NHƯ THẦY ĐÃ YÊU
Linh mục Phêrô NGUYỄN KIM THĂNG
Chúa Nhật V Phục Sinh Năm C
Vào năm 1995, xảy ra một trận động đất lớn chưa từng có ở Kôbê, nước Nhật, cả một thành phố hầu như đổ xuống thành một đống gạch vụn khổng lồ. Thiệt hại về người và của không biết cơ man nào mà kể. Các đội cứu hộ làm việc ngày đêm để lôi ra khỏi những đống gạch vụn vô vàn người chết, người bị thương.
Trong các tai họa vô cùng khủng khiếp ấy, người ta lại khám phá ra một câu chuyện hết sức cảm động, mà tiếng vang của nó còn mạnh hơn cả sức chấn động của cơn động đất.
Người ta kể lại rằng, đến ngày thứ hai của cuộc tìm kiếm nạn nhân, họ đào lên được dưới tòa nhà đổ nát hai mẹ con vẫn còn sống: Đứa con nhỏ khoảng mấy tháng tuổi vẫn còn thoi thóp, và người mẹ đã hoàn toàn bất tỉnh.
Sau khi cấp cứu cho hai mẹ con vượt qua cơn thập tử nhất sinh, các nhà báo đã phỏng vấn người mẹ:
– Làm thế nào mà cả hai mẹ con chị có thể sống được hai ngày dưới đống gạch vụn ấy?
Chị đáp:
– Tuy bị chôn vùi dưới tòa nhà đổ nát, nhưng có một cái đà đã che chắn cho mẹ con tôi. Sau vài tiếng đồng hồ thì con tôi quá đói vì hai bầu sữa của tôi cháu đã uống cạn. Tôi liền mò mẫm trong bóng tối và đụng phải một vật sắc bén. Tôi liền vồ lấy và rạch một đường nơi cổ tay, đẩy miệng con tôi vào cho cháu mút giòng máu nóng. Cháu yên lặng được vài tiếng thì cơn đói lại cào cấu, và cháu lại gào lên khóc. Tôi liền rạch thêm một đường nữa nơi cổ tay bên kia, đưa vào miệng cháu. Sau đó, tôi không còn biết gì nữa?
– Thế chị không nghĩ rằng làm như thế thì chị sẽ chết hay sao?
– Tôi không hề nghĩ đến cai chết của mình, mà chỉ nghĩ làm cánh nào cho con tôi được sống.
Tình yêu hy sinh quên mình, tình yêu hiến dâng mạng sống của người mẹ dành cho đứa con trong câu chuyện trên đây, là lời minh chứng hùng hồn cho lời dạy của Đức Kitô trong bài Tin Mừng hôm nay: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Yêu “Như Thầy đã yêu” chính là cúi xuống rửa chân cho nhau để bày tỏ một tình yêu sâu thẳm, cho dù người ấy là Giuđa, kẻ phản bội tình yêu.
Yêu “Như Thầy đã yêu” chính là hạ mình xuống ngang hàng với người mình yêu để cảm thông, chia sẻ và yêu thương như “Bạn hữu thân tình”.
Yêu “Như Thầy đã yêu” chính là “Yêu cho đến cùng”, yêu cho đến chết và chết trên thập giá.
Vâng, kể từ khi Con Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại cho đến cùng, thì luật yêu thương đã trở thành điều răn mới, mới ở đây chính là yêu “Như Thầy đã yêu”.
Chúng ta chỉ có thể yêu “Như Thầy đã yêu” khi chúng ta cảm nghiệm sâu xa tình yêu sâu nặng mà Người đã dành cho chúng ta.
Chúng ta chỉ có thể yêu “Như Thầy đã yêu” khi chúng ta dám quên mình, “bắt chước” Thầy, cúi xuống trước anh em.
Chúng ta chỉ có thể yêu “Như Thầy đã yêu” khi chúng ta dám xả thân, yêu cùng “mức độ” như Thầy, hiến dâng mạng sống cho anh em.
Như vậy, yêu “Như Thầy đã yêu” không phải là tình yêu vị kỷ (Eros) yêu người khác nhưng chỉ để lợi dụng, chiếm đoạt cho riêng mình, vì mình mà thôi; nhưng chính là tình yêu vị tha (Agapé) sẵn sàng hiến dâng, hy sinh cho kẻ khác.
Yêu “Như Thầy đã yêu” chính là một dòng chảy không ngừng. Từ suối nguồn yêu thương của Thiên Chúa tuôn đổ xuống chúng ta, qua Thánh Thần Tình Yêu của Người, rồi từ con tim tràn đầy yêu thương của chúng ta, dòng suối tình yêu lại tuôn tràn sang những người anh em khác.
Nếu tình yêu như một dòng chảy liên kết chúng ta lại với Chúa, thì chính tình yêu ấy cũng liên kết chúng ta lại với nhau. Và đó cũng chính là dấu chỉ của môn đệ Đức Kitô: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy. Là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Lạy Chúa. nếu đồng phục của người Ki tô hữu là yêu thương thì xin cho chúng con luôn tỏa sáng trong cuộc sống những lời nói yêu thương, những nghĩa cử nhân hậu, những hành động xả thân cho anh em, để xứng đáng làm môn đệ Đấng đã yêu thương chúng con cho đến cùng.
Xin cho suối nguồn tình yêu của Chúa tuôn chảy vào tâm hồn chúng con, không đọng lại như nước ao tù nhưng luôn là dòng chảy tình yêu đến với mọi người, để khắp thế giới tràn đầy tình yêu Chúa.
Amen.