National Eucharistic Congress: Mission starts with encountering Christ

 

Nguyễn Trọng Lưu

Đại hội Thánh Thể quốc tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại Ecuador

Ngày 09.09.2021, Đức Tổng Giám Mục Alfredo Espinoza của tổng giáo phận Quito – đã thông báo rằng Đại hội Thánh Thể quốc tế lần tới, vào năm 2024, sẽ được tổ chức tại thủ đô Quito, của Ecuador.

Đức Tổng Giám Mục khẳng định: “Vào năm 2024, chúng tôi chờ anh chị em tại ‘thành phố bác ái của Thiên Chúa’ như tên gọi của Quito. Chúng tôi chờ anh chị em ở Ecuador, ‘Trung điểm của thế giới’, nơi tình yêu của Chúa Kitô Thánh Thể sẽ thúc đẩy chúng ta trong cuộc cách mạng của tình yêu và trong việc biết cách lên đường, phân phát và chia sẻ cuộc sống của chúng ta với người anh em bị xã hội vứt bỏ. Từ tình yêu tha thứ đến tình yêu thương liên đới”.

Đức Tổng Giám Mục Espinoza cầu xin sự che chở của Đức Trinh Nữ El Quinche, bổn mạng của tổng giáo phận Quito, “đồng hành với chúng ta trên hành trình đến Quito”. Ngài thúc giục: “Chớ gì chúng ta rời nơi đây, từ Budapest đến toàn thế giới, để cách mạng hoá bằng tình yêu, biến đổi thế giới của chúng ta bằng tình yêu”.

Chủ đề của Đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 53 từ ngày 8.9 đến 15.9 năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Quito, Ecuador – nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thánh hiến Ecuador cho Thánh Tâm Chúa Giêsu – có chủ đề là “Tình huynh đệ để hàn gắn thế giới. Tất cả anh em đều là anh em của nhau”, được rút từ Tin Mừng Thánh Mátthêu 23,8 – với ước mong “Cuộc gặp gỡ Giáo hội trọng đại này sẽ cho thấy hiệu quả của Bí tích Thánh Thể đối với việc truyền giáo và canh tân đức tin tại châu Mỹ Latinh.”

Thủ đô Quito của Ecuador là thành phố đông dân nhất của Ecuador, với hơn 3 triệu dân trong khu vực trung tâm. Và Tổng Giáo phận Quito có hơn 2,7 triệu tín hữu.

Lịch sử đại hội Thánh Thể quốc tế

Ðại Hội Thánh Thể quốc tế được bắt đầu ở Pháp từ năm 1881 như là một thành quả dựa theo tinh thần của Thánh Peter-Julian Eymart (1811-1868) – được mệnh danh là “tông đồ của Thánh Thể”; của Chân Phước Antoine Chevrier (1826-1879); của Léon Dupont (1797-1876) và của Ðức Giám Mục Gaston Adrian de Segur (1820-1880). Ðại Hội Thánh Thể quốc tế bắt đầu được tổ chức cũng là do sáng kiến của những giáo dân nhiệt thành như chị Emilie Marie Tamisier (1834-1910).

Chị Émilie Tamisier, trong những năm 1870-1880 đã tổ chức những buổi chầu Thánh Thể và muốn khôi phục lại việc tôn thờ Thánh Thể mong cứu và bảo vệ xã hội khỏi những tệ nạn kéo theo từ cuộc cách mạng Pháp, xảy ra từ năm 1789-1799.

Với thời gian, đại hội Thánh Thể đã được canh tân và đưa vào các cuộc hành hương.

Lúc khởi đầu, Ðại Hội Thánh Thể được tổ chức có tính cách địa phương tại Lille, miến bắc nước Pháp – và dần dần lan rộng ra đến những vùng phụ cận. Sau đó được du nhập đến các nước khác trong vùng Âu Châu, và rồi đến Mỹ Châu.

Năm 1879 Ðức Giáo Hoàng Leo 13 thành lập Ủy Ban Tòa Thánh Ðại Hội Thánh Thể Quốc Tế (The Pontifical Committee for International Eucharistic Congress), với trách nhiệm tổ chức các đại hội Thánh Thể quốc tế, và cổ động việc Chầu Mình Thánh Chúa.

 

Mục đích của Đại hội Thánh Thể

Mục đích của Đại hội Thánh Thể là thúc đẩy nhận thức về vai trò trung tâm của bí tích Thánh Thể trong đời sống và sứ vụ của giáo hội công giáo. Đó cũng là dịp giúp tín hữu chú ý đến chiều kích xã hội của bí tích Thánh Thể. Trong buổi tiếp kiến các tham dự viên khóa họp toàn thể của Ủy ban Tòa Thánh về các Đại hội Thánh Thể, năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô còn nhấn mạnh ba ý nghĩa đặc biệt của các Đại hội Thánh Thể trong bối xã hội tân tiến, đang bị tục hóa và cần được tái truyền giảng Tin Mừng, đó là: tăng cường tình hiệp thông với Chúa Kitô Thánh Thể, sống trong Chúa và cùng với Chúa trong bác ái và trong sứ vụ.

Đại hội Thánh Thể đã được chính thức khởi đầu tại Lille, miến bắc Pháp vào ngày 21.6.1881 với hơn 8.000 ngàn người tham dự – đến từ khắp năm châu. Nhân dịp đó, Đức Giáo Hoàng Leo 13 đã công bố một văn kiện đặc biệt ca ngợi sáng kiến này và khích lệ tái diễn nhằm đào sâu sự hiểu biết và tôn sùng Thánh Thể, là kho tàng quý giá của đức tin Kitô giáo. Sau đó đại hội Thánh Thể quốc tế đã được tổ chức tại Yêrusalem, Bỉ, Roma, Anh, Đức, Canada, Tây Ban Nha, Hà Lan, Mỹ, Áo, Úc, Tunisia, Argentina, Ireland, Phi Luật Tân, Hungari, Brasil, Ấn Độ, Columbia, Úc Châu, Kenya – Phi Châu, Ba Lan, Mecxicô.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã tham gia đại hội Thánh Thể được tổ chức vào năm 2000 tại Roma, trong khuôn khổ của Năm Thánh.

Từ năm 1906, ở mỗi đại hội Thánh Thể quốc tế đều có một đặc sứ của Đức Giáo Hoàng. Năm 1964, đại hội Thánh Thể tại Bombay, Ấn Độ, lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng tham dự – là Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô 6. Bối cảnh diễn ra trong một thời điểm rất đặc biệt: đó là thời công đồng Vatican 2 đang nhóm họp. Từ năm 1964, trừ một số ngoại lệ hiếm hoi, các Giáo Hoàng đều tham dự đại hội Thánh Thể quốc tế. Sự hiện diện của vị cha chung là sự khích lệ mạnh mẽ cho các đại hội, mà tự khởi nguồn vốn là sáng kiến của các cá nhân, rồi dần dần được Tòa Thánh ủng hộ.

 

Đại hội Thánh Thể quốc tế 

Đại hội Thánh Thể quốc tế nhắm làm chứng cho sự hiện diện thực sự của Chúa Yêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể và cổ võ sự hiểu biết sâu xa hơn về phụng vụ và Thánh Thể trong đời sống Giáo Hội.

Đại hội là dịp chầu Thánh Thể, cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa với các cuộc rước Thánh Thể long trọng và cử hành thánh lễ với người công giáo từ khắp nơi trên thế giới.

Đại hội Thánh Thể quốc tế diễn ra lần đầu tại Pháp vào năm 1881 và tiếp tục được tổ chức vài năm một lần tại một thành phố khác nhau. Các đại hội trước đây đã diễn ra tại Yêrusalem; Nairobi; Kenya; Melbourne; Úc; Hàn Quốc; Mỹ; và khắp Châu Âu.

Thánh ca ”Tantum ergo”                

Chúng tôi muốn kết thúc bài tìm hiểu này với thánh ca ”Tantum ergo” mà trong bất cứ giờ chầu Thánh Thể nào cũng được hát khi kết thúc – hoặc bằng tiếng La tinh hay với tiếng bản xứ.

Lời ca của bài thánh ca “Tantum ergo” là hai khổ thơ cuối trong bài thánh thi “Pange lingua”, bằng tiếng La tinh, được cho là do Thánh Tôma Aquinô (1225-1274) trước tác. Theo truyền thống, trọn bài thánh ca “Pange lingua” thường được hát trong kinh chiều ngày lễ kính Mình Máu Thánh Chúa – còn khi chầu Thánh Thể chỉ hát hai khổ cuối cùng là “Tantum ergo” mà thôi.

 

Nhưng ”Tantum ergo” nghĩa là gì?

“Tantum” là cao quý, cao diệu, cao vời, vĩ đại, diệu kỳ, còn “ergo” là vì thế, vì vậy. Nếu dịch sát nghĩa, “Tantum ergo” là “Vì thế, thật là cao quý”. Mà nếu chỉ lấy hai từ đầu tiên “Tantum ergo” này thôi – thì cũng rất tối nghĩa nếu không đi với trọn vẹn câu văn. Vì thế người ta hay gọi bài hát này là “Tantum ergo Sacramentum”, trong đó “Tantum” bổ nghĩa cho “Sacramentum – nhiệm tích”.

Sau đây là nguyên văn tiếng La tinh bài ”Tantum ergo”

Tantum ergo Sacramentum

Veneremur cernui;

Et antiquum documentum

Novo cedat ritui;

Praestet fides supplementum

Sensuum defectui

 

Genitori, Genitoque

Laus et jubilatio,

Salus, honor, virtus quoque

Sit et benedictio;

Procedenti ab utroque

Compar sit laudatio.

Amen.

 

Bản dịch tiếng Đan Mạch sau đây trích từ “Lovsang” của giáo phận Đan Mạch (Ansgarstifelsens Forlag 1982) – trang 732-733:

Lad os derfor bøje os dybt i ærefrygt for så stort et sakramente,

Og den gamle pagt skal vige for det nye offer,

Troen hjælper os, hvor sanserne svigter

 Faderens og Sønnen og Ham,

Der udgår fra dem begge, være lov og pris,

Ære og magt og velsignelse. Amen.

Bản dịch tiếng Việt chính thức cho đến nay là bản dịch trong Sách Lễ Rôma do Ủy ban Giám mục về Phụng vụ xuất bản năm 1969:

Vậy chúng ta hãy sấp mình thờ lạy

bí tích cao cả nhiệm mầu;

mà nghi thức của ngày xưa

phải nhường chỗ cho nghi thức mới:

là đức tin phải bù lại

việc mắt trần không trông thấy.

 

Dâng lên Chúa Cha và Chúa Con

muôn lời hân hoan ca hát,

vinh dự, tán dương, quyền năng và chúc tụng,

cùng dâng lên Chúa Thánh Thần,

Đấng bởi Chúa Cha và Chúa Con,

muôn lời ngợi khen chúc tụng.

Amen.

Nhưng có lẽ nhiều người công giáo Việt Nam lại quen với bản dịch của linh mục An-sơn Vị hơn:

Đây Nhiệm Tích vô cùng cao quý, nào chúng ta phục bái tôn thờ.

Và dấu tích ngàn xưa lưu ký, phải kính nhường nghi lễ mới đây.

Ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì.

Dâng về Chúa Cha và Con Chúa, lời tán dương mừng chúc vang hòa.

Cùng vinh phúc quyền uy danh giá, tựa khói trầm bay tỏa ngát hương.

Để tiến Chúa Thánh Linh nhân hậu, khúc tán dương cảm tạ suốt đời. A-men.

 

Hãy thành kính cầu nguyện với  bài “Tantum ergo” để tạ ơn Chúa đã trao ban Mình Máu Thánh Người để nuôi chúng ta trên đường lữ thữ trần gian.