Nguyễn Trọng Lưu
Bước vào xuân, cây cối thay lá và đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở. Và theo chu kỳ ”khứ nhi phục thủy”, tháng năm lại trở về. Giáo Hội dành tháng năm để kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa – mà ở đây chúng tôi muốn nhắc đến Đức Mẹ La Vang.
Đức Mẹ La Vang
Nếu so sánh biến cố Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, Việt Nam – với những lần Đức Mẹ hiện ra tại những nơi khác trên thế giới như tại Lộ Đức, Fatima, Mexicô – chúng ta thấy có một điểm rất khác biệt. Nếu như Đức Mẹ hiện ra tại những nơi khác trên thế giới với một hay với nhiều người công giáo, thì Đức Mẹ hiện ra tại La Vang lại cho một tập thể gồm cả người công giáo cũng như không công giáo. Điều này làm nổi bật nét tương thân tương ái và đoàn kết mọi tôn giáo, là một trong những nét đặc thù của tinh thần dân tộc Việt Nam chúng ta.
Giáo xứ Dinh Cát
Linh địa La Vang nằm trong khu vực giáo xứ Dinh Cát, thuộc tỉnh Quảng Trị, cách thị xã Quảng Trị 6 cây số và cách cố đô Huế 58 cây số.
Theo lịch sử thì Dinh Cát là miền đất cũ thuộc dân tộc Chàm. Nhưng đến năm 1307 vua Chàm cắt vùng đất từ sông Đông Hà qua đèo Hải Vân dâng cho nhà Trần để làm sính lễ cưới Huyền Trân Công Chúa. Vùng đất nhượng quyền này được nhà Trần chia thành 2 châu, Châu Thuận và Châu Hòa. Dinh Cát thuộc Châu Thuận được đặt làm thị trấn gọi là Thuận Thành, rất trù phú và đông đúc. Nguyễn Hoàng đóng dinh tại đây từ năm 1558-1626, đã làm cho Cát Dinh thành trung tâm thương mại với với người ngoại quốc.
Vị linh mục đầu tiên đặt chân lên xứ Dinh Cát là cha Diego Aduarte Dòng Đaminh năm 1595. Sau đó, có cha Phanxicô Buzomi từ Áo Môn (Trung Hoa) sang và được phép giảng đạo từ Quảng Nam tới Phú Yên. Mãi đến năm 1689 cha Lorenso Lân mới chính thức là cha sở đầu tiên của xứ Dinh Cát.
Phường La Vang
Vào thế kỷ 16, xứ Dinh Cát gồm 2 huyện, 134 xã, 9 thôn và nhiều phường. Làng Cổ Vưu là một họ đạo lâu đời thuộc xứ Dinh Cát, được thành lập vào thế kỷ 17, dưới đời nhà Lê. Dân làng phải đi vô rừng sâu tới 7 cây số để phá rẫy trồng khoai, cấy lúa. Trong làng Cổ Vưu có phường Lá Vắng. Vì trong vùng có nhiều cây lá vắng, có hột đen ăn được và lá cây lại là một vị thuốc, nên dân trong vùng dùng lá sắc lên uống chữa bệnh, do đó dân vùng lấy tên cây mà đặt cho phường như trong địa bộ. Về sau người ta đọc trại ra thành La Vang như ngày nay.
Điều đáng tiếc là không ai biết được Đức Mẹ hiện ra chính xác vào năm nào, nhưng theo tục truyền thì Đức Mẹ hiện ra vào lúc nước nhà đang xảy ra những cuộc nội chiến rất bi đát và lầm than trong khoảng thời gian từ năm 1765-1802, lúc mà vua Cảnh Thịnh – tức Nguyễn Quang Toản lên ngôi năm 1792 khi mới tròn13 tuổi – vị vua này rất ghét đạo công giáo và ra sắc chỉ cấm đạo rất nghiêm khắc từ Phú Xuân ra Bắc. Nhiều người công giáo cũng như không công giáo thuộc vùng Cổ Vưu, Thạch Hãn và Ba Trừ chạy vào tránh chiến tranh tại phường La Vang. Ban đêm họ họp nhau cầu nguyện và lần hạt Mân Côi và bỗng nhiên họ thấy một bà đẹp mặc áo choàng hiện ra gần cây đa cổ thụ, mà họ nhận biết là Đức Mẹ vì có bồng Chúa Hài Đồng và có hai thiên thần cầm đèn chầu. Đức Mẹ ngỏ lời an ủi và dạy họ bẻ lá cây xung quanh đó mà nấu nước uống thì sẽ được lành bệnh. Đức Mẹ còn hứa từ nay về sau những ai đến đây cầu khẩn Mẹ, thì Mẹ sẽ ban ơn phù trợ.
Từ ngôi chùa đến nhà thờ
Người xưa còn kể, người địa phương thường hay đến khấn vái dưới gốc cây đa ở phường La Vang. Khi biết có ”Bà Linh Thiêng” hiện ngự tại đây nên họ lập đàn cầu khẩn. Đến thời vua Minh Mạng, ba làng Thạch Hãn, Cổ Vưu và Ba Trừ lại chung nhau dựng chùa dưới gốc cây đa để cúng vái, những sau bị động họ phải rút lui. Sau những chuyện lạ xảy ra, ba làng bèn bàn nhau dâng chùa La Vang mới làm cho bên công giáo. Sau khi ông trùm Chức nhận đất và chùa ba làng nhượng cho, ông liền trình lên cha xứ. Ngôi chùa được biến thành đền thờ công giáo đầu tiên tại La Vang, ngay chính nơi Đức Mẹ hiện ra.
Như vậy, đền thờ Đức Mẹ La Vang đầu tiên, chính là ngôi chùa lợp lá thô sơ được sửa lại, do các anh chị em không công giáo nhượng lại năm 1798. Đền thờ này đã bị nhóm Văn Thân thiêu hủy vào năm 1885. Đến năm 1886, các cuộc cấm đạo có phần được thả lỏng, nên Đức Cha Gaspar Lộc quyết định xây cất cho Mẹ một ngôi thánh đường lợp ngói, và phải mất 15 năm mới hoàn thành (1886-1901). Lễ khánh thành từ ngày 06-08.08.1901 và cũng là Đại Hội Thánh Mẫu lần thứ nhất với 12.000 giáo dân từ nhiều nơi quy tụ về, ấy là chưa kể những anh em ngoài công giáo cũng đến chung vui. Từ đó cứ ba năm lại có một lần tổ chức Đại Hội Đức Mẹ La Vang. Từ năm1924 đến 1928, Đức Cha Eugène Allys Lý đã cho xây một đền thờ mới để thay thế ngôi đền thờ cũ đã bị hư hỏng và chật chội. Đền thờ được khánh thành trong ba ngày từ 20-23.08.1928 với giáo dân toàn quốc tham dự. Đây cũng là lần đầu tiên tổ chức Đại Hội La Vang cấp toàn quốc. Đã có đến 30.000 người tham dự.
Sau khi Đức Giáo Hoàng Yoan 23 chính thức thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam theo sắc chỉ ngày 24.11.1960, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn La Vang làm Trung Tâm Thánh Mẫu toàn quốc. Năm 1998, toàn thể Giáo Hội Việt Nam cùng với hết mọi người công giáo Việt Nam đang sống tại hải ngoại, đã long trọng mừng kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La vang (1798-1998).
Kể từ biến cố ”Tết Mậu Thân 1968” đến cuộc hành quân Hạ Lào tái chiếm Quảng Trị rồi đến mùa hè đỏ lửa 1972, Gio Linh và La Vang nằm trong vùng lửa đạn nên vương cung thánh đường La Vang đã bị bom đạn phá hủy, chỉ còn trơ lại mấy bức tường và một phần ngọn tháp cổ. Hiện nay Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đang mở rộng và xây lại vương cung thánh đường mới.
Tinh thần Mẹ La Vang
Lược qua những nét chính trong biến cố Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, chúng ta thấy rằng Mẹ La Vang chính là Mẹ của tình thương, Mẹ của ơn phù trợ, Mẹ của niềm tin Kitô hữu và là Mẹ của sự đoàn kết mọi tôn giáo.
Mẹ là Mẹ của tình thương, vì thấy con cái chìm sâu trong sầu bi khổ ải, trong hiểm nguy của rừng sâu nước độc, Mẹ đã thương hiện đến an ủi và chỉ cách chữa trị bệnh tật cho.
Mẹ là Mẹ của ơn phù trợ các giáo hữu, Mẹ đã xuất hiện bên con cái giữa lúc cô đơn cô thế để bênh đỡ, để chở che khỏi tay của những kẻ truy lùng người có đạo.
Mẹ là Mẹ của niềm tin Kitô hữu. Mẹ đã hiện ra tại linh địa La Vang này để củng cố niềm tin cho biết bao mạng người đã hy sinh mạng sống mình vì lòng tin yêu Chúa.
Mẹ là Mẹ của sự đoàn kết mọi tôn giáo tại quê hương chúng ta. Chính Mẹ đã chứng kiến tình đoàn kết giữa người công giáo và người không công giáo trong vùng. Những người không công giáo đã dựng nên chùa dưới gốc cây đa, nhưng sau lại nhường ngôi chùa này cho bên công giáo để làm đền thờ kính Đức Mẹ.
Ước mong mọi người công giáo Việt Nam – dù ở tại quê nhà hay sống tha hương nơi đất khách quê người – hãy sống trọn tinh thần Mẹ La Vang, để mãi mãi
”Mẹ là giọt nắng trên cây,
Ươm bao nhiêu ước mơ đầy mình con.
Mẹ là bóng mát đường quê,
Chở che con giữa bộn bề tháng năm”.
Kinh cầu Đức Mẹ La Vang
”Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang, đầy muôn ơn phước, ngời chói vạn hào quang,
muôn vàn Thần Thánh không ai sánh bằng.
Ðức Chúa Trời đã đoái thương chọn Mẹ, tinh tuyền thánh thiện, sinh Ðấng cứu độ muôn loài.
Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến, cứu giúp hộ phù tổ tiên chúng con lương giáo, giữa thời ly loạn cấm cách, khốn khổ trăm bề.
Từ ấy gót chân Mẹ bước đến, vẫn mãi đầy ơn thiêng.
Ơn phần hồn ơn phần xác, người bệnh tật kẻ ưu phiền,
nào ai cầu khẩn mà Mẹ không nhậm lời.
Lạy Mẹ Maria, Thánh Mẫu La Vang,
Mẹ là Thánh Mẫu Chúa Trời,
cũng là Thánh Mẫu loài người chúng con.
Cúi xin xuống phước hải hà,
đoái thương con cái thiết tha van nài.
Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu,
đại lượng bao dung,
cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.
Xin Mẹ phù hộ chúng con,
luôn sống đức hạnh, đầy lòng cậy trông.
Và sau cuộc đời nầy,
xin cho chúng con được về sống bên Mẹ,
hưởng vinh phúc trong Chúa Ba Ngôi muôn đời. Amen”.