Nguyễn Trọng Lưu
Tân ước là gì?
Từ ”Cựu Ước” dùng để chỉ giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái trên núi Sinai, qua ngôn sứ Môsê làm trung gian (xem Xuất hành 24, 1-8; 34, 10, 28; Lev. 26, 3-45). Nhưng dân Do Thái đã không trung thành giữ lời giao ước nên Thiên Chúa đã hứa sẽ ký kết một giao ước mới – gọi là Tân Ước (TƯ) – được ký kết bằng máu Chúa Kitô đổ ra trên thập giá (Mat. 26-28).
TƯ gồm có 27 cuốn và cũng được chia thành ba loại: lịch sử (4 Phúc Âm và Công Vụ Tông Đồ); giáo huấn (các thơ của Thánh Phaolô và các thơ chung) và tiên tri (sách Khải Huyền).
Tuy do nhiều tác giả khác nhau biên soạn trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều có một sự duy nhất, hòa hợp nói về lịch sử cứu độ.
Những sách Tân Ước
Là 27 cuốn sách thánh riêng của Kitô hữu, nguyên văn bằng tiếng Hy Lạp, được thành hình trong nửa sau của thế kỷ thứ nhất sau công nguyên và được phân loại như sau:
Lịch sử Tin mừng theo Thánh Matthêu Mt
Tin mừng theo Thánh Marcô Mc
Tin mừng theo Thánh Luca Lc
Tin mừng theo Thánh Yoan Yn
Công vụ các Tông đồ Cv
Giáo Huấn gồm các Thơ Thánh Phaolô
gởi tín hữu Rôma Rm
gởi tín hữu Côrintô 1 1 Cr
gởi tín hữu Côrintô 2 2 Cr
gởi tín hữu Galata Gl
gởi tín hữu Êphêsô Ep
gởi tín hữu Philipphê Ph
gởi tín hữu Côlôsê Co
gởi tín hữu Tessalônica 1 1 Th
gởi tín hữu Tessalônica 2 2 Th
gởi cho Timôtê 1 1 Tm
gởi cho Timôtê 2 2 Tm
gởi cho Titô Tt
gởi cho Philêmon Plm
gởi tín hữu Do Thái Hr
Các thơ chung
của Thánh Yacobê Yc
của Thánh Phêrô 1 1 P
của Thánh Phêrô 2 2 P
của Thánh Yoan 1 1 Yn
của Thánh Yoan 2 2 Yn
của Thánh Yoan 3 3 Yn
của Thánh Yuda Yd
Tiên tri Sách Khải Huyền Kh
Theo báo cáo của Hiệp Hội Thánh Kinh Hoa Kỳ vào tháng 2 năm 2019 – thì hiện nay toàn bộ Thánh Kinh có thể đọc được bằng 692 ngôn ngữ. Riêng Tân Ước đã được dịch sang 1547 ngôn ngữ – trong khi có khoảng 7350 thứ ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
Phúc Âm – có nghĩa là ”Tin Mừng” – đặt nền tảng vì kể lại cuộc đời của Yêsu. Phúc Âm không phải là một ký sự (chronologie) nhưng chỉ ghi lại những lời giảng đầu tiên của các Tông Đồ về đời sống và cuộc tử nạn của Đức Yêsu, Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa; Đấng Cứu Chuộc nhân loại và là Ngôi Lời Nhập Thể.
Công vụ các Tông Đồ ghi lại những bước đầu của nước Chúa nơi người Do Thái cũng như nơi chư dân.
Các thơ Thánh Phaolô và các thơ chung giải thích giáo thuyết của Chúa Yêsu về tín lý, luân lý và mục vụ. Trong các thơ đó chúng ta cũng gặp thấy nhiều yếu tố về tình trạng Giáo Hội sơ khai, những mong ước và đời sống Giáo Hội lúc ban đầu.
Sách Khải Huyền – là mặc khải của Chúa Kitô bằng những hình ảnh kỳ diệu mô tả cuộc giao tranh và chiến thắng của nước Chúa. Cuộc chiến thắng đó bắt đầu từ khi Chúa Kitô dâng mình chịu chết trên Thánh Giá (Con Chiên bị giết) và tiến tới tột đỉnh trong việc tái lập vinh quang của Thiên Chúa trong ngày tận thế, nơi thành đô hạnh phúc mà đền thờ là Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên (Kh. 21-22).
Ba Phúc Âm Thánh Matthêu, Thánh Marcô và Thánh Luca có những liên quan mật thiết và giống nhau về cách bố cục, về những câu chuyện kể lại, về ngữ vựng và cách trình bày giáo huấn của Chúa Yêsu nên người ta gọi ba Phúc Âm đó là Phúc Âm nhất lãm – bởi ba Phúc Âm đó giống nhau đến nỗi người ta có thể xếp thành ba cột song song với nhau và với một cái nhìn có thể bao quát được cả câu chuyện kể lại.
Còn Phúc Âm thứ tư – Phúc Âm Thánh Yoan – là một đơn vị hoàn toàn độc lập, với nhiều tường thuật mà niên biểu và thời gian kéo dài khác nhau. Phúc Âm Thánh Yoan khác với Phúc Âm nhất lãm trong việc kể lại các phép lạ và nhất là Lời Chúa dạy, với những cách hành văn độc đáo và những ngữ vựng riêng biệt.
Nhưng cái khác biệt lớn nhất là chiều sâu, bởi Phúc Âm Thánh Yoan được viết trong suy niệm, với kinh nghiệm của đời sống Kitô hữu và do mặc khải của Chúa Thánh Thần. Thánh Yoan đã đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Kitô hơn ba thánh sử trước – thế nên nhiều nhà chú giải Thánh Kinh nhận định rằng Phúc Âm Thánh Yoan là một trước tác thần học – luôn bao quát cả quá khứ, hiện tại lẫn tương lai – như lời nguyện của Chúa Yêsu lúc sinh thời: ”Con muốn là con ở đâu, chúng cũng được ở đó với con, để chúng được chiêm ngắm vinh quang của Con, vinh quang Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu mến con trước khi vũ trụ được tạo thành” (Yn. 17, 24).
Cách dẫn câu trong Thánh kinh
Thí dụ: dẫn sách Samuel quyển thứ nhất
1 Samuel 2 chương 2
1 Samuel 2-4 chương 2 đến chương 4
1 Samuel 2, 6 chương 2, câu 6
1 Samuel 2, 6.9 chương 2, câu 6 và câu 9
1 Samuel 2, 6-9 chương 2, câu 6 đến câu 9
1 Samuel 2, 1-3,5 từ chương 2, câu 1 đến hết câu 3 và câu 5
1 Samuel 2, 6; 3, 5-7 chương 2, câu 6 và chương 3, câu 5 đến hết câu 7
Các Thánh Vịnh
Thí dụ: Thánh vịnh 136 (135). Thánh vịnh 136 theo bản Hebreux, tức Thánh vịnh 135 theo bản Hy Lạp. Nếu chỉ dẫn có một số, thì số đó là theo bản Hy Lạp.
Phương pháp học hỏi Thánh kinh
Vì Thánh Kinh là một bộ sách vừa nhân loại vừa thiên linh, nên khi học hỏi Thánh Kinh chúng ta phải theo một vài quy tắc như sau (MK 12):
Học Thánh Kinh như một bộ sách cổ: Xét theo thời gian, Thánh Kinh xa chúng ta từ 2000 đến 3000 năm, lại là sách của một dân xa cách chúng ta trong không gian, với những suy tưởng và diễn tả rất khác chúng ta. Vì thế muốn hiểu các tác giả Thánh Kinh muốn nói gì, chúng ta phải đọc văn bản trong nguyên ngữ – hay ít ra trong một bản dịch đúng; tìm hiểu nghĩa chính trong đoạn văn và trong văn mạch; đối chiếu với những chỗ khác và giống ý hoặc lời để làm sáng tỏ ý nghĩa; tìm cho biết đoạn văn đó thuộc thể văn nào (sử, truyện, thi ca hay tiên tri…) vì sự thật được trình bày và diễn tả khác nhau trong những bản văn thuộc những thể văn khác nhau; và cuối cùng là tìm biết tác giả đã viết trong hoàn cảnh nào, viết cho ai, với mục đích gì.
Học Thánh Kinh như một bộ sách linh ứng: Thánh Kinh là bộ sách mà Thiên Chúa là tác giả, nên muốn biết Thiên Chúa nói gì, chúng ta phải: đặt mỗi đoạn văn trong toàn bộ mặc khải, vì Thánh Kinh có tính cách duy nhất và Thiên Chúa qua các tác giả thuộc nhiều thời đại khác nhau cũng chỉ muốn thực hiện chương trình cứu độ duy nhất của Ngài. Hơn thế, còn phải hiểu Thánh Kinh trong truyền thống của Giáo Hội – vì Giáo Hội được Thiên Chúa trao phó sứ mạng gìn giữ Lời Chúa và truyền lại cho chúng ta. Cuối cùng, nếu Thánh Kinh là lời cứu độ cho chúng ta, thì phải đọc Thánh Kinh trong chiêm niệm và cầu nguyện – để Lời Chúa thấm nhập vào chúng ta đồng thời trở nên ánh sáng và sức mạnh cho chúng ta (MK số 21 và 22).