Những khía cạnh của hiện tượng vô thần (phần 2)

Nguyễn Trọng Lưu

Billedresultat for communist sind karls marx

Như chúng ta vừa nói ở trên, cái nhìn vô thần trong thế giới hôm nay thực đa diện và đa tạp. Nó ăn rễ sâu vào rất nhiều lãnh vực – mà ở đây chúng ta sẽ lần lượt khai triển qua các lãnh vực xã hội, tâm lý, khoa học, văn chương, chính trị và triết học.

2.Cái nhìn vô thần trong ngành xã hội học

Nổi bật hơn cả là cái nhìn của Auguste Comte, Karl MarxÉmille Durkheim.

 

Auguste Comte (1798-1857) và luật tam trạng (lois des trois états).

  1. Comte – mặc dù không phải là người đầu tiên dùng từ ”trường phái duy nghiệm – positivisme” – nhưng ông vẫn được coi là cha đẻ của học thuyết này nhất là khi ông viết những cuốn ”Cours de philosophie positive” (1830-1842), ”Le catéchisme positiv” (1852) và ”Le système de politique positive” (1852-1854).

Gạt ra ngoài tất cả những tư tưởng của A. Comte về khía cạnh triết học, chúng ta chỉ xét quan điểm của ông liên quan đến vấn đề tôn giáo. Quan niệm này được thu gọn trong ”luật tam trạng”.

Theo A. Comte, xã hội con người, từ thượng cổ cho đến ngày nay, đã trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn thần bí, giai đoạn siêu hình và giai đoạn duy nghiệm. Giai đoạn thần bí là giai đoạn con người sống trong mê tín, dị đoan, lúc nào cũng phải lễ bái, lạy thời và quỵ lụy vào thần linh. Dần dà con người tiến đến giai đoạn siêu hình, tức giai đoạn biết dùng lý trí đề suy luận, để loại loại trừ bớt những mê tín dị đoan. Và cuối cùng là giai đoạn duy nghiệm, tức thời đại của khoa học thực nghiệm: tất cả đều được giải thích bằng ”nguyên lý nhân quả – principe de causalité” của khoa học kỹ thuật.

Từ nhận định này, A. Comte đi đến kết luận: chỉ có tôn giáo khi con người sống trong giai đoạn thần bí. Nói khác đi, não trạng của con người thời nay phải là não trạng của con người vô thần – bởi lẽ khoa học kỹ thuật ngày nay có thể giải thích được những điều mà ngày xưa thường được coi là u linh, thần thánh. Cái gọi là ”phép lạ” thực sự chỉ là sự ngu dốt của lý trí, chưa khám phá ra được tận căn rễ nguyên lý nhân quả, còn ”sự bất tử của linh hồn”, ”thiên đàng”, ”hỏa ngục” … chỉ là những danh từ rỗng tuếch, không có nội dung thực nghiệm. Tôn giáo chỉ là những lời giải đáp nhất thời trong lúc con người chưa hoàn toàn chinh phục được khoa học kỹ thuật mà thôi.

Điều đó cũng có nghĩa là càng văn minh, càng tiến bộ, thì con người lại càng xóa bỏ tôn giáo vậy.

Karl Marx (1818-1883) và thiên đàng vô sản chuyên chính

Cái nhìn của K. Marx – ngoài những ảnh hưởng xa, từ triết học Hy Lạp và từ trường phái Saint-Simon bên Pháp – bắt nguồn từ một nhận xét về thân phận khốn khổ của các công nhân nhà máy Âu Châu vào cuối thế kỷ 19 bước sang đầu thế kỷ 20.  

Theo K. Marx, thân phận khốn khổ của các công nhân bắt nguồn từ chỗ phải đổi sức lao động của mình để lấy chén cơm manh áo. Nhưng sức lao động này đã không được đền trả tương xứng: giai cấp chủ nhân luôn luôn bóc lột giai cấp thợ thuyền. Giai cấp thợ thuyền này lại không thể nào cưỡng lại sự bóc lột kia, bởi hai lẽ: nếu chống lại, họ sẽ không có cơm ăn áo mặc, và nhất là khi họ lại ”bị” an ủi bằng một thứ thiên đàng không tưởng: ”Chúa sẽ trả công bội hậu đời sau!”.

Vậy thì làm thế nào để”giải phóng” thân phận đọa đày của giai cấp công nhân đó? Chỉ có một cách duy nhất: ”làm cách mạng”. Giai cấp vô sản phải xóa tan cái ảo tưởng tôn giáo, vì cái ảo tưởng tôn giáo đó chỉ là một thứ thuốc phiện làm mê hoặc đám dân nghèo, làm tê liệt nghị lực cách mạng. Một khi tôn giáo bị hủy diệt, thì giai cấp vô sản sẽ tự đoàn kết lại để diệt giai cấp tư bản.

Thành quả mà K. Marx mơ ước, là tạo lập một thế giới cộng sản – trong đó không có phân chia giai cấp và không còn đau khổ. Đó chính là thiên đàng của con người vô sản chuyên chính. (Quý độc giả có thể tìm hiểu sâu xa hơn về ý niệm này trong bài ”Cho cây rừng còn xanh lá”, Nguyễn Trọng Lưu, www.cdcgvn.dk)

Émille Durkheim (1858-1917) và ý niệm vật tổ (Totem)

Cả K. Marx lẫn E. Durkheim đều đồng ý với nhau rằng tôn giáo chỉ là một sản phẩm của xã hội.

Nhưng khác với K. Marx, Durkheim lại cho rằng tôn giáo chỉ là một ý thức hệ xã hội, phát sinh từ ”những vật tổ – totem” của các xã hội sơ khai. Durkheim đã lấy những xã hội sơ khai của Úc Châu làm mẫu để chứng minh định đề trên: bất cứ xã hội nào cũng có những điều cấm kỵ (tabou) – gắn liền với sự tôn kính và cúng bái các vật tổ (totem). Hai khía cạnh tích cực và tiêu cực này là nền tảng của ý thức tôn giáo. Ý thức tôn giáo này chỉ là một phần trong toàn bộ xã hội: xã hội phải có tôn giáo nhưng tôn giáo chỉ là một chức năng (function) trong nhiều chức năng khác của xã hội.

Từ định đề này của E. Durkheim, chúng ta nhận thấy rằng:

  • Tôn giáo không còn là một hiện tượng tâm linh, không còn là niềm tin vào các thần thánh, mà chỉ là một trong những phận vụ của toàn bộ xã hội.
  • Và do vậy, tôn giáo nào cũng như tôn giáo nào, không còn sự phân biệt giữa ”tôn giáo tự nhiên””tôn giáo được mạc khải” nữa.

Xét trên phương diện tôn giáo, thì nhận định của E. Durkheim không có ảnh hưởng nhiều, nhưng khái niệm TotemTabou này lại ảnh hưởng rất nhiều lên Sigmund Freud, cha đẻ của ngành phân tâm học – mà chúng ta sẽ tìm hiểu vào những phần sau.

Billedresultat for cộng sản đàn áp tôn giáo

  1. Cái nhìn vô thần trong tâm lý học

Ngành tâm lý tôn giáo

Đối tượng của ngành tâm lý học (la psychologie) là tìm hiểu những hiện tượng tâm linh nội tại trong con người, để làm phát triển con người toàn diện. Mà một trong số những hiện tượng tâm linh của con người lại có hiện tượng tôn giáo – và do vậy đã phát sinh ra ”ngành tâm lý tôn giáo – la psychologie de la religion”.

Ngành tâm lý tôn giáo đã thực sự khởi đầu với L. A. Feurbach (1804-1872), người được coi là cha đẻ của thuyết nhân bản vô thần (humanisme athée). Đối với Feurbach, tôn giáo và giá trị tôn giáo hoàn toàn tùy thuộc vào tình cảm của con người. Điều đó có nghĩa là con người sẽ thực sự bị vong thân nếu đi tôn thờ một Thiên Chúa hay một Thượng Đế siêu việt, nằm ngoài tầm tay với của con người tại thế. Tại sao lại phải đi tôn thờ, lại phải quỵ lụy vào một Thiên Chúa xa vời, trong khi chính mình phải là Thiên Chúa cho mình? ”Thiên Chúa không là ai xa lạ đâu: Thiên Chúa là chính bạn. Bạn hãy để cho lý trí, tình cảm và ý chí của bạn được phát triển tối đa. Đó chính là thứ tôn giáo chân thât nhất” (L. Feurbach, “The Essence of Christianity”).

Ý tưởng của L. A. Feurbach lại càng được củng cố hơn khi R. Otto, vào năm 1917, viết cuốn ”Das Heilige”. Theo ông, ý niệm ”đấng thánh” vừa thu hút mà cũng vừa làm con người khiếp sợ. Ý niệm đó làm con người mất tự chủ, vì lúc nào cũng phải giữ thái độ sợ sệt, dè dặt, kinh hãi. Để phát triển con người toàn diện, nhất là trên phương diện tâm lý, điều cần thiết là phải gạt bỏ ”ý niệm thần thánh” này: tôn giáo là một cản trở lớn cho việc trưởng thành tâm lý.

Quan niệm của L. A. FeurbachR. Otto ngày nay vẫn còn được một số nhà tâm lý học nổi tiếng – như G. Wobbermin, W. Allport, J. LeubaT. Flournoy đào sâu và quảng bá. Nhưng ảnh hưởng lớn hơn cả là thuyết phân tâm của Sigmund Freud (1856-1939)

Thuyết phân tâm học

Khác với ngành tâm lý tôn giáo, mà đối tượng nghiên cứu là những tác động ý thức, ngành phân tâm học (la psychanalyse) lại nghiên cứu những tác động thuộc tiềm thức.

Theo S. Freud, tận thâm tâm của con người bao giờ cũng có một khát vọng tự chủ, tự quyết, một bản ngã tự cường. Bản ngã này luôn đòi được toàn quyền hành động. Nhưng trong thực tế, bản

ngã này bị hạn chế do những điều cấm kỵ (tabou) hay những định chế trong xã hội, trong cuộc sống chung.

Sự hạn chế này không làm biến mất được khát vọng vô biên của bản ngã, mà trái lại, bản ngã sẽ tự thỏa mãn một cách trá hình bằng cách đưa ra những bình phong che đậy: tôn giáo, phần thưởng đời sau, cuộc sống bất tử, hạnh phúc trường sinh.

Điều đó có nghĩa tôn giáo chỉ là một dồn nén trá hình của khát vọng bá chủ. Ý niệm về một Thượng Đế toàn năng, toàn thiện chỉ là một dự phóng của bản ngã, vượt trên những cấm kỵ. Tôn giáo chỉ là một ám ảnh xã hội (une obsession sociale) làm phát sinh những hành vi ngớ ngẩn của con người mà thôi.

Thuyết của S. Freud thực sự đã khai sáng một con đường mới trong ngành tâm lý chiều sâu (psychologie des profondeurs), mà sau này rất nhiều nhà phân tâm học đã bổ túc thêm – như Th. Reik, G.C. Jung, E. FrommF. Sierksma.

Chúng ta sẽ lượng giá S. Freud vào những phần sau.