What are you looking for?

Nguyễn Trọng Lưu

Các triết gia hiện sinh, khởi từ Søren Kierkegaard (1813-1855) và đặc biệt sau này với  Gabriel Marcel (1889-1973) đã đánh thức và đã lôi kéo con người khỏi những tháp ngà tư duy – mặc dù rất xác thực, rất đáng tin, nhưng lại quá trừu tượng và xa vời – mà đại diện là René Descartes (1596-1650) – một nhà toán học và triết gia người Pháp, đã đào sâu đến tuyệt đỉnh trong “Discours de la méthode” (1637) qua câu xác định thời danh  “Cogito, ergo sum – Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu” – để rồi đưa con người trở về đồng cảm với những hiện hữu cụ thể mà gần kề nhất là tha nhân – những người cùng sống bên cạnh chúng ta.

Mà quả thực chúng ta cũng không thể nào có thể quan niệm được một cuộc sống – một cuộc sống trọn vẹn – mà không phải là sống với những người khác – dù là cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái, hàng xóm láng giềng, bạn bè, bạn đồng nghiệp, hay mọi người trên khắp năm châu bốn biển. Mà một khi đã không thể nào tách rời ta khỏi những người khác, thì sống chính là “sống-là-sống-ở-đời-với-người-khác”.

Nhưng nếu “sống-là- sống-ở-đời-với-người-khác”, thì cái gì đã làm cho người gần lại với người hay làm cho người xa người?

Đó chính là cái nhìn. Bởi vì qua cái nhìn chúng ta mới ý thức được thế giới bên ngoài và tha nhân và đồng thời nhận ra chính mình – để từ đó chúng ta mới tìm ra một cách thế đón nhận những hiện hữu gần kề và tìm ra một lối sống với người khác.

Có lẽ phải ví cuộc đời của mỗi người như một đám cưới của hiện hữu mình với tha nhân. Nếu biết “nhìn” và  đón nhận tha nhân thì cuộc sống chung sẽ hạnh phúc, còn nếu không thể sống chung, mà cứ bắt buộc chung sống, thì cuộc sống sẽ trở thành địa ngục. Địa ngục không riêng ở chỗ ghét nhau, mà còn ở chỗ không “nhìn” ra nhau để mà ghét nhau.

Nhưng nếu cái nhìn có thể dẫn đến hạnh phúc hay đẩy xô ta vào địa ngục cuộc đời, thì đâu là ý nghĩa của cái nhìn trong cuộc sống?

“Thấy” và “Nhìn”

Thường chúng ta hay nghĩ rằng, “thấy”“nhìn” cũng chỉ là một, chẳng có gì khác biệt. Nhưng thực ra, nếu phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy hai động từ đơn giản đó lại rất khác nhau, mà từ đó có thể dẫn chúng ta đến những thái độ hoàn toàn khác biệt.

“Thấy” là trông thoáng qua mà không để ý tới.  Tôi “thấy” chiếc xe vừa chạy qua. Tôi “thấy” cái nhà trước mặt. Tôi “thấy” người ta đi qua đi lại.  Trong cái “thấy”, chúng ta chỉ lãnh hội sự vật một cách hoàn toàn thụ động, lười lĩnh, như thể những đối tượng đó đập vào mắt chúng ta, bắt chúng ta “phải“ thấy, chứ thực tình chúng ta không “muốn” thấy. Mà cũng bởi vì chúng ta ”không muốn thấy”, nên những đối tượng ấy hoàn toàn vô nghĩa đối với chúng ta. Mà rồi những cái chúng ta “không muốn thấy” đó lại cũng sẽ vụt biến khỏi đầu óc chúng ta thật mau, như bóng vút qua của những chiếc xe lao vùn vụt trên mặt đuờng bất động kia.

Nhưng trái lại “nhìn” là cố ý và chú ý thấy. “Cố ý”“biết”“muốn thấy” – mà cũng vì “muốn thấy” nên ta lại càng chú ý nhìn hơn nữa. Hãy quan sát một chàng trai len lỏi trong đám đông người để tìm người yêu. Chàng bước vội giữa đám đông người chen chúc, đảo mắt quanh nhìn tứ phía. Tất cả những màu sắc, thanh âm bên ngoài chẳng thu hút được chàng. Mà cũng chẳng có ai có ý nghĩa gì với chàng, bởi chàng chưa “nhìn” được người mà chàng “muốn” nhìn. Đúng như một thi sĩ người Pháp – Alphonse de Lamartine (1790-1869), trong “Méditations poétiques” (1820) – đã diễn tả thật tuyệt vời cái tâm trạng đó qua câu thơ ngắn gọn sau đây:

            “Un seul être vous manque, tout est dépeuplé”

            (Chỉ một người bạn thiếu, thì tất cả đều chỉ là hoang vắng mà thôi)

 Nhưng chợt khi “nhìn” thấy nàng, thì chàng lại cũng chẳng còn biết đến thế giới bên ngoài nữa. Thế giới bên ngoài bây giờ đối với chàng chỉ còn là một thứ bối cảnh để cho sự hiện diện của người chàng “nhìn” đong đầy ý nghĩa. Chàng đã ngụp lặn trong hạnh phúc, hạnh phúc của người đã “nhìn” được người mình “muốn nhìn”.

Như thế – “nhìn” là một thái độ đón nhận, một thứ thăng cấp (promotion), một thứ thăng hoa (sublimation) cho đối tượng mình muốn nhìn: người đó là một giá trị hiện sinh trong tương quan với hiện hữu mình. Khi nhìn là chúng ta đã một cách mặc thị hướng về vẻ một đẹp, một giá trị – mà điều đó cũng chính là một biểu lộ về bản tính của con người – như một ý hướng lúc nào cũng hướng về Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối. Mà vẻ đẹp gần kề nhất, giá trị gần kề nhất, tuyệt diệu nhất, hiện sinh nhất phản chiếu được cái tuyệt đối của Chân, Thiện, Mỹ trong cuộc đời mỗi người chính là tha nhân.

Chính vì thế trên kia tôi mới muốn nhận định rằng cuộc đời có lẽ phải ví như một đám cưới của hiện hữu mình với tha nhân, thì mới lột được hết ý nghĩa của cuộc hiện sinh.

“Nhìn” và ngoại cảnh

Nhưng trước khi tra cứu về cái nhìn với tha nhân. thiết tưởng chúng ta cũng nên dừng lại một vài phút để suy nghĩ về cái nhìn của ta đối với ngoại cảnh – bởi chúng ta không thể nào tư duy ngoài những khung mà triết gia Emmanuel Kant (1724-1804) đã nhận thấy và gọi là những phạm trù của tư tưởng (catégories), mà đặc biệt là không gian và thời gian.

Con người sống ở đời trước hết là sống giữa cảnh vật thiên nhiên và bên những đồ dùng hằng ngày. Thiên nhiên là những cảnh vật chưa bị bàn tay con người đụng chạm vào và làm biến đổi, còn đồ dùng là những vật liệu từ thiên nhiên được con người biến chế thành những công cụ phục vụ nếp sống của con người.

Tất cả những đồ dùng phối hợp với thiên nhiên chung quanh – tạo cho chúng ta một khung quen thuộc – quen thuộc đến độ chúng ta chỉ thấy những thứ đó mà không còn chút bỡ ngỡ, ngạc nhiên nào nữa. Đôi khi chúng ta lại còn thấy những thứ đó trong một nhãn quan chật hẹp, thực tiễn mà thôi. Ngoại vật lúc đó chỉ còn xuất hiện cho tôi trong một tương quan mang theo một ý nghĩa nhất định nào đó với tôi mà thôi: căn nhà xiêu vẹo nằm chình ình ở góc đường chẳng đáng vài trăm đồng bạc so với cái nhà của tôi; cây táo trồng ở góc vườn năm nay ít quả quá; nụ cười tầm thường của người đàn bà hàng xóm cũng chẳng có gì đáng cho tôi để ý đến và ngày nào cũng như ngày nào mặt trời mọc lên báo cho tôi biết phải dậy đi làm.

Ấy thế mà khi con người biết “nhìn” vào ngoại giới, thì tất cả đã đổi thay. Căn nhà xiêu vẹo mà tôi vấn “thấy” ở đầu đường lại trở thành nguồn hứng khởi cho Paul Cézanne (1839-1906), một họa sĩ ngưòi Pháp, chuyên vẽ các tranh cảnh vật thiên nhiên nổi tiếng. Cây táo ớ góc vườn đã là một gợi hứng cho nhạc sĩ lừng danh người Ý Antonio Vivaldi (1678-1741) – viết lên những dòng nhạc bất hủ “Le Quattro Stagioi”. Nụ cười tầm thường của một người đàn bà gần nhà đã làm cho Leonardo di sir Pietro da Vinci (1452-1519) vẽ được bức tranh để đời “La Joconde” – cũng còn được gọi là “Portrait de Mona Lisa”. Và cũng chỉ có thánh François d´Assisi (1181-1226) trong “Fioretti” mới nhìn ra cái thân thiện, cái đáng yêu của mặt trời, của bông cây, của chim cá – mà Ngài đã thân thương coi như là ruột thịt của mình, đến độ sau này – mà theo tương truyền – ngài có thể hiểu và nói chuyện được với các loài chim.

Với cái nhìn của những nghệ sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ hay của thánh nhân, thì tất cả thế giới bên ngoài đều mặc một ý nghĩa hiện sinh, giống như những mạc khải cho con người thường chỉ biết thấy mà thôi. Đó cũng chính là cái nhìn lột được những triết lý sâu thẳm ẩn tàng trong những cái rất tầm thường của đời sống ngày thường mà Antoine de Saint-Exupéry (1900-1944) đã trình bày trong tác phẩm nổi danh “Le petit prince – Cậu hoàng con”.

“Nhìn” và tha nhân

 Thật đáng tiếc vì quá nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta chỉ thấy những người chung quanh như một thứ giao lưu quen thuộc, mà không còn nhìn tha nhân như là một gặp gỡ, một cảm thông, một đồng cảm giữa hai con người, hai tâm hồn, hai trái tim. Tất cả những người đó đã bị chúng ta xếp vào cái thế giới người ta, một thứ đám đông vô ngã, xa xôi – mà tiếng Việt hay gọi là “họ” hay “người ta”. “Họ” hay “người ta” là đám đông những người chúng ta chỉ thấy, chẳng có gì đáng cho chúng ta phải nhìn, mà Søren Kierkegaard đã chợt nhận ra và sau này được Martin Heidegger (1889-1976) phân tích rất sâu sắc trong khái niệm “Man” – khi ông đối chiếu với hiện hữu của mỗi người mà ông gọi là “Dasein”.

Ở đây, tôi không dừng lại để khai triển về khái niệm “Man” hay “Dasein” đó, mà chỉ  muốn khởi từ một cái nhìn muốn chế ngự, muốn triệt tiêu người khác để đi vào cái nhìn đầy ắp tình người của Gabriel Marcel.

Từ bị nhìn …

Nhưng trước hết, chúng ta hãy khởi từ kinh nghiệm “bị nhìn”. Mỗi người trong chúng ta ít nhiều đều có những kinh ngiệm về “bị nhìn” – mà đơn giản nhất là hàng ngày khi chúng ta sống trong nhà với cha mẹ, anh chị em, rồi lớn lên đi học, đi làm với những bạn đồng nghiệp. Suốt cuộc đời lúc nào chúng ta cũng bị vây quanh bằng những cái nhìn của người khác, và ngay cả khi đã chết, chúng ta cũng được những người thân thương nhìn một lần cuối cùng trước khi vĩnh viễn tiễn đưa chúng ta về nơi an nghỉ cuối cùng. Nói một cách khác, lúc nào chúng ta cũng “bị những người khác nhìn” – mà thực ra chúng ta không để ý mà thôi.

Nhưng một khi biết rằng chúng ta đang “bị nhìn” – như khi chúng ta phải đứng trước công chúng để làm một việc gì đó – thì tự nhiên chúng ta sẽ cảm thấy không còn tự chủ, chân tay không biết để đâu, nói năng ngượng nghịu. Thế nhưng cũng chính những cái bị nhìn đó lại làm cho chúng ta ý thức rằng người khác không thể là tôi đồng thời tôi cũng nhận ra mình là gì. Nói một cách triết lý, tha nhân là kẻ nhìn tôi: qua cái nhìn, tôi ý thức đưọc tha nhân đồng thời tôi thực hiện được sự tự giác. Tôi chỉ ý thức được về tôi nhờ người khác qua cái nhìn của họ – và như vậy tôi vừa là hiện-hữu-cho-mình (être-pour-soi), mà đồng thời cũng lại là một hiện-hữu-cho-người-khác nữa (être-pour-autrui).

Tình cảnh bị nhìn đó rất gần gũi, cụ thể và hoàn toàn bình thường. Nhưng ở một cấp độ khác”, đôi khi cái nhìn của tha nhân lại gần như bó buộc tôi phải xuất hiện trước mắt tha nhân như tha nhân muốn, vì giá trị cuộc đời tôi được đặt nền tảng không phải trong tôi, mà ở nơi người khác: tôi phải như ăn mặc mốt kia màu nọ, phải có cái này cái kia vì người khác đánh giá cao những thứ đó, tôi phải tổ chức tiệc tùng nổi đình nổi đám với nhạc ca inh ỏi để cho người ta nể mình. Như thế, tôi sống là sống theo ý nghĩa cái nhìn của người khác ở ngoài tôi muốn gán cho tôi – ra như thể tôi không có một bản ngã riêng biệt. Đó là nguồn gốc của những tình cảm như xấu hổ, khoe khoang, giấu diếm mà người Việt ngày nay hay gọi là “sĩ”.

Nhưng nếu cái “sĩ” đó trở thành bệnh hoạn, nó sẽ dẫn chúng ta đến những cái bị nhìn rất chết chóc, què cụt – mà tiêu biểu là nhất là cái bị nhìn của triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre (1905-1980) – khi ông nhận định rằng “le regard d´autrui m´a volé le mondecái nhìn của tha nhân đã đánh cắp cuộc đời tôi”. Đối với Jean-Paul Sartre, sự hiện hữu của người khác đã đưa tôi vào một thế giới bị nhìn thụ động – để tôi không còn là tôi nữa mà tôi đã bị giản lược thành một thứ đối vật nhằm thỏa mãn nhu cầu của người khác và rất nhiều khi chính tôi lại trở thành thừa thãi, phi lý, buồn nôn: tôi đã bị mất tự do tuyệt đối của tôi trong tương giao với tha nhân và do vậy Jean-Paul Sartre đi đến một xác quyết rất thê lương, bi đát: “l´enfers, c´est des autres”: “tha nhân là hỏa ngục”. Đó chính là cái nhìn muốn triệt tiêu người khác.

 … đến cái nhìn đồng cảm

Trái lại, Gabriel Marcel lại đưa chúng ta vào một cái nhìn về tha nhân thật sống động, thật hiện sinh và đầy ắp tình người. Gabriel Marcel đã bắt đầu từ cái nhìn đấy ắp tình thương mến dấu yêu của cha mẹ dành cho con cái ngay từ lúc chưa mở mắt chào đời, tức khi còn là thai nhi trong lòng mẹ. Và trải qua năm tháng dài, lúc nào cha mẹ cũng nhìn và bao bọc con cái, lại còn nhìn và bao bọc cả những người con của con mình. Thêm vào đó chúng ta còn có những cái nhìn âu yếm của anh em ruột thịt, và đặc biệt của người bạn đường – tức vợ hay chồng, là thịt xương của mình – là những nguồn sinh lực chính yếu làm nên cuộc đời chúng ta. Chúng ta còn được bạn bè, những ngưòi quen thân, hàng xóm láng giềng nhìn và tạo một liên hệ sinh động trong suốt cuộc đời. Chính khi nhìn vào tha nhân mà chúng ta hình thành nên cuộc đời chúng ta. Đó là một cảm nghiệm triết học độc đáo về tha nhân, về tình yêu, về lòng thủy chung và về cái chết mà Gabriel Marcel đã sống và đã viết lại trong “Le mystère de l´être” (1951).

Nếu người mẹ nhìn con và coi con là độc nhất, giống như chỉ mình người con đó có ý nghĩa cho đời mình, đến độ người mẹ có thể hy sinh tất cả cho con, kể cả mạng sống – như Khái Hưng trong nhóm “Tự Lực Văn Đoàn” đã viết lại trong truyện “Anh phải sống” – thì cái nhìn của hai người trẻ yêu nhau lại càng đam mê, càng mãnh liệt hơn nữa. Chỉ qua một cái nhìn, họ cảm thấy cuộc đời họ hầu như đã gắn chặt vào nhau, và cũng chính cái nhìn tràn ắp yêu thương đó đã làm cho duyên đôi trẻ nên vợ thành chồng để suốt đời họ được bên nhau, vui buồn, sướng khổ họ đều có nhau. Đó là cái nhìn hiến dâng của một tình yêu đích thực, biết khám phá, biết đón nhận, biết thứ tha và dám hy sinh cả mạng sống mình để đồng hành với nhau trong cuộc sống, mà nhiều khi cũng không cần phải diễn tả bằng ngôn từ. Chính vì thế tiếng Việt chúng ta mới nói là “đọc trong khóe mắt”: tất cả mọi ý nghĩ đều được phơi bày qua cái nhìn.

Nếu tình yêu là yếu tính của đám cưới giữa ta và tha nhân, thì cái nhìn chính là cách thế biểu lộ và thể hiện tình yêu đó. Hạnh phúc hay đau khổ cũng đều ở cái nhìn cả. Địa ngục là cái nhìn muốn triệt tiêu người khác, còn điạ đàng là cái nhìn đồng cảm trong tâm tình hiến dâng.

Linh mục Thomas Merton (1915-1968) của đan viện Abbey of Gethsemani thuộc tiểu bang Kentucky bên Mỹ, là người rất ngưỡng mộ tư tưởng của Đức Dalai Lama và của Đại Đức Thích Nhyất Hạnh – trong “The Seven Storey Mountain” (1948) – lại còn đi xa hơn nữa khi nói đến cái nhìn vô hình của Tình-Yêu-Tuyệt-Đối: không ai phải sống cô đơn lầm lũi một mình trong đời sống này cả – vì cho dù ai đó có lẻ loi một thân môt mình đi nữa, thì họ vẫn còn Đức Chúa nhìn và dấu ái trong cõi vô hình mà qua chiêm niệm con người có thể  cảm nghiệm được.

… và những cái nhìn đổi đời

 

Tưởng cũng nên nhắc đến ở đây những cái nhìn đã làm thay đổi đời người được ghi lại trong Thánh Kinh Tân Ước. Đó là cái nhìn thứ tha của Đức Kitô với Maria Magdalena – cô gái bị những người khác coi là người tội lỗi. Cái nhìn đó đã làm cho Maria Magdalena đổi đời để trở nên một vị thánh trong Giáo Hội Công Giáo.

Còn những ai đã đi hành hương thánh địa, chắc thế nào cũng đã đến nguyện cầu ở một ngôi nhà thờ nổi tiếng tại làng El-Karim – thuờng được gọi là nhà thờ con gà gáy, là nhà thờ đã được dựng xây để nhắc nhớ đến cái nhìn đầy ắp lòng yêu thương của Đức Yêsu Kitô. Tương truyền rằng chính tại nơi này, Simon Phêrô – người đánh cá đơn sơ chất phác đã được Đức Yêsu Kitô chọn làm môn đồ, thế mà trong giờ Thày bị nộp trong vườn cây dầu, đã chối Thày tới ba lần. Nhưng sau khi nghe gà gáy ba lần, Simon-Phêrô đã nhớ lại cái nhìn dấu ái tràn đầy tha thứ và tin tưởng của Đức Yêsu Kitô, nên đã ăn năn hối lỗi và đã trờ thành giáo chủ đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo.

 Vậy, dù chỉ một lần trong đời – ta nhìn ra người, ta nhìn ra ta, ta nhìn ra dấu ấn của tình yêu tha nhân và nhất là của Tình-Yêu-Tuyệt-Đối – đặc biệt trong dịp lễ Giáng Sinh, là lễ giao điểm của cái nhìn yêu thương diệu vợi của Đức Chúa đối với con người, cái nhìn của EMMANUËL, của một Đức-Chúa-Nhập-Thể-Và-Nhập-Thế – thì cũng đã quá đủ để chúng ta sống trọn nghĩa kiếp hiện sinh này rồi.