Billedresultat for god and science

NHỮNG KHÍA CẠNH CỦA HIỆN TƯỢNG VÔ THẦN (phần 3)

Nguyễn Trọng Lưu

 

  1. Cái nhìn vô thần trong khoa học
  2. Khoa vật lý học

Căn bản của khoa vật lý học dựa trên nguyên lý nhân quả (principe de causalité): tất cả mọi kết quả đều do một nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân này là gì? Đối với các nhà vật lý học, nguyên nhân này duy nhất chỉ là vật chất, một vất chất tuyệt đối mà lúc nào cũng ở trong trạng thái chuyển động. Ý niệm này thực sự đã có với Democrite ngay từ thời thượng cổ Hy Lạp.

Chẳng hạn như đem áp dụng vào vấn đề tạo dựng vũ trụ. Vũ trụ không thể được tạo dựng từ ”hư vô” – vì từ cái không trống rỗng không thế nào phát sinh đươc cái có. Hơn thế, khoa học ngày nay cũng có thể chứng minh được rằng tất cả mọi vật chất đều được cấu tạo từ do những nguyên tử ở trong trạng thái chuyển động. Và cũng chính do sự kết hợp khác biệt của các nguyên tử này mà có cái này cái kia. Do vậy, phải kết luận rằng, để tạo dựng vũ trụ, không cần phải có Thiên Chúa và ý niệm về một Thiên Chúa này chỉ là thừa thãi, vô nghĩa và phản tự nhiên.

Lối lập luận này ngày nay thường được gọi chung là ”thuyết tự soi – illuminisme”. Thực sự đây chỉ là một hình thức mới của chủ nghĩa duy vật vô thần (matérialisme athée): căn bản của chủ thuyết này là không cần phải có Thiên Chúa vì vật chất đều có thể tự hình thành và cấu tạo do sự kết hợp của các nguyên tử trong trạng thái chuyển động. Hai người đại diện cho phái vô thần trong ngành khoa học này là Albert Einstein (1879-1955) và nhà toán học Bertrand Russel (1872-1970).

  1. Ngành sinh vật học

Nhưng lối cuốn hơn cả có lẽ là cái nhìn vô thần trong ngành sinh vật học mà nổi tiếng hơn cả là thuyết tiến hóa với Lamark (1744-1829) và Darwin (1809-1882).

Cả hai đều đồng ý với nhau rằng tất cả mọi sinh vật đều biến thái từ những hình thái đơn sơ đến phức tạp, đáp ứng với từng môi trường sống, mà mục đích là để bảo tồn sự sinh trưởng. Đó là sự tiến hóa theo một định hướng đặc biệt, mà chóp đỉnh là con người. Nói một cách khác, con người chỉ là kết quả của một tiến trình tiến hóa từ những động vật sơ khai – như từ khỉ chẳng hạn – chứ hoàn toàn không được tạo dựng từ quyền năng của Thiên Chúa.

Ngày nay với khoa di truyền học (la génétique) – nhiều nhà sinh vật học lại đồng ý với Jacques Monod (1910-1976) rằng, sự sinh trưởng và tiến hóa của con người đều do sự cấu thành từ hàng triệu loại nhiễm thể khác nhau theo một chu trình nào đó. Chu trình tiến hóa này là một sự tất định (nécessité) không cần phải có sự can thiệp của Thiên Chúa hay một vị thần thánh nào hết.

  1. Ngành nhân chủng học

Tuy là một ngành khảo cứu tương đối mới mẻ, nhưng nhiều nhà nhân chủng học, từ những kết quả thu lượm được, đã kết luận rằng, ý niệm Thiên Chúa hay Thượng Đế chỉ là một ý niệm trừu tượng do sự mê tín của các dân tộc bán khai từ thời xa xưa. J. Lubbock (1834-1913)E. B. Taylor (1832-1917) cho rằng, để dễ dàng cai trị các bộ lạc dưới quyền, các vị trưởng tộc đã bày ra các thần thánh, các lễ nghi cúng bái, làm cho dân chúng kinh sợ. H. Spencer (1820-1903)R. Pettazzoni (1883-1959) lại kết luận rằng, để làm dịu tấm lòng hiếu thảo của người còn sống với người đã chết, nên các nhà lãnh đạo các dân tộc bán khai đã bày ra việc cúng bái, thờ kính người quá cố. Nhưng dần dà với thời gian, con người càng văn minh tiến bộ, thì lòng kính sợ thần linh và lễ nghi cúng bái người chết lại càng tàn lụi và cho đến ngày nay, thì ý niệm thần thiêng và sự trường tồn của linh hồn chỉ còn là vết mờ của thời bán khai, không còn thực chất nữa.

Bằng cớ mà một số các nhà nhân chủng học này dùng chứng minh cụ thể, là càng tìm tòi khảo cứu các bộ lạc thời xưa, thì người ta càng thấy nhiều di tích chứng thực lòng sùng đạo, trong khi đó nếu khảo cứu các xã hội hiện đại, vấn đề tôn giáo chỉ còn in dấu tinh thần mà thôi.

  1. Cái nhìn vô thần trong văn chương

Quan điểm vô thần cũng không còn xa lạ trong các tác phẩm văn chương hiện đại.

Từ Nietzsche, Dostojevskij, Newal, T. HardyH. James – mà các nhà phê bình văn học hay gọi là ”năm cột trụ của nền văn học hiện đại”, chúng ta đều thấy rằng theo quan điểm của năm tác giả này – ”Thượng Đế không còn nữa!” – mà nếu còn, thì phải như Zarathustra, nhân vật chính trong cuốn ”Also sprach Zarathustra” của Nietzsche ”phải giết Thương Đế đi!” – vì từ những khắc khoải, lo âu, khổ đau của kiếp hiện sinh, từ những bất công, tội ác trong đời sống con người, tại sao ”Thượng Đế vẫn im lìm như chết” mà không can thiệp, không lên tiếng?

Ấy là chưa kể đến các tác phẩm của Françoise Sagan (1935-2004) ”Bonjour tristesse”, ”Un certain sourire” và của Jean-Paul Sartre (1905-1980)”La nausée”, Huits-Clos” mà ý niệm Thiên Chúa chỉ là thừa thãi, buồn nôn, làm hạn chế tự do tuyệt đối của con người. Một số các tác giả khác như Paul Valéry (1871-1945), Miguel de Unamuno (1864-1936), Simone de Beauvoir (1908-1986) lại không coi vấn đề hiện hữu của Thiên Chúa là một vấn đề đáng tra hỏi nữa – bởi vì có Thiên Chúa hay không – cũng không dính líu hay liên quan gì đến thực tế của cuộc sống hàng ngày. Chỉ cần thụ hưởng cuộc sống bây giờ là đủ và chết là hết.

  1. Cái nhìn vô thần trong chính trị

Chỉ cần nhìn vào những nước cộng sản là chúng ta thấy rõ các nhà cầm quyền muốn loại trừ – hay đúng hơn – diệt trừ tôn giáo để củng cố địa vị của mình. Từ những kinh nghiệm đau thương của Trung Cộng, Việt Nam, Liên Bang Xô Viết, Ba Lan, Tiệp Khắc – chúng ta đều thấy rằng, nếu cứ để dân chúng tự do sống theo tinh thần Kitô giáo – thì đương nhiên sẽ có cách mạng để tìm lại tự do, công bình.

  1. Cái nhìn vô thần trong triết học

Trong lãnh vực triết học, chúng ta thấy khong thiếu những triết thuyết chủ trương vô thần. Ở đây, chúng tôi chỉ trình bày một vài triết thuyết nổi bật mà thôi.

Từ ý niệm ”vong thân” (alienation) mà ngay từ thời thượng cổ Hy Lạp, Socrate đã nhắc tới, một số các triết gia đã đón nhận và biến đổi thành những cái nhìn mới mà độc đáo hơn cả là K. Marx, J.P. SartreM. Heidegger (1889-1976).

Karl Marx cho rằng người đi làm công lúc nào cũng ”vong thân” – tức không được cảm nghiệm được chính bản ngã của mình nữa, bởi lẽ phải lệ thuộc vào lương bổng. Nếu còn bị trói buộc vào ý thức tôn giáo nữa, thì người thợ lại càng bị vong thân hơn nữa, bởi không còn làm chủ được đời sống tại thế của mình, mà lại tin vào một thứ thiên đàng huyễn hoặc, không tưởng. Bởi vậy phải diệt trừ tôn giáo đến tận gốc rễ mới mong dành được chủ quyền.

Đối với Jean-Paul Sartre (1905-1983) con người lúc nào cũng bị “vong thân” trong tương quan với thế giới bên ngoài, đối với tha nhân và đối với chính mình nữa. Thế giới chỉ là sự phi lý, còn “con người chỉ là hỏa ngục đối với nhau” (l’enfer, c’est les autres).  Còn đối với chính mình, con người không còn được tự do thể hiện chính mình nữa, vì lúc nào cũng bị ý niệm Thượng Đế và những định chế xã hội ràng buộc một cách ý thức hay vô thức. Bởi vậy phải tiêu diệt ý thức tôn giáo, loại bỏ tha nhân và vũ trụ bên ngoài thì con người mới lột vỏ để trở thành chính mình được.

Còn theo M. Heidegger, con người là một “Dasein – một-hữu-thể-tại-thế”– nhưng lại là một hữu thể phải chết. Cái chết nhắc nhở cho con người biết rằng mình là một hữu thể vô cầu, lúc nào cũng mang trong mình mầm mống của hư vô (néant) và do vậy không thể nào có thể và dĩ nhiên không cần đặt vấn đề Thiên Chúa. Phải khai tử con người khỏi Thượng Đế để con người thực sự được sống trọn vẹn cái thân phận bọt bèo của chính mình, là thân phận hư vô. Còn nhắc đến Thượng Đế là đã đánh mất cái căn tính của Dasein, tức đã vong thân rồi vậy.

Tưởng cũng nên nhắc đến luận cứ của một số triết gia tên tuổi hiện đại như Jacques Lacan (1901-1981), Gilles Deleuze (1925-1995), B.H. Lévy (sanh năm 1948) thường nhắc đến để củng cố quan điểm vô thần của mình. Các triết gia này đều đồng ý là phải tôn trọng quyền tự do tuyệt đối của con người – mà trong lãnh vực tôn giáo, con người đã bị ràng buộc phải tin theo lời dạy bảo của tôn giáo mình. Làm như vậy là đã vi phạm quyền tự do của người khác. Nếu đã có tự do theo đạo, thì cũng phải có tự do từ chối không theo đạo. Nói khác đi, điều mà các triết gia này yêu cầu, là hãy tôn trọng quyền tự do không tin đạo của người khác – mà trong thực tế các triết gia này đều ngầm đồng ý với M. HeideggerJean-Paul Sartre rằng, Thiên Chúa không phải là vấn đề cần xét tới.

thien