“MC”

Nguyễn Trọng Lưu

 

Nguyên ngữ của từ “MC”

“Người hướng dẫn chương trình” – nay hay được gọi là “MC” – là từ gọi tắt từ tiếng Anh “Master of Ceremonies”, thường được hiểu là người hướng dẫn khán giả trong buổi trình diễn. Nhưng hiểu đúng theo nguyên ngữ của từ này, thì “MC” phải là “thày của các nghi lễ” – tức người điều khiển và giới thiệu thứ tự các phần trong một lễ.

Từ giữa thập niên 1970 – 1980, khi loại nhạc “hip-hop” thịnh hành, thì thuật ngữ “MC” dùng để chỉ người – mà bây giờ thường được gọi là “rapper”. Khi ấy, người ta coi “MC” là tiếng viết tắt của những cụm từ như “Microphone Controller”, “Mic Checka”, “Music Commentator”“Moves the Crowd”. Việc không thống nhất trong cách viết tắt này có thể là nguyên nhân khiến người dẫn chương trình ngày nay đảm đương nhiều nhiệm vụ khác nhau – chứ không chỉ thuần là dẫn chương trình – chẳng hạn giới thiệu những người trình diễn, nói và giao lưu với khán thính giả, hướng dẫn một buổi lễ, một cuộc họp. Người dẫn chương trình phải tự biên soạn và chính mình giới thiệu, dẫn dắt cho chương trình đó.

Tựu trung thì “MC” được hiểu là người có tính hoạt bát, tự tin trước công chúng, có kiến thức rộng, khôi hài, thanh lịch, duyên dáng, gây được uy tín với công chúng. “MC” có khả năng dẫn dắt chương trình như một nhịp cầu nối với khán giả, làm cho khán giả không chỉ say mê thích thú mà còn là một bộ phận không thể thiếu trong kết cấu chương trình. Chương trình có thành công hay không, phần nhiều là do tài năng của “MC”.

“MC” thật cần thiết cho một sinh hoạt tập thể. Nhờ “MC” mà tập thể gắn kết với nhau trong một niềm vui chung. “MC” được ví như một người lái đò đưa khách qua sông. “MC” dẫn khán giả đến với niềm vui còn mình thì chỉ vui vì niềm vui của người khác. “MC” hoàn toàn quên mình để làm cho người khác được nổi bật lên còn mình thì như người lái đò tiếp tục lặng lẽ đưa khách qua sông.

 

“MC” và “Ngôn sứ” 

Đọc Cựu Ước, chúng ta thấy rất nhiều người đã thực hiện vai trò “MC”, mà chẳng bao giờ được gọi là “MC” cả.

Một “MC” nổi tiếng đã dẫn đưa dân Israel ra khỏi ách nô lệ của Ai-cập đi vào miền đất hứa – mà chính “MC” đó,  vì cứng lòng không tin tưởng tuyệt đối vào lời Chúa Yahvê, nên chỉ được nhìn vào vùng đất đó chứ không được đặt chân vào. Đó là Maisen – mà trong thuật ngữ tôn giáo thường hay gọi là “ngôn sứ”. Vì Maisen không có tài ăn nói, nên Chúa Yahvê đã nói với ông rằng “chính ta sẽ ở với miệng ngươi và dạy cho ngươi những điều ngươi phải nói” (Xh. 4, 10)

 

Ngôn sứ là ai?

Trong lịch sử Cựu Ước, sau khi vua Salomon chết đi, thì con là Roboam lên nối ngôi cha. Dân xin vua giảm bớt thuế má và phục dịch, nhưng vua không cho, nên các chi tộc Israel ở phía bắc ly khai và tôn Yêrêboam lên làm vua. Roboam như vậy chỉ còn làm vua các chi tộc Yuđa ở phía nam mà thôi. Dưới thời các vua này, sự cách biệt và chênh lệch giữa người giàu và người nghèo càng ngày càng thêm sâu đậm. Người ta bóc lột lẫn nhau. Ngưòi có quyền thế thì lạm dụng địa vị của mình để hà hiếp người khác. Về mặt tôn giáo, vua Yêrêboam đã cho xây hai đền thờ ở hai đầu lãnh thổ, tại BêtelĐan, trong đó có đặt tượng bò để dân chúng tới tế lễ (1 Vua 12, 26-33): đó chính là một hình thức ly giáo và thờ ngẫu tượng. Còn tại Yuđa, vì đã có đền thánh Yêrusalem, nên dân chúng lên tế lễ tại đó, nhưng thay vì đi tế lễ với lòng khiêm cung thành khẩn, thì dân chúng lại chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài mà thôi.

Chính trong bối cảnh đó mà Yavê đã sai một số ngưởi đến cảnh tỉnh và kêu gọi dân chúng hãy trung thành với giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân ngài trên núi Sinai: đó chính là các ”NABI” hay các ”NGÔN SỨ”. Họ là những người được tuyển chọn, được kêu mời ra đi loan báo Lời Chúa. Đọc những trình thuật Thiên Chúa kêu gọi Maisen (Xh. 3-4), Samuel (1 Sam. 3), Isaia (Is. 6) Yêrêmia (Yr. 1, 4-10), chúng ta thấy ơn gọi của các ngôn sứ được mô tả như một tiếp xúc gần như thể lý với Thiên Chúa. Các ông trông thấy, nghe thấy và được Thiên Chúa đụng chạm tới và qua những cảm nghiệm đó, các ông được thánh hóa, được trao ban Lời Chúa và gần như bị bắt buộc phải ra đi làm ngôn sứ. Từ đó tất cả đời sống của các ông gắn liến với sứ mạng này. Các ông luôn luôn xác tín rằng, lời các ông nói là Lời Chúa, thế nên lúc nào các ông cũng mạnh dạn công bố mà không chút sợ khó khăn, nguy hiểm: ”Này Ta đặt lời lẽ của Ta trong miệng các ngươi” (Yr. 1, 9).

Như vậy các “ngôn sứ” đã thực hiện công việc của một “MC” trong lịch sử dân Chúa: các ngài dẫn dắt chương trình cứu độ, bắc một nhịp cầu nối trời với đất, thông truyền ý Chúa Yahvê cho dân được tuyển chọn. 

 

Mẫu mực của các “MC”: Thánh Yoan tiền hô

Nhưng một người – có lẽ phải gọi là mẫu mực của các “MC” – mà chính Đức Kitô khi nói về người đó đã nói rằng trong những con người được sinh ra, không ai lớn hơn người đó (Lc. 7, 28): đó là Thánh Yoan tiền hô (người đi loan báo trước) – cũng được gọi là Yoan tẩy giả (sứ giả của thánh tẩy). Ngài là con của tư tế Zacharia và bà Elisabeth được ghi lại trong Tin Mừng Luca 1, 1-25 – mà

nếu những ai đi viếng Thánh Địa ngày nay, còn có thể tận mắt nhìn thấy những dấu vết nơi Ngài đã sống trong hang Qûmrun nữa.

Ngài là một “MC” tuyệt vời và là mẫu mực của các “MC”. Ngài giới thiệu Đức Yêsu Kitô cho người khác và là người dẫn chương trình cho Đấng Thiên Sai thực hiện lời hứa. Ngài đã hoàn thành xuất sắc bổn phận của mình là dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ngài đã làm cho Đức Chúa được lớn lên còn chính mình thì nhỏ bé lại (Luca 3, 1-22)

Nét đẹp của Yoan không phải ở sự duyên dáng bên ngoài hay ăn nói văn chương mà nét đẹp của Yoan hệ tại ở đời sống giản dị, khiêm nhường. Ngài không dùng ngôn từ hoa mỹ nhưng rất chính xác và dõng dạc “cái rìu đã kề bên gốc cây, nếu không sinh trái sẽ đốn đi”. Ngài mời gọi mọi người hãy làm một việc gì đó để làm đẹp lòng Đấng Cứu Thế. Việc mà Yoan mời mọi người cùng tham gia chính là “hãy sám hối để dọn đường Chúa đến”. Ngài không sống xa hoa ở đô hội mà vào hoang địa sống khổ hạnh, mặc áo lông thú, ăn châu chấu và uống mật ong.

Yoan dành trọn thời giờ sống cho Chúa và với Chúa để nhờ đó mà Ngài có thể giới thiệu Chúa cho trần gian.

 

Bí tích rửa tội và ơn gọi làm “MC” cho nước Trời

Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, mỗi người chúng ta đều được xức dầu thánh hai lần và qua đó được kêu gọi làm “MC” cho nước trời.

Lần thứ nhất trước khi dội nước, Linh Mục xức dầu “katekumene” và đọc: “… vi beder Dig løse dette barn fra menneskeslægtens synd og gøre det til dit tempel og Helligåndens bolig”. Trong Tin Mừng Marcô 14, 61-62Yoan 5, 29; 9, 35-37, Chúa Kitô tuyên nhận rằng mình có Thần Chúa ở trong lòng. Thánh Phaolô cũng công bố như vậy trong 1 Cor. 7, 40. Chính niềm xác tín về thân thế và sứ mạng của mình đã làm cho Đức KitôThánh Phaolô suốt đời sống và đi rao giảng, để làm cho người khác cũng được Thần Chúa ngự trong lòng như vậy.

Chúng ta có thể mượn thuyết ”CHÍNH DANH” của Đức Khổng để áp dụng vào việc dấn thân trong tinh thần Kitô giáo này. Đức Khổng cũng đã xác tín rằng mình được thông phần bản tính của TRỜI – khi trong Kinh Thi, Ngài tự ví mình như Văn Vương – thế nên sứ mạng của Ngài là chỉ vẽ cho con người biết đường phát huy thiên đạo (dạy cho con người biết mình có Thượng Đế ở trong lòng, nên phải tu luyện sống hoàn thiện phối kết với Thượng Đế), nhân đạo (dạy cho con người biết sống theo ”tam cương” và ”ngũ thường”)và vật đạo (dựng xây một xã hội giàu có, phát đạt). Đó chính là ý nghĩa của câu ”suất tinh chi vị đạo” trong sách Trung Dung. Còn trong sách Đại Học, Đức Khổng lại gọi là đó cái học lớn nhất ”đại học chi đạo, tai minh minh đức”.

Nếu chúng ta là Kitô hữu – tức người có Chúa Kitô trong lòng – thì chúng ta cũng phải sống đúng cái ”chính danh” đó, sống như Chúa Kitô đã sống và đã làm gương cho chúng ta. Hay nói cách khác, phải làm ”sáng cái đức sáng” đã có sẵn trong chúng ta – tức là làm sáng Thần Chúa ở trong ta ra cho mọi người. Thần Chúa đó chính là Tình-Yêu: yêu Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn và yêu tha nhân như chính mình ta.

Lần thứ hai, sau khi đã dội nước, Linh Mục xức dầu ”krisam” và đọc: ”… som nu er indlemmet i Guds folk, må have evigt fællesskab med Kristus vor Yperstepræst, Profet og Konge”. Như thế có nghĩa là từ giờ phút này, người được rửa tội mang trong mình ơn gọi và sứ mệnh làm ngôn sứ (profet) của Thiên Chúa, mà theo ngôn từ ngày nay, là ”MC” của Đức Chúa.

Nếu qua bí tích rửa tội chúng ta đã được kêu mời làm ngôn sứ – làm sứ giả của Lời Chúa, làm ”MC” của Đức Chúa – mà Lời là chính Chúa (Yoan 1, 1) – thì chúng ta cũng phải mạnh dạn rao truyền Lời Chúa cho mọi người, làm chứng từ cho TÌNH-YÊU để cho mọi người nhìn chúng ta như những ”dấu chỉ” về Thiên Chúa, như Công Đồng Vatican 2 đã nói trong sắc lệnh về việc tông đồ giáo dân ”Apostolicam Actuositatem”, chương 1, số 2-4).

Người Kitô hữu – đặc biệt các linh mục, tu sĩ – cũng được mời gọi trở thành “MC” của Nước Trời: dẫn người ta đến với Chúa để cùng sống Lời Chúa. Một “MC” chính danh phải làm Chúa lớn lên còn mình luôn phải nhỏ bé lại. Nếu một “MC” tài năng không chỉ giỏi chuyên môn, kiến thức rộng mà biết linh động sáng tạo trong những trường hợp cụ thể, thì một “MC” Kitô hữu cũng không chỉ dừng lại ở việc giỏi Kinh Thánh mà còn biết áp dụng và sống từng lời Kinh Thánh trong những biến cố cụ thể hằng ngày.

Cuộc sống tốt đẹp biết bao nếu có những con người biết làm cho môi trường được phúc âm hóa. Cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao nếu có những người biết dẫn người khác cùng sống lời Chúa, cùng thực thi Lời Chúa. Xin cho chúng ta biết sống Lời Chúa trong chính cuộc sống của mình, dám làm chứng cho Tin Mừng bằng cả cuộc sống và là những trang tin mừng sống được mở ra.

Ước gì chúng ta mãi mãi là những “MC” chính danh, dẫn người khác đến với niềm vui của Nước Trời.