Nguyễn Trọng Lưu
Có lẽ rất nhiều lần trong đời, chúng ta đã trải qua mùa vọng và sau đó hân hoan đón mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Nhưng được mấy lần chúng ta đã tìm hiểu và thực sự sống trọn vẹn những tâm tình mùa vọng?
Tâm lòng tỉnh thức
Tin Mừng Marcô cho thấy, Thiên Chúa chỉ kêu gọi chúng ta một điều – là ”tỉnh thức” (Marcô 13, 33-37). Điều đó có nghĩa là chúng ta phải luôn tỉnh thức: cả năm, cả đời, tỉnh thức cho đến chết. Đoạn Tin mừng này rất ngắn: chỉ có năm câu – vậy mà có đến bốn lần Chúa đề cập đến tỉnh thức: hai lần Chúa nhắc các môn đệ phải tỉnh thức; một lần Chúa bảo người giữ cửa phải tỉnh thức và một lần Chúa kêu gọi mọi người tỉnh thức.
Điều này cho thấy tỉnh thức rất quan trọng. Tỉnh thức là một mệnh lệnh mà Chúa muốn chúng ta thi hành. Tỉnh thức là một đòi buộc đối với mọi người, nhất là đối với các môn đệ của Chúa.
Nhưng tỉnh thức để làm gì?
Để sẵn sàng đón Đức Chúa trở lại trong vinh quang – nghĩa là chờ đợi ngày Chúa đến hoàn tất thế giới, ngày thân xác chúng ta được sống lại và trở nên sáng láng tốt lành, ngày chúng ta được cứu độ trọn vẹn và được hưởng hạnh phúc vĩnh viễn trong tình yêu thương của Chúa.
Chúng ta chờ đợi, vì lúc này Chúa không còn hiện diện một cách hữu hình giữa chúng ta nữa. Như ông chủ kia tuyển chọn gia nhân, tin tưởng họ và giao cho họ mỗi người một việc, rồi đi xa – Đức Chúa cũng đã chọn các môn đệ, tin tưởng họ, ban cho họ Thánh Thần, giao cho họ sứ mạng loan báo Tin mừng cứu độ, rồi Chúa lên Trời.
Thời Chúa thực hiện công cuộc cứu độ đã xong – nay đến thời chúng ta đón nhận và truyền giảng ơn cứu độ trong Thánh Thần. Đức Chúa đã giao cả cơ nghiệp của Ngài cho chúng ta quản lý. Ngài dặn chúng ta phải tỉnh thức, vì không ai biết ngày nào Đức Chúa sẽ trở lại trần gian để tính sổ với cả nhân loại này – mà cũng không ai biết ngày nào Đức Chúa đến với ta, tức là ngày mình phải chết. Thân phận con người thực là hạn giới: biết vạn sự mà không biết được điều thiết yếu liên quan đến cuộc đời mình, làm chủ được vạn vật mà không làm chủ được vận mệnh của mình. Dù thông thái tài giỏi mấy đi nữa, con người cũng không thể biết ngày nào mình chết và ngày nào vũ trụ này kết thúc. Chính vì thế phải mà tỉnh thức.
Tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ – mà tỉnh thức Đức Chúa muốn ở đây là chúng ta phải sống cho đúng địa vị của mình và chu toàn bổn phận mà Ngài đã giao phó cho chúng ta. Nếu lúc nào cũng luôn quy hướng về Đức Chúa, cố gắng sử dụng những ân huệ Ngài ban để thờ phượng Ngài và phục vụ tha nhân, thì Đức Chúa trở lại lúc nào chúng ta cũng đã sẵn sàng. Nếu chúng ta đã chu toàn ơn gọi và sứ mạng Đức Chúa đã trao phó cho mình, thì bất cứ lúc nào phải từ giã cõi đời này, ta cũng được bình an và mãn nguyện.
Tỉnh thức như vậy làm nên sự sống và hạnh phúc của mỗi người. Chúng ta được cứu độ hay bị hư mất tùy thuộc mình tỉnh thức hay không tỉnh thức hành động như Chúa muốn. Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta lại càng phải tỉnh thức hơn bao giờ hết, vì chúng ta có thể bị nhiễm virus Covid 19 và bị chết bất cứ lúc nào. Do đó, chúng ta càng phải tận dụng thời gian Đức Chúa ban để chu toàn bổn phận hằng ngày, góp phần hoàn thiện bản thân, xây dựng Giáo Hội và thế giới. Đừng lãng phí thời gian cho những chuyện vô ích – vì thời gian gắn liền với sự sống và mất thời gian là mất sự sống.
Kinh nghiệm cho thấy nếu không có ơn Chúa trợ giúp, chúng ta không tỉnh thức được như Chúa muốn. Vậy chúng ta hãy tha thiết kêu cầu Thiên Chúa như dân Do Thái xưa rằng: “Lạy Chúa xin chiếu tỏa tôn nhan Ngài trên chúng con, để chúng con được ơn cứu độ!”
Mùa Vọng chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta hằng tỉnh thức và liên lỉ cầu nguyện – tiêu biểu qua lời cầu ”Manaratha!” Có lẽ ít khi chúng ta nghe và để ý từ ”Maranatha” – một từ nguyên thủy bằng tiếng Aram là ngôn ngữ bản xứ của Chúa Yêsu – được xuất hiện duy nhất một lần trong trong thơ thứ nhất của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Corintô, đoạn 16, câu 22 và có nghĩa là ”Lạy Chúa, xin hãy đến!” Ý tưởng này được lập lại trong Sách Khải Huyền, đoạn 22, câu 20: ”Xin hãy đến, lạy Chúa Yêsu!”, và có thể đọc bằng hai cách: hoặc là ”Maranatha – Lạy Chúa, xin hãy đến!” hay ”Mara-natha – Chúa đến!”.
Cụm từ “xin Chúa hãy đến” này đòi buộc chúng ta phải luôn tỉnh thức và hướng về Đức Chúa – là “Thiên Chúa chân thật duy nhất” (Yn 17, 3), chỉ biết khát khao Đức Chúa “hết lòng, hết linh hồn, và hết sức lực” (Deut. 6, 5) để rồi, như Mẹ Maria, một Trinh Nữ hoàn toàn tinh tuyền, “không biết đến chuyện vợ chồng” (Lc 1, 34) mà đã sẵn sàng “xin vâng” (Lc 1, 38) theo ý thánh Chúa với tất cả con người và cuộc đời của mình, thì những ai hằng khao khát trông mong “Xin Chúa hãy đến!” cũng sẽ được thỏa nguyện khi Chúa đến với họ và qua họ đến với trần thế.
Nến mùa vọng
Nến mùa vọng là một vòng lá cây thường được trang trí bằng vải màu đỏ và tím, và do vậy cũng còn được gọi là ”triều thiên mùa vọng” hay ”vòng hoa mùa vọng”.
Trên vòng lá ấy có đặt bốn ngọn nến. Có nhiều nhà thờ còn chọn ba cây nến tím và một cây nến hồng tương ứng với mầu sắc của áo lễ trong bốn tuần mùa vọng. Mầu tím của nến biểu thị lòng hoán cải và hy vọng. Mầu hồng diễn tả niềm vui.
Bốn ngọn nến sẽ lần lượt được thắp sáng trong bốn chúa nhật mùa vọng. Mỗi ngọn mang một tên gọi và có một ý nghĩa riêng.
Ngọn nến đầu tiên được gọi là “nến tiên tri”, vì nó gợi nhớ đến ngôn sứ Mica, người đã tiên báo Đấng Cứu Thế sẽ được sinh ra ở Bethlehem. Ngọn nến này tượng trưng cho niềm hy vọng, nên cũng còn được gọi là ”nến hy vọng”.
Ngọn nến thứ hai được gọi là “nến Bethlehem” – để ghi nhớ thành phố nơi Đức Yêsu được sinh ra. Ngọn nến này tượng trưng cho lời mời gọi toàn thể nhân loại đón nhận ơn cứu độ. Ngọn nến này còn được gọi là ”nến bình an”.
Ngọn nến thứ ba được gọi là “nến mục đồng” – nhắc nhớ đến những mục đồng, là những người đầu tiên được chiêm ngưỡng và và tôn thờ Đấng Cứu Thế. Ngọn nến này tượng trưng cho niềm vui và vì vậy có màu hồng và cũng được gọi là ”nến vui mừng”. Chúng ta cũng thấy linh mục mặc phẩm phục màu hồng khi cử hành Thánh Lễ.
Ngọn nến thứ tư được gọi là “nến thiên thần”, vì các ngài loan báo trước nhất sự kiện Chúa Giáng Sinh và bảo vệ căn chòi nơi Chúa sinh ra. Ngọn nến này tượng trưng cho tình yêu, nên cũng được gọi là ”nến tình yêu”.
Cũng có nhiều nhà thờ đặt cây nến mầu trằng, lớn hơn bốn cây kia – vào giữa vòng lá cây. Đây là ”nến Chúa Hài Đồng” – được thắp sáng vào đêm giáng sinh. Việc làm này muốn nói rằng càng đến gần Chúa Cứu Thế, ánh sáng càng nhiều hơn Chúa Giêsu là ánh sáng sẽ chiến thắng bóng tối.
Bảy điệp xướng
Từ ngày 17.12 cho tới ngày vọng lễ Giáng Sinh, lúc đọc ”bài ngợi khen” trong phụng vụ các giờ kinh theo nghi lễ Rôma, mỗi ngày sẽ có một điệp xướng được hát. Đặc biệt là tất cả bảy điệp xướng này đều bắt đầu bằng chữ ”Ôi!” và là lời khẩn cầu Chúa Yêsu, mặc dù thánh danh Người không bao giờ được trực tiếp nêu lên.
Theo Sandro Magister, các điệp xướng này đã có ngay từ thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, vào khoảng năm 600.
Ở đầu mỗi điệp xướng – theo thứ tự, Đức Yêsu được khẩn cầu như ”Đức Khôn Ngoan – Sapientia”; ”Đức Chúa – Adonai”; ”Gốc Rễ – Radix”; ”Chìa Khóa – Clavis”; ”Vừng Đông – Oriens”; Đức Vua – Rex” và ”Emmanuel”.
Điều thú vị là nếu đọc từ cuối đọc trở lên, các vần đầu latinh của những chữ này sẽ là “ERO CRAS” có nghĩa là: “Ta sẽ ở đó vào ngày mai!”. Đó là lời công bố Chúa sẽ đến, làm tròn đầy ý nghĩa mùa vọng. Thực thế, điệp xướng cuối cùng được hát vào ngày 23 tháng 12, và ngày hôm sau, với kinh chiều thứ nhất, Lễ Giáng Sinh sẽ bắt đầu.
Các điệp xướng được gợi hứng từ các bản văn Cựu Ước loan báo Đấng Messiah, nhưng ba điệp xướng cuối cùng bao gồm những kiểu nói chỉ có thể giải thích bằng ánh sáng Tân Ước mà thôi.
Ngày 17 tháng 12: “Ôi Đức Khôn Ngoan, Đấng vốn phát sinh từ miệng ĐấngTối Cao (Huấn ca 24, 3), Ngài đã vươn xa đến tận cùng trái đất, và sắp đặt mọi sự một cách đầy quyền lực và dịu dàng (Khôn ngoan 8, 1) xin Ngài hãy đến và dạy chúng con đường khôn ngoan (Cách ngôn 9, 6).
Ngày 18 tháng 12: “Ôi Lạy Chúa (Xuất hành 6,2), Đấng lãnh đạo nhà Israel, Đấng từng hiện ra với Môsê trong bụi gai bốc lửa (Xuất hành 3, 2) và trên Núi Sinai đã ban cho ông lề luật (Xuất hành 20). Xin Ngài hãy đến và giải thoát chúng con bằng cánh tay mạnh mẽ của Ngài (Xuất hành 15,12-13).
Ngày 19 tháng 12: “Ôi gốc rễ Jessê, từng đứng làm dấu chỉ cho muôn dân (Is. 11, 10), vua chúa trái đất đều im lặng trước mặt Ngài (Is 52, 15) và các dân nước khẩn cầu Ngài: xin Ngài hãy đến giải thoát chúng con, xin Ngài đừng chậm trễ (Habacuc 2, 3).
Ngày 20 tháng 12: “Ôi Chìa Khóa Đavít, vương trượng nhà Israel (Is. 22, 23), Đấng đã mở thì không ai khép được; Đấng đã khép thì không ai mở được: xin Ngài hãy đến, hãy giải thoát người đang bị giam giữ nơi tăm tối và trong bóng tử thần (Tv. 107, 10 và 14).
Ngày 21 tháng 12: “Ôi Vừng Đông, sự huy hoàng của ánh sáng muôn thuở (Khôn ngoan 7, 26) và là mặt trời công lý (Malakia, 3, 20), xin Ngài hãy đến và rọi chiếu những ai đang nằm nơi tăm tối và trong bóng tử thần (Is. 9,1; Luc 1, 79).
Ngày 22 tháng 12: “Ôi Vua muôn dân và là niềm khát khao, đá góc của họ (Is. 28, 16), Đấng kết hợp người Do Thái và dân ngoại thành một (Eph. 2, 14): Xin ngài hãy đến và cứu vớt con người Chúa đã tạo nên từ bụi đất (Sáng thế 2, 7).
Ngày 23 tháng 12: “Ôi Emmanuel (Is 7, 14), Vua và đấng ban lề luật của chúng con (Is. 33, 22), niềm hy vọng và cứu rỗi của các dân tộc (Sáng thế 49,10; Galata 4,42). Xin Ngài hãy đến cứu vớt
chúng con. Ôi Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con! (Is. 37, 20).
Ước mong mỗi người chúng ta sẽ hiểu thấu và sống trọn vẹn tâm tình mùa vọng – để rồi được tràn đầy hồng ân Chúa Giáng Sinh.
Chúc mừng Giáng Sinh 2021!