chúa “hết lòng muốn, hết linh hồn, và hết sức lực” (Deut.6, 5) để rồi, như Mẹ Maria, một Trinh Nữ hoàn toàn tinh tuyền “không biết đến chuyện vợ chồng”(Lc 1, 34) mà đã sẵn sàng “xin vâng” (Lc 1, 38) theo ý thánh Chúa với tất cả con người và cuộc đời của mình – làm cho Đức Kitô được nhập thể và nhập thế – thì những ai hằng khao khát trông mong “xin Chúa hãy đến” cũng sẽ được thỏa nguyện khi Chúa đến với họ và qua họ đến với trần thế. Phải, chỉ khi nào chúng ta thực sự cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Kitô là Lời Nhập Thểtrên trần thế này nói chung và trong Giáo Hội nói riêng, thì phụng vụ mùa vọng của Giáo Hội đối mới mang trọn ý nghĩa của việc cử hành và hiện thực mầu nhiệm thánh – mầu nhiệm của ”Đấng đã yêu chúng ta trước” (1 Yn 4, 19), Đấng hằng muốn đến gặp gỡ chúng ta, tỏ mình cho chúng ta và ở với chúng ta, và cũng chính Ngài là Đấng đích thân khơi lên trong chúng ta niềm khát vọng “Maranatha – Lạy Chúa, xin hãy đến”– để Người tiếp tục đến với chúng ta.

Câu “Maranatha – Lạy Chúa, xin hãy đến!” không phải chỉ là lời nài xin tha thiết của các cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên mà còn diễn tả sự chờ đợi cũng như động lực của mọi lời cầu nguyện, diễn tả sự căng thẳng của toàn bộ lịch sự đang sống giữa hai tâm trạng vừa cảm thấy gần vừa cảm thấy xa: ”Thiên Chúa là Đấng hiện có, đã có và đang ngự đến!”

Thời gian chính là khoảng không cho Thiên Chúa đến với con người và cho con người cảm nghiệm được Thiên Chúa. Kinh nguyện của Israel, của các ngôn sứ và nhất là của các tác giả Thánh vịnh, chủ yếu diễn tả sự chờ đợi, lời kêu lên tới trời để:

”Trời nhỏ sương công chính,

mây đổ đức công bình

và đất trổ sinh Đấng Cứu Độ!” (Is 45,8)

Đấng Cứu Thế đến: hiện tại và tương lai

Thiên Chúa đến ở giữa loài người, không phải như người ta vẫn tưởng, trong một cuộc xuất hiện hùng vĩ oai phong, nhưng trong thinh lặng và khiêm tốn, đến nỗi ”người nhà của Người cũng không nhận ra Người”. Và cuộc đời tại thế của Đức Yêsu đã kết thúc thật bi thảm.Người đã chấp nhận chết để rồi chiến thắng sự chết. Đó chính là biến cố trọng tâm của lịch sử, là nền tảng vững bền của mọi lời nguyện Kitô giáo.Ngưỡng cửa thật sự trong đời người tín hữu không phải là cái chết, mà là đức tin vào sự sống lại. Đó là ngưỡng cửa phải bước qua và không thể quay trở lại được.

Nền tảng cũng như đặc điểm của Giáo hội sơ khai, chính là niềm tin vào sự phục sinh của Đức Yêsu, một bằng chứng bày tỏ quyền năng và tình thương của Thiên Chúa.Điều này đã được các tín hữu diễn tả qua một công thức, vừa là một lời tuyên xưng đức tin, vừa là một lời tung hô mà cũng là một lời tụng ca và tạ ơn: ”Đức Yêsu là Chúa”. Câu ”Maranatha” đọc trong các buổi họp phụng vụ trước hết muốn diễn tả niềm tin đó: chúng con nhân danh Ngài tụ họp nơi đây và tuyên xưng Ngài đang hiện diện giữa chúng con một cách vô hình. Sự phục sinh của Đức Yêsu vừa là lời hứa, vừa là hoa trái đầu mùa của cuộc khải hoàn vinh quang mà mọi tín hữu đều sẽ được chung phần mai sau.

Dưới con mắt đức tin, người Kitô hữu luôn luôn mang nơi mình tình trạng căng thẳng giữa ”cái đã xảy đến””cái chưa đến”, một căng thẳng giữa hiện tại và tương lai như chúng ta hằng đọc: ”Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.

Vĩnh cửu đang bắt đầu và vĩnh cửu ấy chính là Thiên Chúa. Ai sống trong Thiên Chúa, một Thiên Chúa đã tỏ mình nơi Đức Yêsu Kitô, là đã sống trong vĩnh cửu, nhưng là vĩnh cửu qua thử thách và xoi mòn của thời gian. Người Kitô hữu bị giằng co giữa hai sự trung thành: trung thành với ngày hôm nay của Thiên Chúa để cộng tác với Người, nhưng đồng thời cũng phải hướng mắt nhìn tới ngày Chúa đến: Người đang đến và sẽ đến, vì thời gian không kéo dài tới vô tận.

Chờ Chúa trở lại, chờ trời mới, đất mới: đó là điều mà cả vũ trụ, cả nhân loại, tất cả mọi người đang làm, dù không hay biết. Chúng ta phải chờ đợi ngay trong cuộc sống thường nhật đáng chán này, dám nhìn thẳng vào bạo lực, bất công đang dàn hàng la liệt khắp nơi, như thể ơn cứu độ chưa đến.

Chúng ta phải chờ đợi với một niềm khao khát trong lòng. Đó là khao khát biến đổi hoàn toàn thế giới cố chấp và bất công này thành một thế giới đáng sống hơn, dù vẫn biết rằng – cũng như Tin Mừng – chúng ta chỉ có được những dấu hiệu của hy vọng. Người Kitô hữu không lo tìm biết ngày Chúa đến cho bằng sống trọn vẹn giây phút hiện tại này để từ đó có thể nhận ra Người đang đến- trong thức tỉnh và cầu nguyện.

”Hãy tỉnh thức và cầu nguyện!”.

Đức Yêsu không ngừng nhắn nhủ chúng ta điều đó. Lời nhắn nhủ ấy là một điệp khúc giữ nhịp cho dòng thời gian được nhẫn nại trôi qua và cảnh báo cho chúng ta lúc nào cũng phải sẵn sàng đi gặp Chúa. Đó không phải là vấn đề thời gian hay định mệnh của cuộc đời, mà là hành vi quan trọng nhất trong cuộc sống, mà chúng ta cần chuẩn bị để lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng tự nguyện và chân thành. Lời kêu cầu trong sách Khải Huyền cũng là lời cầu nguyện của Giáo hội, của người tín hữu đã sống phận làm con Thiên Chúa một cách trưởng thành.

”Maranatha”không phải chỉ là một lời kêu cầu, mà còn là một sự ý thức về ơn gọi của chúng ta, là khẳng định niềm hy vọng hằng theo chúng ta từ đầu cho đến cuối cuộc hành trình.

Dấu Chỉ Thời Đại

Mới đây chúng ta nghe thấymột số khoa học gia giả tưởng tuyên bố chính xác ngày tận thế, đúng hơn là ngày cùng tháng tận của trái đất này, đó là ngày 21. 12. 2012. Theo các tài liệu được phổ biến thì ngày dự đoán này được căn cứ vào lịch của người Mayan – người Columbia thời cổ, họ rất giỏi về toán học và thiên văn, đã từng sinh sống tại Mexico– và lịch của người Mayannày chỉ cótất cả 5125 năm, và ngày 21. 12. 2012 là ngày cuối cùng.

Thế nhưng, các nhà khoa học Nga và đa số các khoa học gia trên thế giới đã bác bỏ lời tiên báo này – bởi hoạt động của mặt trời hiện nay không có gì là bất ổn.Tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận rằng mặt trời chắc chắn sẽ không thể nào kéo dài mãi mãi được, ở chỗ có lúc hoạt động của nó sẽ bất thường thay đổi, gây ảnh hưởng đến các hành tinh trong thái dương hệ, trong đó có cả trái đất của chúng ta. Có thể vào năm 2012, theo chu kỳ 50 năm một lần, hoạt động của mặt trời sẽ tăng mạnh so với thời điểm hiện nay, với những cơn bão mặt trời và do vậy gây nên những hậu quả khác thường. Nếu cứ 50 năm một lần mặt trời có những biến động như thế, thì những năm 1962 hay 1912 đã xẩy ra những gì?

Bất cứ tiên đoán nào của khoa học cũng là những gì không chắc chắn bằng chính lời khẳng định của Đấng biết hết mọi sự, khi Người phán:“ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm”. Thế nhưng, qua Phúc Âm Nhất Lãm, chính Người cũng tiết lộ và báo trước cho chúng ta những dấu hiệu xẩy ra trước ngày cùng tháng tận – tức trước khi Người đến trong vinh quang. Một trong những dấu hiệu báo trước ngày cùng tháng tận của thế gian này đó là tình trạng băng hoại về đạo nghĩa và luân lý của con người, như Người đã khẳng định trong Matthêu đoạn 24, câu 12: “lòng của hầu hết con người trở nên nguội lạnh vì sự dữ gia tăng”. Thế nhưng, lạ lùng thay, cũng vào chính thời điểm thế gian đang sống trong nguội lạnh là hiện tượng tiêu biểu cho sự chết này, lại xẩy ra một sự kiện ngược lại, như Người cũng đã báo trước ở câu 14, sau câu 12 trên đây: “Tin Mừng về vương quốc sẽ được rao truyền khắp thế giới như một chứng từ cho tất cả mọi dân tộc. Chỉ sau đó tận cùng mới xảy ra”. Phải chăng những chuyến tông du của các vị chủ chăn tối cao của Giáo Hội Công Giáo, với Đức Phaolô VI và 104 chuyến công du của Đức Yoan Phaolô II đến nhiều nơi trên thế giới, chính là những gì đã ứng nghiệm câu Phúc Âm được kết thúc rằng: “Chỉ sau đó tận cùng mới xảy ra”?

Nhưng nếu hiểu và sống được ý nghĩa của cụm từ ”Maranatha – Xin Chúa hãy đến!” – thì tận thế hay không tận thế lúc nào cũng là giây phút Chúa đến với chúng ta, vì chúng ta hằng khao khát gặp Người, ở với Người và nên một với Người luôn mãi. Chính vì Chúa đến lần thứ hai là để mang ơn cứu độ cho những ai thiết tha trông đợi Người, mà ngay sau đoạn 24 Phúc Âm của mình về ngày tận thế, Thánh Matthêuđã thuật lại hai dụ ngôn trong đoạn 25, như một nhắc nhở về cách thức đợi chờ và nghênh đón Chúa đến: đó là dụ ngôn 10 cô phù dâudụ ngôn các nén bạc.

Trong tâm tình đó, hãy nguyện cầu Thiên Chúa thứ tha và ban ơn an ủi cho hết mọi người để chúng ta cũng biết chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau – như bài ca ”Maranatha”của Linh Mục Thành Tâm:

Maranatha

Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi

Trần gian trông ngóng Ngài đến viếng thăm

Ban ơn thứ tha vì đời tội lỗi

Maranatha

Từ trên cao đó Ngài ơi có thấu

Tiếng con kêu cầu

Xin cho dương thế người biết thương nhau

1.Trong lúc tươi vui bình an

Xin tạ ơn Ngài muôn kiếp

Trong lúc lo âu buồn phiền

                      Cầu Ngài thương ban ơn giúp

  1. Cho kẻ khổ đau lầm than

                      Xin Ngài mang lại no ấm

                      Cho kẻ tha phương lạc loài

                      Ðược về quê hương tươi sáng

  1. Cho kẻ khóc than ngày đêm

                      Xin Ngài mang lại an ủi

                     Cho kẻ cô đơn lạnh lùng

                       Cầu Ngài thương mang hơi ấm

  1. Cho kẻ khát khao tình thương

                        Xin Ngài ban tràn thương mến

                       Cho kẻ hi sinh cuộc tình

Cầu Ngài ban muôn ơn thánh”

(Nguyễn Trọng Lưu, khai triển từ ý của Adalbert G. Hammen)