Nguyễn Trọng Lưu
2. Những giáo phái phát sinh từ Mỹ Châu
Thường được xếp thành 5 nhóm như sau:
Những giáo phái tin vào sự thống trị ngàn năm – les sesctes millénaristes, gồm có các giáo phái Mormons, Adventistes du 7è jour, Témoins de Jéhovah.
Những giáo phái thực hành việc chữa trị – les sectes guérisseuses, gồm hai giáo phái La science chrétienne và Scientology
Những giáo phái phát sinh từ phong trào cho Yêsu – les sectes issues du movement pour Jésus, như Famille d’amour.
Những giáo phái sáng tạo – les sectes initatiques, điển hình là giáo phái Les roses-croix.
Những giáo phái mang màu sắc chính trị – les sectes politiques như Nouvelle Acropole.
21. Những giáo phái tin vào sự thống trị ngàn năm – les sesctes millénaristes
211- phái Mormon: giáo phái này là giáo phái lớn nhất tin vào sự thống trị một ngàn năm, được Joseph Smith thành lập năm 1827. Ngay từ khi còn bé, J. Smith đã xuất thần nhiều lần và lúc 15 tuổi, cậu đã được lệnh phải lập một tôn giáo mới.
Năm 27 tuổi – tức năm 1827, J. Smith tuyên bố là đã nhận được một “ấn tín” từ trời ban xuống, trong đó có chứa “sách Mormon”. Không ai được xem ấn tín này và sách Mormon đó – ngoại trừ J. Smith và cũng chỉ có J. Smith mới có đủ thẩm quyền để “dịch” sách đó ra tiếng Anh mà thôi.
Năm 1829, sách được dịch và in ra cho đại chúng. Căn cứ theo sách đó, thì Thiên Chúa đã hủy bỏ Giáo Hội Công Giáo để thành lập một giáo hội mới, tức giáo phái Mormon.Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa vô hình, nhưng là một con người có xương có thịt, chỉ khác một điều xương thịt đó tinh tuyền hơn xương thịt của chúng ta mà thôi.
Do vậy phải kiêng thuốc lá, cà phê vì hai chất đó làm hôi thối xương thịt. Cũng phải kiêng rượu vì rượu làm cho mất trí, gây thiệt hại cho thân xác.
Giáo phái Mormon phát triển mạnh ở các vùng Illinois, Ohio và Far-West. Sách thánh của giáo phái này là sách Mormon và tờ báo truyền đạo là tờ Étoile.
212- Phái chờ đợi ngày thứ bảy
Vào đầu tháng 10 naăm 1844, một nông dân tên là F. Miller đã xác nhận rằng mình được Thiên Chúa mạc khải cho biết Đức Kitô lại sắp tái giáng thế và do vậy ông đi hô hào mọi người hãy sẵn sàng chờ Chúa đến.
Phái này chủ trương cắt nghĩa Kinh Thánh theo nghĩa đen của mặt chữ: ngày Chúa đến, thì chỉ có những người nào còn sống sẽ được sống và cuộc sống này chỉ kéo dài 1000 năm thôi. Việc cầu nguyện cho người chết hoàn toàn vô ích vì không có thiên đàng mà cũng chẳng có hỏa ngục thực sự.
Tuy nhiên phái này lại chủ trương kiêng bia, rượu, thuốc lá, thịt heo mà chỉ ăn rau và uống nước lạnh mà thôi.
Những tờ Signes des temps, Revue Adventiste, Jeunesse, La Voix de l’éspérence là những tờ báo của nhóm chờ đợi ngày thứ bảy này.
213- Nhóm chứng nhân Jéhovah
Người lập ra nhóm chứng nhân Jéhovah là Charles Taze Russel – lúc đầu thuộc nhóm trông đợi ngày thứ bảy. Vì bất đồng ý kiến về việc chú giải chương 16 của Sách Khải Huyền – nên vào năm 1879, Russel quyết định ra tờ báo “La Tour de Garde – Tháp Canh” hiện là tờ báo truyền đạo của giáo phái này, được in ra nhiều thứ tiếng – có cả tiếng Việt Nam nữa.
Chỉ có 144.000 người được cứu rỗi – dĩ nhiên đó là những người thuộc nhóm này. Và cứ chiếu theo Sách Khải Huyền, thì “phản Kitô – Anti-Christ” là chính Đức Giáo Hoàng.
Trong nhóm đã thực sự xảy ra nhiều cuộc thanh trừng lẫn nhau – chỉ vì có những nhóm nhỏ đòi được cằm quyền toàn giáo phái. Từ năm 1892 đến năm 1942, đã có đến 12 cuộc “ám sát các thủ lãnh” trong nhóm.
Linh hồn không bất tử, còn Đức Kitô thực sự không là Thiên Chúa mà chỉ là một thiên sứ. Và bao lâu còn giáo hoàng công giáo, thì bấy lâu còn nhiều cuộc nổi dậy của Satan đề đòi quyền bá chủ cho nhóm chứng nhân Jéhovah. Những người theo giáo phái này không được đi lại hay chơi với những người “ngoài đạo” bởi vì như vậy là làm ô uế thân xác đã được tẩy rửa. Tuyệt đối cấm không được nhận máu hay tiếp máu cho ai.
Giáo phái này tổ chức rất chặt chẽ. Tòa giáo chủ được đặt ở Booklyn (Mỹ) theo chế độ “thần chủ” – nghĩa là khi vị thủ lãnh hiện thời sắp chết, thì chính Thiên Chúa sẽ mạc khải cho biết ai sẽ được kế vị. Mỗi chúa nhật, các tín đồ phải tụ họp để đọc Kinh Thánh và vào mùa Phục Sinh, phải họp nhau để “tưởng niệm sự chết” – chứ không tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Đức Kitô. Mỗi giáo khu, tức nơi có các tín đồ thuộc nhóm – phải có một người cai quản, gọi là “người thăm viếng – le visiteur” – giống như một linh mục quản xứ. Cao hơn, có hội đồng thủ lãnh là cớ quan tối cao của giáo phái.
Giáo phái chứng nhân Jéhohvah hiện nay không còn được nhiều người theo như những năm 1940-1970, là thời gian được coi là tuyệt đỉnh của giáo phái.
22. Những giáo phái thực hành việc chữa trị – les sectes guérisseuses
221. Giáo phái “Christian Science – La Science Chrétienne”
Sau nhiều năm nghiên cứu Kinh Thánh, bà Mary B. Eddy đã căn cứ vào lời dạy và việc Đức Yêsu chữa lành bệnh được lại ghi trong Tân Ước để thành lập giáo phái “Christian Science – La Science Chrétienne”- vào năm 1879 tại tiểu bang Massachusetts, Hoa kỳ.
Bà Mary B. Eddy sanh năm 1821 ở bang New Hamshire, Hoa kỳ. Năm 1866, bà bị một tai nạn gây thương tích trầm trọng phải nằm bịnh viện. Trong lúc ở bịnh viện, bà Eddy đọc câu chuyện Đức Yêsu chữa lành người bị bại liệt (Mat. 9, 2-8). Vừa đọc xong câu chuyện này, bà đứng lên tuyên bố là bà cũng được Đức Yêsu chữa lành thương tích của mình. Điều này làm cho bà nhìn thấy sự sống, sức khỏe hoàn toàn ở trong bàn tay quyền năng của Đức Chúa. Bà cũng cho rằng các phép lạ chữa bịnh mà Đức Chúa Yêsu đã thực hiện đều đến từ bàn tay quyền năng này. Ngoài ra, bà còn quan niệm cho rằng không những Chúa chỉ ban cho ơn cứu chuộc mà thôi, nhưng Ngài còn ban cho cả việc được chữa lành bệnh tật nữa. Chính vì thế, bà Eddy đứng ra thành lập giáo phái Christian Science. Sau khi thành lập giáo phái này, bà Eddy tuyên bố là bà đã chữa lành bệnh cho nhiều người. Bà giảng dạy tín hữu trong giáo phái là họ có thể chữa lành bệnh bằng sự cầu nguyện.
Tín hữu của giáo phái Christian Science chống lại việc chủng ngừa và tuyệt đối không đến với bác sĩ, không dùng thuốc hay vitamin, nhưng chỉ nhờ cậy vào quyền năng của Đức Chúa để chữa lành bệnh tật bằng sự cầu nguyện. Mỗi khi tín hữu Christian Science cần chữa trị bịnh, thì họ đến các “y sĩ – registered practitioners” của giáo phái để chữa bịnh theo phương pháp không dùng thuốc theo như giáo phái quy định.
Bà Eddy qua đời năm 1910. Một ban giám đốc đã được thành lập để tiếp tục điều hành các công việc của giáo phái. Các chi nhánh Christian Science ở Hoa kỳ và các nước trên thế giới đều tự lập và tự trị, nhưng trực thuộc vào nhà chính Christian Science ở Boston, Hoa Kỳ. Các nhóm Christian Science không có mục sư quản nhiệm, nhưng đến giờ thờ phượng, hai tín hữu được đề cử lên tòa giảng: một người đọc Kinh Thánh và một người đọc tạp chí “Science and Health”.
Hiện giáo phái Christian Science có 3.000 nhà thờ và 1.000.000 tín hữu ở 70 quốc gia trên thế giới. Riêng tại Hoa Kỳ, Giáo phái này có khoảng 700.000 tín hữu.
222. Giáo phái Scientology
Giáo phái “Scientology” xuất hiện lần đầu vào năm 1952 do L. Ron Hubbard, một cây bút chuyên viết tiểu thuyết khoa học giả tưởng ở Mỹ sáng lập và đặt tên.
L. Ron Hubbard là người đã phát triển một phương pháp điều trị tâm lý với tên gọi “Dianetics -thuyết xuyên hồn”. Nguyên ngữ của từ “Danetics” được ghép từ hai chữ Hy Lạp: “dia” nghĩa là xuyên qua, thấu suốt và “nous” nghĩa là linh hồn hoặc tinh thần. Giáo thuyết này cho rằng sẽ giúp con người hiểu được linh hồn của chính mình. Đó là một phương pháp giúp con người có thể giảm nhẹ những cảm giác và cảm xúc, nỗi sợ hãi và căng thẳng tâm thần, bằng việc gợi nhớ và đối diện với những kỷ niệm đau buồn trong quá khứ. Có thể nói, lý thuyết “Dianetics” do Hubbard đề xướng và triển khai là giáo lý căn bản của giáo phái Scientology.
Năm 1950, Hubbard xuất bản sách về Dianetics. Cuốn sách nhanh chóng trở thành “best-seller” và nhiều độc giả đã tự học cách điều trị tâm lý của Hubbard. Một vài bệnh nhân cho biết, họ đã “nhớ” lại những sự việc ở kiếp trước. Điều này đã được Hubbard lưu ý trong cuốn Dianetics rằng linh hồn có thể đầu thai. Tác phẩm này vừa định hình lại vừa loan truyền những tri thức về giáo phái mới của Hubbard. Năm 1952, Hubbard hoàn thiện lý thuyết của scientology và nhà thờ Scientology đầu tiên được mở cửa tại California vào năm 1954. Giáo phái mới này đã nhanh chóng lan tỏa ra khắp Hoa Kỳ và thế giới. Hiện nay có khoảng 12 triệu người tin theo.
Mục đích của Scientology theo như L. Ron Hubbard diễn tả là: “Một nền văn minh lành mạnh, không tội phạm, không chiến tranh, ở đó người có khả năng thì có thể sống thịnh vượng và người lương thiện có thể có nhiều quyền năng, và ở đó con người được tự do vươn tới những tầm cao vĩ đại hơn”.
Đối tượng mà Scientology hướng đến là tâm hồn, chứ không phải thể xác hay trí tuệ bởi giáo phái này cho rằng con người không đơn thuần chỉ là sự tương tác giữa các “gen” với môi trường sống và con người có thể có được tự do tinh thần đích thực với Scientology. Hệ thống tư tưởng của Scientology dựa trên 3 lý thuyết chính: mỗi con người là một linh hồn bất tử, trải nghiệm của con người không giới hạn trong một kiếp sống và khả năng của con người không có giới hạn.
Một trong những quan điểm cực đoan của giáo phái Scientology là chính sách “không liên hệ” -theo đó, thành viên của giáo phái phải cắt đứt liên lạc với những người thân hoặc bạn bè nghi ngờ và phản đối tổ chức này.
Các thành viên của giáo phái này tin rằng đời sống con người luôn bị cản trở bởi các ký ức tiêu cực trong kiếp trước và chỉ thông qua việc áp dụng “kỹ thuật” của Hubbard, họ mới có thể đạt được cảnh giới “trong sạch”. Các thành viên thường được yêu cầu nên tham dự các kỳ “kiểm tra” vốn kéo dài hàng trăm giờ đồng hồ. Trong các đợt kiểm tra này, các thành viên sẽ cầm một dụng cụ nhỏ màu bạc có tên là “E-meter”, được dùng để đo điện trở cơ thể họ trong thời gian kiểm tra viên đặt câu hỏi và ghi chú lời đáp của các thành viên.
23. Những giáo phái phát sinh từ phong trào ”cho Yêsu” – les sectes issues du movement pour Jésus
Vào giữa thập niên 60-70, một phong trào đã lôi kéo không biết bao nhiêu ngàn thanh thiếu niên tại Mỹ cũng như tại nhiều quốc gia trên thế giới – tạo thành hiện tượng “các Kitô hữu hippi – les hippies-chrétiens”. Đó là “phong trào cho Yêsu – movement pour Jésus” do Billy Graham sáng lập, với nhãn hiệu P-L-F (Peace, Love, Freedom – hòa bình, tình yêu, tự do), với mái tóc dài xõa ngang vai và chiếc áo thụng kiểu Do Thái.
Chính trong môi trường này mà nhóm “Gia đình tình yêu – Famille d’amour” đã phát sinh. Nhóm được thành lập do mục sư David Berg, một mục sư tin lành thuộc giáo phái Méthodiste. Ông tự xưng là được Thiên Chúa sai phái đến trần gian để thành lập một giáo phái mới, trong đó chỉ có hai điều là quan trọng: yêu cuồng sống vội và thoát ly gia đình.
Ông cho rằng Thiên Chúa kêu gọi con người phải sống đơn sơ như trẻ em, tức kêu gọi con người muốn làm gì thì làm, không cần luật lệ, không cần giới răn. Bởi vậy phải thoát khỏi vòng vây của luật pháp mà biểu trưng là gia đình và luật giáo hội.
Nhưng thoát ly để làm gì? Để yêu. Để thực hành tình yêu dưới mọi khía cạnh: tự do luyến ái, tự do hưởng thụ tình dục, đĩ điếm. Theo lý luận của ông, làm như vậy là bắt chước Yêsu, bởi Yêsu ngày xưa đã yêu Maria và Matta!
Tất cả những người thuộc giáo phái này sẽ được sát nhập vào “các tổ ấm – foyers d’amour” để hàng tuần có thể hội họp và hát các kinh đã được David Berg biên soạn và để trao đổi kinh nghiệm sống. Nhóm này có tờ báo ”Nouvelles de la nouvelle nation” và ”Les traces de Moïse Berg”.
24. Những Giáo Phái Sáng Tạo – Les sectes initiatiques
Quan trọng nhất là “Nhóm Thánh Giá Hoa Hồng – les roses-croix”, được chia thành hai nhóm nhỏ – là nhóm Asssociation Rosiancienne (A.R.) được thành lập năm 1909 tại Seattle và nhómAncien et Mystique Ordre de la Rose-Croix (A.M.O.R.C.), được thành lập vào năm 1916 tại New York.
Nhóm chủ trương công bố và giải thích những tín điều mà Giáo Hội Công Giáo không giải thích – theo tầm mức con người, nghĩa là không có gì là siêu nhiên, mà tất cả chỉ là tự nhiên, trí có con người có thể hiểu biết được.
Nhóm này được tổ chức rất bí mật, khó hiểu. Mỗi người trong nhóm sẽ nhận được một mật lệnh, mà chỉ khi nào nói chuyện, họ mới nhận ra nhau. Và khi được nhận vào nhóm,họ lại phải tuyên thệ giữ kín những điều đã được truyền thông – và họ tin rằng mật lệnh này chính là những “hoa hồng” sẽ được gắn vào thánh giá Chúa Kitô trong ngày cánh chung (jours eschatologiques).
25. Những giáo phái có khuynh hướng chính trị – les sectes politiques
Điển hình là nhóm “La Nouvelle Acropole – vệ thành mới”, do Joye Livraya, một kỹ sư người Pérou thành lập năm 1957 và được giáo sư Schawrz, người Pháp yểm trợ và tổ chức tại Âu Châu.
Đây là phong trào có tính cách tâm linh và nhân bản, quy tụ những người thích khoa học, triết lý, mỹ thuật – mà mục đích là để tìm ra “một thể chế” nhằm chinh phục thế giới theo tinh thần khoa học. Thánh quả mà nhóm này đi tới, là không có Thiên Chúa, không còn Giáo Hội mà chỉ còn tinh thần phục vụ xã hội đúng như thuyết tiến hóa: tất cả mọi biến cố xảy ra trong vũ trụ chỉ là một diễn tiến tự nhiên, không có gì là sự an bài của Thiên Chúa quan phòng nữa.
Giáo phái được thành lập tại hơn 30 quốc gia và có tờ báo “Le cercle des amis de la Nouvelle Acropole” làm cơ quan thông tin liên lạc.
(còn tiếp)