Nguyễn Trọng Lưu
Với thứ tư lễ tro ngày 17.2 vừa qua, Giáo Hội bắt đầu ”mùa chay thánh” năm 2021.
Người Việt Nam chúng ta có lẽ đã rất quen thuộc với việc ”ăn chay”. Nhưng tìm hiểu tận nguồn ngọn của việc này trong so sánh với một vài tôn giáo và nhất là đặt vào ý nghĩa này vào ”mùa chay thánh” của Giáo Hội – có lẽ là một việc đáng tìm hiểu ở đây.
Khái niệm ”ăn chay”
Chúng ta thường hiểu tổng quát rằng ”ăn chay” là thực hành việc ”kiêng ăn thịt”.
Việc ”ăn chay – kiêng ăn thịt” có thể được thực hành vì nhiều lý do khác nhau. Nhiều người phản đối việc ăn thịt vì muốn tôn trọng sự sống của mọi sinh vật. Còn nhiều người muốn ”ăn chay” vì muốn bảo vệ sức khỏe, chính trị, môi trường, văn hóa, thẩm mỹ, kinh tế hoặc sở thích cá nhân. Cách ăn chay cũng có nhiều biến thể khác nhau: cách ăn chay ”ovo-lacto”, kiêng ăn trứng và các sản phẩm từ sữa; cách ăn chay ”ovo” lại có thể ăn trứng nhưng không ăn các sản phẩm từ sữa. Còn cách ăn chay ”lacto” kiêng ăn các sản phẩm từ sữa nhưng lại không ăn kiêng trứng.
Có thể chọn ”ăn chay trường” nghĩa là trọn đời ”ăn chay-kiêng thịt”, còn ”ăn chay bán phần” – tức ăn phần lớn các thực phẩm chay nhưng đôi khi cũng ăn cá hoặc thịt gia cầm – nhưng không ăn thường xuyên.
Nhưng cũng có việc ”ăn chay – kiêng thịt” trong tương quan với niềm tin và lối sống tôn giáo.
Việc ”ăn chay” trong dòng lịch sử
Trong văn hóa Ấn Độ, việc ăn chay có liên hệ chặt chẽ với thái độ không dùng bạo lực đối với động vật – được gọi là ”ahimsa” – mà trong nhiều thiên niên kỷ đã được các nhóm tôn giáo và triết gia cổ võ. Tác phẩm cổ của Ấn Độ, cuốn Tirukkural nhấn mạnh một cách rõ ràng và rõ ràng về việc tránh xa thịt và không sát sinh – đặc biệt chương 26, đề cập đến việc ăn chay toàn diện và nghiêm ngặt.
Tại Hy Lạp và Ai Cập, ăn chay có mục đích thanh tẩy và đã được thực hành ngay từ thế kỷ thứ 6 trước công nguyên. Orphics, một phong trào tôn giáo lan rộng ở Hy Lạp vào thời điểm đó, cũng thực hành và cổ vũ cho việc ăn chay. Triết gia Pythagoras, người đã cổ võ học thuyết vị tha về thuyết luân hồi, cũng đã ăn chay trường – do vậy ngay từ thời đó, những người ăn chay được gọi bằng tiếng Anh là “Pythagoreans”.
Việc ”ăn chay” của bộ tộc Moesi – hiện nay là những người sinh sống ở Serbia và Bulgaria – đã có từ khoảng những năm 30 trước công nguyên: họ chỉ ăn mật ong, sữa và pho mát.
Ở Nhật Bản vào năm 675, Thiên Hoàng Tenmu đã cấm giết và ăn thịt trong thời kỳ nông nghiệp bận rộn – từ tháng 4 đến tháng 9 – nhưng không loại trừ việc ăn thịt chim và thú rừng.
Ở Trung Hoa, vào thời nhà Tống, ẩm thực Phật giáo đã trở nên phổ biến đến mức các quán ăn chay xuất hiện, nơi các đầu bếp sử dụng các nguyên liệu như đậu, rau củ và nấm để tạo ra các loại thịt tương tự như thịt heo, thịt gà, trứng và trứng cua.
“Ăn chay” hay “giữ chay”?
“Ăn – 咹 ” là việc đưa thực phẩm vào bao tử. Nhưng chữ “ăn” có thể được ghép với những chữ khác – như “Ăn cháo đá bát – không nhớ ơn”; “ăn chay – tránh dùng thịt cá”; “Ăn mày, ăn xin, ăn bám, ăn hại – đi kiếm thức ăn hoặc lợi nhuận”; “ăn giải nhất – thắng cuộc”; “ăn non – vội rút lui khỏi cuộc đỏ đen sau khi chiếm được thắng lợi, vì sợ sắp tới vận xui”; “ăn nằm”, “ăn ở” – nam nữ sống chung với nhau.
Còn “giữ – 佇, 拧, 貯 ” là cầm chắc trong tay, không để mất mát; giữ chìa khoá; giữ hành lý, giữ độc quyền; làm cho dừng, ngừng lại, ở lại như “đắp bờ giữ nước”; cản trở sự thay đổi: giữ giá, giữ trật tự; hành động cách thận trọng: giữ kẽ – cư xử e dè trước người lạ; đảm nhiệm một công việc hay chức vụ: giữ chức giám đốc; tuân thủ theo yêu cầu của một công việc, trung thành với một niềm tin: giữ đạo, giữ vững lập trường.
“Ăn chay” – từ nguyên thủy, là một từ của Phật Giáo, đã được cha Alexandre de Rhodes giảng trong từ điển Annam – Bồ Đào Nha – Latinh như sau: “Ăn chay đích thực có nghĩa là kiêng thịt và cá, nhưng bây giờ để chỉ sự ăn chay của những Kitô hữu: có nghĩa là giới hạn lượng lương thực được ăn vào những ngày cụ thể”. “Ăn chay” – theo nghĩa hẹp, là ăn uống có kiêng cữ, còn “ăn chay” – theo nghĩa rộng, là thực hành việc khổ chế bằng cách kiêng cữ không chỉ về món ăn thức uống mà còn cả những phương tiện hưởng thụ và thỏa mãn khác . Theo nghĩa này thì “ăn chay” không chỉ là kiêng cữ một số thức ăn hay giảm bớt số lượng trong việc ăn uống mà còn là một thái độ (tinh thần thống hối), một lối sống (khiêm cung, từ bỏ những thú vui chính đáng) nhằm biểu lộ lòng thống hối, tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Đức Kitô – mà do vậy, theo thiển ý của chúng tôi, thuật ngữ chính xác hơn cả là “giữ chay”.
Việc “ăn chay” trong một vài tôn giáo lớn
Phật Giáo
Theo quan điểm bình dân, Phật tử ăn chay là vì muốn tránh quả báo luân hồi. Theo thuyết luân hồi, con người sau khi chết bị đày xuống địa ngục, sẽ bị đẩy làm ”ma đói” hay ”ngạ quỷ”, cho tới khi hối cải sẽ được làm ”súc sinh”, và cuối cùng đầu thai trở lại làm người theo bánh xe luân hồi. Do đó, tu sĩ Phật Giáo và nhiều Phật tử có thói quen ăn chay trường, tức là không ăn thịt và những thức ăn có máu, vì có thể sẽ ăn thịt người thân của mình trong kiếp súc sinh. Những ngày 1, 14, 15 và 30 âm lịch được coi là ngày mở cửa âm phủ, các linh hồn được tự do – những ngày đó Phật tử thường ăn chay.
Thực ra, trong Phật Giáo có hai trường phái chủ trương ăn chay khác nhau. Phật giáo Nam Tông, tức phái Tiểu Thừa – vì muốn giữ truyền thống khất thực của Đức Phật, nên ngay từ đầu, phái này đã chủ trương ăn chay theo cách “tam tịnh nhục”, nghĩa là những loại thịt nào mà mình không thấy người ta giết, không nghe tiếng kêu la của loài thú bị giết, hay không có sự nghi ngờ nào người khác vì mình mà giết, những loại thịt đó thì tỳ kheo được xử dụng mà không phạm giới.
Thế nhưng, Phật giáo Bắc Tông – tức phái Đại Thừa – thì không chấp nhận cách ăn chay này, họ quan niệm rằng ăn chay là không được ăn thịt cá, chỉ ăn các loại rau đậu.
Tuy nhiên, dù Nam Tông hay Bắc Tông, mục đích của việc ăn chay là nhằm tăng trưởng lòng từ bi, giảm bớt lòng tham sân si hận, bằng cách tu tập không sát sinh, biết thương yêu người đồng loại và ngay cả các loài vật khác. Khi đã có lòng từ bi, không nỡ giết loài cầm thú, thì người ấy khó có thể giết người. Đó là lý do tại sao đức Phật đưa ra giới cấm: “không được sát sinh”. Giới cấm này cũng chính là nhân tố để hình thành quan điểm ăn chay trong đạo Phật.
Trong luật tạng của Phật giáo quy định các tăng lữ phải dành ngày đầu tháng và ngày trăng rằm tức mùng 1 và 15 âm lịch – được gọi là ngày Bồ Tát – tiếng Phạn là Uposatha hay Upavasatha – tức những ngày định kỳ để thuyết giới và cùng nhắc nhở nhau về giới pháp để tu hành. Các nhà Phật Học Đại Thừa Trung Quốc dịch là ngày trai giới. “Trai” có nghĩa là thanh tịnh, sạch sẽ. “Ăn chay” là ăn các loại thực phẩm phát xuất từ thảo mộc hay được chế biến từ thảo mộc, như: rau cải, hoa quả, ngũ cốc, các loại đậu, tàu hủ, tương chao.
Hồi Giáo
Ramadan là lễ ăn chay theo lịch hàng năm của người Hồi Giáo. Nhiều người gọi Ramadan một cách đơn giản là “tháng nhịn ăn” hoặc “tháng ăn chay”, nhưng cả hai cách gọi đó đều không đúng, bởi vì các tín đồ chẳng ăn chay hoàn toàn, cũng không nhịn ăn hoàn toàn.
Trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm ngặt các quy định: không ăn, không uống, không hút thuốc… nghĩa là không được đưa bất kể thứ gì vào miệng cũng như không được sinh hoạt tình dục – nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày, cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn mà thôi. Đối với học sinh nhỏ tuổi, binh lính và công nhân lao động nặng thì không phải nhịn. Những người đang ốm, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi được miễn trừ.
Tháng Ramadan là một trong năm tín điều bắt buộc của những người theo đạo Hồi. Đây là tín điều thứ tư, có nội dung là phải thực hiện những quy định trong 30 ngày của tháng Ramadan.
Kitô giáo
Nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo ủng hộ việc ăn chay vì cho rằng ăn chay là ý của Thiên Chúa. Họ dựa trên những tranh luận về nội dung của những đoạn trong Kinh Thánh: Sách Isaia 11, 6-9 cho thấy một cuộc sống hòa bình giữa người và loài vật và trong Sáng Thế Ký 1, 29, Thiên Chúa nói với Adam, Eva và loài người rằng cây cỏ, trái và hạt như là lương thực dành cho con người và mọi sinh vật có sinh khí – nhưng không thấy nói đến động vật là lương thực.
Nhưng trong Sáng Thế ký 9, 2-3, trước khi xảy ra đại hồng thủy, thì Đức Chúa có dặn ông Noê rằng mọi loài vật di chuyển được và có sinh khí lẫn cây cỏ đều có thể là lương thực. Do vậy Thánh Giêrônimô kết luận rằng chế độ ăn thịt chỉ xuất hiện từ khi có đại hồng thủy, và do đó nó được coi là thấp kém hơn ăn chay. Từ Noê trở về sau thì trong Cựu Ước không còn đề cập đến bất cứ điều luật nào chống lại việc ăn thịt cả.
Vào thời trung cổ, nhiều tu sĩ và ẩn sĩ trong các tu viện thường không ăn thịt, vì quan niệm rằng ăn chay là rèn luyện cho bản thân cách chống lại những ham muốn xác thịt và tỏ lòng sám hối tội lỗi đối với Thiên Chúa.
Trong Giáo Hội Công Giáo, Mùa Chay Thánh là thời gian bốn mươi ngày trước Lễ Phục Sinh kéo dài từ ngày Thứ tư Lễ Tro đến Thứ bảy Tuần Thánh. Bốn mươi ngày trong Mùa Chay được đánh dấu bởi việc ăn kiêng, làm từ thiện và hạn chế những thú vui. Hiện nay, theo quy định của Giáo Hội Công giáo Rôma thì các tín hữu buộc phải ăn chay-kiêng thịt vào ngày thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh, còn những ngày khác được khuyến khích ăn ít hơn và ăn đạm bạc hơn bình thường.
Có lẽ cũng trong chiều hướng này mà bản tiếng Việt Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1997) đã dùng chữ “giữ chay“ thay vì “ăn chay“.
MÙA CHAY THÁNH
Ăn chay bên ngoài nhắc nhở việc ăn chay trong lòng. Ăn chay trong lòng giúp ta tập làm chủ đời sống mình để luôn biết qui hướng về Chúa và mở lòng ra với tha nhân. Điều quan trọng hơn nữa là sống ý nghĩa mùa chay như Giáo Hội mong muốn: đó là sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong cuộc đời mình.
Lịch sử Mùa Chay
Vào thế kỷ 2, các tân tòng ăn chay hai ngày trước khi được rửa tội trong đêm Vọng Phục Sinh. Dần dần thời gian chuẩn bị và ăn chay kéo dài 2, 3 và 4 tuần. Sang thế kỷ thứ năm, Giáo Hội thêm Lễ Tro là một nghi thức dành cho tội nhân đang hoán cải và sẽ được hòa giải ngày thứ năm Tuần Thánh.
Ý nghĩa “Tro”
Ngay từ thời Cựu Ước, “tro” đã mang hai ý nghĩa: tượng trưng cho “sự thống hối ăn năn” và “đời sống khiêm nhường.” Trong sách Sáng Thế 18, 27, chúng ta nghe Abraham tự thú nhận: “Này tôi quả đường đột thưa với Chúa tôi – tôi chỉ là tro bụi!”
Đến thế kỷ thứ 5, Giáo Hội mới bắt đầu dùng tro trong các nghi thức phụng vụ. Trong thời điểm này, những kẻ tội lỗi và hối nhân rắc tro trên thân mình. Họ bị trục xuất ra khỏi cộng đoàn trong một thời gian ngắn, để thống hối ăn năn vì những trọng tội họ đã phạm – như tội phản đạo, chối đạo, sát nhân và ngoại tình.
Đến thế kỷ thứ 7, nghi thức thống hối này đã biến dạng và được áp dụng vào ngày Thứ Tư Lễ Tro. Kẻ có tội phải mặc áo nhặm và xức tro trên mình – đồng thời, phải sống xa gia đình suốt cả Mùa Chay. Những người này không được bước vào nhà thờ và cũng không được nói chuyện với bất cứ một ai. Họ phải làm việc đền tội, cầu nguyện và ngủ dưới đất hoặc trên rơm và cũng không được tắm rửa hoặc cắt tóc cạo râu. Vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, những hối nhân này được ban ơn xá giải và trở về với gia đình. Truyền thống này bắt đầu phổ biến và được áp dụng cho toàn thể Giáo Hội vào thế kỷ thứ 11, dưới triều đại của Đức Thánh Cha Urbanô thứ hai.
Ngày nay, vào mỗi thứ tư lễ tro, các linh mục dùng tro gạch dấu Thánh Giá trên trán của mình và từng giáo hữu. Tro này chính là tro của những chiếc lá vạn tuế của Lễ Lá năm trước đã được đốt đi. Tro nhắc nhở các giáo hữu về thân phận con người: con người được dựng nên từ bụi tro. Tro được xức lên trán để khắc ghi vào tâm trí thực tại cát bụi của con người chúng ta. Vì vậy, khi dùng tro ghi dấu Thánh Giá trên trán, linh mục sẽ đọc: “Ta là thân cát bụi – sẽ trở về cát bụi” (Sách Sáng Thế 3,19) hoặc “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng” (Mc. 1,15).
Ý nghĩa liên lệ giữa “Mùa Chay Thánh” và “Lễ Tro”
Lá vạn tuế năm trước được đốt đi thành tro là một dấu chỉ thích đáng cho ý nghĩa của Mùa Chay. Điều đó có ý mời gọi mỗi tín hữu phải nhìn lại cuộc sống của mình trong năm qua. Ta phải thiêu đốt tất cả những gì xấu xa tội lỗi của ta thành tro bụi, và quyết tâm lên đường theo Chúa Giêsu bước vào sa mạc để đối diện với lòng mình, với chính kẻ thù của mình là Satan. Satan hằng luôn xúi dục ta chiều theo tính đam mê xác thịt, ham hố quyền hành và tham lam tiền của. Nhìn nhận mình là bụi cát, chính là noi gương Chúa Yêsu sống khiêm nhu, kính sợ và tín thác vào Thiên Chúa. Chỉ lúc đó, Thiên Chúa mới “cất nhắc tôi lên từ đống phân tro.” (Thánh vịnh 113, 7)
Công Đồng Vatican 2 muốn đem lại đặc tính đích thực cho Mùa Chay: “Hai đặc tính của mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu phép Rửa Tội, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục sinh, bằng sự nhiệt thành nghe lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện hơn… Trong Mùa Chay, việc sám hối không những chỉ ở trong lòng và có tính cách cá nhân, mà còn phải tỏ lộ ra bên ngoài và có tính cách xã hội. Vậy hãy khuyến khích việc thực hành sám hối tùy theo khả năng của thời đại ta, của các miền khác nhau cũng như tùy hoàn cảnh các tín hữu.” .
Chủ đích của Mùa Chay Thánh
Mùa Chay Thánh là thời gian thuận tiện để đón nhận ân sủng của Chúa, giúp cho các tín hữu ý thức tình yêu và kế hoạch Thiên Chúa trên cuộc đời mình; là thời gian nhớ lại ngày được Rửa Tội – là biến cố được “dìm xuống” trong Đức Kitô để hoán cải và sống thực sự theo vết chân Ngài. Đó cũng là thời gian tìm lại gốc rễ của đời sống đích thực nơi mỗi người. Gốc rễ là Đức Kitô đã chết và sống lại để ban cho nhân loại sự sống mới. Gốc rễ là hành động của Thần Khí nối kết chúng ta với Thiên Chúa và với anh em trong tình yêu. Mùa Chay Thánh là một hành trình tập luyện thiêng liêng dẫn đến Phục Sinh.
Mùa Chay Thánh không có ý nghĩa tự tại mà lệ thuộc vào Lễ Phục Sinh: không có Lễ Phục Sinh thì cũng sẽ không có Mùa Chay Thánh. Mùa Chay Thánh chỉ thực sự có ích nếu giúp ta hồi sinh từng bước, nâng cao phẩm chất đời sống tâm linh, để chính chúng ta cũng sống lại cùng với Chúa.