199 Best Immaculate Virgin Mary images | Virgin mary, Blessed ...

Nguyễn Trọng Lưu

 

Ba ”lời Fiat” trong Tân ước

Qua bài thánh ca “Xin vâng!” rất quen thuộc của Linh Mục Mi Trầm, có thể có nhiều người trong chúng ta đã nghĩ rằng chỉ có một “lời Fiat” duy nhất trong Tân Ước mà thôi: đó là “lời Fiat” của Đức Maria thưa lại với sứ thần Gabriel khi Ngài đến truyền tin cho Mẹ tại Nazareth: Fiat mihi secundum verbum tuum! – Lad det sker mig efter dit ord! – Xin vâng như lời thiên sứ đã truyền cho tôi! (Lc. 1, 38).

Nhưng thực sự trong Tân Ước chúng ta còn có thể tìm thấy “hai lời Fiat” khác nữa.

Khi Chúa Yêsu dạy các môn đệ cầu nguyện – trong Tin Mừng Matthêu – chúng ta tìm thấy câu: Fiat voluntas tua, sicut in cælo et in terra! – Ske din vilje som i himlen således også på jorden! – Xin vâng ý cha dưới đất cũng như trên trời!” (Mt. 6, 10). Câu này là lời dịch cũ của kinh “Lạy Cha” – mà sau này được sửa thành: “Ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời!”

Và trong vườn cây dầu – trước khi chịu tử nạn – Đức Yêsu cũng đã nguyện cầu cùng Chúa Cha: “Non mea voluntas, sed tua fiat! – Dog sker ikke min vilje, men din! – Xin đừng theo ý con, một vâng theo ý cha!” (Lc.22, 43)

Beautiful painting of the Blessed Mother Mary, Our Lady of Sorrows ...

Ý nghĩa tầm nguyên của từ “Fiat”

Từ “Fiat” từng được dịch sang tiếng Việt là “vâng” trong cả ba trường hợp đó: “Xin vâng như lời thiên sứ đã truyền”; “Vâng ý cha dưới đất cũng như trên trời…”; “Xin đừng theo ý con, một vâng theo ý Cha!” – mà ý nghĩa tầm nguyên của từ “Fiat” trong tiếng la tinh thực sự không có nghĩa là “xin vâng” – mà có nghĩa là “hãy trở thành hiện thực!” Cho dù tiếng “vâng” nói lên sự ưng thuận, vẫn còn tiềm ẩn một thái độ ít nhiều thụ động, trong khi đó từ “Fiat” mang tính chủ động hơn nhiều. Đức Maria và Chúa Yêsu đã nói lên tiếng “Fiat” để tác tạo một cái gì hoàn toàn mới: tiếng “Fiat” của Đức Mẹ cưu mang và sinh hạ Chúa Yêsu. Tiếng “Fiat” trong kinh “Lạy Cha” là lời cầu khẩn cho ý Chúa được hiển trị ở khắp mọi nơi. Còn tiếng “Fiat” của Chúa Kitô  trong vườn cây dầu đem lại ơn cứu độ cho loài người. Chúng ta còn thấy – trong chương đầu của “Sách Sáng Thế” – khi tạo dựng trời đất, Thiên Chúa cũng đã tạo thành ánh sáng với lời “Fiat lux! – Hỡi ánh sáng hãy trở thành hiện thực!”

Vậy để lời “Fiat” biến mọi sự thành hiện thực thì không thể thiếu quyền năng tác tạo của Chúa Thánh Thần.

Ngay từ đầu công trình tạo dựng, Thần Khí đã là là trên mặt nước – và khi Thiên Chúa phán “Fiat lux” thì ánh sáng đã trở thành hiện thực. Rồi đến những trang đầu tiên của Tin Mừng, khi Đức Maria thốt lên lời “Fiat”, thì Thiên Chúa trở thành hiện thực trong lòng Mẹ, do quyền năng của Thánh Thần. Chúa Thánh Thần, chính là đấng biến tiếng Fiat trở thành một lời tác sinh ! Đức Mẹ là người đầu tiên ý thức điều đó. Đức Mẹ đã minh nhiên thốt lên tiếng Fiat trong ngày truyền  tin, để cho Thánh Thần tác sinh Chúa Yêsu, dưới dạng một thân thể bằng xương bằng thịt.

Tương quan giữa hai từ ”Fiat” và “Amen”

 Mới đọc lướt qua, chúng ta thấy hai từ “Amen” và “Fiat” chẳng liên quan gì đến nhau cả. Vì trong tiếng Do thái, “Amen” có nghĩa là “Xin cho được như vậy” – hay “Xin Chúa ban cho theo như lời con xin!” – còn “Fiat”Con xin vâng!”.  Nhưng nếu tra cứu sâu xa, chúng ta sẽ thấy có một tương quan nội tại giữa hai từ này.

“Amen – אמן theo nguyên ngữ Do Thái, nói lên sự chắc chắn, chân lý và sự trung tín; là “vâng, đúng vậy, chắc như thế!”. Ngôn sứ Isaia còn nói rằng Chúa là Thiên Chúa của “Amen”, một vị Thiên Chúa mà ta có thể tin tưởng, Đấng nói và giữ lời (Is. 65,16).

Từ ngữ diễn tả sự thuận tình của Ðức Maria, được dịch bằng tiếng “Fiat – xin vâng” hoặc “xin hãy thành sự cho tôi” là một động từ ở lối ước mong (génoito; optatif) trong nguyên bản Hy lạp. Nó không diễn tả sự chấp nhận với thái độ cam chịu, nhưng là một mong muốn mãnh liệt, như thể Đức Maria muốn nói : “Tôi hết lòng ước mong điều Thiên Chúa mong muốn”. Và đó là điều Thánh Augustino đã nhận thấy và viết rằng: “Ðức Maria đã cưu mang Ðức Kitô trong tâm hồn trước khi cưu mang trong thân xác!”

Hẳn nhiên, Ðức Maria không nói “fiat” – bởi đó là một từ La tinh, mà Mẹ cũng không nói “génoito”–  một từ Hylạp. Vậy lúc ấy Mẹ nói từ gì ? Từ ngữ nào – trong ngôn ngữ nói của Ðức Maria – phù hợp nhất để diễn tả ? Một người Do thái sẽ nói gì khi muốn diễn tả “ước gì là như thế!”. Hẳn người đó sẽ nói : “Amen!” Nếu được phép thử tìm lại – theo lối suy tư đạo đức – tìm lại chính lời miệng Ðức Maria thốt ra, hay ít ra, là từ ngữ lúc bấy giờ nằm trong nguồn tiếng Sêmít mà thánh Luca đã sử dụng thì hẳn phải là từ “amen”. “Amen” là một từ Do thái, gốc của từ đó có nghĩa là sự vững chắc, chắc chắn.

Trong Phụng vụTiếng Amen đươc dùng để kết thúc một lời cầu xin dài hay ngắn với ước mong được Chúa chấp nhận lời cầu xin đó và ban cho ta như lòng mong muốn.

Ngoài ước muốn được nhậm lời cầu nói trên, “Amen” còn có nghĩa là “đúng vậy, chắc chắn như vậy”. Ý nghĩa này được dùng khi linh mục, phó tế hay thừa tác viên thánh thể giơ cao Mình Thánh  hay chén Máu Thánh Chúa lên và nói “Mình Thánh Chúa Kitô” hoặc “Máu Thánh Chúa Kitô” và người rước lễ  thưa “Amen” – có nghĩa là  “đúng như vậy, đây là Mình, là Máu Thánh Chúa Kitô”.

Vậy trước khi rước Mình và Máu Thánh Chúa, ta phải thưa “Amen” với ý nghĩa này để tuyên xưng niềm tin có Chúa Kitô thực sự hiện diện trong hình bánh và rượu. 

Trong Kinh ThánhTrong Yoan 3,3  Chúa Yêsu nói : “Thật (Amen), tôi bảo thật (Amen) – không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”. “Amen” trong câu này có nghĩa là “Sự thật, đúng như vậy”.

Trong Sách Khải Huyền, chúng ta đọc được câu sau đây: “Hãy viết cho thiên thần của Hội Thánh Laodikia: “Đây là lời của Đấng Amen, là Chứng Nhân trung thành và chân thật, là Khởi Nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng”(Kh 3,14). Câu này cho thấy Chúa Kitô chính là Đấng Amen, là Lời Thật của Thiên Chúa phán ra và nhờ Lời ấy Thiên Chúa tạo dựng mọi loài, mọi vật.

Sách Giáo Lý Công Giáo, câu 1065, cũng viết: “Chúa Giêsu Kitô chính là Đấng Amen. Người là Amen của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Người cũng thâu tóm và hoàn tất Amen của chúng ta dâng lên Chúa Cha…”.

  1. Không thể sống niềm tin AMEN nếu không thực thi FIAT

Với Đức Maria

Tiếng “Amen” vọng vang trong đời Mẹ, là một thúc đẩy hai chiều của lòng tin. Tin ở Đấng đang ngự trong lòng mình là Thiên Chúa, mà đồng thời cũng phải loan rao niềm tin ấy cho những người Mẹ gặp gỡ. Trình thuật Mẹ đi viếng Bà thánh Isave nói lên điều đó. Vì qua Mẹ, niềm tin của bà Elizabeth được lớn lên, bà đã xác nhận rằng Đức Maria thật là Mẹ của Thiên Chúa: “Em thật là có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1, 45) Và ngay cả Yoan trong bụng mẹ cũng nhảy mừng, nói lên niềm vui của những người đang mong đợi Đấng Cứu Thế, mà nay đã gặp.

Franciscan Eye Candy | Pentecost, Pentecost sunday, Holy spirit

Chắc chắn Mẹ Maria đã hiện diện với các tông đồ và các tín hữu đầu tiên trong những lần họp nhau bẻ bánh: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (CvTđ. 2, 42). Mẹ đã thưa tiếng “Amen” sau mỗi lần nhận lãnh Thánh Thể. Tiếng “Amen” của Mẹ bộc toát một niềm tin mạnh mẽ. Tiếng “Amen” cô đọng một chiều dài lịch sử: Con Mẹ luôn ở với Mẹ, và giờ đây Mẹ được cưu mang lại người Con ấy trong một thái độ nội tâm đầy thánh thiện sốt mến của Mẹ.

“Amen” và “Fiat” là một cặp song đôi không thể tách rời trong cuộc sống của Đức Maria và người tín hữu. Do vậy mà những đòi buộc của hai tiếng “Fiat” và “Amen” sẽ luôn được thực hiện đồng loạt. Khi Đức Maria tuyên xưng lời “Fiat” thì cũng là lúc Mẹ đón nhận trong niềm tin, người Con trong lòng Mẹ là Con Thiên Chúa và từ giây phút ấy Mẹ luôn sống “Fiat” trong niềm tin liên lỉ vào Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Ngài. Nhưng người Kitô hữu chúng ta vẫn nói tiếng “Amen” một cách rất thường xuyên và quen thuộc mà khá nhiều khi, chúng ta không thực hiện sóng đôi với ý nghĩa “fiat”đi sóng đôi với nhau.

Vì Mẹ có một đức tin tuyệt đối, nên Mẹ cũng có một đức tuân phục cao độ. Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan Phaolô 2 đã nối kết lệnh truyền của Chúa Yêsu: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc. 22, 19) và lệnh truyền của Mẹ tại tiệc cưới Cana: “Người bảo gì thì cứ làm theo” (Yo. 2, 5). Hai lời răn dạy có chung một mục đích là làm điều Chúa truyền. Mẹ đã sống tuân phục và Mẹ cũng dạy những gia nhân sống tuân phục. Đức Maria sẵn sàng chấp nhận hoàn toàn những gì nằm trong

chương trình của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, Mẹ cũng ân cần quan tâm đến những nhu cầu và sự thiếu thốn của con người.

Đức Maria xứng đáng được gọi là “người có phúc vì đã tin.” Vì sau lời đáp trả “xin vâng” Mẹ đã bước vào hành trình tuân phục trong đức tin qua nhiều biến cố xảy đến trong đời Mẹ. Mẹ là mẫu người chỉ biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.

Với người tín hữu

 Cũng vậy, tiếng “Amen” của người tín hữu, tiếng “Amen” của Giáo Hội đã không ngừng vang vọng trong suốt cuộc lữ hành ở trần gian. Tiếng “Amen” nói lên niềm tin của Giáo Hội vào Bí Tích Thánh Thể, về sự hiện diện của Chúa Giêsu dưới hình bánh và rượu, là Con Thiên Chúa và cũng là Con Đức Maria, hiện diện cách trọn vẹn gồm cả nhân tính lẫn thần tính của Ngài nữa. Tiếng Amen tuy thật quen thuộc và đơn giản trên bờ môi của người tín hữu, nhưng thâu tóm cả một chiều dài lịch sử lúc tỏ lúc mờ những thách đố của niềm tin.

Khi tiếng “Amen” được thốt lên như một sự thâm tín Thiên Chúa đang hiện diện sống động trong lịch sử cuộc đời chúng ta, thì cũng bừng phát ngay một nếp sống “Fiat” tuân theo lời Ngài mà cao trổi hơn cả, quan trọng hơn cả là đức ái.

Ước mong mỗi khi đọc kinh “Lạy Cha” và mỗi khi hát bài “Xin vâng!” – chúng ta hãy xác tín lại niềm tin và lòng tín thác của chúng ta, để có thể sống trọn vẹn chiều dài lịch sử của ơn cứu độ – khởi đầu với lời “Fiat” của Đức Maria – và kéo dài trong lời “Amen” mỗi khi nhận lãnh Mình Máu Thánh Chúa.