Nhóm Thông Tin tạm xin được mạn phép viết bài TRONG THÁNG, chuyên mục này do ông Nguyễn Trọng Lưu phụ trách vì công việc tạm thời không có bài viết trong tháng 2 có thể sau tháng 3, ông sẽ trở lại. Rất mong quý độc giả thông cảm và tiếp tục luôn đón nhận bài vở nay mai.

Năm nay, Tết âm lịch rơi vào tháng hai, nhằm ngày thứ bảy 10 tháng 02 năm 2024 (Dương Lịch) tức mùng một Tết Nguyên Đán năm Giáp Thìn. Trên đất nước Đan Mạch, dù mùa đông lạnh giá kéo dài như năm nay, bị một trận bão tuyết ”xẹt ngang” đã làm trì trệ hệ thống đường xá, công ăn việc làm, tai nạn v.v… vì mấy ngày trời tuyết phủ đầy khắp nơi ở âm độ C. (khi viết bài này) giờ dần trở lại còn mưa và gió… chút ấm áp chào đón mùa xuân, thời tiết Đan Mạch là vậy.

 

Nhưng cộng đồng người Việt Công Giáo nói riêng và người Việt nói chung nơi đây, không thể không tự tạo cho chính mình một mùa Xuân nồng ấm trong không khí lễ hội truyền thống đón mừng Tết Giáp Thìn tới đây vào ngày thứ bảy 17 tháng 02 năm 2024 tại Horsens. Nói tới Tết không thể không nói tới Ông Táo với cái nhìn tín ngưỡng truyền thống dân gian.

Trước ba ngày tết, người Việt chúng ta, không ai lại không biết ít nhiều về ông Táo, tạm gọi là ông thần bếp, một ông thần hằng năm có nhiệm vụ sớ trình sự việc tốt xấu một năm qua, trong ngoài của gia chủ, nơi ông thần Táo trú ngụ lên Ngọc Hoàng. Tùy vào đức hạnh tốt xấu của gia chủ, Ngọc Hoàng sẽ phán xử.

Người ta cũng có thể tìm được sự tích ông bà Táo VN, theo tui cũng vay mượn na ná đâu đó của người Trung Hoa, chúng ta có thể truy cập trên mạng để biết chi tiết hơn về bài viết ông Táo.

Trước khi, viết về ÔNG TÁO nơi cộng đồng CGVN tại Đan Mạch, gợi nhớ lại Tết hồi tui ở VN… tui thích nhất việc cúng kiếng bánh mứt trong nhà, trong những ngày sắp Tết (vì sẽ được hưởng lộc ”ăn” sau đó) và bàn thờ ông Táo cũng không ngoại lệ. Cứ vào 23 tháng chạp hằng năm, là nhà tui lại chuẩn bị hoa quả, đèn nhang, áo mão (giấy) cho ông Táo, giấy tiền vàng bạc và tôi chỉ thích nhất dĩa mứt, kẹo đậu phộng, kẹo mè đen (còn gọi thèo lèo… cứt chuột). Tục cúng này, cũng tùy vào tín ngưỡng của mỗi gia đình, vùng miền và giàu nghèo v.v… Sau này tui mới biết còn có tục cúng cá chép, mua ở chợ về cúng xong thì phóng thích, nếu không người ta vẫn có thể cúng cá chép giấy cùng với giấy tiền vàng mã đốt để đưa ông Táo về Trời.

Bàn thờ ông Táo nhà tui thì ở trên góc bếp, quanh năm ung khói than dầu… hôi, bụi bặm được chùi rửa khang trang mỗi năm chỉ những ngày tiễn ổng về trời. Anh em tụi tui chỉ có việc, chùi lau, dọn dẹp cho sạch để ông bà ngoại hay ba má, một người thay mặt gia đình cúng vái, còn vì sao phải cúng và ý nghĩa có lẽ sau này lớn lên tui mới hiểu, còn lúc đó tui chỉ hỏi khi nào cúng xong để anh em được ăn kẹo mứt. Cho nên, ông Táo chỉ được nhắc nhỡ vào dịp áp Tết.

Sang đến Đan Mạch, ông Táo cũng được nhắc tới hằng năm, vào mỗi dịp Xuân về, cộng đồng người Việt Công Giáo hay không CG, hội đoàn có cơ hội tổ chức Tết đều… ráng có một màn Táo Quân dâng sớ cho Ngọc Hoàng với tiếng trống tùng xèng… trên sân khấu vào những năm, thời người Việt tỵ nạn mới sang Đan Mạch, nay dần cũng bị đẩy lui vào quên lãng vì không còn tính ”thời sự” và nhân lực biên kịch lẫn đạo diễn để Ông Táo áo mão cân đai ra sân khấu.

 

 

Với bài viết này, tôi nghĩ đến một tổ chức như Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Đan Mạch mỗi năm có hai sự kiện lớn là Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào trung tuần tháng 08 ở Ømborgen và Tết Nguyên Đán truyền thống với số lượng người tham dự có khi lên tới ngàn người và bao nhiêu thức ăn, nước uống phục vụ trong thời gian diễn tiến sự kiện? Đó là trách nhiệm của Ban Tổ Chức lễ hội, chắc chắn không thể phủ nhận, vai trò khá quan trọng của khâu ẩm thực, cũng cần một đội ngũ TÁO ÔNG TÁO BÀ thiện nguyện để có thể phục vụ cho các bữa ăn. Ngoài các ông bà Táo của Ban Tổ Chức Cộng Đồng điều hành, may mắn thay còn có thêm các ông bà Táo, khắp nơi từ các cộng đoàn hội đoàn cũng chuẩn bị cho thực phẩm bánh trái đã hoàn tất mang đến đóng góp hoặc biếu tặng cho công việc chung, nhằm hỗ trợ Ban Tổ Chức Cộng Đồng hoàn thành một ngày lễ hội no đầy.

Tuy các bà Táo trắng trẻo xinh xắn, diệu dàng không lọ nhòi, lọ nghẹ trên khuôn mặt vui tươi, tuy ông táo không to con lực lưỡng, lưng dài vai rộng nhưng luôn bền bỉ hăng say vào bếp, bê bết dầu mỡ, các ông bà Táo không trình diễn trên sân khấu, nhưng tương đồng giá trị là phục vụ hết mình vì công việc chung. Không ai biết, không ai thấy, nhưng niềm vui phục vụ không vị lợi, không nghĩ đến công sức (đôi lúc tưởng chừng không còn trụ được sau những giờ phục vụ), không nghĩ về tài vật tiêu hao, đường xá xa xôi vận chuyển, đến đóng góp bao nhiêu có thể sau CÁNH GÀ nhà bếp.

Những ông bà Táo nơi Cộng Đồng CGVN luôn thể hiện chất KITÔ trong máu huyết, nhằm tỏa lan tình thân thương phục vụ đến tất cả mọi người trong những dịp lễ hội, nhất là Xuân Giáp Thìn tới đây, chắc chắn các ông bà Táo sẽ nhận được ơn thưởng từ Ngọc Hoàng Thượng Đế “chính tông” là Thiên Chúa trời đất, ban những ơn lành phúc hạnh, bằng cách này hay cách khác đến cho các gia đình Táo Ông Táo Bà.

Và Ban Tổ Chức CĐ không quên cám ơn những gì các Ông Bà Táo luôn đồng hành trong mọi tình huống mỗi khi Ban Tổ Chức kêu mời, vì vậy các ÔNG BÀ TÁO xứng đáng được BTC/CĐ nhận tặng phẩm trà mứt, kẹo mè đậu phộng để Ông Bà Táo cùng con cháu sum vầy thưởng thức, niềm vui sau công sức phục vụ chăng?

Nhân tiện nơi bài viết, Nhóm Thông Tin chúng tôi đặc biệt cũng xin kính chúc quý ÔNG BÀ TÁO trong cộng đồng và toàn gia quyến luôn dồi dào sức khỏe, an lành và nhiều may mắn trong năm mới. Và không quên lời cám ơn chân thành đến tất cả quý Ông Bà Táo đã cho thành viên của Nhóm Thông Tin CĐ thưởng thức những món ăn ngon miệng và no bụng khi cùng nhau  phục vụ.

 

Kim Long.