Thực thế, có một điều con người không thể gạt bỏ ra khỏi mình, cho dù có sống ở thời đại nào và ở đâu đi nữa, đó là nỗi khắc khoải về chính cuộc sống của mình – mà nói theo ngôn ngữ triết học – là nỗi khắc khoải đi tìm một tra vấn hiện sinh về ý nghĩa tối hậu của cuộc sống. Những câu hỏi ”tại sao người hiền lại gặp nạn ?” – tức vấn nạn về đau khổ -, ”đâu là ý nghĩa của cái chết ?” – tức vấn đề hiện hữu sau khi chết – lúc nào cũng thôi thúc con người phải băn khoăn, khắc khoải và đòi buộc con người phải đi tra vấn cái ý nghĩa tối hậu đó. Và khi đi đến tận cùng của tra vấn đó, con người bị bó buộc phải đối mặt với một khoảng cách giữa hai biên giới ”thần” và ”nhân”, và đó chính là mảnh đất của niềm tin tôn giáo.

“Thiện căn ở tại lòng ta” 

(Truyện Kiều, câu 2388)

Nguyễn Trọng Lưu

 

Trong tin mừng Luca 18, 1-8, – sau khi kể dụ ngôn về người đàn bà góa vì vị án quan ngược ngạo để dạy chúng ta hãy bền tâm cầu nguyện, Đức Yêsu đã kết thúc như thế này: ”Liệu khi trở lại mặt đất này, Con Người có còn tìm thấy lòng tin nữa không?” (Lc, 18, 8).

Câu này đặt chúng ta vào một nghi vấn cặp đôi (dilemma) : hoặc là hiện tượng tục hóa(sekularisering)sẽ hủy diệt hết mọi niềm tin vào Thiên Chúa, hoặc là con người không còn một khả năng nhận thức nào để sống niềm tin đó nữa?

Để có thể trả lới cho nghi vấn cặp đôi này, thiết tưởng có hai vấn đề chúng ta phải tìm hiểu: phải tìm hiểu xem nơi con người có một khả năng để sống niềm tin tôn giáo hay không – và nếu có, thì người công giáo phải dấn thân sống tinh thần kitô giáo như thế nào.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm câu trả lời cho vấn đề thứ nhất.

Trưởng thành toàn diện và nỗi khắc khoải về niềm tin.

Trước hết, chúng ta cần tra vấn xem đâu là căn nguyên của niềm tin : căn nguyên đó là một căn nguyên ngoại tại – đến từ bên ngoài – hay nội tại,  tức tiềm ẩn trong cung lòng mỗi ngưởi. Bởi nếu là một căn nguyên ngoại tại , thì thời gian hoặc một yếu tố nào đó sẽ có thể làm mai một hay xóa mất niềm tin đó đi – nhưng nếu là một căn nguyên nội tại thì không khi nào và không một quyền lực nào có thể gạt bỏ niềm tin đó được.

Nói một cách khác, con người có thể gạt ra khỏi mình nỗi khắc khoải về niềm tin hay không?

 

Thực thế, có một điều con người không thể gạt bỏ ra khỏi mình, cho dù có sống ở thời đại nào và ở đâu đi nữa, đó là nỗi khắc khoải về chính cuộc sống của mình – mà nói theo ngôn ngữ triết học – là  nỗi khắc khoải đi tìm một tra vấn hiện sinh về ý nghĩa tối hậu của cuộc sống. Những câu hỏi ”tại sao người hiền lại gặp nạn ?” – tức vấn nạn về đau khổ -, ”đâu là ý nghĩa của cái chết ?” – tức vấn đề hiện hữu sau khi chết – lúc nào cũng thôi thúc con người phải băn khoăn, khắc khoải và đòi buộc con người phải đi tra vấn cái ý nghĩa tối hậu đó. Và khi đi đến tận cùng của tra vấn đó, con người bị bó buộc phải đối mặt với một khoảng cách giữa hai biên giới ”thần” và ”nhân”,  và đó chính là mảnh đất của niềm tin tôn giáo.

 

Nhưng tại sao con người lại không thể gạt ra khỏi mình nỗi khắc khoải về niềm tin đó?

Hãy bắt đầu bằng những giây phút đầu tiên của cuộc sống. Khởi từ sự hòa trộn của 46 cặp nhiễm sắc thể DNA mang đặc tính di truyền nơi tinh trùng của người cha và nơi trứng của nguời mẹ mà chúng ta được tạo thành thai bào, rồi dần dần thành con người, để sau chín tháng muời ngày được mở mắt chào đời. Thế rồi với dòng thời gian,  khi thân xác mỗi người nhờ ăn uống hoạt động mà lớn lên, thì tâm lý mỗi người, nhờ vào giáo dục gia đình, trường học và xã hội, cũng được dần dần trưởng thành qua nhiều giai đoạn – thường được các nhà tâm lý học phân loại như sau :

giai đoạn trẻ thơ : 0-1 tuổi ½: chỉ biết phản ứng tự nhiên chung chung;

từ 1½- 3 tuổi: biết chơi đùa và phản ứng theo cá tính riêng.

giai đoạn sửa soạn đến trường : 3-6,7 tuổi biết kỷ luật và đòi hỏi

giai đoạn niên thiếu : 6,7-12-13 tuổi: hay thắc mắc và có xã hội tính.

giai đoạn dậy thì : 14-18 tuổi: khám phá ra phái tính và quyền tự quyết.

giai đoạn trưởng thành : 18-25 tuổi: hay ưu tư, tìm hỉểu ý nghĩa cuộc đời và

tự lập.

 

Mỗi khi đi từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, con người phải trải qua các khủng hoảng:

– khủng hoảng về tình cảm: giận hờn – khi không vừa ý: hay cứ làm đi làm lại một việc nào đó – khi được khen.

khủng hoảng về quyền bính : luôn làm ngược lại điều được bảo làm.

khủng hoảng về tự quyền : khi khám phá ra cái “tôi” trong xã hội, hay bịa chuyện

hoặc nói dối để làm ra vẻ ta đây.

– khủng hoảng về căn tính: “tôi” là một cá vị duy nhất, nên tôi phải lập dị, làm điều mà tôi thích, mặc những kiểu quần áo không ai được giống tôi, mục đích để thu hút người  khác phái.

– khủng hoảng về niềm tin: niềm tin tôi đã lãnh nhận từ gia đình, từ cha mẹ có thực hữu hay không? tôi sống để làm gì?  Có đời sau hay kiếp sau hay không?

 

Thường thì các cuộc khủng hoảng này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn rồi sẽ tự chấm dứt – nhưng cái quan trọng là cha mẹ hay những người có trọng trách giáo dục phải hiểu rõ những tiến trình tâm lý này để đối thoại, hướng dẫn và tìm ra một thái độ cư xử thích hợp cho con em. 

 

Như thế chúng ta thấy rằng, truởng thành là tiến trình phát triển của các cơ quan trong con nguời qua từng giai đoạn, để con người có thể học biết mà đạt đến toàn diện. Phải chăng vì thế mà nhiều ngôn ngữ Âu Châu đã dùng tiếng ”chín mùi” của trái cây để nói về người truởng thành – nhu”mûr” (tiếng Pháp), ”modne”(tiếng Đan Mạch), ”ripen” (tiếng Đức), ”mature” (tiếng Anh). Còn trong tiếng Việt,”trưởng thành” là người đã ”khôn lớn”: ”khôn””lớn”, bao gồm vừa khía cạnh tâm lý và khía cạnh sinh lý.

 

Nhưng có hai điều có lẽ chúng ta nên nhấn mạnh ở đây:

Một là luật pháp quy định tuổi thành niên là 18 tuổi, kể từ ngày sinh – nhưng thực tế trên phương diện tâm lý, thường thì tới 25 tuổi con người mới thực sự chín chắn, trưởng thành – do vậy nhiều nhà tâm lý khuyên các bạn thanh niên nam nữ hay chờ đến tuổi này mới nên lập gia đình. Riêng tại Á Đông, tuổi 30 mới được coi là tuổi lập thân : “tam thập nhi lập”.

 

Thứ đến, sự trưởng thành toàn diện bao gồm ba khía cạnh bổ túc cho nhau, mà thường người ta chỉ hay nói đến hai khía cạnh thể lý (giác quan, cơ năng, thân xác) và tâm lý (lý trí, ý chí, tình cảm, tự do) mà thôi. Trong khi đó, mối ưu tư khắc khoải về ý nghĩa cuộc đời hiện tại và mai hậu – hay nói cách khác, chính những khắc khoải về niềm tin, tức khía cạnh tôn giáo – mới là động lực chính chi phối toàn diện cuộc đời, thì lại bị lãng quên nhiều nhất.

Tìm hiếu cặn kẽ như vậy chúng ta mới thấy con người không thể chạy trốn khỏi cái tra vấn về niềm tin mà nhiều người đã cố công gạt bỏ.

Ý nghĩa của chữ ”đạo”

 

Chữ ”đạo” trong tiếng Việt có nhiều ý nghĩa khác nhau mà chúng ta cần phân biệt rõ ràng kẻo vấp phải những hiểu lầm tai hại.

 

”Đạo” trước hết là một con đường, như chúng ta thường nghe đạo lộ – tức là đường sá. ”Đạo”cũng có nghĩa là một đoàn quân, chẳng hạn khi chúng ta nói ”năm 1789, nhà Tây Sơn chia quân làm ba đạo tiến ra Bắc đánh quân Thanh”. ”Đạo” lại còn có nghĩa là một đường lối phải sống theo cho hợp với luân lý xã hội, thí dụ ”đạo làm người”, “đạo vợ chồng”. Và cuối cùng, ”đạo”còn có nghĩa là một tôn giáo, mảnh đất của niềm tin, như chúng ta hay hỏi nhau: ”Anh, chị theo đạo nào?”. Ở đây, chúng ta chỉ nói đến ”đạo” theo ý nghĩa tôn giáo, ý nghĩa của niềm tin.

 

Khi khảo cứu về lịch sử các tôn giáo từ La Mã, Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam, chúng ta mới nhận thấy rằng, ngay từ thuở xa xưa, khởi từ những tra vấn thực hữu về thân phận làm người, thì con người đã tìm liên kết hết mọi biến cố trong cuộc đời với các thần thánh để tạ ơn, để cầu xin, để tế tự, lúc sống cũng như khi chết.

 

Nhưng như chúng ta vừa nhắc đến ở trên, có nhiều người đã muốn gạt bỏ niềm tin để thay vào bằng một ngẫu tượng hay một ý thức hệ nào đó.

 

Ngay từ thời Cựu Ước, chúng ta thấy vua Yêrôboamđã cho xây hai đền thờ tại hai đầu lãnh thổ, tại Bêten và Đan, để thờ cúng ngẫu tượng bò vàng (1 Vua 12, 26-33) thay vì thờ kính Chúa Yavê.Karl Max (1818-1883) thì cho rằng tôn giáo là thuốc phiện mê dân mà chỉ có cuộc đấu tranh san bằng giai cấp vô sản của chế độ cộng sản sẽ tiêu diệt được tôn giáo. F. Nietzsche (1844-1900) trong ”Zarathoustra” đã tuyên bố ”Thượng đế đã chết! Chúng ta đã giết chết Thượng đế!”. CònSigmund Freud (1856-1939) cho rằng niềm tin tôn giáo chỉ là một trói buộc nô lệ của con người yếu đuối vào hình ảnh một người cha toàn năng không thực, để gây một ảo tưởng cho con người nghĩ rằng mình được an toàn. Jean-Paul-Sartre (1905-1980)  lại cho rằng con người phải có tự do tuyệt đối để làm tất cả những gì mình muốn vì ý niệm về một Thượng đế và chính cuộc đời con người chỉ là phi lý, thừa thãi. Còn cách đây vài chục năm, có một phi hành gia người Nga – mà tôi không nhớ rõ tên – sau chuyến thám hiểm trong không gian, khi trở vế mặt đất, đã tuyên bố chẳng thấy Thượng đế đâu cả. Và cuối cùng, có khá nhiều người tin rằng, sức mạnh của khoa học kỹ thuật mới là sức mạnh vạn năng, sẽ loại bỏ hết mọi niểm tin tôn giáo.

 

 

”Thiện căn ở tại lòng ta” (truyện Kiều,  câu 2288)

 

Ở đây chúng ta hãy gạt hết ra ngoài những hinh thức biện giáo (apologie) mà chỉ khởi từ chính sự hiện hữu của mình để nói rằng niềm tin tôn giáo không thể gạt ra khỏi con người, bởi niềm tin là chốn giao lưu của hai biên giới giữa tự nhiên và siêu nhiên, mà khi tư duy và khi sống thân phận làm người, con người bắt buộc phải đối mặt, không thể làm ngơ.

 

Sở dĩ mọi nỗ lực của những người muốn xóa bỏ tôn giáo đều phải chào thua, bởi thân phận con người là một thân phận khắc khoải lúc nào cũng muốn đi tìm viên mãn và lòng người lúc nào cũng huớng về một khát vọng tuyệt đối, vượt qua cái hạn giới của thân phận làm người, để đong đầy ý nghĩa hiện sinh. 

Phải chăng đó là ý nghĩa tiềm ẩn trong Kiều, câu 2388 – ”Thiện căn ở tại lòng ta”? ”Thiện” đây lả viên mãn, là tuyệt đối, là động lực làm con người lúc nào cũng phải quy hướng về và muốn thể hiện trong cuộc đời.

 

“Căn thiện” đó là điều mà Thánh Phaolô diễn tả qua câu “Anh em không biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong anh em hay sao?”

(1. Cor.3, 16-17).

 

Và đó cũng chính là điều mà Thánh Augustinô (354-430) trong cuốn ”Confessions” – khi tra vấn về câu hỏi nền tảng ”con người là ai ?” đã gói ghém tất cả triết lý sống đạo của mình vào câu:”Ngài đã dựng nên chúng con để hướng về Ngài, nên tâm hồn chúng con không thể nghỉ yên cho đến khi được yên nghỉ trong Ngài”.

 

Đức Phật lại nói rằng “Ta là Phật đã thành, còn chúng sinh là Phật sẽ thành” – tức trong mỗi người đều có Phật tính (Bouddhéité) để có thể trở thành “chiếu sáng” hay “giác ngộ” trong cõi Niết Bàn.

 

Bởi “căn thiện” này đã nằm trong lòng mỗi người ngay từ lúc được thụ thai, nên Đức Khổng mới gọi là “tính”, là “minh đức”: ”Đai học chi đạo, tại minh minh đức”(sách Đại Học) và sống căn thiện đó sách Trung Dung gọi là ”suất tính chi vị đạo”. Và vì thế chúng ta mới hiểu tại sao Đức Khổng Tử đã rất đề cao ”lễ” và coi đó là một trong ngũ thường của người quân tử : ”nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”.

 

“Căn thiện” đó cũng chính là điều mà Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội, đã công khai tuyên bố qua lời xác quyết:

”Tự do tôn giáo là quyền của con người chứ không phải là một việc xin-cho của nhà nước cộng sản”.

 

Nhưng ”Ngài” là ai ? ”Thiện” là ai ? Câu trả lời tùy thuộc mỗi người trong nỗ lực tra vấn và thể hiện trong cuộc đời, vì chính khi tra hỏi là chúng ta đã tìm được câu trả lời rồi vậy.