Nguyễn Trọng Lưu
Đôi dòng lịch sử
Cách đây hơn một năm, trong loạt bài ”Tìm hiểu các tôn giáo” – tôi đã trình bày về ”Đạo ông bà”, ”Đạo Phật”, ”Khổng Giáo”, ”Lão Giáo”, ”Đạo Cao Đài”, ”Phật Giáo Hòa Hảo” và ”Hồi Giáo”. Và gần đây, nhiều anh em đã ngỏ ý muốn tìm hiểu về ”Đạo Tin Lành”, ”Anh Giáo” và ”Chính Thống Giáo” – nên tôi sẽ lần lượt viết về ba đạo này.
Danh xưng ”Tin Lành” thường được dùng để chỉ một cộng đồng các giáo hội phát sinh từ cuộc cải cách tôn giáo bắt đầu vào thế kỷ 16 với Martin Luther (1483-1546), một tu sĩ người Đức thuộc Dòng Thánh Augustinô. Lúc đó, Giáo Hội đang trải qua những thảm trạng – như việc buôn thần bán thánh (buôn bán các chức vụ trong Giáo Hội; ân xá được Giáo Hội bán như một món hàng); nhiều tu sĩ nghèo và hủ hóa đã ăn ở với các phụ nữ, bất chấp luật độc thân của giáo Hội. Mục tiêu ban đầu của Luther là kêu gọi cải cách từ bên trong Giáo Hội Công Giáo Rôma, nhưng về sau ông lại tách rời khỏi Giáo Hội Công giáo và lập thành Giáo Hội Luther. Cũng trong khoảng thời gian đó, đó tại Âu châu – nhiều người có quan điểm tương tự với Luther – như Jean Calvin, (người Pháp – 1509-1564); Ulrich Zwingli (người Thụy Sĩ – 1484-1531) cũng đồng quan điểm với Luther và sau đó thành lập các giáo phái khác nhau. Tất cả được gọi dưới tên chung là ”Giáo Hội Thệ Phản” – là một trong ba nhánh chính của Kitô Giáo, cùng với Giáo Hội Công Giáo Rôma và Chính Thống Giáo Đông phương – mà sau này hay được gọi là ”Tin Lành”.
Thuật ngữ ”Protestantismus – Thệ Phản” có gốc từ tiếng Latin ”protestatio” – nguyên nghĩa là ”tuyên bố” hoặc ”phản đối”. Đúng ra chúng ta phải gọi nhóm này là Giáo Hội Cải Cách (Reform Church) hoặc Giáo Hội Thệ Phản (Protestantism). Nhưng trước thời điểm xảy ra kháng thư vào tháng 4 năm 1529, người ta đã dùng thuật từ ”evangelisch” – gốc từ tiếng Hy Lạp – có nghĩa là ”Phúc Âm” hay ”Tin Lành” để gọi những người theo cuộc cải cách này. ”Phái Tin Lành” chỉ là một hệ phái lớn trong Kitô Giáo, nhưng vì hệ phái tin lành sang Việt Nam sớm nhất, phát triển mạnh và nhanh, nên người Việt mình quen gọi chung tất cả các hệ phái ấy bằng tên gọi ”Đạo Tin Lành”. Hiện nay có hàng chục ngàn giáo phái tin lành ở Mỹ, hoạt động với nhiều danh xưng khác nhau, nhưng ít nhiều đều có có liên hệ đến nguồn gốc thệ phản nói trên – mà lớn hơn cả là ”phái Methodist”; ”phái Pentecostalism”; ”phái Liberalism”; ”phái Fundamentalism” và ”phái Neo-evangelicalism”.
Những điểm chính của thần học tin lành
Những luận điểm chính của thần học Tin Lành được tóm tắt trong những điểm sau đây – mặc dù không phải tất cả các Giáo Hội Tin Lành đều tin như vậy:
Chỉ có Chúa Kitô là Đấng hòa giải duy nhất giữa Thiên Chúa và con người (1 Ti. 2, 5): Ngoài một mình Chúa Yêsu ra, không có một ai khác có thể làm trung gian hòa giải hoặc cầu thay cho con người, kể cả Mẹ Maria, các tông đồ và thánh tử đạo.
Thánh kinh là thẩm quyền duy nhất cho lời giáo huấn của các tông đồ: Tín hữu Tin Lành tin rằng truyền thống tông đồ chỉ có thể xuất phát từ các tông đồ là những người được chọn bởi chính Chúa Yêsu, và như thế các truyền thống này chỉ có thể tìm thấy trong Kinh Thánh được viết bởi các tông đồ mà thôi (1. Cor. 11, 2; Ga. 1. 8; 2 Tes. 2, 15). Vì vậy Tín đồ Tin Lành tin rằng chỉ có Kinh Thánh là chân truyền từ các tông đồ, hợp pháp và là tiêu chuẩn cho đức tin. Tín hữu Tin Lành bác bỏ niềm tin Công Giáo cho rằng Giám Mục Roma – tức Đức Giáo Hoàng là kẻ kế vị các tông đồ và giáo huấn của Ngài duy nhất có thẩm quyền tông đồ.
Duy chỉ có đức tin vào Chúa Yêsu mới giải thoát con người: Trái với giáo lý công giáo về công đức (Yacobê 2, 24: 1. Cor. 13, 2), về sự ăn năn và các ân xá, việc cầu nguyện và lễ cầu cho người chết, công đức của các thánh và của người tử đạo và về ngục luyện tội, tín đồ Tin Lành tin rằng mọi tín hữu đều là thầy tế lễ, được hoà giải với Thiên Chúa chỉ bởi đức tin vào Chúa Yêsu mà thôi (Rom. 3, 28; Eph. 2, 8-9).
Ơn cứu rỗi hoàn toàn là ơn ban của Chúa : Đối nghịch với giáo lý công giáo cho rằng cả đức tin và công đức là cần thiết cho sự xưng công bình (Eph. 2, 8-9; Gal. 5, 6), các nhà thần học tin lành tin rằng sự cứu rỗi hoàn toàn là ân ban từ Thiên Chúa, với tác động của Chúa Thánh Linh, do sự cứu chuộc của Chúa Yêsu, chứ không bởi công đức của tín hữu.
Sống để tôn vinh danh Chúa: đối nghịch với niềm tin cho rằng con người sống để khẳng định cái tôi và thể hiện chính mình, các nhà thần học Tin Lành cho biết Kinh Thánh khẳng định rằng mục đích sống duy nhất mà Thiên Chúa ban cho con người, đó là để sống vì Thiên Chúa và tôn danh Thiên Chúa (Col. 1,16; Isaia 43, 6-7, 21; 2. Cor. 5,15).
Một số điểm căn bản về sự khác nhau giữa Đạo Công Giáo và Đạo Tin Lành
Đạo Tin Lành có rất nhiều tổ chức và hệ phái khác nhau, nhưng nhìn chung, tất cả đều có sự thống nhất về nội dung và các nguyên tắc chính.
Nếu so sánh Đạo Tin Lành và Công giáo về các phương diện như giáo lý, luật pháp, lễ nghi, và tổ chức thì chúng ta thấy có những điểm tương đồng và những điểm dị biệt như sau:
Những điểm tương đồng
Hai đạo đều tôn thờ một Thiên Chúa ba ngôi: CHA, CON và THÁNH THẦN cũng như tin Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất, vũ trụ và vạn vật, tin con người do Thiên Chúa tạo ra, có tội tổ tông, tin Ngôi Hai là Đức Chúa Yêsu giáng trần, chịu nạn và chết trên thánh giá để chuộc tội cho loài người, tin vào sự phục sinh và ngày phán xét chung.
Những điểm dị biệt
1.Kinh thánh
Hai đạo đều lấy Kinh Thánh gồm Cựu Ước và Tân Ước làm nền tảng Giáo lý. Nhưng đạo Tin Lành không tin tưởng những điều nào ngoài Kinh Thánh.
Bên công giáo cho rằng, ngoài Kinh Thánh còn có các văn bản khác không kém phần quan trọng là các Nghị quyết của các Công Đồng Chung, các Thông điệp và Sắc chỉ của Đức Giáo Hoàng.
2. Về phương diện tổ chức
Đạo Tin Lành không lập ra một Tổ chức Giáo Hội Trung Ương như Công giáo, mà lại xây dựng nhiều giáo hội riêng rẽ, độc lập và tự trị. Dưới Giáo Hội là các Chi Hội. Đại Hội các cấp của Giáo Hội Tin Lành được gọi là Đại Hội Đồng, có toàn quyền quyết định các công việc của toàn Giáo Hội.
3. Đức Mẹ Maria.
Đạo Tin Lành chỉ xem Mẹ Maria đồng trinh cho đến khi sinh Chúa Yêsu và chỉ coi bà là mẹ trần thế của Chúa Kitô, nên chỉ tôn trọng chứ không tôn kính Mẹ Maria như Công giáo.
4. Các Tông đồ, thiên sứ
Đạo Tin Lành tin có Thiên sứ, có Thánh Tông đồ, các Thánh Tử đạo, và các Thánh khác, nhưng không tôn kính các ngài như Đạo Công Giáo.
Đạo Tin Lành không kính thờ các tranh ảnh, hình tượng, không tôn sùng và không thực hiện việc hành hương đến thánh địa Jérusalem, núi Sinai, đền Thánh Phêrô và Phaolô.
5. Linh mục
Giáo sĩ của Đạo Tin Lành chỉ có 2 bậc : Mục Sư và Truyền Đạo (cũng gọi là Giảng Sư). Giáo sĩ Tin Lành được phép có vợ và con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình bình thường như bao nhiêu người khác, không buộc phải giữ độc thân như các Linh Mục Công giáo.
Tín đồ Đạo Tin Lành, muốn lên làm Mục Sư, thì phải học đạo, qua thời gian tập sự rồi mới được bổ nhiệm chức Truyền Đạo. Một thời gian sau, nếu xét thấy có nhiều khả năng thì mới phong lên hàng Mục Sư.
Việc phong chức và bổ nhiệm 2 chức Truyền Đạo và Mục Sư do một Hội Đồng đặc biệt của Giáo Hội quyết định.
Các Mục Sư Tin Lành không có quyền thay mặt Thiên Chúa để chúc phúc hay tha tội cho tín đồ, mà cũng không phải là cầu nối trung gian giữa Thiên Chúa và tín đồ. Điều này hoàn toàn trái ngược với các Linh Mục Công giáo La Mã.
6. Luật lệ và lễ nghi
Luật lệ và Lễ nghi của Đạo Tin Lành rất đơn giản so với Công giáo. Đạo Tin Lành là một tôn giáo đề cao lý trí trong Đức Tin, cho rằng ơn cứu độ chỉ đến bởi Đức Tin và không quan trọng các nghi lễ.
7. Phép bí tích
Trong 7 Phép Bí tích của Công giáo, Đạo Tin Lành chỉ thừa nhận 2 Bí tích sau đây:
– Bí tích Rửa tội
– Bí tích Thánh Thể
vì họ cho rằng, trong Kinh Thánh Tân Ước chỉ có ghi 2 Bí tích đó mà thôi.
Nghi lễ rửa tội của Đạo Tin lành được tiến hành theo lối cổ như Thánh Yoan rửa tội cho Chúa Yêsu trên sông Jordan bằng cách dìm cả người xuống nước, chớ không chỉ dội một ít nước lên đầu một cách tượng trưng như Đạo Công giáo.
Đạo Công Giáo nhận sự biến thể qua lời truyền phép của linh mục trong Thánh lễ: bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa, còn đạo Tin Lành không công nhận việc biến thể trong Tiệc Thánh và cho rằng đó chỉ là kỷ niệm về cái chết của Chúa Kitô và bánh, rượu chỉ tượng trưng cho Mình Chúa và Máu Chúa.
8. Chuộc tội
Đạo Công giáo cho rằng, con người không những phải làm việc thiện mà còn phải hãm mình để chuộc tội.
Đạo Tin Lành quan niệm việc chuộc tội cho loài người đã có Chúa Jésus làm trọn rồi, nên con người làm việc thiện là để tỏ ra xứng đáng với Thiên Chúa và được Thiên Chúa cứu vớt.
9. Xưng tội
Tín đồ Công giáo xưng tội kín với Linh Mục; còn Đạo Tin Lành thì tín đồ chỉ xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa mà thôi.
10. Sự khác biệt về nhà thờ công giáo và nhà thờ tin Lành:
Nhà Thờ công giáo được xây dựng qui mô và rất tốn kém, kiến trúc theo lối cổ, bài trí công phu và cho rằng đây là nơi Chúa ngự một cách linh thiêng, đặc biệt – trong và ngoài nhà thờ đều có nhiều ảnh tượng.
Nhưng trái lại, nhà thờ tin lành thường theo kiến trúc hiện đại, đơn giản, không treo tượng ảnh. Bên trong nhà Thờ chỉ có đặt một cây Thánh giá – ghi nhớ việc Chúa chịu nạn.
Đó là những khác biệt căn bản giữa Công Giáo và Tin Lành nói chung. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo vẫn hướng về các anh em ly khai này qua phong trào đại kết và mong ước đạt được sự hiệp nhất với họ – mà Giáo Hội vẫn theo đuổi và cầu nguyện trong nhiều năm qua. Chúng tôi sẽ trình bày về phong trào đại kết trong một bài riêng.
Chúng ta tiếp tục cầu xin cho mục đích hiệp nhất này giữa những người có chung niềm tin vào Chúa Kitô nhưng không hiệp thông và hiệp nhất với Giáo Hội Công Giáo, là Giáo Hội duy nhất Chúa Yêsu đã thiết lập trên nền tảng Tông Đồ Phêrô, với Đức Thánh Cha, cũng chính là Giám Mục Rôma coi sóc và lãnh đạo – với sự cộng tác và vâng phục trọn vẹn của Giám Mục Đoàn.